Lời khuyên nam giới và nữ giới
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Đương nhiên người đàn ông và người đàn bà khác nhau trên phương diện thể xác, và sự khác biệt đó kéo theo một vài khác biệt khác trên phương diện xúc cảm. Tuy nhiên cách suy nghĩ, giác cảm và tất cả các khía cạnh khác thuộc vào con người của nam và nữ giới đều giống như nhau trên căn bản. Đàn ông thích nghi hơn với các công việc đòi hỏi sức lực ; phụ nữ tỏ ra hiệu quả hơn trong các công việc đòi hỏi những suy nghĩ minh bạch và sự khéo léo. Ngoài ra trong hầu hết các trường hợp khác, đàn ông và đàn bà hoàn toàn ngang hàng nhau trên các lãnh vực mà sự suy nghĩ đứng ra giữ một vai trò then chốt. Vì chúng không có sự khác biệt căn bản nào giữa họ với nhau, nên đương nhiên họ phải có những quyền lợi giống như nhau và mọi sự kỳ thị đều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, người đàn ông cần có nữ giới, và ngược lại người phụ nữ cũng cần có nam giới.
Bất cứ nơi nào quyền hạn của người phụ nữ bị chà đạp, thì họ phải đứng lên tranh đấu để tự bảo vệ, và người đàn ông phải tiếp tay để bênh vực họ. Chính tôi đã từng tranh đấu trên đất Ấn từ hai mươi năm nay để người phụ nữ được đi học và giữ những chức vụ thuộc vào mọi cấp bậc, tương đương với nam giới trong xã hội.
Đối với Phật giáo thì người đàn ông hay người đàn bà đều hàm chứa như nhau những gì mà người ta gọi là bản thể của Phật hay khả năng của Giác ngộ, không có một chút mảy may nào khác biệt. Họ hoàn toàn bình đẳng với nhau từ bản chất. Quả thật, trong một vài truyền thống thường xuyên xảy ra một sự tách biệt nào đó. Chẳng qua sự tách biệt nam nữ như thế hầu hết bắt nguồn từ những nguyên nhân xã hội và văn hoá. Long thụ (Nagarjuna) (1) trong tập Bảo hành vương chính luận, và Tịch Thiên (Shantideva) (2) trong tập Nhập Bồ đề hành luận có nói đến những « khiếm khuyết trên thân xác người phụ nữ ». Nhưng phải hiểu rằng các vị ấy không hề có ý xác định người phụ nữ thuộc vào một cấp bậc thấp hơn. Vì lý do hầu hết những người xuất gia thuộc nam giới, sự kiện nêu lên những khiếm khuyết trên thân xác người phụ nữ chỉ nhắm vào mục đích duy nhất là giúp những người xuất gia khắc phục những dục vọng của mình trước thân xác phụ nữ mà thôi. Ngược lại, một ni sư cũng thế, nhất định phải phân tích thân thể người đàn ông theo cùng một chiều hướng như thế.
Trong những cách tu tập thuộc vào các cấp bậc cao nhất của Kim cương thừa, chẳng những người ta không phân biệt giữa đàn ông và đàn bà, mà yếu tố nữ tính còn giữ một vai trò then chốt nữa, cho đến mức độ sự khinh miệt nữ giới sẽ bị ghép vào tội vị phạm giới luật.
Hoang Phong dịch, 21.03.09
Ghi Chú :
1- Long Thụ, thế kỷ thứ II, là một đại luận sư Phật giáo sáng lập học phái Trung quán tông (Madhyamika)
2- Tịch Thiên, một đại luận sư Ấn độ thuộc thế kỷ thứ VIII, ông vừa là một triết gia vừa là một thi sĩ.
[Trích trong quyển : Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (Conseils du coeur), sách được thực hiện với sự hợp tác của Ngài Mathieu RICARD, do Christian BRUYAT dịch từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris, 2001]
518 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…