Một giờ ba mươi, chuyến xe đưa chúng tôi đến Huyện Đức Trọng. Thời gian đã bước qua ngày mới nhưng bầu trời vẫn chìm trong bóng đêm. Vì hôm nay cùng về với đứa em có nhà ở đây nên tôi đã yên tâm mặc cho giấc ngủ chập chờn lôi kéo, đôi lúc thoảng giật mình người bị nghiêng khi chuyến xe đêm lượn nhanh qua những khúc quanh. Theo dự kiến, ba anh em chúng tôi sẽ nghỉ qua đêm tại đây để rồi sáng sớm sẽ đi ngược trở lại 20 km để vào Vĩnh Minh dự lễ huý kỵ lần thứ 5 của Hoà thượng Tâm Thanh, đồng thời cũng là ngày tự viện khởi công xây dựng đại tượng Di Đà mà theo thiết kế sẽ có chiều cao 32m.

Quả thật, tôi đã không tưởng tượng nổi với chiều cao xấp xỉ toà nhà 8 tầng lại xây dựng trên một ngọn đồi nơi toạ lạc của Vĩnh Minh tự viện khi hình thành sẽ như thế nào? Nhưng chắc chắn, hình tượng ngài Di Đà sẽ vươn lên giữa rừng cây và núi đồi dù nó ở cách xa tỉnh lộ hơn cây số theo đường chim bay, và từ xa trên đường đi và về Đà Lạt, người ta có thể nhìn thấy tôn tượng ấy để khởi lên lòng tín tâm qui ngưỡng về một tôn giáo đã tồn tại cùng dân tộc suốt hai ngàn năm, đã góp phần làm thăng hoa cho nền văn hoá của dân tộc và là nơi gìn giữ nếp sống của tổ tiên trong quá khứ cũng như trước những cao trào tư tưởng học thuyết ngoại lai mà người ta đã lấy vật chất để mua chuộc hay cưỡng dụng cho dân tộc này suốt bao thập niên qua.

Từ Quốc lộ, con đường dẫn vào chùa hai bên được treo những lá cờ Phật giáo đã tạo cho tôi cảm giác hân hoan và bình yên, từng đoàn người lần lượt tụ về trên những đoàn xe, hay đi bộ trong nắng nhẹ của một buổi sáng chưa làm ấm lên cái lạnh vùng cao nguyên trong tiết trời vừa qua xuân. Các đơn vị GĐPT trong Tỉnh Lâm đồng với các em oanh vũ phải kềm bước tung tăng để đi bên các anh chị ngành Thanh, Thiếu cùng các anh chị trưởng, các em nô nức vì đêm nay được ngủ ở trại, được trình diễn những tiết mục văn nghệ mà mình đã tập luyện từ mấy tuần nay, cái cảm giác yên bình đến với tôi vì trong khung cảnh đông đúc cả ngàn người dưới ngôi tự viện này khi gặp nhau người ta mỉm cười chắp tay xá chào miệng niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Ngay từ lối quanh đầu dốc đi lên cổng chính, tôi đã gặp ngay các anh Trưởng của lâm đồng trên ngực áo cài thêm bảng hiệu của Ban Thông Sự đang làm nhiệm vụ giữ xe và điều phối các xe lớn lên xuống theo triền đồi. Thấy chúng tôi, những người làm việc cùng Sen trắng, các anh vui vẻ thăm hỏi và hướng dẫn chúng tôi nghỉ ngơi nơi căn phòng đã được quét dọn sạch sẽ ngay dưới Đài Tịch diệt mang hình tượng to lớn đức Bổn Sư nhập niết bàn. Tôi vội thay đoàn phục và cầm máy hình rảo quanh tự viện, phải nhanh chóng ghi lại hình ảnh những công trình kiến tạo khi mọi người còn vắng, và ngôi tự viện rộng lớn này còn những góc thoáng để ghi được những cảnh hình. Đặc biệt là chiếc cổng to lớn mang vóc dáng cổng Tam quan dựng trước khu vực lễ đài mà các anh chị huynh trưởng địa phương mới vừa dựng xong tối qua, đang được mắc đèn trang trí để tôn lên nét đẹp cho đêm hoa đăng. Bước chân theo đường dốc tôi lên đến Tháp Hoà Thượng và tần ngần đứng nhìn ngọn tháp mang màu sắc Lam hiền vươn trên khoảng trời xanh rộng. Mới đó mà đã tròn 5 năm rồi đấy. Năm năm trời vắng bóng vị tôn sư, nhưng hình bóng Thầy vẫn sống trong tâm hồn tôi, Hình ảnh Thầy ghi dấu trong tôi không phải dáng người đầy đặn như ảnh thờ trong Linh đường, mà là dáng người của hơn ba mươi năm trước của buổi gặp mặt các huynh trưởng của các đoàn thể thanh niên trực thuộc Tổng vụ Thanh Niên trong ngày Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất họp Đại hội lần thứ 7 tại chùa Ấn Quang hai năm sau ngày đất nước thống nhất. Ngày ấy, trong căn phòng ngoài cùng của dãy lầu bên trái từ cổng nhìn vào, chúng tôi đã kết thành cái vòng tròn hơn 40 người, buổi họp mặt hôm ấy không những chỉ có những chiếc áo Lam của GĐPT mà còn có sắc phục màu đà của Đoàn Thanh Niên Phật Tử, một vài chiếc áo trắng của các anh chị Sinh viên. Dáng thầy gầy và nhỏ bé nhưng lại nổi bật bởi chiếc áo đà duy nhất của người tu sĩ đến với vòng tròn. Bao cặp mắt đều hướng về Thầy mong đợi những thông tin cần thiết của Viện Hoá Đạo về vấn đề sinh hoạt.

Mở đầu cho buổi họp mặt, thầy đã yêu cầu các anh chị theo thứ tự vòng tròn xưng họ tên và pháp danh cho thầy nhận diện, những cái tên lần lượt được xưng danh. Bỗng nhiên có tiếng phát biểu lớn:
-Giờ này mà thầy còn yêu cầu chúng con xưng họ tên – pháp danh… việc này không cần thiết, chúng con ngồi đây là muốn nghe đường hướng của Viện! Đối với tình hình hiện nay, chúng con sẽ sinh hoạt ra sao?

Tôi nhận ra ngay lời chất vấn đó là của anh Nguyễn Hữu Huỳnh đeo chức vụ Trưởng Ban của Đoàn Thanh Niên Phật Tử mà mỗi khi về chùa Ấn Quang dự lễ, tôi vẫn thường gặp anh cùng với hai anh nữa trong đó có anh Nguyễn Hữu Việt trong sắc áo màu đà.

Không trả lời câu hỏi đó, thầy vẫn yêu cầu mọi người xưng danh. Tên và pháp danh của những người hiện diện lại tiếp tục xưng lên nhưng thỉnh thoảng lại bị đứt quãng, thay vào là những cái lắc đầu biểu lộ cho sự đồng tình với anh Huỳnh. Khi người cuối cùng đã nêu danh, vòng tròn như lắng lại, lúc này Thầy mới chậm rãi ngỏ lời:
-Trong lúc này, khi một số người lại kê khai trong lý lịch của mình là vô tôn giáo để thích ứng với thời đại, thì các anh chị lại xác nhận mình là người Phật tử, người đã chọn Tam bảo là nơi nương tựa và hướng cuộc đời mình sống theo chánh pháp. Thì vấn đề mình sống ra sao? Sinh hoạt như thế nào trước xã hội mới đã được bản thân mỗi người xác định! Vấn đề chỉ là ta có dám sống theo chí nguyện của mình hay không?

Lời thầy vừa dứt thì anh Huỳnh vội đứng lên đảnh lễ, xin sám hối vì ngay từ đầu đã không hiểu được ý thầy. Sau đó là bài pháp thoại Thầy nói về con số 7, một pháp số trong đạo Phật khởi đầu từ hình tượng bảy bước chân đi của Đức Phật trong ngày khánh đản, cho đến bình phương của con số 7 là số ngày cuối cùng của quá trình thiền định, một con người dưới cội bồ đề đã khám phá ra sự thật của vũ trụ vạn hữu khi đạt được đạo quả vô thượng, và hôm nay con số 7 của lần Đại hội của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sẽ là một dấu ấn trong pháp sử Phật giáo Việt Nam..

Hai mươi hai tuổi, tôi được biết đến thầy trong lần gặp mặt đó, lời dạy của thầy đã theo tôi trong suốt cuộc hành trình của đời mình, nên có lần sau này khi được cơ quan an ninh mời lên làm việc về vấn đề sinh hoạt GĐPT, người cán bộ theo thủ tục hành chánh, khi lấy lời khai về họ tên, đã hỏi tôi “Bí danh là gì?”. Tôi đã chợt nhớ đến thầy nên lắc đầu: Tôi làm gì mà có bí danh? Anh cán bộ như chợt nhớ và hỏi lại: “Tên gọi trong chùa của anh đó!”. Tôi vờ như hiểu ra: “À! Pháp danh, đó là tên Thầy tổ đã đặt cho tôi! Khi tôi quy y để trở thành người Phật tử. Sao anh lại gọi đó là bí danh?”.

Tôi luôn nhớ trong mình có một pháp danh, điều đó đã luôn nhắc nhở tôi, mình là một người con Phật. Các anh mặc áo đà của Đoàn Thanh niên Phật tử ngày xưa đó, có lẽ cũng thế, nên mãi sau này khi những năm tháng gian khổ thử thách của GĐPT để tồn tại trước một xã hội mới tạm thời đã qua và GĐPT đã trở thành một thực thể trong nếp sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam, thì các anh đã mặc lại áo Lam và lại đeo huy hiệu Hoa sen trắng sinh hoạt tại chùa Xá Lợi Saigon, để rồi sau đó nó trở thành một trong những đơn vị GĐPT đầu tiên trong hệ thống Phân ban mà GHPGVN thành lập sau này.

Năm năm trời thầy vắng bóng, cũng là ngày tròn năm năm mà tờ Sen trắng được hồi sinh, số đầu tiên trong lần tục bản này của Sen trắng đã ghi lại dấu ấn về sự ra đi của Thầy, và nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong lòng của muôn vạn trái tim Lam dù gặp bao trắc trở. Tôi đã âm thầm lặng lẽ quỳ lạy dưới chân tháp Thầy để tưởng nhớ vị Ân sư của GĐPTVN, tôi cũng hướng về ngôi Chánh điện để lạy, vì nơi đây muời bốn năm trước duới sự kêu gọi của Thầy Tâm Thanh, Các anh chị trưởng của Hội Đồng Huynh trưởng cấp Tấn trên toàn quốc đã trở về dự lễ Khánh thành Vĩnh Minh tự viện này, từ buổi lễ đó, một Ban hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN được bổ xung các thành viên nhận trách nhiệm các chức vụ sau hai muơi năm không tiến hành được đại hội, đã khẳng định chủ quyền danh hiệu của tổ chức dưới chân tượng đài Lục Hoà, trại trường của GĐPTVN.

Phải qua biết bao nhiêu khó khăn chúng tôi mới tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, bởi được sống trong sự đùm bọc của quý vị ân sư. Sinh hoạt dưới mái chùa, dù rằng ngôi chùa đó không mang tên Giáo hội Thống Nhất. Giáo hội mà theo Nội quy chúng tôi vẫn vọng về, nhưng với sự chở che của những vị ân sư đó, chúng tôi đã tồn tại và trở thành một thực thể dù nhà nước hay Giáo hội hiện tại có công nhận hay không. Những vị thầy với hạnh nguyện vô ngã đã không ngần ngại trước bao áp lực, đã tuỳ duyên tạo phương tiện để chúng tôi gìn giữ cái gọi là bất biến.

Tôi còn biết viết gì về những vị tôn sư đó, có chăng chỉ lấy được hình tượng để mà so sánh: Như một người cha phải chấp nhận làm những việc cần thiết, cho dù là hèn kém nhất để nuôi dưỡng các con trưởng thành, không đành lòng để các con phải chịu cảnh lang thang vất vưởng giữa chợ đời, không đành lòng để các con bị vùi dập bởi giông tố của cuộc đời, của bao thế lực vô minh, nên đành nhận trăm cay ngàn đắng. Phước báu thay GĐPTVN còn có những người Thầy như thế.

Càng về trưa, lượng người về dự lễ mỗi lúc một đông, tôi càng cảm phục các bác, các chị trong Ban Hành đường đã lo cho mọi người thật đầy đủ và chu đáo. Dùng cơm xong, tôi theo các anh chị trong BHD Ninh Thuận về nơi tập trung, và cũng ngoài dự định, tôi được đi cùng các anh chị lên thành phố Đà Lạt để chiêm bái Xá lợi Phật đang được đặt ở Chùa Phước Huệ. Cũng là cái duyên lớn đó chứ, trong cuộc đời dễ có mấy ai có diễm phúc được chiêm bái xá lợi của Đấng Giác ngộ đã trụ thế trong cuộc đời này hơn hai ngàn năm trăm năm? Đặc biệt ở đây, không những chỉ có xá lợi của Đấng Giác ngộ, mà còn có xá lợi của các hàng đại đệ tử như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất cùng các vị Chư Tổ. Người ta bảo, xá lợi là những gì còn lại của nhục thân sau khi được hoá thành tro đã kết tinh thành những viên ngọc, được xem là tinh hoa cốt lõi của công hạnh giác ngộ, đó là kết quả của sự huân tu trì giới, khi bản Tâm đã tuyệt đối thanh tịnh. Tôi đã được chiêm ngưỡng những viên ngọc đó, như đã thấy được Phật ngay giữa thế kỷ này và được nghe lời Phật thuyết giảng, truyền tụng và ghi chép lắng đọng qua những tờ kinh. Còn gì hơn thế nữa, đối với người được mang Pháp danh hoà quyện với cái tên được đặt cho của các đấng sinh thành.

Trời Đà Lạt đã đổ cơn mưa, những cơn mưa lớn đã ngăn không cho các anh chị của đoàn Ninh Thuận viếng thăm Trúc Lâm Thiền viện, tôi thầm nguyện cơn mưa sẽ không gây trở ngại cho buổi lễ tối nay tại tự viện Vĩnh Minh để đêm hoa đăng rước ngọn đuốc Di Đà được viên mãn. Thật may thay, khi trở về Vĩnh Minh, dấu vết của cơn mưa lớn của bầu trời Đà Lạt chỉ sót lại trên những đoạn đường cách khoảng bị ướt nhẹ. Vĩnh Minh trời vẫn đẹp, vẫn mở rộng đón tiếp những đoàn người Phật tử và những đơn vị GĐPT cuối cùng của Tỉnh về tụ hội. Tôi trở về nơi an trú bắt gặp hình ảnh dễ thương của các cô cậu bé Oanh vũ đang vụng về ôn tập những điệu múa cho đêm văn nghệ cúng dường. Những nét mặt trẻ thơ nào cũng đẹp, cho dù đó chỉ là những khuôn mặt lấm lem do nghịch phá, hay đầu tóc rối bời không chau chuốt của lứa tuổi hồn nhiên, còn nói chi những động tác lạc lõng của một vài bé nào đó trong tập thể đông đúc đang thể hiện tiết mục trình diễn cũng chỉ làm cho lòng người thêm hoan hỷ.

Vừa kịp lúc để ghi được hình ảnh các anh Chị trong BHD Trung Ương đến Linh đường kính viếng Giác linh Hoà thượng ân sư. Anh Trưởng ban với tuổi đời 86, tay chống dù bước chậm rãi trên những bậc thang. Chiếc ô đen đối với anh không còn là để che mưa hay nắng, mà là điểm tựa cho những bước chân đi. Nhìn anh tôi chợt liên tưởng đến con đường trước mặt của GĐPTVN, có một cái gì đó gắn bó giữa người lãnh đạo với sự sinh hoạt của tổ chức. Tất cả, phải tự bước đi bằng chính đôi chân và sự nỗ lực không ngừng của chính mình. GĐPTVN có dù đâu mà che! Nó chỉ có chiếc nón tứ ân và một tấm lòng thanh tịnh để mang đạo pháp đi vào cuộc đời, nên dù có chụp cho nó những cái mũ thế này hay thế nọ cũng không làm xao động, nhất là những chiếc mũ ấy lại là sản phẩm của những bộ óc vô minh.

Mới chỉ 18g30 của ngày 07.3.2009 trời đã sập tối, chỉ những ngọn đèn nhỏ găng trên những ngọn cây và lễ đài được thắp sáng, toàn thể đoàn sinh và huynh trưởng đang ở khu vực rộng với 10 tấm lều trại lớn bên trái lễ đài mà quý thầy dành cho GĐPT, được điều động sắp thành hai hàng theo lối đi lên Chánh điện để môn đồ pháp quyến cung đón Thượng Toạ Minh Tâm đăng đàn thuyết Pháp, trong lúc các anh trong ban Thông Sự nhanh chóng triển khai một ngàn năm trăm chiếc ghế trước lễ đài, thế mà vẫn không đủ cho Phật tử mặc áo tràng lam ngồi, phải đứng chật kín hai bên. Hàng ghế đầu tiên đã được dành cho các anh chị trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương và Ban Hướng Dẫn Tỉnh tất cả đều cung kính chấp tay cung thỉnh, Nghi thức thỉnh pháp thật là trang trọng đoàn người cung thỉnh Pháp sư đi giữa hai hàng đuốc, đại chúng thì đông, ước tính cả số lượng đoàn viên GĐPT và quý đạo hữu tham dự con số lên tới hơn hai ngàn nhưng tất cả đều giữ được sự thanh tịnh lắng yên của một đạo tràng.

Mở đầu cho buổi thuyết pháp Thượng toa đã kính mời hồn thiêng đất nước trở về đạo tràng chứng minh, vọng đến linh đài đảnh lễ Giác linh hoà thượng Tâm Thanh người khai sơn Vĩnh Minh tự viện sau 5 năm vắng bóng, vọng hướng đến phương trượng đảnh lễ Hoà thượng Chơn Ngộ đã 96 tuổi còn chống gậy từ Quảng Nam về Vĩnh Minh dự lễ huý kỵ người sư đệ mình, đảnh lễ hoà Thượng Thiện Bình và các chư vị Hoà thượng đã hoan hỷ đến dự và xin được thay mặt chư vị làm công việc tăng sai để nói chuyện với quý phật tử, tán thán các vị môn đệ của Hoà thượng Tâm Thanh đã nối tiếp bước chân thầy tổ làm tròn trách nhiệm Truyền đăng tục diệm.

Với cả ngàn đoàn sinh và huynh trưởng GĐPT đang hiện diện, là lời tâm tình. Vì trước đây thầy đã từng là một đoàn sinh và trở thành huynh trưởng GĐPT trước khi xuất gia trở thành một tu sĩ Phật giáo và mong muốn tất cả những người áo lam ở Việt nam cũng như ngày nay trên toàn thế giới, giữ trọn màu cờ sắc áo, giữ trọn niềm tin đối với tổ chức, theo đúng chí hướng của mình trong tinh thần Bi –Trí – Dũng, để Lý tưởng màu lam được thấm nhuần toả ngát hương Lam, đó là trách nhiệm của Thầy trò chúng ta, để có thể làm được gì, đóng góp được gì cho tuổi trẻ Việt Nam. Trên 60 năm GĐPTVN đã đào tạo một lớp công dân xứng đáng, một lớp người biết yêu nước, biết thương dân biết hộ đời, biết mộ và hộ đạo làm tròn trách nhiệm thiêng liêng của mình Thầy nghĩ rằng GĐPT đã tiến bước nhờ Tam Bảo gia hộ, nhờ hồn thiêng đất nước chứng minh để rồi qua bao gian nan sóng gió GĐPT vẫn phát triển trên con đường tu thân hành thiện, trên con đường giữ vững đạo nhà, trên con đường phụng sự quê hương, trên con đường phụng cầu Tam Bảo, đó là mục đích cao cả nhất.

Thầy cũng nhắc lại, lúc sinh tiền Hoà thượng Tâm Thanh cũng là một huynh trưởng, cũng là vị Cố vấn cho GĐPTVN, đã nâng đỡ cho tổ chức áo Lam mỗi ngày một rực sáng, thì hôm nay đây Thầy Nguyên Hiền, Thầy Nguyên Chánh, các thầy trong tự viện Vĩnh Minh, các cô là đệ tử của thầy Tâm Thanh vẫn tiếp tục bổn phận đó. Có nghĩa là đi đúng hướng và noi gương thầy tổ của mình, không quên nâng đỡ tổ chức GĐPT đây là một điểm son và thầy xin được tán thán.

Thầy cũng không quên cám ơn các cấp chính quyền và địa phương đã tạo điều kiện cho tư viện làm tròn bổn phận của mình đối với thầy tổ. Việc làm này, tức là các cấp chính quyền đã giải thích cho lớp tuổi trẻ duy trì đạo đức, văn hoá Việt Nam. Có duy trì đạo đức, văn hoá mới mong có thể giữ được nước, mới có thể làm tròn bổn phận của mình đối với dân. Và lúc bấy giờ mới có thể nói được vấn đề yêu nước, thương dân, mới có thể nói được vấn đề văn hoá, văn minh. Vì văn hoá văn minh mà không có vấn đề đạo đức kèm theo thì văn hoá văn minh đó chỉ là tạm bợ, chỉ đem đến phản tác dụng.

Với thời lượng một giờ ba mươi phút, bài thuyết giảng của Thầy đã đưa đạo tràng đến thế giới tịnh độ không những chỉ là ước nguyện được vãng sanh bởi 48 lời đại nguyện của Đức Phật Di Đà mà còn ở ngay đây, trong thế giới ta bà mà Ngài Anan đã phát lên tâm nguyện “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập” hay ở một tương lai với nụ cười an lạc của Đức Phật Di Lặc.

Sau đó là phần trình diễn văn nghệ của các đơn vị trực thuộc BHD GĐPT Lâm Đồng, các tiết mục của đơn vị GĐPT người dân tộc, xen lẫn những tiết mục của các nghệ sĩ, cũng như sự đóng góp của Vũ đoàn Đà Lạt đã khiến cho đạo tràng Thiên Tăng Hội thêm phần hỷ lạc vì tất cả đều hướng về đạo tràng với tâm Phật của một miền đất Phật vì nơi đây, trong giờ phút này nơi hội tụ của hơn hai ngàn con người, giáo pháp của đức Phật được loan truyền không những bằng tiếng niệm Phật hay lời kinh truyền tụng mà còn có lời ca điệu múa để truyền tải giáo pháp thấm sâu vào lòng người. Nhất là nơi đây mọi người đang sống và thực hành theo chánh pháp, để rồi đêm văn nghệ được khép lại theo ánh sáng của những ngọn đèn, thì nó lại được bừng sáng bởi những ngọn đuốc lung linh, khởi đầu cho lễ hội hoa đăng. Những ngọn đuốc thắp sáng niềm tin, thắp sáng trong trái tim của ngọn nến Di Đà, để dâng lên đức Phật đang hiện hữu trong mỗi con người, làm sáng lên cái hạnh Thanh tịnh mà Đức Phật Di Đà là biểu tượng. Mọi người lần lượt bước đi nhiễu quanh Vĩnh Minh tự viện trong tiếng niệm danh hiệu. Dòng chảy của những ngọn đuốc khởi nguồn từ khu vực lễ đài theo triền dốc đổ dồn về mặt trước tự viện, rồi chảy ngược lên nơi xuất phát thành một vòng tròn khép kín. Khi ngọn đuốc vòng trở lại cổng Tam quan thì trước lễ đài hơn một ngàn chiếc ghế đã được Ban Thông Sự của GĐPT dọn sạch, thay vào đó là một ngàn năm trăm toạ cụ đã được xếp ngay ngắn trên những tấm bạt lớn trải dài trên mặt đất để mọi người lần lượt tiến vào ngồi trì niệm danh hiệu Di Đà cho đến tận hôm sau.

Từ sáng sớm của ngày 08.3.2009, Đạo tràng lại đón thêm quý Thầy từ các Phật học viện và các đoàn Phật tử về dự lễ, đã nâng tổng số người lên đến gần ba ngàn. Đúng 7g, khi đạo tràng trang nghiêm, thanh tịnh. Môn đồ rước kiệu cung nghinh Hoà thượng Chơn Ngộ và Hoà thượng Thiện Bình chứng minh buổi lễ khởi công xây dựng Đại Phật tượng, để rồi mai đây trên ngọn đồi này, Hình tượng Đức Phật Di Đà sẽ trở thành biểu tượng của Vĩnh Minh tự viện để mọi người trở về chiêm bái, từ đó sẽ khởi lên và làm sáng tỏ cái bản tánh thanh tịnh vốn sẵn có trong tâm mình, thế giới cực lạc sẽ không ở đâu xa, vì một thế giới không còn những khổ đau và phiền não, mọi người được sống trong niềm hoan hỷ, an lạc, khi tà kiến, vô minh được quét sạch bởi sự nỗ lực tu trì, thì đó chính là thế giới tịnh độ của Đức Phật Di Đà, và nền Văn hoá của một dân tộc được vun bồi bởi những con người sống trong niềm tin đạo đức tâm linh sẽ là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng một xã hội hạnh phúc yên vui.

Chúng tôi rời Vĩnh minh tự viện sau khi dự lễ cung tiến Giác Linh Hoà thượng Tâm Thanh và Lễ cúng dường Thiên Tăng Hội được cử hành. và được thọ bữa cơm chay đạm bạc. Rời vùng cao nguyên với ước mong một ngày nào đó thật mau khi trở lại, từ nơi xa sẽ nhìn thấy Đại Phật Vĩnh Minh.

Phóng Viên Sen Trắng

576 lượt xem