ANH NGUYÊN PHƯƠNG HOÀNG TRỌNG CANG

Kính anh!

Trong thâm tâm anh em mình không hai, nhưng sự thể thì cách nhau nửa vòng trái đất. Đạo pháp bịnh, dân tộc bịnh, tổ chức bịnh thì sao anh không bịnh? Tổ quốc trơ mình chịu trận, làm sao anh có thể đứng đi? Anh chị em của anh thảy đều là Y Khoa Bác Sĩ, chỉ riêng anh là bác sĩ của tâm hồn. Em vốn sinh ra nơi vùng quê nghèo khó, ôm sách đến trường chẳng được bao lâu, nên thiết tha được gần thầy gần bạn để được học hỏi kinh nghiệm vào đời. Làm thế nào cuộc sống được thảnh thơi, làm thế nào để có vòm trời bình yên mà cư trú. Nên em nguyện suốt đời làm người cần vụ đi sau thầy bạn anh chị em, nguyện kế thừa gánh vát sứ mệnh mà đi. Không ương hèn đi sau mà bỏ cuộc. Nhưng không bao giờ đạp lên thầy bạn mà đi. Em vừa đi vừa ghi vừa ngước nhìn. Như anh Cường kính nhi mà viễn chi. Với chị Cúc anh Chuẩn thì tịnh yên mà hành thâm đạo ý. Không khu trú cho mình một hải đảo an toàn như anh Văn Đình Hy mà luỵ người bạn đời, luỵ người cộng sự. Học nối vòng tay lớn như anh Từ, anh Tú. Cóp nhặt tinh hoa cho Tổ Chức vươn cao toả rộng.

Anh xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, nhưng lại dị tướng lưng hơi gù, vai hơi nhô, đầu hơi nghẻo. Tuổi thơ đi học anh bị bạn bè chọc ghẹo. Có lúc buồn anh muốn tự quyên sinh. Rồi duyên may anh được song thân đưa đi chùa lễ Phật. Anh gia nhập Đồng Ấu Phật Tử. Ở đây anh thấy bạn bè tự tín tự tin sống vô tư trong sáng kính yêu nhau. Biết nể trọng nhau từ cái đầu biết tư duy và nhiều sáng tạo. Anh được bạn bè Đồng Ấu yêu quý, Anh thấy cuộc đời đẹp hoài bảo nhiều ước mơ, và đẹp như bài thơ. như nốt nhạc. Anh bắt đầu viết nhạc để hát và xưng tán cuộc đời. Đội trưởng của anh là một thiếu niên nghèo bất hạnh nhưng tin Phật tin Pháp tin Tăng và tin vào Thánh giới, chỉ cho anh nhiều điều hay ngoài sách vở, tập cho anh nhiều trò chơi lạ mà trường học nhà chùa anh chưa từng bước qua. Anh sống trong tháp ngà gia giáo. Một đêm thức khuya đói bụng, có tiếng rao “Bánh mì nóng dòn đây” anh thấy nghe hay và quen thuộc nên gọi. Dưới ánh đèn khuya anh nhận ra người bán bánh mì là đội trưởng của mình. Rồi từng đêm, từng đêm kết những âm thanh lẻ loi trên phố vắng, từ bước chân rộn ràng chuyển nhanh. Từ những mảnh đời bất hạnh anh viết bản nhạc “Cậu bé bán bánh mì khuya”. Bước đầu tuổi thanh niên hùng tráng, anh thấy thiết tha tình cha và nghĩa mẹ, Vì hạnh phúc cho con mà không quản gian lao ngục tù. Lại học gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả. anh viết bản nhạc “Mục Kiền Liên” vào ngày ấy.

Rồi anh thấy Phật ở trong anh. Phật ở bên anh. Nếu cắt ái ly gia sống hạnh không nhà anh và Phật nào đâu có khác. Qua sông mê đó là hướng của đường về. Anh viết “Dòng A Nô Ma”. Anh là trại sinh trại Kim Cang đầu tiên năm 1951. Trại trường chính là khu đất để xây cất trường Bồ Đề. Viên gạch lót nền chính là nền móng xây dựng cơ sở giáo dục thế tục của Phật giáo Việt Nam. Đó là sự kết nối của đàn chim Việt “Chim Bốn Phương” khởi đầu bằng câu: Chúng ta là chim… bảo sao không tha thiết và biết bao nhiêu bài khác nữa, nhưng em xin chừa lại cho những người viết sử tương lai. Lại đến lúc chúng em học kinh. Nhưng dưới sự răn đe hù doạ của CA ngành bảo vệ chính trị giới tăng gia không ai dám dạy cho HT Trại sinh trại Vạn Hạnh hai. Những Huynh Trưởng điếc không sợ súng quyết tâm phát triển trên vùng lãnh thổ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nầy.

Anh là bảo Huynh giúp chúng em vượt khó. Tri Hành là một không hai. Để nuôi dưỡng xác thân hình hài. Ăn – Uống – Thở ba nhu cầu tiên quyết. Đủ cái ăn phải đổ mồ hôi, lao tác bằng chân tay, hay trí não tinh thần. Nếu biết nhiếp thân điều tức, pháp nhập thất nhịn ăn có thể kéo dai sự sống đến mấy trăm ngày. Thức uống cũng có nhiều biết bao nhiêu mà kể. Nhập thất quán soi về thuỷ đại. Sơ khai hiển đạo có thể nhịn hàng tuần. Còn nhu cầu thở không cần tiền mua sơ tâm chỉ có thể nín nhịn một vài phút mà thôi. Anh hướng dẫn quan sát việc con gà ấp trứng: Thực tập nhiếp kê môn là tấn dương hoả thoái âm phù. Chưa nói đến giải thoát chưa nói đến giác ngộ. Nói nhiếp kê môn là mở đóng huyệt trường cường. Há miệng vừa phải để thở, che kín huyệt ngan giao là mở cửa động đào vào ngôi hiền thánh.

Trong anh em cùng chung một thế hệ, chắc có lẻ anh rành nhiều ngoại ngữ nhất. Nhớ lại cuộc hội đàm cùng ông Đoàn Trung Còn. Hai người đã tỏ ra tương đắc. Cuối cùng ông Đoàn Trung Còn cho Chúng Vạn Hạnh một số sách mà ngày ấy không chi quý bằng.

Anh kể về các anh chị bề trên, Quý vị tăng già tôn chứng đã xả thân vì đạo giúp đời.

Trong nhà anh như con trẻ giúp mẹ già hằng vui. Mẹ anh có cái u trên ngực, Trong nhà các con của cụ đều là bác sĩ cả nhưng vì ác tính nên cũng bó tay. Mình đã từng chở anh đi thành ông năm đến cây số 37 tìm ông thầy Tư Rắn hốt thuốc cho cụ. Bớt hay không mình làm sao biết mà nói chỉ thấy cụ cười bảo “Anh là Oanh vũ rất ngoan.”

Từ khi anh ra khỏi nước. Anh em mình chưa từng gặp nhau một lần. Bây giờ anh lâm trọng bệnh. Chỉ mong anh quán soi xuyên suốt lộ trình sinh mệnh, khởi từ đâu và đến chỗ vô sinh. Thương biết mấy, nhớ biết bao, nhưng rồi đành chỉ vậy. Giá có anh chị nào đọc được bài nầy, lấy xuống và đọc cho anh nghe. Có lẻ em hàm ơn rất lớn. Không có gì đẹp hơn phải không anh?./.

THỊ NGUYÊN

626 lượt xem