Ông Tư
Truyện Ngắn của Quảng Thọ

Trong xóm nhỏ vùng ven kênh Nhiêu Lộc, với những đứa trẻ nghèo, những người lớn tuổi thường gọi ông Tư là ông Tư gõ đầu trẻ vì ông là một nhà giáo lâu năm và những năm gần đây khi ông không còn đi dạy vì nghĩ hưu thì ông lại tiếp tục nghề gõ đầu trẻ bằng việc dạy kèm cho mấy đứa trẻ nghèo trong xóm. Ông dạy rất tận tình dễ hiểu, lại tốt bụng không lấy tiền mấy đứa trẻ nhà nghèo, vì có lấy lũ trẻ cũng không có tiền. Nhà chúng rất nghèo, ba mẹ chúng phải làm đủ thứ nghề để sống được ở đất Sài Gòn này, ban ngày họ bôn ba bán ve chai, đạp xe ba gác, đạp xích lô… tối đến họ lại đi làm những công việc nặng nhọc bóc vác ở các chợ cầu muối, chợ cầu ông Lãnh. Bởi vậy họ không có thời giờ để chăm sóc lũ trẻ, trong xóm chúng xem Ông như là người cha người mẹ của chúng.

– Thật tội nghiệp cho lũ trẻ quá, chúng nó có tội tình gì đâu mà phải cùng chung số phận với người lớn.

Ông thường nói một mình khi chúng tới nhà ông học chữ nghĩa. Ông lo cho chúng miếng ăn khi chúng tới học và cả giấc ngủ khi chúng thấm mệt trong lúc học. Chúng ngủ say sưa dưới đất sau một ngày lang thang trên đường phố lượm những bọc ni lông, vỏ chai và giấy vụn cho Ba Mẹ chúng bán ve chai. Chính Ông lại có khác gì chúng đâu, là một nhà giáo gương mẫu mấy mươi năm mà ông lại quá nghèo, hoàn cảnh xã hội đã đưa đẩy ông phải làm những việc nặng nhọc như đạp xe ba gác, xích lô, bán vé số dạo rồi cả bóc vác. Ông vẫn không than thân trách phận mà cho đó là cái kiếp mà ông phải trả nợ đời.

– Phải chi không có cái ngày 30 tháng tư thì ông đâu đến nỗi phải sống đầu đường xó chợ thế này.

Một bác trong xóm đã nói khi tới nhà ông.

Sau năm 75 cuộc sống gia đình ông bị bế tắt, ông bị đi học tập cải tạo mấy năm vì có dính líu làm việc cho chính quyền cũ. Vợ con ông phải sống tha hương cầu thực ở nơi vùng kinh tế mới xa xôi hẻo lánh. Những năm đầu thập niên 80 làn sống người Việt vượt biển lên cao, con số lên đến hàng triệu người. Vợ con ông cũng vượt biển tìm cuộc sống mới bên kia bờ Đại Dương. Vợ ông đã chết trên đường vượt biển, còn con trai đầu ông thì qua được Mã Lai Á rồi được định cư tại Hoa Kỳ. Mấy năm đầu qua Mỹ cuộc sống của con trai ông cũng vất vả, chạy đua với cuộc sống nơi xứ người nên không có gửi tiền về cho ông, dù biết ông đang sống rất cực khổ. Có gửi về cho ông những viên thuốc tây, những chai dầu gió xanh rồi sau đó ông không thấy gửi nữa. Ông cũng không buồn, biết đó cuộc đời vay trả trả vay. Ông nghĩ trong cái hoạn nạn có khi lại là cái may. Cái tình ông tốt với mọi người trong xóm thì họ cũng tốt lại với ông, giúp ông qua khỏi những cơn bệnh lúc nắng gió trở trời.

Ông còn một thằng con trai út ở bên ông, đang học lớp 12 sắp bước vào ngưỡng cửa Đại Học. Ông thường khen nó trước những người trong xóm:

– Cái thằng con út tui nghèo vậy mà học nên người, lại có lòng tốt thương người.

Bởi vậy dù khó khăn vất vả tới đâu, tui cũng cố gắng làm việc nuôi nó ăn học thành tài.

Biết cuộc đời có vay có trả, nhân quả luân hồi trong giáo lý Đạo Phật, nên ông rất vui vẻ và hòa đồng với mọi người. Tới đâu ông cũng giúp đỡ những người gặp hoạn nạn kém may mắn hơn ông, người mù chữ thì cần ông giúp chữ nghĩa, những người không may bị cụt tay, chân thì ông giúp đi quyên tiền cho họ có đôi nạn, xe lăng hay một số tiền nho nhỏ. Đúng là “hoạn nạn thì mới thấy chân tình”. Bà con từ già đến trẻ trong xóm ai cũng mến ông, mến ông cái đức cái chân tình mà ông dành cho họ.

Từ ngày đất nước tiến lên kinh tế thị trường, bỏ qua thời bao cấp cổ hữu. Cuộc sống công nhân, viên chức có phần đỡ hơn trước, bộ mặt thành phố Sài Gòn có thay đổi với những con đường, nhà hàng, khách sạn, nhiều chỗ ăn chơi, giải trí mọc nhiều để đón khách nước ngoài, Việt kiều về làm ăn, du lịch.

Với ông Tư và những người trong xóm nghèo lao động này vẫn như ngày nào còn thời bao cấp, thậm chí còn tệ hơn khi kinh tế thị trường đã làm mất đi một số việc làm tay chân dành cho giới lao động nghèo… những con đường lớn có khách nước ngoài thì cấm xích lô, ba gác chạy qua những con đường đó. Ông Tư bị phạt tiền khi qua những con đường đó mà không thấy đề bảng cấm hoặc bảng cấm khuất trong các cây xanh. Thật đúng đã nghèo lại càng nghèo hơn, người giàu lại càng giàu hơn. Không đạp xe ba gác, xích lô, ông chuyển qua bán vé số và chạy xe ôm. Cái tuổi của ông cũng không còn trẻ nữa, ngoài 60 ông còn bôn ba vất vã để mưu sinh và lo cho thằng con trai út của ông đang học Đại Học. Con trai đầu có gửi về cho ông vài trăm đô, ông đều để dành lo cho thằng út ăn học.

Thời buổi kinh tế thị trường sao mà nhiều thứ tiền học phí không biết từ đâu ra, muốn cho con em học được những trường khá giỏi, thì Phụ huynh phải lo tiền cho con em họ được vào những trường có tiếng tăm, thầy cô dạy giỏi cấp thành phố.

Thời nay con em họ phải tốn cả bạc triệu để học những trường tốt, và muốn cho con em họ đậu các học kỳ, tốt nghiệp thì phải học thêm những giờ phụ đạo… còn những người nghèo không có đủ tiền đóng học phí phải đành nghỉ học hoặc phải học những trường có nhiều học sinh kém. Ngành giáo dục đã như thế thì lấy đâu ra những học sinh giỏi, những nhân tài cho đất nước.

Mỗi lần nghĩ đến đây ông Tư lại lắc đầu ngao ngán:
– Xã hội bây giờ sao mà trái ngược, những viên chức nhà nước thì giàu có, sung sướng, còn người dân xóm lao động thì càng cực khổ. Cái nhà của UBND Phường, Quận to gấp mấy lần những căn nhà trong xóm.

Có người trong xóm hỏi ông:
– Bác Tư có nguời con trai bên Mỹ, sao không qua Mỹ đoàn tụ, lại sống ở đây cực khổ vậy?.
– Bác cũng không muốn đi Mỹ để làm gánh nặng cho nó. Với lại bác còn thằng út, nó có hiếu với bác lắm, bác không nở rời xa nó.

Cuộc sống mưu sinh vất vả làm cho ông không nghĩ ngơi được nhiều, ông quay về với tâm linh tôn giáo giúp ông an trú trong hiện tại. Ông và thằng con trai Út thường đến Chùa ở ngoài đầu hẻm, một ngôi Chùa nhỏ nhưng đầy trang nghiêm và ấm cúng. Ông đến Chùa vào mỗi tuần Chủ Nhật, những ngày có lễ vía lớn Phật Đản, Vu Lan, Rằm tháng giêng… ông đều tới giúp làm công quả, phụ các cô bác trong đạo tràng soạn trai tăng…

Bọn trẻ thường hay lui tới trong Chùa phụ giúp ông và Đạo Tràng trong những ngày lễ vía, ông rất thích chúng. Bọn trẻ đó là thành viên của đơn vị Gia Đình Phật Tử (GĐPT) thành lập tại Chùa được hơn 10 năm. Các anh chị em trong Ban Huynh Trưởng có mời ông làm Gia Trưởng, mấy lần ông đều từ chối, vì ông cho nhiệm vụ đó quá lớn lao với ông, ông sợ không hoàn thành được nhiệm vụ mà bọn trẻ yêu cầu ông.

– Bác Tư cứ nhận đi cho chúng cháu yên lòng, công việc cũng không có nặng nhọc lớn lao gì đâu. Chúng cháu và lũ trẻ trong Chùa rất cần đến Bác, Bác làm Gia Trưởng thì rất thích hợp. GĐPT sẽ càng ngày đông vui hơn khi có bác.

Nhiều lần từ chối không được, ông đành chấp nhận làm Bác Gia Trưởng của GĐPT.

Công việc Gia Trưởng không có lương bổng này cũng nhẹ nhàng không như ông nghĩ nặng nhọc lúc ban đầu.

Ông lại thích cái tính phá phách và hiểu được tính tình của lũ trẻ trong chùa qua những năm ông làm công quả, nên ông được GĐPT mời làm Gia Trưởng.

Những lần sinh hoạt, các em Oanh Vũ cứ chạy tới ríu rít bên ông, đòi ông kể chuyện Đạo, chuyện tiền thân của Đức Phật. Những lúc rảnh rỗi sau những cuốc chạy xe ôm ông đều đem sách Phật Pháp, Kinh ra đọc nên ông biết rất nhiều chuyện Đạo, chuyện tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Những chuyện “Bà già cúng đèn”, “con chim Oanh Vũ…” ông đều đem ra kể những đứa trẻ trong xóm và các em Oanh Vũ nghe.

Từ khi ông làm Gia Trưởng đến nay, ông giới thiệu những đứa trẻ trong xóm đến Chùa tham gia vào GĐPT mỗi lúc một đông. Con trai út của ông cũng đã tham gia vào GĐPT và là Huynh Trưởng rất mẩu mực.

Bất cứ những công việc đối ngoại, những công tác Phật sự của Chùa ông đều hoàn thành tốt. Từ những trại hè của đơn vị đến những trại Dũng, Hạnh, Hiếu, huấn luyện của Ban Hướng Dẫn tổ chức, ông đều có mặt để cổ vỏ tinh thần cho bọn trẻ.

– Ông Tư đã 70 tuổi mà trông ông còn khoẻ và vui vẻ lắm

Mọi người trong Chùa và các cô bác trong xóm đều nói vậy.

Vậy mà một ngày kia ông đã ngã bệnh, ông trút hơi thở cuối cùng trên đường tới bệnh viện vì lao lực quá nhiều. Anh chị em Ban Huynh Trưởng và các em đoàn sinh trong đơn vị GĐPT đã lo tang lễ cho ông. Mọi người trong xóm ai cũng thương tiếc. Con trai đầu từ Mỹ về với vợ và đứa con trai 10 tuổi, chỉ kịp đưa tiễn hương linh ông về nơi Cực Lạc.

Ông mất đi để lại cho đời, cho bọn trẻ GĐPT nơi xóm ông, một gia tài quý giá, không có gì có thể mua được. Đó là mở rộng lòng thương yêu mọi người, giáo dục thế hệ trẻ, cải tạo xã hội theo tinh thần Phật giáo./.

519 lượt xem