Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.

Nếu nói trên đời này có phép lạ thì mùa Xuân, năm hết Tết đến là một phép lạ diễn bày một sự kiện chuyển biến có nhiều hình thái và ý tưởng tích cực nhất. Hầu như tất cả mọi người, mọi giới đều bị một hấp lực vô hình cuốn về phía trước, nhọc nhằn trong niềm đam mê thôi thúc chạy đua với thời gian để đi trước xuân nửa bước, trước lúc 0 giờ thì tất cả đều đã được cụ bị sẵn sàng.
“Vượt lớp Thu Đông Xuân đã về
Hành trình bao dặm bấy nhiêu khê
Giũ sạch phong trần bên thác suối
Nở bừng xuân sắc rợp trời quê.”
(Thơ Trời quê-Đức Quảng)

Sáng mồng 1 mọi chuyện có vẻ như an bình vô tư trở lại, đường xuân tuy vắng vẻ nhưng hình như tất cả đều mới hơn, khắp nơi hoa nở trong nhà, ngoài phố; áo quần mới mẻ, lịch sự hơn; lời ăn tiếng nói giữ gìn ý tứ hơn; công việc xin gác lại mấy ngày Tết nên phong thái mỗi người có vẽ nhàn nhã, thư thái hơn.

Mùa Xuân, là mùa bắt đầu những ngày mới trong năm; Tết Nguyên Đán (元旦) gốc chữ Hán: "Nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay lúc sơ khai và "Đán" là buổi sáng sớm, là bình minh đầu tiên của bốn mùa. Vạn vật bắt đầu lại với chu kỳ mới, sức sống mới, ý thức mới trong sự vươn lên… và ánh sáng của mùa xuân được gọi hoa mỹ là Thiều Quang là cách tả ánh sáng êm dịu của mùa Xuân:

Ngày Xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh dợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
(Kiều-Nguyễn Du)

Do câu “tuế nguyệt như thoa”, xưa thường nói thời gian trôi nhanh tựa thoi đưa trên khung cửi. Ngày xưa, cái thoi dệt cửi lại trạm hình chim én, ta mới nói thoi én – con én đưa thoi nhanh thoăn thoắt. Một đời người tựa như thoi đưa, như bóng câu qua cửa sổ, như ánh chớp, như mộng huyễn, như bong bóng nước chợt thấy rồi không.

Hết mùa xuân rồi sẽ qua mùa hạ, hết hạ lại sang thu… nên dân gian ý thức rất rõ rằng mai đào chỉ nở vào mùa xuận, hết mùa xuân thì mai không còn nở nữa. Chừng ấy ý nghĩa đã tựu trung vào bài thi kệ bất hủ có tựa là “ Cáo tật thị chúng” [nhân lúc bệnh mà chỉ cho người] của Mãn Giác Thiền sư:

Xuân khứ bách hoa lạc               Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đáo bách hoa khai             Xuân đến trăm hoa cười
Sự trục nhãn tiền quá                 Trước mắt việc đi mãi
Lão tòng đầu thượng lai             Trên đầu già đến rồi
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận       Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.    Đêm qua sân trước một cành mai.

Đối với mọi người xuân đi thì hoa rụng hết, tâm xuân chỉ còn lại vết tích của mùa xuân, nhưng đối với chư hành giả thì dù xuân có đi thì tâm xuân vẫn thường tại, bất biến như cành mai vẫn nở đêm trước – cái thường trong vô thường lại là cách sống “Vô thường thị thường” chẳng bám, chẳng vương, ấy là tâm xuân trường tại.

Có những vị hành cước rỗng rang đi giữa cuộc đời dường như rất vô tâm cùng thế sự, hoa cứ nở, lân cứ múa, người đi cứ chen lấn xô đẩy rộn ràng… trong ánh mắt, nụ cười hay thần thái các vị ấy đều ung dung như thường nhật. Nói chuyện tết nhất với các vị này chẳng có gì vui, làm như các vị đang đứng bên lề cuộc sống vậy. Nhạc xuân trỗi lên rập rình – yên tĩnh trong tiếng nhạc; xe cộ chen nhau kẹt cứng các con đường – chẳng có việc gì phải gấp rút; người ta chen nhau mua sắm – các vị chỉ nhìn rồi tiếp tục đi. Họ tiếp tục đi đến hết mùa xuân, qua mùa hạ; hết Thu phân qua Đông chí… làm như bốn mùa đều nhàn nhã như thế – ta không thấy thiều quang trong hình sắc của họ nhưng biết đâu tâm thể mùa xuân bên trong họ rất bình an, nhẹ nhàng và bay bổng dạt dào.

Ngày ta ra đi mang theo quê nhà trong tâm khảm, mang những bóng hình từ những ngày thơ dại cho đến khi hiểu biết chuyện đời. Đến những vùng dung cư ta tạm đặt quê hương nơi đó, nơi có bàn thờ tổ tiên, ông bà hay hai đấng sinh thành quá vãng để ngưỡng bái, để củng cố đức tin trân quí trong trái tim mình. “Nhập gia tùy tục”, có định cư sinh sống không phải nơi đất của mình mới biết, những thứ ta không mang theo được từ quê nhà thiếu thốn biết chừng nào – sống lâu rồi cũng quen đi. Một hôm bất chợt ta bắt gặp cành rau húng quế, trái khế hay dưa cà, bánh chưng, bánh tét nơi tha phương… ta vui như hội ngộ cùng người quen năm cũ, như nhìn thấy nhành mai vàng dù không phải mùa xuân.

Đêm nay ta không cần đốt lửa đêm xuân vì trong ta tình người, tình nhân loại ấm nồng lắm rồi. Ta học cách giũ bỏ mọi nhọc nhằn phiền não không chỉ ở mùa xuân, mà mùa hạ hay thu, đông cũng vậy. Mỗi khi căng thẳng, phiền não lâm lụy thân tâm, mình phải đối diện ngay với bản thân với lòng vô úy. Không bám, không vương như thuở ban đầu, như ngày nguyên đán, như ánh sáng “thiều quang”. Chừng ấy mình tự khắc biết:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

Nguyên Hoàng

531 lượt xem