Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng đã có một thời tuổi thơ trôi qua dù là trong hạnh phúc hoặc bất hạnh đều lưu giữ lại trong ký ức những kỷ niệm đẹp hoặc buồn tuy rằng hôm nay chúng ta đã chuyển mình lớn lên để thành nhân, thành các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử nhưng mỗi khi có dịp nhìn lại, sống lại cái thời tuổi thơ đó cho trọn vẹn, quả thật là không thể nào. Không ai có thể níu kéo thời gian để hoài niệm lâu hay để có thể sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ.

Như hôm nay chúng ta tổ chức đêm Trung Thu cho các em ăn bánh, phá cỗ, rước đèn… Một đêm chỉ với vài tiếng đồng hồ nhưng niềm hạnh phúc được vui chơi trong lúc này sẽ là chất liệu cần thiết để un đúc tâm hồn các em được sống trọn trong tuổi mộng mơ, tuổi thần tiên một cách hoàn mỹ. Bên song cửa nhỏ các em nhìn ra cuộc đời bằng đôi mắt trong sáng thơ ngây như chưa lần bị bám bụi đời. Đối với nhiều người lớn khi nhìn các em vui chơi, ồn ào, náo nhiệt lại xem rất đổi bình thường và có khi còn cho đó là những trò “con nít” không quan trọng bằng những công việc của “người lớn”, nhưng nếu có lúc nào họ ngồi nghe con cháu tâm sự những niềm vui, nỗi buồn của thời thơ ấu rồi họ ngẫm lại tuổi thơ của chính mình thì họ cũng sẽ thấy những giây phút trôi qua đó thật hiếm hoi và ảnh hưởng đến cuộc đời của những “người lớn” họ ra sao!

Này các em, đêm nay chúng ta rước đèn tháng tám với nhiều màu sắc và đa dạng của những lồng đèn, bánh kẹo đầy mâm, riêng bánh trung thu, bánh dẻo…. thì chúng ta chia nhau những miếng bánh chay và được nếm đủ hương vị của tết Nhi đồng nhưng đừng bao giờ quên giờ này trẻ em ở các vùng quê, những thôn làng nghèo khó và trẻ em trên thế giới không đủ ăn, đủ mặc – đi ngủ với cái bụng đói khát, bệnh tật và nằm mơ chỉ thấy toàn những ác mộng chứ không phải được trọn vẹn giấc mộng tuổi thơ như các em. Để mai kia khi vào đời nhiều người đã thốt lên những câu đáng tiếc vì thời thơ ấu bất hạnh đã qua.

Đức Phật từng thuyết rằng cùng trên một đoạn sông Hằng, nơi đó con người đang tắm giặt; nơi đó là thủy phủ của loài rồng, và chính nơi đó loài Ngạ quỷ đang thọ khổ. Ba cõi giới này đều đang hoạt động nhưng không có cõi nào đụng chạm với nhau. Nghe qua thì chúng ta có thể chưa hiểu nhưng nếu ta nhìn vào đời sống thực tế như Châu Phi chẳng hạn, Nơi đó tài nguyên rất giàu có và phong phú như mỏ kim cương, vàng bạc, khoáng sản, sừng tê, ngà voi và các loài thú cực kỳ quí hiếm nhưng con người nơi đó nhất là trẻ em chết lần, chết mòn vì thiên tai hạn hán, đói khát, vì giặc giả, cướp bóc, vì bệnh tật… Những ông chủ từ nơi khác tới khai thác tài nguyên châu Phi thì cực kỳ giàu có, có nhiều người sai khiển các quyền lực gây nội loạn, binh biến nhằm bảo vệ quyền lợi của họ, thì cũng có những đoàn người thiện nguyện như những đoàn bác sĩ không biên giới, những người dạy cho các địa phương trồng trọt để họ có thể tự cứu mình thoát cảnh đói khát…

Cùng sống trong một cảnh giới, kẻ tham tàn thì giàu có hưởng thụ; người châu Phi chịu trăm thứ khổ sở và những người thiện nguyện đã từ bỏ mọi điều kiện tiện nghi xa hoa của bằng cấp, học vị xã hội và lương bổng, phúc lợi của thế giới văn minh để đến với châu Phi bằng một tấm lòng cứu khổ. Và những người bác sĩ, những đoàn nông phu tự nguyện đó đã tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc vì chính họ đã tự tay mình xoa dịu những nỗi thống khổ của dân chúng ở đây. Chúng tôi biết có những huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã có mặt rất lâu trong đoàn y sĩ tự nguyện này, thậm chí đã lập gia đình rồi thì lại cam kết không sinh con trong thời gian phục vụ. Trên khắp thế giới ngày nay, chiến tranh vẫn còn đó, đói nghèo vẫn triền miên, trẻ em bị ngược đãi, không được đến trường và chịu đựng bao điều bất hạnh nơi nào cũng có. Và khắp nơi đều có những sứ giả của hòa bình, những chiến sĩ của tình thương đang tận lực cố gắng để xoa dịu những vết thương, để dập tắt bớt những ngọn lửa tham lam, thù hận mà nhân loại gây ra. Để chúng ta và toàn thể trẻ em trên thế giới này còn những tia hy vọng.

Chợt nhớ Phật thuyết trong kinh Duy Ma Cật: “Chúng sanh là Tịnh độ của Bồ tát”, chúng sanh đang thọ khổ và Bồ tát lấy sự dấn thân, hy sinh vì chúng sinh cứu khổ làm vui. Đó là nguyên lý “Phật Pháp bất ly thế gian giác”, lìa chúng sinh mà tìm cầu giác ngộ thì không khác gì đi tìm lông rùa, sừng thỏ mà thôi. Cũng giống như dân châu Phi đang thọ khổ – các Y bác sĩ phát tâm cứu khổ cho họ lấy đó làm niềm vui. Cùng một vùng đất nhưng hai trạng thái sống không giống nhau.

Tuy nhiên, mỗi trẻ em nào cũng có một tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên không tính toán, nên dù chúng đang vui hay đang khổ thì bước đi, bước chạy nhảy của chúng cũng rất nhẹ nhàng vô tư lự chứ không trĩu nặng như thế giới “người lớn” chúng ta.

Nguyên Hoàng

444 lượt xem