Bài Dự THI VIẾT VĂN
(Ngành Thiếu)
GIẢI NHẤT
Hương tết
Thuở tấm bé, tôi thường mong Tết đến, vì đơn giản tôi nghĩ Tết là tôi sẽ được mặc quần áo đẹp, được đi chơi thỏa thích và nhất là được nhận những phong bao lì xì thiệt nhiều. Đối với trẻ con thì cái Tết chỉ đơn thuần là thế. Càng lớn, tôi càng để ý nhiều hơn đến mọi vật xung quanh, và tôi cảm thấy rằng hương Tết không chỉ dừng lại ở những bộ quần áo đẹp, ở những phong bao lì xì… mà còn lan rộng hơn theo nhiều ý nghĩa khác.
Cái hương Tết đến từ 23 tháng Chạp, khi nhà nhà bày cỗ tiễn ông Táo về trời, lúc đó cái Tết đã chớm và thoang thoảng hương vị tươi vui ấm áp của đất trời. Cứ thế mà hương Tết lan rộng và ngày càng nhiều hơn. Từng ngóc ngách, ngõ hẻm của con phố thấm đẫm mùi vị của Tết, nhà nhà bắt tay vào công việc dọn dẹp, sửa sang để hi vọng cho một năm mới tốt đẹp và nhiều may mắn. Cái hương Tết ấy cũng đến với các khu chợ, khi mà người ta bày bán quà Tết, mứt, dưa hấu, bao lì xì ngợp cả một bầu trời làm cho không khí Tết càng đậm đà. Cả người bán lẫn người mua đến đây ngoài công việc mua bán, còn trao nhau cái tình, cái tâm cho Tết. Dường như đó là một tục lệ hay nói đúng hơn là một nét riêng cho ngày Tết mà thiếu vắng nó thì cái hương vị Tết sẽ phần nào giảm đi một tí. Tôi đặc biệt thích cái không khí trước Tết, có cái gì đó thật rộn rã, thật tất bật, nhưng cũng ấm áp và đầy ý nghĩa. Dân gian ta có câu :
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh."
Cái thần ngày Tết đã mất đi ít nhiều vì trong thành phố cấm đốt pháo, không treo nêu. Chính vì thế mà con người ta chăm chút cho những cái còn lại thật tỉ mỉ. Các bạn có thể thấy những con người thư thái, nho nhã bày biện bút, nghiêng dọc các con đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai để khai bút đầu Xuân. Ấy cũng là một nét riêng và cũng là một cái hồn cho hương Tết. Và rồi tôi nhớ mọi năm mỗi lần ăn món thịt kho của bà tôi làm là y như rằng tôi cảm nhận được cái hương Tết trọn vẹn nhất, thịt mỡ dường như là một món ăn đặc trưng của ngày Tết và rất khác biệt với một nồi thịt mỡ ta ăn ngày thường. Cũng nồi thịt ấy, mà khi ăn vào dịp Tết, ta sẽ thấy một sự khác biệt rõ ràng, đó là vì hương Tết đã thấm dần vào từng miếng thịt, làm cho cái hồn ngày Tết thêm sống động.
Nhà tôi vẫn có tập tục nấu bánh chưng, cứ 27 Tết là mẹ và bà tôi bày biện các thứ đậu xanh, thịt, gạo nếp, lá dong, khuôn bánh để chuẩn bị làm bánh. Mẹ tôi gói còn vụng lắm, cho nên phải cần đến cái khuôn bánh hình vuông. Còn bà tôi thì khác, tôi rất thích ngồi nhìn bà gói bánh, bàn tay bà thoăn thoắt múc đậu, nén thịt, đãi nếp. Bà gói bánh vuông lắm, mà không cần đến khuôn. Bà tôi đang cố gắng truyền nghề cho mẹ tôi để sau này không làm mất đi cái hồn của ngày Tết. Sau khi công đoạn gói xong thì đến công đoạn canh bánh chưng. Anh em tôi quây quần bên nồi bánh, vừa đánh bài vừa canh, thỉnh thoảng tôi nghe mùi than củi, mùi bánh xộc vào trong mũi, nghe mê ly đến lạ lùng. Sau này anh tôi sang nước ngoài học, cứ mỗi lần Tết về là gọi điện thoại, ứa cả nước mắt, anh nhớ nồi bánh, nhớ bà và nhất là nhớ cái hương Tết Việt mà không một nơi nào có được. Tôi yêu câu hát : "Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui, nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi. Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng, trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào". Ấy thế mà cái việc canh bánh chưng lại vui thế đấy, cứ nghĩ đến mẻ bánh thơm và nhất là do công sức mình làm ra, tôi cảm thấy vui hơn bao giờ, và cảm thấy yêu ngày Tết.
Cái hương Tết còn đậm đà hơn khi vào 30 tháng Chạp, lúc đó, người người ai cũng đón chờ thời khắc thiêng liêng, thời khác của một năm mới. Khi đồng hồ điểm 0h00, bao nhiêu cái rộn rã, cái tình của ngày Tết càng thấm hơn nữa. Mọi người trao cho nhau những lời chúc may mắn và trao nhau cái hương Tết đầm ấm. Hương Tết thật sự kết thúc vào tối mùng 1, rồi sau đó mọi người sẽ lại trở về với cuộc sống ồn ào, vội vã. Tôi nhớ anh tôi bảo, bên nước ngoài, người Việt mình đón cái Tết trong thiếu thốn và không được đầm ấm, đầy đủ như ở tại quê nhà. Cứ thế mà anh tôi khóc, tôi thương lắm. Tôi cảm ơn trời đất, đã cho tôi thêm một năm để sống, để yêu thương, và sống trong cái Tết tại quê hương của mình, để cảm nhận cái hương Tết đầy đủ nhất.
Dù sau này thế kỉ thứ mấy đi nữa, thì cái hương Tết, cái hồn Tết Việt vẫn sẽ mãi trong tim, trong máu người Việt mà cho dù đi đâu. Ai cũng sẽ phải nhớ, phải mong và phải đón nhận hương Tết, cho dù trọn vẹn hay không.
written by nguyen ngan
529 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…