Kính thưa Quí anh chị,
Cùng các em thân mến.

Có lẽ sao những giờ phút vui chơi xao động trong lửa trại vừa qua đã “phát tiết” ra ngoài hết những nỗi nhọc nhằn, lo toan, uất ức thường trực hằng ngày, và từng giây phút trong mỗi chúng ta. Bây giờ là giây phút lửa tàn, màn đêm đã buông trọn cùng tâm tư chúng ta trầm lắng xuống. Đến lúc có thể tâm sự giải bày những nghĩ suy chân thật tự đáy lòng vì chúng ta cùng đi chung đường, chung chí hướng nếu có tốt xấu, khổ vui gì thì cùng chung nhau san sẻ ngọt bùi.

Các em đang độ tuổi thanh niên, ý chí và nhiệt tình sung mãn, lúc nào cũng muốn tận hiến hết sức, vượt bậc, và nổi trội hơn người. Lúc chúng tôi ở độ tuổi các em cũng chín mùi như thế, nhiều người đã không tiếc gì mạng sống để góp phần cho sự trường tồn của Đạo Pháp và quê hương. Tuy hơn 70 năm dài Gia Đình Phật Tử hiện diện trên non sông này nhưng mỗi thời đều có những cái khó của nó nên những hình tượng và việc làm của Gia Đình Phật Tử không phải ai ai cũng biết để thông cảm và ủng hộ chúng ta. Vấn đề là chúng ta đang dấn bước trong ngàn muôn thử thách và bằng cách nào mà nhiều thế hệ đi trước vẫn mỉm cười, an nhiên để giữ gìn Gia Đình Phật Tử dù trong chết chóc, lao tù hay khốn khó đói nghèo để trao truyền lại cho chúng ta hôm nay!

Ngày nay các em đang sống trong mọi sự tiện nghi do xã hội văn minh tiến hóa trên những “đôi hia bảy dặm”, Chỉ cần một cái cellphone trong tay ở bất cứ đâu trên thế giới chúng ta đều có thể nói chuyện và nhìn thấy nhau nhanh chóng; chỉ cần một cái “nhấp chuột” nhẹ nhàng là ta có thể giải quyết nhiều vấn đề mà ngày xưa ta phải tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian. Chúng ta đang thụ hưởng những thành tựu của Xã hội và không bao giờ quên ân những người đã vì nhân loại mà phát minh ra chúng, cũng như ta không bao giờ quên những người làm ra hạt gạo, tấm vải để đời sống chúng ta được ấm no.

Trào lưu tiến hóa của xã hội đương thời là nền sản xuất các loại hàng hóa đa dạng và phong phú, cần đến nhiều người tiêu dùng vô hạn lượng, càng tiêu dùng nhiều thì càng kích thích phát triển sản xuất tới mức vĩ mô. Nếu người tiêu dùng giảm là đồng nghĩa với sự suy thoái kinh tế; người ta lại tìm cách “kích cầu” để kích thích nhu cầu tiêu thụ gia tăng trở lại. Tựu trung, nhân loại tìm cách làm thỏa mãn các nhu cầu về ngũ dục: Ngũ dục có năm phần là: tài, sắc, danh, thực, thụy. Nghĩa là lòng ham muốn của cải, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon và ngủ say. Ăn, uống ngon miệng nhằm thỏa mãn nhu cầu về Vị giác; ở sang, mặc đẹp, hưởng thụ các lạc thú là để phục vụ các nhu cầu về Sắc dục; tích chứa tiền bạc với lòng tham vô độ; cầu danh, thích được tôn trọng hơn người.

Đồng Mông Chỉ Quán phần III giải thích là ham muốn năm điều thuộc: sắc, thanh, hương, vị và xúc của thế gian. Những sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon và những cảm giác êm dịu thường phỉnh gạt tất cả phàm phu, khiến lòng say đắm và đưa đến phạm nhiều tội lỗi, nên người tu hành quyết không gần gũi các điều đó. Thế gọi là đối trị ngũ dục. Trong luận Ma-ha-diễn có nói: "chúng sanh thường bị ngũ dục quấy phá mà vẫn tham cầu không chán, khi cầu đã được điều này, lại muốn điều khác, như lửa thêm củi ngày càng bốc cháy." Người tu hành nên quán sát ngũ dục không có gì vui, như chó gặm xương khô, ngũ dục thêm sự tranh giành như quạ giành thịt thúi, ngũ dục đốt người như lửa, hại người như rắn độc, ngũ dục không thật, như cảnh chiêm bao, ngũ dục không lâu, như tia sáng đá lửa. Người có trí suy xét thì thấy ngũ dục là giặc, là thù; những kẻ ngu muội lại tham đắm ngũ dục đến chết không thôi. Làm tôi tớ cho ngũ dục, về sau phải chịu khổ não khôn lường. Xét như thế, người thực hành Chỉ Quán cương quyết đối trị và xa rời ngũ dục.

Phật tử chúng ta sống trong hạnh Tri Túc chỉ tự cung ứng phương tiện đủ cho đời sống, dù có dư tiền cũng chỉ làm những việc đáng làm nhằm phát huy ánh Đạo chứ không để cho Ngũ dục làm chủ điều khiển được Tâm ý của mình. Tôi đã từng thấy các em bực mình, gắt gỏng khi phải chờ đợi chuông điện thoại reo bên kia đầu dây mà không ai bắt máy; cũng đã từng nghe các anh chị phàn nàn khi Internet liên tục rớt mạng, nực nội không ngủ được khi cúp điện, buồn phiền khi ăn phải thức ăn không ngon miệng…. Con cháu chúng ta say sưa film ảnh đến nổi Hollywood, Hongkong, Hàn Quốc, Trung Quốc sản xuất không kịp để phục vụ nhu cầu, và game online đã có thời làm chủ tâm ý hàng trăm triệu người trên thế giới. Ta say sưa đắm chìm trong giả cảnh mà lạc lỏng tâm ý giữa dương trần và xa lìa Đạo tâm từ đó.

Quý anh chị phải thấy khi các em chịu đến chùa thì thời khắc đó các nơi lạc thú không có mặt, cũng như khi chúng cất lên tiếng Niệm Phật thì niệm Ma phải vắng bặt tăm hơi; khi các em nhín chút tịnh tài làm từ thiện thời sẽ bớt tiêu dùng phung phí xa hoa. Tự chủ trước Ngũ dục là một cuộc chiến triền miên và chỉ kết thúc trong mỗi người Phật Tử khi đạt được Phật ngôn: “Thắng trăm vạn quân không bằng tự chiến thắng mình “

Nguyên Hoàng

530 lượt xem