Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.

Sau Lễ Hiệp Kỵ Gia Đình Phật Tử Việt Nam là Giỗ Tổ Hùng Vương ngày Mồng 10 tháng 3 âm lịch; ngày 11 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ anh Như Tâm-Nguyễn Khắc Từ. Đã là người Việt Nam có ai không nhớ đến ngày giỗ tổ của mình! Câu nói này hiện nay có thể là lời trách móc vì có quá nhiều con dân Việt Nam sinh trước hay sau 1975 không biết có ngày này. Đền thờ các vị vua Hùng, Việt Trì, Phú Thọ, Bắc Việt . Hằng năm tổ chức lễ hội lớn hay nhỏ đều tuỳ theo nhà cầm quyền địa phương. Còn đền thờ vua Hùng ở Sài gòn thì toạ lạc trong khu vực Thảo cầm viên (Sở thú) hay đơn giản hơn trong vườn Tao Đàn, hay muốn ở nơi rộng lớn hơn thì ra nơi khu vui chơi Suối Tiên để chiêm ngưỡng quần thể tượng Hùng cao như trái núi vui nhìn đàn con tắm mát trong các hồ bơi!!! Từ năm 1975 ít ai đề cập hay khuyến khích dân chúng nên dự lễ hội hay hướng về ngày giỗ tổ để tri ân, để tưởng nhớ ngày vui, ngày tết, ngày hội của cả dân tộc cho đến năm 2007, tức là 32 năm sau Quốc hội Việt Nam mới thông qua quyết định cho dân chúng nghỉ lễ ngày mồng 10/3 âl. Cho đến hôm nay các vị lãnh đạo Việt Nam khi dâng hương tưởng niệm vua Hùng vẫn còn mặc những bộ “veston” rất lịch sự – thật đáng tiếc cho những bộ quốc phục áo dài khăn đống rất Việt Nam đã không tồn tại ở những vị trí này. Đành phải tưởng nhớ các vua Hùng ở trong tâm khảm chứ không biết phải đi đâu, về đâu để dự giỗ tổ cho đúng nghĩa như câu thơ ngày xưa truyền tụng:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba"

Chúng ta đang ở nơi nguồn cội Việt Nam tại sao phải “bơi ngược” dòng tìm về nguồn cội khó khăn như vậy? Bởi vì lễ hội hôm nay thường là để phục vụ du lịch, bày ra nhiều trò để thu nhặt những “quả trứng vàng” của khách hành hương, trong đó nhiều nơi còn khuyến khích những hội đá gà, chọi trâu có tính cách đẫm máu, đồng loại tương tàn mà những Phật tử thì rất ngại phải chứng kiến những cảnh phi nhân như vậy.

Đó cũng là một trong nhiều lý do để chúng ta không có một ngày giỗ tổ đúng nghĩa. Thôi đành thắp nén hương lòng nhất tâm kính nhớ đến Tổ Tiên xưa.

Anh Như Tâm-Nguyễn Khắc Từ lìa trần lúc 4 giờ sáng ngày 12 tháng 3 năm Quí Dậu 1993. Đối với chúng tôi, những người em đang đi cùng anh trong thời kỳ phục dựng khó khăn nhất của Phật Giáo và Gia Đình Phật Tử tại Việt Nam những tháng ngày khó khổ năm ấy sẽ mãi không phai nhoà. Tết năm đó là cái Tết được đốt pháo lần cuối, ai có tiền đều có thể thi nhau đốt bất kể – khói thuốc pháo ngập tràn xóm nhỏ, trong ngôi nhà nhỏ anh ho giật từng cơn phải cấp cứu trong bệnh viện. Lúc chúng tôi đến thăm tiếng anh đã khản rất nặng nhưng sự nhận biết tỉnh táo vẫn rõ ràng. Anh ra đi khi đã thật sự tàn hơi kiệt lực, bao nhiêu sức lực anh đã dành cho Gia Đình Phật Tử, siêng cần đi các nơi dù mắt đã loà, dù tiếng đã khan để từng bước ổn cố GĐPT, thành lập trại huấn luyện bên cạnh một đạo tràng trong chương trình tu học trường kỳ.

Như chúng ta biết, chương trình tu học huynh trưởng từ thấp đến cao dù được đại hội Đà Nẵng 1973 thông qua nhưng chưa có cơ hội thực hiện, như cấu trúc, bản vẽ đã xong nhưng thiếu những bàn tay xây dựng. Thì đây, anh đã làm ở vị trí Ủy Viên Nghiên Huấn Trung Ương và làm miệt mài không từ nan. Một liên trại Vạn Hạnh 1986 – Huyền Trang – A Dục – Lộc Uyển năm 1987 nhân danh Trung Ương – Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên kết hợp với BHD Gia Định tổ chức đã mở ra một trang Lam Sử mới thúc đẩy chương trình tu học Huynh Trưởng Kiên – Trì – Định – Lực rộng khắp đến hôm nay.

Ngày đó, mỗi lần anh Từ giảng, anh thường lấy ngụ ý trong kinh Pháp Hoa. Anh nói với chúng tôi rằng: “Các em là Phật Tử, được sinh từ kim khẩu đức Phật, là người thừa kế kho tàng chánh Pháp vô thượng của đức Phật…” hay “các em phải nhớ lấy, tam giới bất an do như hoả trạch…”

Khoảng năm 1982, ai đến nhà anh đều thấy trên trần nhà có dán tờ giấy viết ngang câu 8 chữ nho lớn, nét bút khá mạnh: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, chúng tôi cũng thường thấy anh ngồi dựa ghế quán chiếu 8 chữ tinh yếu của kinh Kim Cang bát Nhã Ba La Mật đó. Sau khi anh ra khỏi nhà lao Phan Thiết về Sài Gòn, mắt đã mờ nhưng thường tự mình đội nón rơm, chạy xe đạp đi khắp nơi cho đến những năm sau, nhất là năm 1988 tuy phẫu thuật mắt nhưng vẫn không cứu vãn được gì, lúc đó ai mời đi đâu thì mới cần người chở. Anh đi đến đâu GĐPT phục sinh nơi đó, thậm chí đến ngày anh chết, Ban Hướng Dẫn GĐPT Sài Gòn lại hồi sinh ngay trong lễ tang anh.

Tuy mắt anh đã mù như chúng ta đang đi trong đêm đen, nhưng lúc bấy giờ tâm của anh chuyên nhất vào chuyện phục hồi GĐPT. Những người học Phật thông hiểu 5 loại mắt:

1/ Nhục nhãn: chỉ thấy hình tướng của đối tượng và bị hình tướng đó chi phối.

2/ Thiên nhãn: thấy hình tướng của đối tượng mà không bị hình tướng đó chi phối.

3/ Tuệ nhãn: thấy được bản chất của đối tượng
.
4/ Pháp nhãn: thấy được duyên cớ của đối tượng đó tồn tại

5/ Phật nhãn: thấy toàn vẹn tất cả phương diện của đối tượng. Đây là cái thấy của bậc đã đạt được chân lý.

Nếu đã đạt được Thiên nhãn thông như Ngài A Na Luật Đà thì dù có nhắm hay mở mắt đều vẫn thấy rõ ràng như nhau. Cho nên vinh dự cho ai, những ngày tháng hồi sinh của GĐPT tại Việt Nam đã được anh Nguyễn Khắc Từ thắp chuyền cho ánh sáng từ ngọn Tâm Đăng vô tận.

Nguyên Hoàng

707 lượt xem