LÂM TỲ NI – KHU VƯỜN TÚ LỆ
LÊ BÍCH SƠN
Mỗi năm khi mùa hè sắp đến, nhân gian lại rộn rã, hân hoan chào đón ngày Phật Đản, ngày ấy người ta không thể nào không nhắc đến từ “Lumbinī” hay “Lâm Tỳ Ni”. Vậy Lâm Tỳ Ni là gì?
Lâm Tỳ Ni là cách đọc theo âm Hán Việt, nguyên thuỷ từ tiếng Sanskrit là “Lumbinī” ( लुम्बिनी ) có nghĩa là xinh xắn, tú lệ, mỹ miều, yêu kiều, v.v. Trong các sách Hán văn “Lumbinī” còn được phiên âm theo nhiều cách như: 林微尼, 林毘尼, 嵐毘尼, 龍彌你, 流彌你, 臘伐尼, 論民, 林毘, 嵐鞞尼, 留毘尼, 流毘尼, 林毘你, 樓毘尼, 流彌尼, 論民尼, 藍軬尼, v.v. Và Lâm Tỳ Ni đã thực sự trở thành khu vườn không thể lãng quên trong lịch sử và văn chương Phật giáo. Bởi vì Lâm Tỳ Ni chính là nơi thị hiện giáng trần của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một trong bốn thánh địa quan trọng nhất đối với Phật giáo đồ trên khắp hành tinh này.
Theo hầu hết các sử liệu Phật giáo ghi chép rằng: vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 623 trước Tây lịch, Hoàng hậu Mahāmāyā hạ sanh Thái tử Siddhārtha Gautama trong khu vườn mang tên Lâm Tỳ Ni trên đường về lại quê nhà để sinh con đầu lòng theo tục lệ thời bấy giờ. Lâm Tỳ Ni thời Phật còn tại thế không phải là một “ngự hoa viên của dòng họ Śākya” như nhiều bài viết vẫn thường gọi, mà nó chỉ là một công viên bên đường nằm giữa hai kinh đô Kapilavastu và Devadaha (Devadarśita). Xác nhận sự kiện Đức Phật ra đời tại Lâm Tỳ Ni với tên gọi “Lumbineyya Janapada” được tìm thấy trong “Sutta Nipāta” (Kinh Tập) thuộc “Khuddaka Nikāya” (Tiểu Bộ Kinh). Và cũng tại Lâm Tỳ Ni với một tên gọi khác là “Lumbinīvana” trong thời gian hoằng hoá tại thành Devadaha, Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh “Devadaha Sutta” được tìm thấy trong “Majjhima Nikāya” (Trung Bộ Kinh) thuộc hệ thống Kinh tạng Thượng Toạ Bộ, .v.v.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, Hoàng đế Asoka (sinh: 304, tử: 232 trước Tây lịch) của triều đại Maurya (từ năm 304 đến năm 232 trước Tây lịch) đã đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni và để lại sắc dụ khắc trên một trụ đá cao 6.5 mét bằng ngữ hệ Prakrit với nội dung: “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, Thiên ái Thiên tử – Quốc vương Piyadasi – đã đến đây chiêm bái. Bởi vì chính nơi đây, Đức Phật – bậc Thánh giả của dòng họ Thích Ca – đã giáng trần. Quốc vương ban lệnh khắc một pho tượng bằng đá và dựng thạch trụ này ghi dấu nơi Đức Phật đản sanh. Dân làng Lâm Tỳ Ni được miễn thuế và dân chúng trong vùng này chỉ đóng một phần tám lợi tức hoa màu”. (Twenty years after his coronation, Beloved-of-the-Gods, King Piyadasi, visited this place and worshipped because here the Buddha, the sage of the Śākyans, was born. He had a stone figure and a pillar set up and because the Lord was born here, villagers of Lumbinī was exempted from tax and required to pay only one eighth of the produce). Theo H. W. Schumann – một học giả người Đức – trong cuốn “The Historical Buddha” (Đức Phật Lịch Sử) thì chuyến chiêm bái này được Hoàng đế Asoka thực hiện vào năm 245 trước Tây lịch.
Những thế kỷ sau đó, Lâm Tỳ Ni thực sự trở thành niềm ao ước và điểm đến của những hành giả và học giả Phật giáo. Hai vị danh Tăng Trung Hoa – Pháp Hiển (sinh 337, tử 422) và Huyền Trang (sinh 602, tử 664) – ít nhiều đã ghi lại những dấu tích về Lâm Tỳ Ni trong các tác phẩm để đời của các Ngài sau những lần chiêm bái quê hương Đức Phật. Và cũng nhờ vào các bộ “ký sự” của hai vị danh Tăng Trung Hoa này, vào năm 1896 nhà khảo cổ người Nepal đã khai quật và phát hiện “sắc dụ Asoka” (trụ đá A-Dục) trên vùng đất có tên “Rummindei” sau gần mười thế kỷ Lâm Tỳ Ni hoang phế, điêu tàn và rơi vào quên lãng, kể từ ngày các thánh địa Phật giáo bị tàn phá, khủng bố dưới bàn tay những kẻ cuồng tín dị biệt niềm tin.
Năm 1997, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc) chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni trở thành di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ Ni ngày một xinh xắn, tú lệ theo đúng như tên gọi ban đầu của khu thánh địa Phật giáo này.
Ngày nay, Lâm Tỳ Ni nằm dưới chân dãy Himalaya, cách cổ thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavastu) 25 km về hướng Đông. Lâm Tỳ Ni toạ lạc tại quận Rupandehi, khu vực Lumbinī thuộc Vương quốc Nepal; nằm cách biên giới Sonauli của Ấn Độ khoảng 36 km. Một quần thể các công trình văn hoá Phật giáo, chùa chiền, tu viện các nước Phật giáo gồm Đại Thừa Phật Giáo, Nguyên Thuỷ Phật Giáo và Kim Cang Thừa Phật Giáo được kiến lập có quy hoạch trên vùng thánh địa này. Góp phần vào những công trình văn hóa ấy, Phật giáo Việt Nam hãnh diện được góp sức mình trong công cuộc phục hưng, tôn tạo khu thánh địa này với sự hiện diện của hai ngôi chùa Việt có tên: Việt Nam Phật Quốc Tự và Linh Sơn Tự.
Lâm Tỳ Ni xinh xắn, Lâm Tỳ Ni tú lệ hôm nay đang mỉm cười chào đón những người con Phật thành tâm từ khắp nơi trên quả địa cầu này!
Georgia – Hoa Kỳ, mùa Phật Đản 2632
LÊ BÍCH SƠN
814 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…