“Sự hy sinh của các anh chị là hình ảnh thật đẹp trong mắt chúng em, nơi nào cần thì chúng em có, nhưng mái chùa và Gia Đình Phật Tử là nơi chúng em quay về”.
Ghi nhận về một cuộc hội thảo.
Phóng viên sen trắng.
Chỉ mới rời xa Ninh Thuận chưa đầy hai tháng sau lần về chung vui với hôn lễ của người nữ huynh trưởng Áo Lam, Tôi đã trở lại nơi này để ghi nhận về Trại huấn luyện Huyền Trang 5. Đáng lẽ ra, chúng tôi về từ hai tuần trước khi trại được khai khoá, nhưng vì chuyến công tác đột xuất ở Cà Mau nên tôi đành hẹn đến với trại trong ngày cuối cùng của giai đoạn một vào ngày 20-21.6.2009, Nó cũng chỉ là lỡ nhịp thôi chứ đâu phải là lỡ hẹn vì cuối cùng, chúng tôi cũng được gặp 20 khuôn mặt anh chị trại sinh với hành trang cụ bị sẵn sàng dấn thân chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của một đơn vị gia đình. Và bản thân tôi cũng có cái duyên thật lớn được lắng nghe những khát khao của các em ngành Thanh sinh hoạt tại một địa phương nổi tiếng là khô cằn nhất của đất nước bởi lượng mưa cả năm tại nơi đây cũng chỉ bằng vài cơn mưa lớn đổ xuống thành phố Saigon. Ban Hướng Dẫn GĐPT Ninh Thuận đã có lý khi chọn mái chùa Liên Hưng nơi mà trại Huyền Trang chọn làm địa điểm kết khoá để các em ngành Thanh họp mặt có thể nói lên những khát khao đó, vì ở nơi đây hiện hữu một người thầy cũng từng trăn trở trước đời sống hiện tại của người thanh niên.
Lần Đại Hội cuối cùng của GĐPTVN trên toàn quốc được tiến hành năm 1973, đã hướng đến sự phát triển GĐPT sau hậu chiến nên trong đại hội này chẳng những đã phác hoạ được một chương trình tu học trường kỳ cho Huynh trưởng, mà bên cạnh đó là Đại hội để hình thành Ban Bảo Trợ, Đoàn Cựu Huynh trưởng cấp Trung Ương
Nhưng Đại Hội đã không dự kiến được sự phát triển của tổ chức, nên Mục đích của GĐPTVN được xác định trong bản Nội Qui vẫn chỉ là: “Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng Niên thành Phật tử chân chánh, Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Và đó cũng là lý tưởng sống của bao thế hệ huynh trưởng gắn liền với dòng sinh mệnh của GĐPTVN.
Với 3 Ngành sinh hoạt, mục đích, tôn chỉ của tổ chức từ khi manh nha hình thành cho đến nay vẫn là Giáo dục. Thuở ban đầu, đối tượng được giáo dục nhắm đến tầng lớp thiếu nhi (Đồng Ấu Phật tử), rồi phát triển đến các độ tuổi của ngành Thiếu, ngành Thanh. Riêng ngành Thanh được qui định với độ tuổi từ 18 trở lên, không có giới hạn về tuổi tác trong sự sinh hoạt của ngành này. Vì trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, Ngành Thanh của GĐPTVN đã không phát triển đều khắp, nó chỉ rải rác ở một vài địa phương.
Ngày nay sau hơn 70 năm sinh hoạt, đến với GĐPT, đoàn sinh không còn ở độ tuổi tối thiểu của Ngành Đồng từ 8 đến 12, mà còn có các em với lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ, mặc áo Lam tung tăng chạy nhảy dưới sân chùa. Và cũng vì không có giới hạn cuối cùng trong độ tuổi, nên ngành thanh của GĐPT đã có những người ở tuổi trung niên với cuộc sống và nghề nghiệp ổn định. Ngành thanh trong hoàn cảnh xã hội hiện nay đã trở nên quan trọng, hỗ trợ đắc lực trong sự duy trì và phát triển của các đơn vị GĐPT.
GĐPTVN, dưới một góc nhìn nào đó, không còn đơn thuần là một tổ chức giáo dục mà đối tượng là tầng lớp Thanh thiếu nhi, nó đã trở thành tổ chức Giáo dục, sinh hoạt, tu học của những người con Phật.
Sự phát triển của GĐPT đã tạo nên sự biến đổi đó, những cô chú sen non theo chân cha mẹ, ông bà đến chùa sinh hoạt đã được các anh chị trưởng chăm nom, mặc đoàn phục biết trang nghiêm đứng dưới cờ Sen trắng. Đối tượng ngành Thanh hiện nay là sự góp mặt 3 thành phần:
Các em sinh hoạt trưởng thành từ ngành Thiếu
Giới thanh niên, sinh viên muộn màng đến với tổ chức sinh hoạt để tìm hiểu giáo lý của nhà Phật.
Và cuối cùng là đội ngũ đông đảo, các anh, các chị luống tuổi ngày xưa từng có một thời sinh hoạt GĐPT nay đến chùa cùng với các con, các cháu gắn bó với sự sinh hoạt của Gia Đình.
Tìm một phong cách sinh hoạt, và chương trình tu học thích hợp cho từng đối tượng của ngành cũng là nỗi băn khoăn của hơn 600 hội thảo viên ngành Thanh thuộc Liên Miền Khánh Hoà, Quảng Đức đưa ra trong lần hội thảo vào những ngày cuối năm 2008 tại Đồng Nai đã là vấn đề cần thiết để GĐPTVN nghiên cứu tìm cho ngành một hướng đi thích hợp.
Cuộc Hội thảo Ngành Thanh ở đơn vị Tỉnh Ninh Thuận lần này, vấn đề lại đơn giản hơn vì các hội thảo viên đều ở nhóm đối tượng thứ nhất, nghĩa là các em đã được huân tập trong sự sinh hoạt thời niên thiếu, nay đã trưởng thành về sinh lý cũng như tâm lý có khả năng làm chủ và có thể quyết định mọi việc liên quan đến bản thân mình theo qui định của luật pháp. Khai mạc lúc 8 giờ ngày 21.6.2009 tại chùa Liên Hưng. Các bài Tham luận của Thượng Toạ Trụ trì, của các anh chị Ủy viên ngành nhằm phân tích tình hình sinh hoạt tại địa phương nói riêng và hướng đi của tầng lớp thanh niên nói chung trong đời sống xã hội hiện nay, đã nêu được thực tế tình hình xã hội với những nguyên nhân tác động đến sự sinh hoạt của tổ chức GĐPT về các mặt chủ quan lẫn khách quan, Các bài tham luận nêu lên mỗi đoàn sinh, huynh trưởng nói chung và ngành Thanh nói riêng có những trách nhiệm riêng mình đối với tổ chức và bổn phận đối với cộng đồng xã hội qua việc phát bồ đề tâm, tinh tấn tu học, xây dựng cho mình một đời sống tỉnh thức, thực hành bồ tát đạo để đạo Phật thấm sâu và lan toả, tác động vào đời sống của thanh niên hiện nay.
Khác với sự trang nghiêm của buổi sáng, với lễ khai mạc và chú tâm lắng nghe những nhận định của các bài tham luận, buổi chiều không khí hội thảo đã trở nên thật sinh động vì từ đây vọng lên những tâm tư, của 80 hội thảo viên.
Chỉ làm công việc ghi nhận và viết lên diễn tiến của sự kiện. Tôi đã có dịp lắng nghe và cảm thông với các em với ước mong về sự hoạt động tích cực của Ban Hướng Dẫn, dù GĐPT hiện tại đang ở trong một hoàn cảnh thật khó khăn, sự sinh hoạt chỉ được phép đóng khung trong sân chùa theo qui định của pháp luật, nhưng dù có bị thu hẹp dưới sân chùa GĐPT phải tạo được sân chơi để thu hút thanh niên đến với tổ chức, phải tạo nên được những giải thể thao bóng đá hay những trò chơi vận động sôi nổi, hoặc đơn giản hơn giống như Ban Hướng Dẫn Bà Rịa – Vũng Tàu đã kết hợp các cuộc thi mà ngày nay đã trở thành truyền thống như vẽ tranh, tiếng hát, Người dẫn chương trình đã lôi cuốn toàn thể đoàn sinh huynh trưởng trong suốt một năm trời cho đến ngày chung kết.
Tôi đã thấy cái lắc đầu nhè nhẹ của một vài anh trưởng với mái tóc hoa râm trên bàn chủ toạ trước lời phát biểu thật chân tình của một hội thảo viên: Em đi sinh hoạt từ nhỏ, em không hiểu cái gì đã gắn bó em với sự sinh hoạt GĐPT và giờ này chính bản thân em, cũng không biết Lý tưởng của người thanh niên GĐPTVN là gì? Nhìn khuôn mặt tươi trẻ mang một chút băn khoăn với giọng nói đầy ắp niềm tin yêu của em, bỗng dưng tôi bắt gặp lại hình ảnh của chính mình mấy mươi năm trước, nên đã bật cười và cảm thấy trong lòng rạo rực niền vui. Quả thật, đi sinh hoạt GĐPT từ thuở còn bé và trưởng thành trong ngành Thiếu tôi vẫn không thắc mắc, hay ưu tư về cái mục đích của tổ chức đã nuôi dưỡng tôi nên người là gì? Tôi chỉ biết rằng những ngày chủ nhật không đi sinh hoạt, hay những cuộc trại không được tham gia, lòng tôi vẫn thường băn khoăn: Các bạn trong Đội của tôi, Đoàn của tôi, Gia đình áo lam của tôi giờ này đang làm gì? Tôi đã được sống trong một tập thể đầy ắp tình thương bởi sự hy sinh của các anh chị trưởng, bài học mục đích GĐPT của bậc hướng thiện năm xưa khi được cắt dây lên ngành Thiếu, đối với tôi không hấp dẫn bằng những cuộc trại vượt suối băng rừng. Những phương pháp đo chiều cao cây, những địa điểm cắm trại mà tôi sẽ đến, hay những trang nhật ký của đoàn lần luợt trao tay cho các thành viên ghi chép trong mỗi tuần sinh hoạt đã lôi cuốn tôi vào các môn học phổ thông lý thuyết của nhà trường: Tam giác đồng dạng là cơ sở của bộ môn ước đạc, môn địa lý với những đường kinh tuyến, vĩ tuyến là cơ sở của tấm bản đồ mà anh trưởng đã trao cho tôi khi dắt đội của mình làm một cuộc thám du. Năm điều luật của ngành thanh thiếu vẫn không đủ rộng để bao trùm 3 điều luật của ngành Oanh: Em tưởng nhớ Phật, Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, Em thương người và vật. Đối với tôi nó không đơn thuần gọi là những điều tâm niệm ở đó các em Oanh vũ chỉ cần ghi nhớ và thực hành, theo tên gọi của các huynh trưởng ngành Đồng khi làm những cuộc hội thảo phân tích tâm lý sau này. Sống với 3 điều luật là sự thể hiện mình là một đoàn sinh GĐPT, và vì nó là Luật nên tôi phải tuân hành. Tôi đã sống với tinh thần như thế, mãi đến khi được mang ba lô lên đường dự trại Lộc Uyển, mang theo niềm tin yêu của các anh chị huynh trưởng gia đình. Lúc ấy tôi mới thực sự đặt vấn đề Lý tưởng của GĐPTVN, của cái tổ chức mà cả một thời ấu thơ và niên thiếu đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành. Tôi đã đặt vấn đề mục đích của GĐPTVN, về cái lý tưởng mà các anh chị thực sự đã truyền trao khi gởi tôi đến trại huấn luyện huynh trưởng đầu đời. Trong niềm tin và ước mơ của người thanh niên 18, tôi đã chọn cho mình một hướng đi trên đường đời muôn ngàn vạn lối để rồi khi chấp nhận cho mình một lý tưởng là đã chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc đời.
Tôi đã mỉm cười với lời phát biểu của em, vì tôi đã sống như em đang sống. Được sống trong môi trường GĐPT với sự hy sinh của các thế hệ huynh trưởng đàn anh, chúng ta cảm thấy yên lành như không khí mà chúng ta đang thở, nó cần thiết biết bao nhiêu nhưng mấy lúc ta cảm nhận được nó trong cuộc sống đời thường. Cái lắc đầu nhè nhẹ của người anh trưởng cũng làm cho tôi một chút băn khoăn: Chương trình và tài liệu của ngành Thanh hiện nay nào nhắc đến điều đó, để người thanh niên muộn màng khi đến với tổ chức ở lứa tuổi ngành Thanh tránh sao không khỏi ngỡ ngàng khi chọn cho cuộc đời mình một hướng đi.
Sự sinh hoạt của GĐPT đâu tách rời khỏi nhà trường và xã hội, nên tôi cảm thấy thật dễ thương trước nỗi băn khoăn của các em ngành Thanh khi tham gia các chiến dịch hoạt động của địa phương với tâm nguyện thanh niên giúp đỡ cộng đồng, trong suốt thời gian ấy đã rời xa sự sinh hoạt của gia đình và trở lại sinh hoạt khi hoàn thành xong nhiệm vụ mà các anh chị không nói gì đã khiến cho tâm hồn em mang những ưu tư: “Phải chăng tổ chức GĐPT không chặt chẽ lắm, có phương pháp nào giúp cho các em hiểu vì sao em nghỉ rồi lại trở về sinh hoạt?”.
Có phương pháp luận nào có thể lý giải được sự trở về của em? Ngoài việc chúng ta sống và cảm nhận được tình thương trong GĐPT, chính cái tình thương này mới giúp chúng ta tồn tại trước những sóng gió của cuộc đời, Tôi chưa kịp suy tư cho vấn đề mà các em đặt ra để hội luận: Thanh niên giúp đỡ cộng đồng thì một hội thảo viên đã xin phép chủ toạ phát biểu, Em đã đứng lên, đã nói lên tiếng nói của chính tâm hồn mình: “Sự hy sinh của các anh chị là hình ảnh thật đẹp trong mắt chúng em, nơi nào cần thì chúng em có nhưng mái chùa và gia đình Phật tử là nơi chúng em quay về”.
Phần hội luận đã chấm dứt sau lời phát biểu đó, tôi lẳng lặng bước ra ngoài mà trong lòng ngập tràn niềm vui, vì tôi đã tìm lại được chính mình mấy mươi năm trước trên đất trại Lộc Uyển năm nào trước ngày đất nước thống nhất. Tôi vui, vì tôi đã đi và đi thật nhiều trên con đường tôi đã chọn nên tôi hiểu và hiểu thật nhiều về ý nghĩa của những bước chân
540 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…