Cao bay những cánh chim ngoan

Tâm Khai Sơn

(Ảnh: Kỷ niệm trò chơi lớn trong Trại hè Lục Hoà 3 – 2007, Vũng Tàu)
Là huynh trưởng – làm anh làm chị – nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn các em bằng đôi mắt cảm phục. Còn gì hạnh phúc hơn khi đàn em chúng ta đã chiếm trọn niềm tin trong trái tim của mình? Tôi muốn viết về em. Thật sự muốn. Nhưng chưa có dịp. Em đến với GĐPT là một nhân duyên lớn, qua Hội thi Tiếng hát Oanh Lam và Oanh Vũ vẽ tranh do BHD Quảng Đức tổ chức năm 2006.
    Từ đó đến nay, gần như em chưa vắng buổi sinh hoạt nào. Những ngày trước hè, bè bạn cứ rối lên vì kỳ thi cuối học kỳ 2 tiểu học nhưng em vẫn “ung dung” đúng nghĩa. Các bạn em lần lượt xin phép tạm ngưng sinh hoạt để lo chuyện học hành, nhưng em thì không. Vì em hiểu: học ra học, chơi ra chơi. Mà, tổ chức Áo Lam của chúng ta thì “chơi cũng là học, học cũng là chơi”. Thế là, em đã chuẩn bị cho việc học chu toàn trước khi khoác áo Lam đến chùa ngày chủ nhật. Tôi vui và hạnh phúc vì kết quả kỳ thi cuối cấp mang lại cho em số điểm gần tuyệt đối: 19,75 / 20 điểm.
   Nhắc đến chuyên cần và đúng giờ thì em là một tấm gương cho các bạn trong Đoàn, và đôi lúc cũng cho chính bản thân tôi. Mọi việc em đều chuẩn bị trước giờ sinh hoạt thật tốt. Những kỳ trại hay có dịp sinh hoạt đặc biệt như dã ngoại, du ngoạn thì em lại càng chuẩn bị tốt hơn, sớm hơn. Em ghi ra giấy những gì cần mang theo, những gì cần hoàn tất và đưa tôi tham khảo ý kiến. Tôi nhìn qua, thật sự mừng vì em tuy nhỏ nhưng đã biết lo lắng cho mình, lo lắng cho Đàn, cho Đoàn.
   Tôi vốn thẳng tính. Hay la rầy em lắm! Khi tôi rầy thì em vẫn ngoan ngoãn vâng lời. Đôi lúc tôi la oan em. Dòng nước mắt em tuôn ra cũng là dịp cho chính tôi suy gẫm thật nhiều.
   Tôi biết, em là một cánh chim Oanh ham hiểu biết. Có gì hay, lạ em đều hỏi tôi ngay, mọi lúc mọi nơi. Cái điều này khiến cho người huynh trưởng như chúng ta phải cố gắng hoàn thiện mình trước tiên về mặt tinh thần và tiếp đó là mặt kiến thức. Những nghĩ suy của các em nhỏ đôi khi làm chúng ta phải đối diện trước một thực tế là chúng ta cần tạo cho các em mình một môi trường để tìm hiểu về mọi thứ, khi mà, các em tin tưởng mình.
    Các em nhỏ có những hành vi khiến người lớn cũng phải… giật mình. Em vào nhà vệ sinh và để lại bên ngoài huy hiệu hoa sen, Gia đình hiệu và cả cái chuỗi hạt niệm Phật của em nữa. Tôi thắc mắc. Em giải thích là sợ các món đồ ấy bị… nhơ uế. Suy nghĩ và hành vi ấy có phải của một Phật tử thuần thành? Tôi cho là vậy. Chúng ta dễ gì ý thức việc ấy đâu! Ấy vậy, một em bé tiểu học đã làm tôi “ngộ” ra một chân lý nho nhỏ rồi.
    Em thường niệm danh hiệu Phật và Bồ Tát, đặc biệt là danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm trước khi đi ngủ. Niệm tinh chuyên. Và tôi tin điều ấy. Tôi thường khuyên nhủ các em tập tu cho bản thân mình, bằng nhiều cách. Niệm Phật, niệm Bồ Tát là một trong những cách lựa chọn dễ nhất. Và em đã chọn, hơn một năm nay. Cách nhắc nhở hay nhất là đeo vòng chuỗi hạt. Chuỗi hạt trên cổ tay có công năng nhắc nhở chúng ta thường xuyên niệm Phật, tức là đã thực hiện điều luật thứ nhất của Oanh Vũ rồi.
   Dạy trẻ, chúng ta cần dạy từ nhỏ. Dạy từ lời ăn tiếng nói, dạy từ cách cầm bút, cầm vở, từ cách đứng cách ngồi. Nhưng hãy dạy mà như không dạy. Đó là chúng ta làm gương, nói theo ngôn ngữ đạo Phật là “thân giáo”. Dạy các em biết thành kính khi lễ lạy mà chúng ta chưa thành kính thì không thể được. Dạy các em kính trên nhường dưới, thương người mến vật mà bản thân mình không thực hiện rốt ráo thì làm sao các em nghe theo. Thân giáo chính yếu chỗ đó.
    Và có lần tôi làm một bài thơ để tặng em (tôi đề tặng em và tặng cho một chú kiến). Xin ghi ra đây cho các anh chị em cùng đọc:

Cho nguồn sống nở hoa

Em đi qua vùng nắng đổ
Bóng mát ôm kín mặt đường
Con kiến tung tăng về tổ
Em cười mỉm miệng yêu thương.
Em tươi cười cho kiến vui
Em đưa tay cho kiến mến
Em nhìn theo nắng phai vội
Em đứng lên nắng rời thềm.
Kiến ơi! Bé về ngoan nhé!
Tổ xinh đây ấm tình thương
Em ơi! Em giữ giùm nhé!
Lòng thênh thang thật bình thường.
   Bài thơ sẽ khiến người đọc liên tưởng đến một câu chuyện ngụ ngôn của La Phông-ten. Con kiến nhỏ được cứu sống đã xua đuổi tên thợ săn toan bắn chú chim trên cành. Đó là một hành động trả ơn kẻ đã cứu mạng kiến.
   Em giúp kiến thoát khỏi một nguy cơ đến tính mạng không vì cần được trả ơn mà chính là tấm lòng yêu thương vật. Những bài học Phật pháp nhuần thấm vào bản thân các em sẽ được bộc lộ ra bên ngoài với những hành động trên cũng là điều tất yếu. Tôi xúc động và làm ngay bài thơ.
   Tuy là Oanh Vũ nhưng nét thành kính, tinh thần tu tập, niềm tôn kính yêu thương mọi người luôn nở rộ trên gương mặt em và thể hiện qua ngôn phong và cả ở hành vi. Người huynh trưởng chúng ta còn gì hạnh phúc bằng? Chúng ta đến với GĐPT vì mục đích gì? Là đào luyện các em thành Phật tử chân chánh, tiếp đó – và điều tất yếu – góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Không phải đào tạo ra những con người chuyên môn như ngoài xã hội. Cũng không phải đào tạo ra những sản phẩm chuyên nghiệp về ngành này ngành nọ, mà chính cái chỗ “chân chánh”. Chuyên môn chỉ là yếu tố yểm trợ. Nếu sa đà vào nó, chúng ta sẽ dễ tạo tâm lý cho các em phát sinh kiêu ngạo, kiêu căng. Điều này là một thực tế đã minh chứng rồi.
   Nhìn các em nhỏ của chúng ta biết thực tập 3 luật Oanh Vũ, biết ý thức tu tập qua các bộ môn sinh hoạt, tinh chuyên học hành thì thử hỏi huynh trưởng nào không mến yêu các em được? Em đã cho tôi một khung trời thật xanh mát để cho tôi… ước mơ. Ước mơ về tương lai cao rộng có những đôi cánh tung bay của các em. Ước mơ về một xã hội hiền thiện do những đàn chim Oanh góp gió. Cứ hy vọng thì tương lai sẽ mỉm cười.

Tôi muốn viết về em – bé Diệu Hoàng Nguyễn Thị Hải Yến. Muốn viết thật nhiều. Nhưng không phải viết để khoe khoang thành tích này hay công trạng kia. Mà viết những gì tôi cho là mình hài lòng nhất về em. Em đã đến đây vì một nhân duyên lớn. Chúng ta có bổn phận trợ thủ cho các em tìm đến cái hay cái đẹp của khung trời Lam tươi trẻ.

Và riêng tôi, tôi thầm cảm phục em, một đoàn sinh Oanh Vũ tôi rất thương mến. Qua những gì em sống cho em và cho Đoàn, cho Gia đình, tôi phải tự soi rọi lại chính mình để tiếp bước hành trình Lam sử. Em xứng đáng được bình chọn là Đoàn sinh tiêu biểu cho Hội Hiếu 2008 – PL.2552 năm nay.

835 lượt xem