Viết về anh Cây Đại thụ của Trại trường Vạn Hạnh
Tôi đã đến, để kịp nhìn mặt anh lần cuối, trước khi nắp áo quan được đóng lại để tiến hành nghi thức phủ kỳ. Theo ý nguyện, khi nằm xuống tang lễ của anh sẽ do GĐPTVN đảm nhiệm, và giờ đây các anh chị thay mặt cho toàn Lam viên trong nước và trên toàn thế giới phủ lên cho anh lá cờ nền xanh lá mạ với huy hiệu hoa sen trắng mà anh đã thay mặt tổ chức dựng lên trên vùng đất Tây Nguyên này và đã gìn giữ nó suốt gần 60 năm qua.
Anh nằm đó, đôi mi khép nhẹ thật bình yên, với chòm râu bạc trắng. Khuôn mặt đó, từ lâu tôi đã khắc sâu trong tâm trí. Anh im lặng, nhưng tôi vẫn nhớ âm thanh giọng nói của anh từ sáu năm trước tại khu rừng Thác Mai, nơi hội tụ của những Trại sinh Vạn Hạnh 5 trong những ngày trại kết khóa.
HTr Cấp Dũng NGUYÊN NGỘ Trần Quang Hải
Chiều hôm ấy từ lều trại của Ban báo chí, khi bản tin trong ngày vừa thực hiện xong đang chờ đóng tập, tôi bước ra và thật ngỡ ngàng khi thấy các anh chị lớn tuổi đã ngồi trước lều tự lúc nào. Chưa kịp chào hỏi, anh đã nắm tay tôi kéo lại nói nhỏ: “Em ơi! Chừng nào xong cho anh xin tờ báo em nhé!”. Tôi đã nắm lấy đôi bàn tay gầy yếu của anh và trả lời: “Vâng, Thưa anh!”.
Có lẽ chẳng cần anh lên tiếng, tôi cũng phải gởi đến anh, người anh trưởng cấp Dũng những bản tin được thực hiện ngay trên đất trại này với tất cả sự trân trọng của một thế hệ đàn em, bởi còn gì thể hiện hơn sự trân trọng đó đối với trại sinh Vạn Hạnh 5 khi được đón nhận các anh với tuổi đời trên tám mươi đã vượt qua vài chục cây số đường rừng đến, để nhìn chúng tôi trưởng thành trong cuộc trại huấn luyện cao cấp nhất của GĐPTVN mang tên Vạn Hạnh.
Và riêng anh – Nguyên Ngộ, tuy không nhận nhiệm vụ nào trong ban quản trại nhưng đã không ngại tuổi cao sức yếu đến đây chia sẻ với chúng tôi, hình ảnh anh đã đi vào tâm hồn tôi thật sâu lắng nên khi thực hiện tập kỷ yếu trại, tôi đã đặt anh và anh Nguyên Tín trên một trang hình với dòng chữ “Bóng đại thụ của Trại trường Vạn Hạnh”.
Các anh, đã đến với chúng tôi. Người với trọng trách của một Trưởng ban Hướng Dẫn Trung Ương (Nguyên Tín), lèo lái con thuyền GĐPTVN trong giai đoạn đầy bão tố, đương đầu với biết bao chướng duyên để mạch sống GĐPTVN được nối tiếp. Người với chức danh Trại trưởng (Thị Đề) để truyền lưu tinh thần truyền thống của GĐPTVN, Còn anh (Nguyên Ngộ) thì ngồi đây, không làm gì cả, ngồi để nhìn sự trưởng thành của một thế hệ Huynh trưởng lãnh đạo GĐPTVN trong tương lai.
Sáu năm đã qua, tuy không có dịp gặp lại, nhưng thông tin về sức khỏe của anh, tôi vẫn thường nắm bắt để rồi xót xa trước tình hình sinh hoạt của GĐPT tại tỉnh nhà. Từ khi phong trào GĐPT được dấy lên tại vùng Tây Nguyên này hơn sáu mươi năm trước, sự sinh hoạt GĐPT nơi đây đã vững mạnh đến nỗi vài năm sau ngày giải phóng Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng Sản Daklak đã có bản báo cáo nhận định và gắn cho sự sinh hoạt này là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trở ngại trong công tác tập hợp và thu hút thanh niên. Vì thế, tôi không lấy làm lạ trước tình trạng phân hóa của GĐPT hiện nay. Khởi đầu là dưới sự bảo trợ của nhà nước, một tổ chức cũng mang tên GĐPT nằm trong hệ thống Phân ban của Giáo Hội hiện tại được hình thành để quản lý sự sinh hoạt của GĐPT, Không băn khoăn trước một pháp môn tu hiện đại xen vào nếp sinh hoạt truyền thống. Không ngạc nhiên khi thế lực này hay thế lực kia tác động vào GĐPT. Nhưng tôi đau xót vì bản Nội quy và Quy chế huynh trưởng mà Đại hội Huynh trưởng năm 1973 thiết lập mà chúng tôi lấy làm cơ sở cho sự sinh hoạt GĐPTVN, để tồn tại trong lòng một xã hội chuyên chính, nay nó không còn được tôn trọng. Đòi hỏi nơi Gia đình Phật tử một sự thống nhất về ý chí, tư tưởng, hành động trong hoàn cảnh xã hội hiện nay là một điều không tưởng. Nhưng ý nguyện của anh, một con người đã mang lá cờ sen trắng gây dựng tại nơi này để lại di chúc phó thác cho BHD Trung ương GĐPTVN là một điều mà những ai còn mặc áo Lam, mang huy hiệu Sen trắng trên ngực áo phải suy ngẫm.
Tin nhắn về cây đại thụ của trại trường năm xưa đã gẩy đổ, gởi đến tôi vào lúc 2 giờ 30 sáng ngày 31.10.2009 khi anh vừa mất, đúng vào ngày cuối tuần, cũng là một cái duyên lớn để tôi có thể thu xếp công việc, hơn thế nữa với tình trạng sức khỏe sau cơn tai biến đang dần hồi phục cho phép tôi có thể chịu đựng để đi trên một đoạn đường dài đến với anh lần cuối.
Khởi hành trong đêm, theo quốc lộ 13 hướng về Bình Phước, rồi ngược về Daklak theo con đường mới được xây dựng, ôm dãy Trường Sơn, song song với con đường quốc lộ 1 chạy dọc theo ven biển, qua những con sông khởi nguồn từ những con suối nào đó trên rạng Trường Sơn nhưng lại đổ nước về hướng Tây, chỉ tiếc rằng trời tối quá, tôi không nhận rõ được con đường quốc lộ mới được xây dựng này. Con đường tuy mới nhưng trăm năm trước đã được khai phá bởi bước chân của quân Tây Sơn Nguyễn Huệ, và đâu đó nó đi trên những đoạn đường của đoàn quân Nam tiến trong cuộc chiến vừa qua.
Chín tiếng đồng hồ đã đi qua theo vòng quay của bánh xe lăn, Tôi đã đến thành phố Tây Nguyên khi trời sáng với tiết trời se lạnh. Nghỉ ngơi tại nhà người huynh trưởng địa phương, phái đoàn BHD Trung ương GĐPTVN nhanh chóng thay đoàn phục đến với anh và tiếp xúc với BHD địa phương để cùng chung lo tang lễ.
13 g30. Nghi thức phủ cờ được tiến hành sau phần bái lễ hương linh. Trước toàn thể Huynh trưởng địa phương và đại diện BHD các tỉnh thị trên toàn quốc. Anh Nhật Hồng Nguyễn Đễ thay mặt Hội Đồng Huynh trưởng cấp Dũng trao lá cờ Sen trắng cho A. Trưởng ban Tang lễ, lá cờ này lại được sáu huynh trưởng tỉnh nhà đón nhận với nghi thức thật trang trọng phủ đều lên áo quan anh bằng tất cả lòng thành kính tri ân về một người anh đã sống hiến dâng trọn cuộc đời mình cho tổ chức. Ý nguyện của anh đã được thực hiện trọn vẹn, trong sự kính hiếu của tang gia khi từ chối lòng mong muốn của tổ chức nhà nước muốn phủ cho anh lá cờ nước gọi là ghi ơn cho thời trai trẻ anh đã dấn thân cho công cuộc kháng Pháp.
18 giờ. Bóng đêm đã dần phủ. Lễ truy niệm được chính thức cử hành, trong không khí trang nghiêm trân trọng của ba trăm huynh trưởng và đoàn sinh mặc áo Lam đeo huy hiệu hoa sen trắng tuy không cùng một hệ thống điều hành, nhưng tất cả đều thành kính trước hương linh anh. Sự im lặng của đại chúng đã tôn vinh những dòng tiểu sử viết về anh, và lắng đọng để rồi chợt tuôn tràn những giọt lệ theo bài điếu văn của BHD Trung Ương tuyên đọc. Kết thúc buổi lễ, phái đoàn Ban Hướng Trung Ương và đại diện các tỉnh lần lượt đi vòng nhiễu quan. Theo dòng người, tôi đã đến bên anh, đặt hai tay lên lá cờ Sen trắng để âm thầm từ biệt. Tôi không thể ở lại để đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, để kết vòng dây thân ái, để dự lễ Tịch điện và được lắng nghe đêm tưởng niệm về người anh cả áo Lam của bầu trời Daklak. Công việc thường nhật của một ngày đầu tuần với trách nhiệm của một người theo nghiệp sư phạm đã không cho phép tôi chậm trễ khi tiếng trống trường đã điểm.
Các anh trưởng địa phương đã đưa tôi ra bến để kịp lên chuyến xe cuối trong ngày để trở về thành phố, chiếc ba lô hành trang của tôi như nặng thêm bởi tấm hình anh chụp cách đây một tuần trước khi nhập viện, ghi lại hình ảnh một cụ già râu tóc bạc phơ với đôi mắt tinh anh, đón nhận bó hoa của một em Oanh vũ dâng tặng. Anh đã đón nhận tình Lam thân thương mà anh ươm trồng ngày xưa để rồi ra đi mãi mãi.
Với sự ra đi của anh, bước khởi đầu đã dấy lên tình lam chân chính, khiến cho các em của anh ngày nay, dù ở bên trong hay bên ngoài hệ thống tổ chức GĐPTVN cũng đều quây quần hội tụ để được ở bên anh trong đêm cuối. Không biết ngọn lửa tin yêu về người anh trưởng đã dày công xây dựng GĐPT tại vùng cao nguyên này có được các anh chị gìn giữ làm chất liệu để tự hàn gắn lại những đổ vỡ, Công việc mà những năm cuối đời vì sức tàn, lực kiệt anh đã không thực hiện được.
Ngày anh ra đi về thế giới Cực lạc theo đức tin của chúng tôi, cũng chính là ngày tôi đến bầu trời Tây Nguyên đến để viếng anh, để được nhìn mặt lần cuối cây đại thụ của Trại trường Vạn Hạnh đã gẫy đổ, và để ngắm nhìn về một vùng đất mà vấn đề khai thác tài nguyên đang làm bức xúc những trái tim nặng lòng yêu đất nước. Tôi đã đi trên con đường quốc lộ chạy dọc theo chiều dài biên giới về phía tây, nhưng không nhìn thấy được rạng Trường Sơn, dãy xương sống của đất nước, vẫn chưa nhận rõ được mảnh đất Tây nguyên của tổ quốc bởi bóng đen của màn đêm che phủ!…
563 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…