Lời khuyên người hay nóng giận
Khi rơi vào sự kiềm toả của giận dữ hay hận thù thì ta sẽ không còn cảm thấy an vui, cả thể xác lẫn tinh thần. Bất cứ ai nhìn vào cũng đều thấy được điều này và rồi sẽ chẳng có ai muốn đến gần ta nữa. Ngay cả súc vật cũng tránh xa, chỉ trừ có rận và muỗi mới đến gần để hút máu ta mà thôi ! Ta ăn không ngon, ngủ không yên, có thể bị lở loét dạ dày, và nếu như tình trạng này kéo dài thì nhất định là những năm tháng còn lại của cuộc đời ta sẽ bị thu ngắn.
Như thế có hay ho gì đâu ? Nếu ta buông thả cho cơn giận tung hoành thỏa thích thì ta cũng không thể thanh toán hết đám kẻ thù của ta được. Bạn đã thấy có ai thành công trong việc triệt hạ hết kẻ thù của mình chưa ? Khi vẫn còn dung dưỡng trong ta kẻ thù nội tâm, tức là sự giận dữ hay oán thù, thì dù cho hôm nay ta có đánh tan hết mọi kẻ thù đi nữa, ngày mai lại sẽ có những kẻ thù mới xuất hìện.
Kẻ thù đích thực của ta là các thứ nọc độc trong tâm thức : vô minh, hận thù, tham vọng, ganh tị và kiêu ngạo. Đó là những kẻ thù duy nhất có thể phá hoại hạnh phúc của ta. Chỉ riêng giận dữ và hận thù cũng đủ là nguyên nhân gây ra vô số bất hạnh trong thế gian này, từ cảnh cãi vã trong gia đình cho đến những cuộc xung đột ở cấp độ lớn lao hơn. Nó sẽ biến bất cứ một bối cảnh thú vị nào thành một tình trạng ngột ngạt. Không có một tôn giáo nào lại ca tụng phẩm hạnh của những thứ đó. Trái lại mọi tôn giáo đều nhấn mạnh đến vai trò của tình thương và lòng nhân từ. Chỉ cần đọc những cảnh mô tả về thiên đường thì sẽ thấy người ta toàn nói đến cái an bình, đẹp đẽ, hoặc mô tả những ngôi vườn kỳ thú đầy hoa, và theo tôi biết thì không hề thấy nói đến xung đột hay chiến tranh trong cái khung cảnh đó. Người ta chẳng bao giờ gán cho sự giận dữ một đức tính nào cả.
Vậy phải xử trí như thế nào đối với sự giận dữ ? Theo một số người thì giận dữ không phải là một khiếm khuyết. Những ai không quen quan sát tâm thức thì có thể cho nó là một thành phần thuộc bản chất của tâm thức, vì thế họ chủ trương không nên kiềm chế mà trái lại cứ để cho nó bộc lộ ra ngoài. Nếu quả thực là như thế thì sự dốt nát và mù chữ cũng phải được xem là thuộc vào thành phần của tâm thức vì khi vừa chào đời ta chưa hề biết được điều gì cả. Đối với những thứ ấy, tức là dốt nát và mù chữ, thì người ta tìm đủ mọi phương cách để loại trừ, chẳng những không thấy ai chống đối việc này mà cũng không thấy ai chủ trương nên duy trì chúng. Như vậy thì tại sao ta không hành động tương tợ đối với giận dữ và hận thù vì chúng còn tàn phá khủng khiếp hơn dốt nát và mù chữ nhiều ? Điều ấy cho chúng ta thấy là cũng nên thử tìm cách loại trừ giận dữ và hận thù xem sao.
Muốn học hành thì ta phải bỏ ra rất nhiều thì giờ và dù cố gắng mấy đi nữa thì cũng không thể nào học hết được, tuy nhiên nếu bớt dốt nát được phần nào thì tốt phần nấy. Đối với giận dữ cũng thế, ta không thể nào loại trừ nó một cách vĩnh viễn được nhưng nếu thành công được phần nào đó thì cũng đủ và cũng đáng nên làm (1). Tuy nhiên, dù sao bạn cũng có thể bảo rằng chuyện ấy là chuyện riêng của tôi, chẳng ăn nhập gì với bạn cả ! (Ngài bật cười to).
Các nhà tâm lý học có thể khuyên bạn không nên đè nén những cảm tính như sự giận dữ mà phải để cho nó biểu lộ ra ngoài. May thay là họ cũng không khuyến khích bạn tìm kiếm sự giận dữ và phát huy nó. Hãy tập tìm hiểu những khuyết điểm của giận dữ và ngay cả trường hợp bạn xem nó như là thành phần của tâm thức mình đi nữa, thì bạn cũng không thể không công nhận rằng cách tốt nhất là tìm cách vượt thoát khỏi sự kiềm toả của nó.
Hãy cố hết sức để tránh những hoàn cảnh có thể khích động những phản ứng hung bạo. Nếu chẳng may nó vụt đến thì chớ nên để cho nó khích động ta. Nếu gặp một người có cái bản tính tự nhiên khiến ta bực mình, thì ta hãy cố gắng đừng để ý đến cái điểm đáng ghét đó và hãy nhìn người ấy dưới một góc cạnh khác.
Đối với người mà ta xem là kẻ thù thì lúc mới sinh ra đời, người ấy nào có oán thù gì với ta đâu. Họ chỉ trở thành thù địch sau khi một số tư duy và thái độ nào đó phát sinh nơi họ. Và cũng từ lúc đó ta mới bắt đầu dán lên trán họ một cái nhãn gọi là « kẻ thù ». Nếu như thái độ của một kẻ thù bỗng nhiên « thay đổi toàn bộ », thì hắn lại trở thành người « bạn » của ta. Cùng một con người, nhưng hôm trước là « kẻ thù » và hôm sau lại là một « người bạn ». Thật hết sức phi lý !
Vì vậy chúng ta hãy nên phân biệt thật rõ rệt một cá nhân nào đó và thái độ nhất thời của người ấy. Đừng phản ứng chống lại một con người nào cả, chỉ nên chống lại một xúc cảm hay một thái độ mà thôi. Hãy loại bỏ ngay ý định làm hại một cá nhân con người. Hãy giúp cá nhân ấy cải thiện và mang đến cho người ấy tất cả những gì an vui và tốt đẹp mà ta có thể làm được. Chỉ cần giúp cho hành vi của người ấy thay đổi và bộc lộ tình thương yêu của ta đối với người ấy, thì ta sẽ có nhiều cơ may hơn để thấy chấm dứt nhanh chóng cách cư xử thù địch của người này với ta. Biết đâu người ấy còn có thể trở thành một người bạn của ta nữa.
Nếu ta không thể dung thứ khổ đau mà người khác gây ra cho riêng ta hay cho người khác thì cứ tha hồ chống lại những hành vi ấy. Tuy nhiên đừng nên căm thù chủ nhân của những hành vi ấy và cũng đừng để bị rơi vào thái độ chống lại người ấy, hoặc tìm cách để trả thù người ấy. Nếu phản ứng của ta không phải là một sự trả thù thì khi ấy một sự giận dữ cũng sẽ không đưa đến một sự giận dữ khác. Như thế mới gọi là sự nhẫn nhục đúng nghĩa của nó. Thật hết sức khó để chọn một hành động chín chắn khi cơn giận đang bùng nổ. Hãy quên cái cơn giận ấy đi.
Gần đây trong thời gian ở Jérusalem, tôi có tham dự một buổi thảo luận giữa các sinh viên người Do thái và Palestin. Khi buổi hội thảo chấm dứt, một thanh niên Palestin đứng lên ngỏ lời bày tỏ cảm tưởng rằng từ đây mọi sự sẽ tốt đẹp, thế nhưng khi kéo nhau ra đường thì mọi việc lại đổi khác. Khi cảnh sát Do thái bắt những thanh niên Palestin thì họ sẽ điên tiết lên và xem mọi người Do thái như là kẻ thù. Vậy thì cần tự hỏi bây giờ phải làm sao đây ? Họ cũng đã bàn thảo vấn đề này với nhau trong buổi họp và có một ý kiến được nêu lên là hãy nhìn nhau như « hình ảnh của Thượng đế ». Một sinh viên đứng lên tuyên bố : « Mỗi khi đứng trước một người gây ra sai trái cho ta, bất cứ người ấy là ai, thì hãy nhìn người ấy như là hình ảnh của Thượng đế và sự giận dữ sẽ tan biến ». Ý kiến ấy có đúng không ? Riêng phần tôi , thì tôi nghĩ rằng ý kiến ấy thật tuyệt vời.
Nếu chúng ta có đủ đức tin giống như họ đối với một tôn giáo nào đó và ta đem áp dụng phương pháp ấy theo cách của ta thì tự nhiên sự giận dữ cũng sẽ giảm xuống. Có một người viết thư cho tôi kể chuyện là mỗi khi ngồi thiền thì hình ảnh của Đạt-Lai Lạt-Ma lại hiện ra trong tâm thức và mang lại thật nhiều an vui trong lòng người ấy. Vậy thì từ nay đây, nếu người viết thư cho tôi chẳng may có nổi giận thì cứ nghĩ đến tôi, biết đâu cơn giận sẽ tan biến ngay. Tôi cũng không biết là một tấm ảnh của tôi có đủ sức làm hạ bớt một cơn giận hay không ? (Ngài cười). Dầu sao thì tôi cũng nghĩ là khi cơn giận bất thần bùng nổ, thay vì tập trung sự giận dữ vào đối tượng đã làm cho ta nóng giận, thì ta hãy nên nghĩ đến một người hay một vật nào đó mà ta yêu quý, tâm thức ta sẽ lắng xuống hay ít ra cũng vơi được một phần nào. Hãy nghĩ đến một người đàn ông hay một người đàn bà mà ta si tình chẳng hạn (2). Khi đó tâm thức ta sẽ bị xao lãng ngay bởi vì người ta thường nói rằng « hai ý nghĩ không thể nào xuất hiện cùng một lúc được ». Tâm thức ta sẽ tự động hướng về hình ảnh mới, miễn là hình ảnh đó phải thật mạnh – mạnh hơn cái hình ảnh mà ta vừa mới có trước khi nó biến mất. Tuy thế nó chỉ tạm thời biến mất mà thôi và do đó ta phải thật cảnh giác đừng cho nó trở lại. Hãy ghi nhớ trong tâm những hậu quả khốc hại của nó.
Tôi vẫn thường nói rằng nếu để cho cơn giận thắng thế thì chẳng những ta không thể chứng tỏ cho thấy là kẻ thù của ta làm điều sai trái, nhưng ngược lại ta còn làm hại đến bản thân ta. Khi đánh mất sự an bình của nội tâm, ta sẽ chẳng còn giữ được một khả năng nào để làm bất cứ một thứ gì gọi là đúng đắn. Dạ dày ta không tiêu hoá được thức ăn, đêm về không ngủ được, ta xô đuổi những kẻ đến thăm, phóng những cái nhìn điên tiết vào mặt những ai làm vướng lối đi của ta. Nếu có nuôi một con vật làm bạn thì rất có thể ta cũng quên không cho nó ăn. Ta tạo ra cho những người chung quanh một bầu không khí ngột ngạt không sao sống nổi và xô đuổi cả những người bạn thân thiết nhất của ta. Chung quanh ta, những người có lòng từ bi ngày càng hiếm hoi để rồi ta càng cảm thấy lẻ loi.
Về phần người mà ta cho là kẻ thù thì biết đâu hắn đang ngồi thản nhiên trong nhà. Nếu như một hôm có người hàng xóm kể cho hắn nghe những gì mà họ được nghe thấy thì biết đâu hắn sẽ rất thích chí. Nếu như hắn được nghe kể rằng : « Anh chàng ấy thật vô cùng khổ sở, ngày ăn không ngon, mặt mày phờ phạc, đầu tóc bù xù, tối ngủ không yên, phải uống thuốc an thần, không có ai đến thăm và ngay cả con chó anh chàng ấy nuôi cũng không dám đến gần mà cứ chu mõm sủa », thì chắn chắn là hắn ta sẽ vui thích lắm. Và nếu như hắn biết thêm là người ta sắp đưa anh chàng ấy vào bệnh viện thì lúc đó thật quả là trọn vẹn !
Nóng giận chẳng có một ý nghĩa gì cả. Nếu thật sự mục đích của ta là trừng phạt kẻ thù thì tốt hơn hết là hãy nên giữ bình tĩnh để tưởng tượng ra cảnh khổ mà ta sẽ đem ra để trừng phạt hắn. (Ngài bật cười to).
Ghi chú :
1- Sự giận dữ phần lớn bắt nguồn từ những xung năng sẵn có trong tâm thức, tức là liên hệ đến những vết hằn của nghiệp. Chính vì thế mà rất khó để loại trừ hoàn toàn tất cả các vết hằn của nghiệp bởi vì các vết hằn ấy đã « chồng chất » rất nhiều và « in đậm » trên « dòng tiếp nối liên tục » của tri thức.
2- Si tình càng nhiều thì hình ảnh càng mạnh.
909 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…