Lời khuyên những kẻ yếm thế
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Đối với những người yếm thế và lúc nào cũng day dứt trong lòng, tôi rất muốn nói với họ rằng : các bạn ngu ngốc vô cùng ! Một lần tại Hoa kỳ tôi có gặp một người phụ nữ lúc nào cũng thấy mình đau khổ vô ngần nhưng không biết vì lý do gì. Tôi nói với bà ấy : « Đừng dày vò mình như thế ! Bà còn trẻ, còn biết bao nhiêu năm tháng trước mặt, đâu có lý do gì để đay nghiến trong lòng ! ». Bà ấy trách lại tôi tại sao lại chen vào chuyện của người khác như thế. Tôi trả lời là câu nói ấy chẳng ích lợi gì cả. Tôi liền nắm lấy tay bà và vỗ nhẹ một cách thật thân ái và bà đã đổi hẳn thái độ.
Đối với những người như thế ta chỉ có thể giúp họ bằng tình thương và sự trìu mến. Nhưng không phải là thứ tình thương bề ngoài hay những ngôn từ rỗng tuếch, nhưng phải là một thứ gì đó phát xuất từ tận đáy tim mình. Khi người ta tranh luận với nhau, thì thường dựa vào lý trí, nhưng khi thật sự muốn bộc lộ tình thương hay sự diệu dàng, thì người ta phải truyền thẳng cho nhau. Sau cùng thì người phụ nữ ấy đã thay đổi hẵn. Bà tươi cười một cách thật hồn nhiên.
Nếu bạn là một người yếm thế thì bạn hãy nghĩ rằng bạn cũng là một thành phần của xã hội con người, và con người thì trong tận cùng của lòng mình luôn luôn hiển lộ một cách tự nhiên tình thương yêu giữa con người với nhau. Luôn luôn bạn có thể tìm thấy một người nào đó để gởi gấm những ước vọng của mình, một người xứng đáng làm một tấm gương soi chung. Cứ day dứt trong lòng như thế đâu có ích lợi gì.
Hãy hướng những suy tư của mình vào một khúc quanh tích cực hơn. Thật hết sức sai lầm khi cho rằng thế giới này thật tồi tệ. Quả đúng, phải công nhận là có những kẻ hung ác. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều hung ác. Vẫn có thật nhiều người cao thượng và hào phóng.
Những người cảm nhận thế giới như vừa kể trên đây sẽ không còn tin tưởng vào ai nữa và sẽ cảm thấy cô đơn. Họ cảm thấy cô đơn từ trong lòng chẳng qua vì họ không đủ sức nghĩ đến kẻ khác. Khi ta không đủ sức nghĩ đến kẻ khác, thì ta sẽ xét đoán kẻ khác dựa vào chính bản thân mình, và rồi ta cũng sẽ tưởng rằng kẻ khác nghĩ về ta cũng giống như ta đã nghĩ về họ. Trong trường hợp như thế, nếu như những xúc cảm cô đơn có xảy ra thì cũng không nên ngạc nhiên làm gì. Tôi nhớ đến một câu chuyện sống thật của tôi. Câu chuyện ấy cho thấy những lợi ích của cách cư xử tích cực. Một hôm có một người đàn ông đến Dharamsala (1) và người này liên hệ rất chặt chẽ với cộng sản Trung quốc. Ông ấy trạc ngoài bảy mươi. Chúng tôi gặp nhau trong gian phòng mà hiện chúng ta đang ngồi đây với nhau.
Nhiều người trong phòng họp đã được thông báo trước là vị này sẽ đến và tất cả đều dán sẵn cho vị ấy cái nhãn « cộng sản Trung quốc », và trong đầu mỗi người đều mang những định kiến không tốt. Về phần mình thì ông ấy cũng tự xác nhận rất khâm phục Trung quốc và gợi ý cho biết ông ta cũng thuộc vào đảng cầm quyền. Kết cuộc khi hai nên gặp nhau thì hình như có một bầu không khí thật ngột ngạt toả rộng trong gian phòng.
Riêng cá nhân tôi thì tôi không có gì chống đối ông ta cả, tôi nghĩ rằng ông ta cũng là một con người như bất con người nào khác và ông ta đã tin vào lời của những người Trung quốc chẳng qua vì không nhận được đầy đủ tin tức thế thôi. Hoàn cảnh Tây tạng thật hết sức bi thảm, nhưng tôi cũng không thể nói khác đi để làm vui lòng ông ta. Tôi trình bày với ông ấy những sự kiện đúng như thế.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, ông ta nói với tôi bằng một giọng rất gây hấn, nhưng tôi vẫn coi ông ấy như một con người và nói với ông ấy về xứ Tây tạng một cách rất thân thiện. Sang ngày hôm sau, thái độ của ông ta đã hoàn toàn khác hẳn.
Lúc mới họp, sự đối đầu đặt ông ta vào một tư thế không được thoải mái cho lắm. Nếu đồng thời tôi lại tỏ ra mất bình tỉnh, thì mỗi người sẽ rút vào vị thế của mình. Tôi sẽ không chú ý gì nữa đến những luận chứng của ông ta đưa ra, và ông ta cũng sẽ không quan tâm gì đến những lời tôi nói. Tôi xem ông ấy cũng là một con người và tự nhủ rằng mọi người cũng như nhau, chỉ vì không được thông tin đầy đủ mà sinh ra như thế, và tôi đã cư xử với ông ta một cách hết sức chân tình và rồi dần dần tôi giúp ông ấy tự mở rộng được lòng mình.
Có những người chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của mọi việc. Thật hết sức lạ lùng. Trong tập thể người Tây tạng tị nạn chẳng hạn, tất cả đều là những người lưu vong, chịu cùng một hoàn cảnh, nhưng một số thì rất thoả nguyện, chỉ thích kể chuyện khôi hài, gợi lên những niềm hy vọng, trái lại một số khác thì không hề nhìn thấy bất cứ thứ gì mang tính cách tốt đẹp. Họ toàn nêu lên những chuyện không hay và luôn luôn day dứt trong lòng.
Kinh sách nhà Phật có nói rằng thế giới này có thể hiện ra với ta như một người người bạn hay một kẻ thù, có thể mang nặng khuyết điểm hay chứa đầy phẩm tính : tất cả là do nơi tâm thức của mình mà thôi. Một cách tổng quát, không có gì hoàn toàn thuận lợi hay hoàn toàn bất lợi. Tất cả những gì mà ta tiêu dùng – thực phẩm, quần áo, nhà cửa – và tất cả mọi người đang sống chung với ta – gia đình, bạn hữu, người trên, kẻ dưới, thầy, đệ tử, v.v… – tất cả đều có nhiều phẩm tính đồng thời cũng mang nhiều khiếm khuyết. Nó là như thế. Nếu muốn đánh giá hiện thực một cách đúng đắn, phải nhìn nhận cả những gì tốt và những gì xấu, đúng nguyên như thế.
Theo một quan điểm nào đó, ta cũng có thể nhìn thấy mọi sự đều tích cực trong một ngày nào đó. Kể cả khổ đau cũng được xem là lợi ích. Tôi không muốn chen vấn đề tín ngưỡng vào trong trường hợp này. Tôi chỉ đơn giản nêu lên là những người từng trải đã vượt được nhiều thử thách, thì thông thường họ không ta thán gì cả khi gặp phải những phiền toái nhỏ nhặt. Những khó khăn mà họ từng gánh chịu đã hun đúc tánh khí của họ, giúp cho họ một tầm nhìn bao quát hơn, một tâm thức vững chắc hơn, gần với hiện thực hơn, kể cả những khả năng giúp họ nhìn thấy mọi sự đúng như thế. Những người chưa hề gặp một khó khăn nào và sống trong êm ấm sẽ bị tách rời khỏi hiện thực. Gặp phải một điều phiền nhiễu nhỏ nhặt là họ « lấp đầy cả xứ sở này bằng những lời ta thán ». Tôi thường gặp những cảnh như thế và tôi cũng nhận thấy những kinh nghiệm như thế đối với chính tôi.
Tôi đánh mất quê hương tôi, và trải qua một phần lớn cuộc đời tôi trong cảnh lưu vong, dân tộc tôi bị hành hạ, tàn sát, chùa chiền bị san bằng, văn hoá bị chà đạp, xứ sở bị phá phách, tài nguyên bị vơ vét. Trước những chuyện như thế, chẳng có gì là vui sướng cả. Tuy thế, khi sống ở những nơi khác, tiếp xúc với những dân tộc khác, những tôn giáo khác, những nền văn hoá khác, khoa học khác, tôi đã trở thành phong phú hơn nhiều. Tôi tìm thấy những hình thức tự do và những cách nhìn về thới giới này mà trước đây tôi không hề biết.
Trong tập thể những người Tây tạng lưu vong và trong số những người gánh chịu nhiều khổ đau nhất thì người ta lại tìm thấy nhiều người vui vẻ nhất và có nội tâm vững chắc nhất. Có những người sau hai mươi năm tù tội trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất đã nói với tôi rằng những gì mà họ từng chịu đụng đã đem đến cho họ những năm tháng đẹp nhất trong đời họ trên quan điểm tinh thấn. Một vị sư trong tu viện của tôi bị tra tấn rất tàn nhẫn suốt nhiều năm mục đích bắt phải bỏ đạo. Khi vị này trốn thoát qua Ấn độ, tôi có hỏi vị ấy có sợ hay không. Vị này trả lời một cách rất thành thật là cái sợ duy nhất trong những lúc bị hành hạ ấy là cái sợ không còn giữ được lòng từ bi để yêu thương những người đao phủ tra tấn mình.
Những ai sống ở Pháp, Đức, Anh và các nơi khác trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới Thứ hai và tiếp theo là giai đoạn thiếu thốn, sẽ không còn bị những thứ phiền nhiễu nhỏ nhặt làm cho điêu đứng. Họ sống an phận vì đã từng nhìn thấy những gì tệ hại hơn nhiều. Ngược lại, những người không hề biết cuộc chiến ấy thì sống thật hạnh phúc như trong một ngôi trường mầm non, những người này rên rĩ và chết ngất khi gặp phải một số khó khăn. Hạnh phúc sờ sờ trước mặt, nhưng họ lại không nhìn thấy.
Trong số những người thuộc thế hệ mới, một số không tìm thấy thoả mãn khi nhìn vào những tiến bộ vật chất và đã hướng vào đời sống tinh thần, điều ấy đối với tôi là những gì thật tích cực.
Dù sao đi nữa, hãy ý thức rằng thế giới này bao gồm cả những điều tốt lẫn điều xấu, và những gì mà ta gọi là hiện thực thì phần lớn chẳng qua cũng chỉ là những sáng tạo của tâm thức mà thôi.
Hoang Phong dịch, 01.04.09
Ghi chú :
1- Nơi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tị nạn tại Ấn độ. (Ghi chú của người dịch).
[Trích trong quyển : Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (Conseils du coeur), sách được thực hiện với sự hợp tác của Ngài Mathieu RICARD, do Christian BRUYAT dịch từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris, 2001]
545 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…