Bài viết về một kỷ niệm của Hòa Thượng Thích Trí Thủ đối với Gia Đình Phật Tử. Ngài là một bậc ân sư luôn luôn quan tâm lo lắng cho thế hệ mầm non tương lai của đạo pháp.

Đã gần một phần tư thế kỷ rồi mà mỗi lần nhớ đến Ôn, tôi cứ tưởng rằng các sự kiện mới xảy ra ngày hôm qua.

Vào khoảng đầu tháng 6 năm 1963, chùa Từ Đàm bị chính quyền Ngô Đình Diệm vây kín. Lúc đó, cuộc vận động cho bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội của Phật giáo trọng tâm còn ở Huế, nơi phát xuất. Ôn là Tổng thư ký của ban lãnh đạo gồm 5 thành phần: Tổng Trị sự Hội PGVN tại TP, Tổng Trị sự Giáo hội PGVN tại Trung Phần, hai Ban Trị sự hội và Giáo hội tỉnh Thừa Thiên và Đại diện cho Tổng hội PGVN. Vì là Tổng thư ký của Hội PGVN tại thời ấy nên tôi là thư ký chung, có mặt thường xuyên bên cạnh quý Ôn, quý Thầy lúc đó tập trung tại chùa Từ Đàm. Cũng trong những ngày đó, Hoà thượng Hội chủ, quý Ôn, quý Thầy đang tuyệt thực. Trong chùa có đến gần 500 người đủ mọi giới: tiểu thương, sinh viên, học sinh, hướng đạo, Gia đình Phật tử, v.v… đoàn thể nào cũng có trách nhiệm riêng.

Ngày 4.6.1963, chùa Từ Đàm bị đặt trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập – các con đường dẫn vào chùa bị những vòng rào dây thép gai vây kín. Sau hàng rào kẽm gai là lính rằn ri, chen lấn với lớp đạo hữu chỉ biết đứng lặng nhìn vào. Có người sụp xuống lạy, vì đã 7 ngày rồi, quý Ôn, quý Thầy tuyệt thực. Không phải chỉ có lính, có kẽm gai mà có cả những chiếc xe phát thanh suốt ngày chĩa loa vào chùa đọc thông báo của chính phủ rồi những bản nhạc liên tục.

Qua ngày thứ tư, sau loạt thông báo thường lệ thì chiến dịch thay đổi: Lời kêu gọi con em ở trong chùa trở về với gia đình. Anh em khóc với nhau: “Chiêu hồi… chiêu hồi”. Chiều hôm ấy, Ôn ngồi trên tam cấp chùa, vẫy tôi lại ngồi bên. Im lặng, bỗng bên ngoài có tiếng gọi tên một người ra để gặp mẹ. Đó là một em thiếu niên Gia đình Phật tử. Em ấy xin phép ra gặp mẹ. Mới đến cổng chùa 4, 5 chú cảnh sát vọt lên ôm chầm em bỏ lên xe. Hành động thật bất ngờ làm ai nấy sửng sốt. Ôn nhìn tôi bùi ngùi. Tôi vụt đứng dậy. Ôn kéo tôi lại ngồi xuống bên, nhấn vào vai tôi. Lúc đó anh em Gia đình Phật tử, sinh viên Phật tử, học sinh Phật tử tập trung trước giảng đường, la ó. Tôi ra lịnh im. Phía ngoài lại kêu một tên khác và có thân sinh đến gặp. Không có tiếng đáp lại. Sau khi lục danh sách biết rằng không có tên ấy, chúng tôi trả lời là tên ấy không có ở đây. Thân sinh xin vào nhìn mặt, chùa chấp nhận. Người ấy đi vào nhìn hết em nầy đến em khác, khi đến gần Ôn bèn nói nhỏ: Con nói láo để được vào thăm quý Ôn, quý Thầy. Nói xong, người ấy vội vã ra đi.

Tên một em nữa lại được gọi lên và thân sinh em ấy xuất hiện ở cổng chùa, gần gốc Bồ đề. Gọi đến tên, em ấy bước ra, đến trước sân chùa hướng vào điện Phật lạy ba lạy từ tốn. Cả sân chùa im lặng, hồi hộp. Đó là một huynh trưởng. Em ấy đến xá Ôn ba xá và nghiêm chỉnh đứng chào tôi theo lối Gia đình Phật tử. Song em đó là em được giao phó cầm biểu ngữ trong ngày Phật đản. Tôi còn nhớ rõ, tôi đã trao cho em câu khẩu hiệu:

“Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ Chánh pháp dù phải hy sinh”.

Sân chùa im phăng phắc, phía bên ngoài cũng im phăng phắt. Khi đến cách chùa khoảng 10 thước, em cúi xuống lạy cha hai lạy. Tôi liếc mắt nhìn Ôn. Mắt Ôn sáng lên, không khí thật ngột thở. Thân phụ em ấy đứng lặng như trời trồng. Lạy xong, em ấy tiến đến trước micro pile để ở giữa sân chùa: “Thưa Ba, Ba thấy rõ ràng đó, chùa không ép buộc chúng con ở lại trong chùa như lời rêu rao của chính quyền. Chính những dây kẽm gai kia và đoàn lính ở bên ngoài vây hãm chùa, không cho ai ra vào được đấy chứ! Xin Ba về yên tâm. Ngày nào những dây kẽm gai kia được dẹp đi, đoàn lính vây chùa không còn nữa, chúng con sẽ về. Kính lạy Ba và Mẹ. Em lạy hai lạy nữa rồi từ tốn bình thản bước vào hàng ngũ. Một tràng pháo tay nổi lên. Tôi ra hiệu im. Khi em đến xá Ôn và chào tôi. Ôn kêu lại và bảo tôi cho Ôn mượn chiếc hoa sen. Tôi cởi huy hiệu vì tôi lãnh hội được ý của Ôn rồi. Tôi mở chiếc hoa sen từ túi tôi và Ôn đứng dậy, nghiêm chỉnh không một lời, cài chiếc huy hiệu hoa sen vào túi em. Một tiếng hô vang lên: Phật tử – Tinh tấn!

Bài ca Sen Trắng được vang lên trầm hùng và tiếp sau đó là bài “Kính mến Thầy”.

Tất cả sự kiện diễn tiến rất đột ngột, nhưng lại rất thích hợp. Ôn cũng đứng im, cảm xúc hiện rõ. Nước mắt tôi ràn rụa vì sung sướng và cảm động. Không đầy năm phút, nhưng thời gian như lắng đọng lại. Ôn kéo tay tôi vào văn phòng. Trên đường đi, Ôn thầm nhắc lại đến hai, ba lượt lời ca: “Dù bao nhiêu gian khổ, dù gặp nhiều nguy khó, lý tưởng chúng con vẫn tôn thờ”.

Mười ba năm sau, năm 1976, trong lễ Hiệp kỵ do Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Gia Định tổ chức tại Quảng Hương Già Lam, trong lời huấn thị, Ôn cũng dùng lời ca trên để làm đề tài nhắn nhủ: “Dù bao nhiêu gian khổ, dù gặp nhiều nguy khó, lý tưởng chúng con vẫn tôn thờ”.

Chưa bao giờ tôi thấy lòng rung động đến thế. Từng lời, từng chữ như thấm biến vào máu, vào xương, vào từng hơi thở, từng nhịp tim. Khi Ban Hướng Dẫn Gia Định mời tôi phát biểu, tôi xin im lặng – Im lặng như Chánh pháp.

Dù Ôn còn hay không còn ở lại với chúng tôi nữa, nhưng mỗi khi chúng tôi hát lên bài hát bất diệt ấy là để dâng lên Ôn và cũng để tự nhủ mình.

Một lời ca, chỉ là một lời ca, nhưng khi phát ra từ Ôn đã biến thành một lời huấn thị có giá trị đến muôn đời.

Như Tâm

560 lượt xem