Giảng Sư Thích Nhuận Châu,
Cố Vấn Giáo Hạnh Ngành Cựu Huynh Trưởng GĐPTVN
Từ khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chúng ta thấy rõ hễ khi nào truyền thống Dân tộc nép mình để đi trong dòng sinh mệnh của Đạo Phật thì lúc ấy, đất nước được an bình và tinh thần người Việt Nam chúng ta được thăng hoa. Sử liệu cụ thể đã chứng minh rõ vào thời đại nhà Lý, nhà Trần, các vị Vua sáng suốt, các vị quân thần tài trí đã biết đưa dân tộc mình nương vào dòng chảy thênh thang của đạo Phật – lúc ấy, dòng Thiền Pháp Vân (đời Lý), dòng Thiền Trúc Lâm (đời Trần) đang tìm được mảnh đất tươi tốt ươm mầm – để từng bước đem sức sống bao dung, hiểu biết hoà quyện cùng mạch nguồn dân tộc, khiến cho đất nước trở mình, khẳng định sự tồn tại đầy tính nhân văn và khai phóng. Những cống hiến về mặt văn học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc,… trong thời kỳ nầy đã chứng tỏ hễ khi nào đạo Phật thổi vào nguồn mạch tâm linh của Dân tộc Việt Nam thì đã khiến cho Dân tộc thăng hoa đến dường nào.
Nên Dân tộc cần phải đồng hành cùng với Đạo Phật. Dân tộc có chịu đi trong mạch nguồn vi diệu của Đạo Phật mới mong làm cho sức sống của đất nước mình vươn cao.
Người Huynh trưởng Phật tử trong giai đoạn nầy, để thực hiện và phát huy lý tưởng của mình, vận dụng sứ mệnh giáo dục của tổ chức GĐPT, thể hiện tinh thần MỞ RỘNG LÒNG THƯƠNG TÔN TRỌNG SỰ SỐNG thì hãy nên chiêm nghiệm thật kỹ điều nầy.
MỞ RỘNG LÒNG THƯƠNG TÔN TRỌNG SỰ SỐNG có đủ cả hai yếu tố Bi và Trí. Mở rộng lòng thương là Bi, Tôn trọng sự sống là Trí. Thực hiện trọn vẹn hai yếu tố nầy là đạt được Sự Lý viên dung, Bi Trí song vận. Chúng ta nhớ một đời Đức Phật hành đạo cũng chỉ để thực hiện yếu tính nầy. Khi nhìn Đức Phật trên phương diện Con người Lịch sử, chúng ta thấy Con người ấy là một nhà giáo dục siêu tuyệt. Những gì Ngài để lại cho hậu thế, về mặt tư tưởng, mãi cho đến nay, vẫn chưa có một đánh giá, nhận định nào tiếp cận thật chính xác những gì tinh tuý nhất. Về mặt văn học, Tam tạng Kinh điển gần như là một kho tàng đồ sộ mà các nhà nghiên cứu từng tuyên bố là dù có trải qua nhiều kiếp sống, cũng khó thâm nhập hết được. Giáo pháp chúng ta được thừa hưởng ngày hôm nay mang trọn vẹn sắc thái giáo dục từ bản nguyện của Ngài. Cho nên thế gian mãi mãi cần đến đạo Phật. Hễ con người còn khổ đau là còn cần đến Đạo Phật. Như lời tán thán:
Phước lạc thay là sự xuất hiện của Chư Phật.
Phước lạc thay là sự diễn thuyết của Chánh pháp.
Phước lạc thay là sự hòa hiệp của Tăng-già.
Phước lạc thay là sự cần tu của đại chúng
Tổ chức GĐPT chúng ta may mắn thay, ngay từ thuở bình minh, đã có sẵn yếu tính Giáo dục nầy trong sứ mệnh của mình. Ngày nay, khi văn minh công nghệ tiến bộ, những giá trị đạo đức tâm linh càng bị thử thách và xói mòn thì yếu tính Giáo dục trong tổ chức GĐPT chúng ta càng được đặt ra một cách bức thiết hơn. Trách nhiệm đặt trên vai của người Huynh trưởng càng nặng nề hơn, tư duy phải càng sâu thẳm, sắc bén hơn. Chúng ta cũng là một thành viên trong bốn chúng của Tăng-già. Phước lạc đem lại cho nhân gian đang chờ trông vào sự hy sinh, siêng năng hành trì tu tập của chúng ta.
Vấn đề sống đạo và hành đạo của người Huynh trưởng chúng ta đang đối diện ngày hôm nay là lúc đang ‘bị nhiễu sóng’ bởi thời đại ‘lắm chuyện.’ Điều nầy Đức Phật đã dự báo trước cho chúng ta qua Kinh A-di-đà bằng ý niệm Ngũ trược. Tiến trình toàn cầu hoá của nhân loại ngày nay cho chúng ta thấy ý niệm tương tức mà Đức Phật đã thể nhập và chỉ dạy cho chúng ta, là một trong những giáo lý chủ đạo đề cập giữa vật thể – sự kiện mà chúng ta quán sát được trong hiện tượng tự nhiên ngày nay như là một minh hoạ cho chân lý mà ngài đã chứng ngộ. Sự ô nhiễm của khói bụi công nghiệp, quan hệ phát triển kinh tế giữa các quốc gia, chưa kể đến những mối quan hệ phức tạp giữa cá nhân. Ngày nay, chúng ta còn đối diện với vấn đề chưa được báo trước như dịch bệnh và thiên tai. Chúng ta có tâm nguyện dựa vào giáo lý Đức Phật đã chỉ dạy để nhờ đó nhận ra nhị nguyên tính, duy ngã luận để hoá giải được những vấn nạn nầy trong thế song hành với chiều hướng phát triển khoa học công nghệ càng lúc càng vươn đến đỉnh cao.
Và chúng ta cũng nghe được lời phát nguyện của A-nan qua Kinh Thủ-lăng-nghiêm:
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập…
Ngài A-nan đã phát nguyện và chính ngài đã vượt qua Ngũ trược nầy.
Ngài vượt qua bằng chất liệu của tinh thần MỞ RỘNG LÒNG THƯƠNG TÔN TRỌNG SỰ SỐNG.
Tỷ-khưu THÍCH NHUẬN CHÂU
Tịnh thất Từ Nghiêm, Đại Tòng Lâm
* Ngũ Trược:
S: pañca kaṣāyāḥ; e: five defilements. Năm biểu hiện suy thoái.
1. Kiếp trược: kỷ nguyên suy thoái tức kiếp giảm. Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố, v.v…..đang đe doạ, rút ngắn đời sống con người.
2. Kiến trược: Cái thấy ngắn hạn. Đảo lộn mọi giá trị tâm linh, dẫn đến tà kiến. Các giáo phái hoành hành.
3. Phiền não trược: Đạo đức suy giảm, không còn được tôn trọng. Con người ngày càng bất an, mất niềm tin và phương hướng sống.
4. Chúng sinh trược: Quan hệ cộng đồng nhân sinh ngày càng xem nhẹ. Nhân phẩm bị xói mòn và bị xem thường.
5. Mạng trược: Mạng sống con người giảm dần. Những căn bệnh hiểm nghéo chưa tìm ra thuốc chữa.
860 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…