Niềm tin

Phóng viên Sen trắng

Sau bảy tiếng đồng hồ đi trong đêm, chuyến xe đã đưa tôi về Thành phố Nha Trang. Ý niệm không gian về những nơi tôi đã đi qua thật mờ nhạt. Đi qua Phan Thiết với hương vị đặc trưng của miền biển, Chỉ riêng bầu trời Phan Rang tôi nhận ra nó với trụ đèn to lớn sáng trưng của ngã năm vòng xoay, lòng tôi cảm thấy nao nao. Tôi đã đến nơi mà tôi thường đến, đến nhưng không ghé lại bởi cuộc hành trình cho chuyến đi này vẫn còn là đoạn đường dài phía trước. Nhìn qua khung cửa, bầu trời đêm lấp lánh những vì sao. Những ngôi sao trong vũ trụ, ban đêm – đứng nơi nào trên trái đất người ta lại không nhìn thấy và bầu trời đâu có phải chỉ dành cho riêng ai, nhưng ở nơi này thì bầu trời mới là của riêng tôi, vì chính ở nơi đây tôi đã tìm thấy lòng mình thanh thản sau những tháng ngày chịu đựng nỗi đắng cay trong cuộc đời áo Lam. Nơi này, tôi có những người anh, người chị, người em đã chia xẻ với tôi nỗi đắng cay ấy, đã sách tấn tôi trên bước đường phụng sự, nơi mà tôi đã tìm ra cho chính mình lời phát nguyện trong lễ thọ cấp một năm sau đó: “Chân lý luôn tồn tại để con người còn vươn tới Chân – Thiện – Mỹ”. Tháp chàm vẫn đứng yên lặng như ngày xưa, nhưng không chìm trong bóng đêm như 6 năm trước, nó nổi bật bởi ánh đèn đường, để rồi đến Nha Trang nhìn đồng hồ thì đã hơn hai giờ sáng.

Theo phái đoàn, Tôi đến đây để tham dự buổi giải trình Luận văn Kết khoá Bậc Lực và Trại Vạn Hạnh. Đây là lần thứ ba, GĐPTVN mới thuận duyên tổ chức được buổi giải trình, để kết thúc năm thứ năm của chương trình tu học bậc Lực của huynh trưởng học viên và là lần thứ hai để huynh trưởng Trại sinh Trại huấn luyện Vạn Hạnh 5 bảo vệ luận khoá của mình, dù rằng trại đã kết thúc từ 3 năm trước tại khu rừng Thác Mai.

Chùa Kim Liên là nơi diễn tiến cho buổi giải trình, cách xa thành phố 10km về hướng nam, nằm tách biệt với khu dân cư bởi những cánh đồng bao quanh đã cho tôi cảm giác gần gũi thân thương, khiến tôi nhớ đến câu thơ: Mái chùa che chở hồn dân tộc – nếp sống muôn đời của tổ tông mà lần đầu tiên tôi đọc được cách đây trên ba mươi năm, chính câu thơ này đã định hướng cho cuộc đời tôi trong trách nhiệm của người trưởng áo Lam, Vì tôi hay nói chính xác hơn là thế hệ huynh trưởng chúng tôi đã phải chọn hướng đi của mình, trước sự thay đổi của thời cuộc để chấp nhận bao khó khăn trong cuộc sống, khi tiếp tục duy trì sự sinh hoạt sau ngày đất nước thống nhất.

Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được hình thành theo đạo diễn của tiến trình thống nhất Phật giáo, thì thêm một lần nữa “Mái chùa che chở hồn dân tộc – nếp sống muôn đời của tổ tông” đã giúp chúng tôi trả lời câu hỏi: “Giáo Hội nào đã gắn liền với mạch sống của dân tộc? Đã đứng về những người đau khổ để nói lên sự khổ đau?”. – Cũng vì dám nói lên tiếng nói ấy, mà hàng chư Tăng lãnh đạo phải chịu quản thúc, lưu đày, thậm chí có vị đã chết trong ngục tù. Để rồi ngày nay, nhìn về quá khứ, những lỗi lầm mang tính chất lịch sử của những người nắm vận mệnh đất nước đã được thừa nhận, nếu không sai lầm – thì làm gì có đổi mới, làm gì có những phong trào về nguồn để người ta biết thắp lên nén hương tưởng nhớ đến cội nguồn, để cho một thế hệ trẻ biết hướng về một nền văn hoá được xây dựng hàng ngàn năm của dân tộc. Cái nền văn hoá mà một thời người ta vội vã lên án, đả phá là phong kiến, lạc hậu.

Chúng tôi vẫn kiên trì sinh hoạt và đã từ chối những ưu đãi được hỗ trợ của cái tổ chức cũng mang tên GĐPT được xây dựng mười một năm sau đó bởi Giáo Hội đương thời, từ chối những thuận lợi dễ dàng trong sinh hoạt bởi cái vỏ bọc “hợp pháp” của thế quyền, để bảo vệ Nội qui – Qui chế vốn là công trình cân não và cả máu xương của người đoàn viên GĐPT, mà chỉ có Đại Hội Huynh trưởng mới có quyền sửa đổi theo đúng tinh thần giáo pháp của Đức từ phụ đã truyền dạy. Chúng tôi vẫn đi theo con đường mà các anh chị đã chọn, đi theo cái hướng truyền thống đã dạy chúng tôi nên người, đã cho chúng tôi một lý tưởng sống.

Hơn ba mươi năm, để tồn tại trong một xã hội đã được định hướng, GĐPTVN đã gặp bao khó khăn khi phải sinh hoạt dưới mái chùa mà cho đến ngày nay, không một ngôi chùa nào dám để danh hiệu công khai của một Giáo hội truyền thừa hai ngàn năm lịch sử – vì người ta đã cho rằng Giáo Hội đó không còn tồn tại. Chính tinh thần bảo vệ Nội qui – Qui chế Huynh trưởng đã giúp chúng tôi vượt qua khỏi luận cứ “Tùy duyên bất biến” mà một số người đã lạm dụng để biện minh cho hành động quay lưng, đưa GĐPT đến sự phân chia. Những người áo Lam trong danh hiệu GĐPTVN chúng tôi đã phải nhận định rõ cái gì được gọi là bất biến và cái gì cho phép uyển chuyển để gọi là tuỳ duyên, ngõ hầu duy trì được sự tồn tại của mình mà qua đó, người ta thấy được hình ảnh của một Giáo hội đã xác định trong Bản Nội Qui.

Trong quá trình tự nỗ lực để tồn tại, GĐPTVN chỉ mang một ý niệm duy nhất là cố gắng giảm bớt tối đa áp lực của thế quyền và giáo quyền đương thời, để các đơn vị trong hệ thống được duy trì và phát triển. Tiếc thay, ngày nay đã có người ác ý khai thác triệt để sự nỗ lực trong giai đoạn lịch sử này, gây nên nỗi nghi kỵ trong một thể thống nhất – để rồi, thêm một lần nữa đặt GĐPTVN trước cơn biến động đe doạ đến sự tồn vong của mình.

Trong cơn sóng biến động đang dâng trào hiện nay, vẫn còn có nơi để chúng tôi tìm về – Một ngôi chùa được bao quanh bởi cánh đồng đang ươm mạ, một mái chùa đã gợi nhớ cho tôi một lời thơ. Và dưới mái chùa ấy chúng tôi tiến hành lễ khai mạc cho buổi bảo vệ luận khoá. Dưới sự chứng minh của Hoà Thượng trụ trì, Chư tôn đức cố vấn giáo hạnh GĐPTVN và nhất là của Thượng Toạ Chánh Đại Diện GHPGVNTN. Các vị là những người từng trăn trở, gắn bó với GĐPTVN suốt bao năm nay, đã cảm thông được những chướng duyên của tổ chức nên đã đến chứng minh, đã cưu mang và góp phần cho buổi giải trình luận khoá được viên mãn.

Khung cảnh trang nghiêm của hội trường đã gây ấn tượng cho mọi người, nhất là đối với những Huynh trưởng được trực tiếp giải trình Luận khóa, để đúc kết một khoảng thời gian dài trong tu học và phụng sự. Đó cũng là thành quả của một quá trình nỗ lực xây dựng và phát triển của Ban Hướng dẫn Trung ương và quí Chư tôn đức Cố vấn Giáo hạnh đã bỏ bao tâm huyết để kiện toàn được bộ tài liệu tu học và huấn luyện xuyên suốt cả đời người của GĐPT – mà chỉ mới cách đây hơn chục năm chỉ là đề án đã được Đại hội Huynh trưởng GĐPTVN -1973 thông qua.

Đã có những chiếc áo lam của huynh trưởng giải trình thấm ướt những giọt mồ hôi, dù rằng tiết trời mùa đông đang se lạnh, đã có những nụ cười từ hoà của Chư tôn trước thái độ lúng túng của huynh trưởng bởi câu hỏi của Hội đồng thẩm định đặt ra, Nhưng chính những câu hỏi đó đã giúp cho người huynh trưởng chúng tôi nhìn sâu hơn mà lại thiết thực hơn trong đời sống. Và có những câu hỏi tưởng chừng hiển nhiên, nhưng lại mang tính nhạy cảm trước cơn biến động hiện nay như câu hỏi của Thượng Toạ Chánh đại diện: “GĐPTVN hiện nay đang đứng ở đâu?”. Cả Hội trường vang lên tiếng vỗ tay khi người Huynh trưởng giải trình trả lời dứt khoát: “GĐPTVN chỉ nằm trong GHPGVNTN bởi điều đó đã xác định trong bản nội qui”.

Tôi vội ghi vào sổ tay câu trả lời đó mà trái tim chợt nhói đau . . .

Gần hai tiếng đồng hồ xe chạy để trở về Thành phố, ngang qua bầu trời Ninh thuận, tháp chàm vẫn yên lặng trong bóng đêm như hàng trăm năm nay, trên bầu trời vẫn chi chít những vì sao nhấp nháy. Tôi lại nhớ đến lời nguyện: “Con tin tưởng vào chánh pháp, vì chân lý luôn tồn tại để cho người còn vươn tới chân thiện mỹ, vì đó là niềm tin, để con phụng sự cho lý tưởng mà cuộc đời con đã chọn . . .”

Vâng, niềm tin: “Chân lý luôn tồn tại để con người còn vươn tới Chân – Thiện – Mỹ” sẽ sống mãi trong mọi thế hệ huynh trưởng chúng tôi.

645 lượt xem