Lời khuyên những người nông dân

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA

Người nông dân giữ một vai trò then chốt trong việc bảo vệ hay tàn phá môi sinh và sức khoẻ. Hiện nay, lớp nước ngầm bị ô nhiễm, việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu và những yếu tố nguy hại khác được đem ra tố giác, và do đó người ta ngày càng ý thức được trách nhiêm của con người trước cảnh tàn phá của môi sinh và sự xuất hiện của nhiều thứ bệnh tật mới. Chứng bệnh « bò điên » sinh ra vì cho bò ăn bột có nguồn gốc thú vật là một thí dụ điển hình nhất. Đúng lý ra thì những kẻ chịu trách nhiệm phải bị trừng phạt, nhưng hình như chẳng có ai nghe nói gì cả. Trái lại thì người ta giết bò hàng loạt, nhưng bò chỉ là nạn nhân của họ…

Tôi nghĩ rằng nên bớt dùng các chất hoá học trong canh nông và nên trồng trọt phù hợp với thiên nhiên. Trước mắt, có thể thu hoạch bị sút giảm, nhưng trong lâu dài sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn. Thu nhỏ và giới hạn các nông trại chăn nuôi kỹ nghệ có hại cho môi trường cũng là một điều tốt. Các loại thực phẩm gia súc trái ngược với thiên nhiên có thể làm phát sinh những hậu quả không lường trước được, như người ta vẫn thường thấy ngày nay. Nếu biết nghĩ đến thì giờ, tiền bạc, sức lực bị phung phí và những đau thương vô ích phải gánh chịu do những thứ thực phẩm ấy gây ra, thì người ta sẽ hiểu rằng nên tìm những phương pháp chăn nuôi khác thì tốt hơn.

Tôi cũng muốn nói thêm vài lời về số phận những con vật bị giết. Tất cả mọi sinh vật có giác cảm đều có quyền được sống. Thật rõ ràng là những loài có vú, chim muôn, cá đều cảm nhận được thích thú và đau đớn, và cũng giống như chúng ta thôi, chúng đâu có muốn bị đớn đau hành hạ. Nếu ta lạm dụng quá đáng súc vật để tìm lấy lợi nhuận, thi dù cho không đếm xỉa gì đến quan điểm của Phật giáo, người ta cũng thừa biết mình làm trái với những giá trị đạo đức sơ đẳng nhất.

Tôi muốn nói thêm rằng bất cứ một kẻ nào không tỏ ra một chút xíu do dự hoặc không cảm thấy một chút từ bi khi giết một con vật hay hành hạ một con vật, thì nhất định người đó sẽ khó tỏ ra do dự và từ bi hơn một kẻ khác, trước một hành vi tương tợ đối với một đồng loại. Thật hết sức là nguy hiểm nếu không biết nghĩ đến những khổ đau của một sinh vật, dù bất cứ một loại sinh vật nào cũng thế, ngay cả trong trường phải hợp phải hy sinh chúng vì lợi ích của số đông (1). Chối bỏ điều đó, hay tránh né không muốn nghĩ đến điều đó là một giải pháp đơn giản, nhưng thái độ ấy sẽ mở ra một cửa ngõ đưa đến mọi hình thức bạo hành, cũng giống như thường xảy ra trong các cuộc chiến tranh (2). Thái độ đó sẽ làm tiêu tan hạnh phúc của chính mình. Tôi vẫn thường nói giác tha hay từ bi bao giờ cũng mang đến lợi ích.

Nhiều người nêu lên lý do là dù sao thì thú vật cũng ăn thịt lẫn nhau. Đúng như thế, nhưng phải công nhận là khi một con thú ăn thịt một con thú khác thì thái độ của nó thật đơn giản và thẳng thắn : khi đói thì giết, khi không đói thì không giết. Thật là trái hẳn với hành động của con người, vì con người giết hàng triệu con bò, trườu, gà và những con vật khác mục đích để gia tăng lợi nhuận mà thôi.

Có một lần gặp một người Do thái gốc Ba lan, người này rất tốt và thông minh. Anh ta ăn chay, trong khi đó những người Tây tạng lại không ăn chay, anh ta nói với tôi như sau : « Tôi không ăn thịt thú vật, nhưng nếu tôi ăn thì tôi phải có đủ can đảm để giết con vật bằng chính bàn tay của tôi ». Chúng tôi là những người Tây tạng, chúng tôi nhờ kẻ khác giết con vật và sau đó chúng tôi ăn ! (Ngài bật cười to).

Hoang Phong dịch, 30.03.09

Ghi chú :
1- Chẳng hạn như các loài vật có thể gây ra bịnh tật như chuột, gián, ruồi nhặng…, hay giết một con thú giữ giết hại dân làng. (Ghi chú của người dịch).
2- Giết hại kẻ địch và cả một tập thể con người, không kể già trẻ lớn bé, giống như giết những loài thú vật gây ra nguy hiểm và bệnh tật. (Ghi chú của người dịch).

[Trích trong quyển : Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (Conseils du coeur), sách được thực hiện với sự hợp tác của Ngài Mathieu RICARD, do Christian BRUYAT dịch từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris, 2001]

 

515 lượt xem