“SAU 30 NĂM, CỜ SEN TRẮNG TUNG BAY BÊN ĐÀI LỤC HOÀ, BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ THỐNG NHẤT Ý CHÍ, TƯ TƯỞNG, HÀNH ĐỘNG CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM…”

Ý tưởng xây dựng một nơi làm Trại trường huấn luyện huynh trưởng cho GĐPTVN bắt nguồn từ Đại hội Huynh trưởng năm 1964 và được thực hiện từ năm đầu của thập niên 1970. GĐPT đã không dựng cho mình một văn phòng để làm việc tương xứng với sự lớn mạnh của Tổ chức, mà chọn phương án xây dựng biểu tượng của sự thống nhất ý chí, tư tưởng, hành động cho mọi đoàn viên. Đài Lục Hoà bắt đầu được xây dựng từ kinh phí góp nhặt từng viên gạch đóng góp của đoàn sinh, huynh trưởng GĐPTVN, đã trở thành nơi hướng về của mọi trái tim Lam.

Cuối tháng 12 năm 1972. Lễ khánh thành tượng đài đã tổ chức trong khung cảnh của Liên trại huấn luyện Huynh trưởng và cũng chính tại nơi đây, lần đầu tiên trong tiến trình lịch sử của GĐPTVN, Trại Vạn Hạnh I được khai mở.

Thế rồi, đất nước thống nhất. Trước bao khó khăn trở ngại, những thế hệ huynh trưởng xuất thân từ Trại trường đã kiên trì duy trì sự sinh hoạt của mình và GĐPTVN trở thành đoàn thể thanh niên của miền Nam duy nhất còn sinh hoạt. Năm 1981 sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức xoá bỏ danh hiệu của Tổ chức, phủ nhận sự có mặt của một đoàn thể mà dòng Lam sử đã gắn liền với Đạo pháp và dân tộc, phủ nhận sự tồn tại của một tượng đài dù rằng nó đang còn hiện hữu, đã đưa GĐPTVN bước vào giai đoạn khó khăn trên pháp lý, GĐPTVN đã không còn được tổ chức những cuộc trại dưới chân tượng đài.

Thế nhưng, năm 1995 trước những mưu đồ lập lờ nhằm biến GĐPTVN thành một hội đoàn xa rời mục đích giáo dục của mình. Thật bất ngờ, Hội đồng Huynh trưởng cấp Tấn đã hội tụ về nơi đây, dưới chân tượng đài để bổ sung một Ban hướng dẫn Trung ương mà kẻ mất người còn sau 20 năm ly tán, xác định lại chủ quyền danh hiệu tổ chức GĐPTVN.

Tôi đã nhiều lần mơ ước từ thời niên thiếu khi lớn lên được trở về đứng trước tượng đài, nhưng lại trưởng thành vào những ngày đất nước được thống nhất, nên đã nhiều lần trở về mà lòng không khỏi ngậm ngùi vì vắng bóng màu áo Lam. Tượng đài còn đó, lắng nghe trong tiếng gió rung nhẹ cành thông mang theo lời trầm lắng của hồ Than Thở, và những lần sau này khi trở lại, tôi đã phải mua vé vào cửa để nhìn lại tượng đài với những phiến đá khắc tên từng đơn vị tỉnh thành trên mọi miền đất nước mà màu áo Lam đã có mặt.

Ba mươi năm qua, GĐPTVN đã phát triển khắp nơi trên thế giới, nhưng chưa một lần GĐPT được trở về dưới chân tượng đài, Nếu “Từ Đàm quê hương tôi” là cái nôi phát sinh của một phong trào, thì “Tượng đài Lục Hoà với hình tượng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm lại là biểu tượng của trái tim của Tổ chức”. Một điều đớn đau nghịch lý đã từng ray rức tâm hồn tôi – Vì tại các quốc gia mà màu áo Lam đang hiện hữu tất cả đều công nhận sự có mặt của tổ chức này, trong khi đó, nó lại bị chối bỏ trên chính quê hương mà nó đã phát sinh và hình thành.

Tôi đã thật bất ngờ khi được tin Trại Hạnh của tỉnh Lâm Đồng sẽ được tổ chức tại Trại trường Đà Lạt, đã khơi lên sức sống của dòng máu Lam, Từ một nơi cách xa hàng mấy trăm cây số, tôi lên đường để trở về Trại trường, tìm lại không gian xưa kia để sống lại khung cảnh lều trại với màu áo Lam mà tôi đang mặc.

“Trở về trại trường”, đó là tiếng vọng của muôn vạn trái tim Lam, đã thôi thúc tôi làm một cuộc hành trình vội vã. Các chị trong BHD GĐPT Lâm Đồng quả thật đã biến ước mơ của GĐPTVN trở thành hiện thực. Rời thành phố, nghỉ đêm tại Phan Rang, tôi đã làm một cuộc hành trình về “trái tim” từ hướng bắc rất sớm, khi đến nơi thì lễ khai mạc cũng vừa xong, hơi tiếc một chút nhưng tôi đã trở về, được nhìn lá cờ Sen trắng tung bay trong gió, trong tiếng vọng của đồi thông. Tuy cổng và tất cả lều trại của Ngành nữ Lâm Đồng theo yêu cầu đã được tháo gỡ nhưng còn đây những cột trụ của GĐPT: những người anh, người chị dưới chân tượng đài và hơn ba trăm trại sinh cùng cất cao tiếng hát và lá cờ Sen trắng in đậm trên nền trời còn phủ màu sương. Trời chợt đổ cơn mưa, lều trại đã bị tháo gỡ, Những trại sinh nữ đã phải dùng tay căng bốn góc của tấm lều bạt để trú mà vẫn không rời khỏi khu vực trại, những người mặc thường phục lẩn quất đâu đó đã vội chạy tìm chỗ núp, và chỉ một chút thôi lều trại lại một lần nữa được dựng lên để mọi người có chỗ trú và bình thản ăn buổi cơm trưa.

Trại không được tổ chức như ý nguyện, nhưng lá cờ Sen trắng đươc tung bay giữa Trại trường suốt bao năm vắng bóng đã là điều mà chúng ta mơ ước từ bao năm nay đã trở thành sự thật.
Trở về Trại trường. Đây không phải là về nguồn như lời ai đã nói, bởi chúng tôi đâu có rời nguồn để tách rời khỏi nhịp sống, tuy chúng tôi không về được nơi mà chúng tôi đã tạo dựng, nhưng tại mỗi Trại huấn luyện, Đài Lục Hoà – biểu tượng của Trại trường – được in trên huy hiệu gắn liền với số trại sinh mà chúng tôi tham dự đã luôn thúc đẩy chúng tôi trở về. Chúng tôi đã trở về dù chỉ trong giây phút được cho phép bởi một sự đã rồi, được đứng dưới lá cờ Sen trắng bên cạnh tượng đài trong ngày Trại Hạnh.

Ý thức về nguồn xin được dành cho những ai đã có lần làm kẻ vong thân.

Trích trong Sen Trắng số 13 GĐPTVN

844 lượt xem