Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Đêm nay chúng ta có những giây phút để trầm tư quán chiếu, lắng lòng để nghe, để thấy mình đang yên lặng và yên lặng đến tận cùng. Không còn vướng vào ngôn từ, không còn chút bóng dáng biểu tượng, thời gian trôi thì cứ trôi, không gian dường như cũng mất tên gọi.
Con đường này chúng ta đã chọn đi, đến chỗ này không hề thối thất mà muốn quay lại sự lao xao, náo nhiệt của chợ đời – Hoặc có thể nói rằng tuy sống giữa chợ đời lao xao náo nhiệt mà lòng mình vẫn tĩnh lặng như không. Nếu mình không thể đạt đến công phu như thế thì phải tập bình tâm từ từ sẽ có một công phu như vậy. Cũng như anh Hoàng Trọng Cang đã từng nói: “Mình chưa thể làm Phật được thì mình sẽ tập sống như Phật, đang nóng giận tưởng nhớ đến Phật mình sẽ hoan hỷ dịu dàng trở lại; đang gấp rút bực mình nhớ đến Phật mình sẽ kiên nhẫn an nhiên; đang tham cầu hối tiếc vì cầu mãi không được tưởng nhớ đến Phật để nhắc nhở mình đời vốn vô thường khổ não… Từng ngày từng giờ ta lớn khôn giữa đời bị phiền não xâm nhập quấy phá nuôi lớn cái tâm sở không những làm cho ta khổ mà còn làm cho những người chung quanh bị khuấy động đau khổ theo. Ví như người cha đang nổi giận khiến đàn con run sợ, hoang mang, không khí trong gia đình nặng nề u ám đâu khác gì cảnh địa ngục chờ mắng chửi, roi đòn.
Con đường tâm linh này đã trở thành những sinh thể sống động lớn dần theo tuổi Đạo của mỗi huynh trưởng chúng ta cho đến khi Bồ Đề tâm khai mở chỉ hướng tâm cầu đại đạo vô thượng chứ không mong cầu gì khác, đó cũng là cứu cánh của Gia Đình Phật Tử chúng ta.
Nói như thế có khi là mâu thuẫn hoặc không tương ứng với mục đích của Gia Đình Phật Tử: “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên trở thành những Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”! Thưa rằng, không hai, không khác với mục tiêu cầu giải thoát của những Phật Tử Chân Chánh – Phật Tử Chân Chánh chỉ cầu giải thoát, giác ngộ như Phật chứ không mong cầu gì khác. Điểm đặc biệt của chánh Pháp là mục đích và phương tiện không hai, không khác trái với thế nhân là hay dùng cứu cánh để biện minh cho phương tiện, dùng phương tiện bất thiện hay bày thủ đoạn để đạt được mục đích cao thượng thì chánh Pháp không chấp nhận chuyện này. Thí dụ như nhân vật được cho là nghĩa hiệp, anh hùng như Từ Hải thường cướp của nhà giàu để giúp người nghèo mọi người đều khâm phục, nhưng theo chánh Pháp thì dùng phương tiện đánh phá cướp đoạt của người khác đã rất sai rồi dù cho đem đồ ăn cướp đó để tế bần, cứu khổ là mục đích tốt đẹp.
Chúng ta sinh hoạt, tu học trong Gia Đình Phật Tử từ các lứa tuổi đồng niên, thiếu niên, thanh niên được nuôi lớn trong chánh pháp từng ngày như thế. Mỗi tuần chỉ có vài giờ sinh hoạt làm sao tranh thắng nổi với hơn 6 ngày còn lại chúng ta chung sống nơi chốn bụi hồng! Nhưng kỳ diệu thay, Phật nói những người đã gieo trồng công đức, đã từng tu tập theo chánh Pháp những đời trước lại được tiếp tục khơi sáng Đạo tâm ở đời này. Chương trình tu học GĐPT của các ngành được soạn thảo và công nhận từ thập niên 1950 vốn chỉ là một tập hợp những gì mà Chư Tôn thạc đức Phật Giáo ba miền đã soạn thảo từ trước để đáp ứng theo phong trào Gia Đình Phật Tử. Quyển Phật Pháp Bốn Cấp là một quyển tài liệu điển hình, cũng giống như bộ Phật học Phổ thông do cố Hòa Thượng Thiện Hoa biên soạn vẫn còn nguyên giá trị cây thang giáo lý của kinh Pháp chánh tông – không ai nói những quyển này là lỗi thời hay lạc hậu cả! Chánh Pháp mà học không đúng, tức suy tư không đúng và hành trì chắc chắn sẽ sai lạc – Vấn đề này mới quan trọng hơn cả để đào luyện nên những Phật tử chân chánh.
Hôm nay chúng được gút ghế đơn để kéo từng người lên vách đứng; dùng gút ghế anh để ngồi lơ lửng đóng các móc sắt vào khe đá, hay sử dụng gút cứu hỏa để đưa nạn nhân (giả) từ trên cao xuống an toàn. Chúng ta giải mã những mật thư “hóc búa”; nấu cơm treo trên đường sình lầy…. Rất vui, phải không. Thật ra chúng ta đang tập sống đơn giản hơn bằng chính tự sức mình; sống quả cảm không run sợ trước bao chướng ngại thử thách; sống hòa đồng cùng nhau làm lợi lạc cho nhau vô điều kiện; sống gần gũi với thiên nhiên biết ứng biến mà dứt bỏ sự tham cầu. Phương pháp này các hội đoàn, đoàn thể thanh niên khác đều miệt mài ứng dụng với mục đích giải tỏa những buồn lo uất ức, những áp lực nặng nề đè lên đời sống để tạo một tâm trạng khỏe mạnh an toàn. Trò chơi có vui hay không, có thành công hay không phải xem tài tổ chức, điều khiển của Đời sống trại có hợp lý và sinh động hay không. Bày ra một cuộc chơi mà không đầu tư mới mẻ kỹ lưỡng, không cụ bị an toàn thì rất tẻ nhạt, gây chán nản bất bình. Đây chỉ là những trợ huấn cụ để cho các “hành giả” có thêm niềm vui sống mà lại tìm đến nhau để dìu dắt nhau tu học, lên từng bậc từ thấp đến cao. Đi đến một ngày nào mà tâm không còn thối thất, muốn trở lại chốn hồng trần lao xao nhộn nhịp nữa. Ngày nay chúng ta có biết bao nhiêu huynh trưởng lão niên vui ca hát nhảy múa bên anh chị em mà tâm tư vẫn yên bình tỉnh thức.
Còn những cái khác chỉ là thứ yếu!
Nguyên Hoàng
553 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…