Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Ở các quốc gia công nhận đạo Phật là quốc giáo theo Phật giáo Nam truyền như Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Campuchea, Lào … đều có một hệ thống giáo dục Phật giáo gần như là bắt buộc đối với các tín đồ theo đạo Phật. Ngôi chùa ở các nước này là cũng là biểu tượng cho nền văn hoá của cộng đồng – quốc gia. Nơi nào có chùa thì nơi đó có trường học – ngoài việc học giáo lý Phật đà ra mỗi thanh niên phải vào chùa xuất gia tối thiểu là ba tháng sống bằng hạnh trì bình khất thực…Đây cũng là một minh chứng về đạo đức của mỗi người trong sự liên hệ xã hội. Suốt một dãy quốc gia theo Phật giáo Nam tông đều có thông tục “ Chắp tay hoa” chắp tay hình búp sen khi chào nhau khác với nước mình chỉ chắp tay chào nhau nơi các Thiền tự, đạo tràng.
Nói lên các sự kiện này để xác định vấn đề tuổi trẻ tu học Phật giáo đã diễn ra từ lâu và ở nhiều nơi trên thế giới, riêng tại Việt Nam mình ảnh hưởng Phật giáo Bắc truyền trong tinh thần tuỳ duyên và tự nguyện nên nhiều người nghĩ rằng chỉ có những Phật tử lớn tuổi hay rảnh rỗi mới có thể vào chùa học Đạo. Tuy nhiên, nét đặc biệt của các Phật Giáo Trung phần là hệ thống được một nề nếp sinh hoạt theo Khuôn hội bất luận tuổi tác, các cư sĩ có thể tham gia và gửi gấm con em mình sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử. Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo nước nhà các hệ thống trường Bồ Đề, trường mẫu giáo, ký nhi viện Kiều Đàm có kèm chương trình giáo dục Phật giáo vào nội dung giảng dạy phát triển được một thời gian rồi phải bị lụn tàn – Tổng vụ thanh niên điều hành 6 vụ Phật tử trẻ – Tổng vụ Cư sĩ điều hành Phật tử các giới…. theo biến cố đất nước đều bị tan rã, suốt một thời gian dài chúng ta chỉ thấy Phật tử phần đông là các ông già bà cả đến chùa mà thôi.
Duy còn một Vụ Gia Đình Phật Tử, bao lần ngã xuống là bao lần đứng dậy thật cam go, không ngờ trong nguy nan gian khổ mà lại phát triển rộng ra khắp nơi trên thế giới! Vấn đề góp phần xây dựng xã hội hiện nay không chỉ còn riêng lẻ tại Việt Nam. Nhưng vấn đề định kiến về tuổi trẻ học Phật thì không thích hợp hiện nay vẫn tồn tại làm rào cản tâm lý trong các phụ huynh và tuổi trẻ muốn gia nhập.
Trong kinh Hoa Nghiêm có giới thiệu nhân vật Thiện Tài Đồng Tử vâng lời thầy là Phổ Hiền đi cầu học nơi 53 vị Thiện Tri Thức với 53 đẳng cấp khác nhau – vị sau cao hơn người trước cho tới vị sau cùng là Chánh đẳng chánh giác – địa vị tột bực của mọi Phật tử. Thiện Tài ở lứa tuổi Đồng niên, theo cách xứ mình thường thấy thì liệu có khả năng thâm sâu như thế nào để được chọn làm biểu tượng học Phật để cầu giải thoát!
Theo định luật vạn vật hấp dẫn thì trọng lượng của Thiện Tài đồng tử rất nhẹ, thí dụ như đồng tử nặng 15 kilo thì trái đất cũng chỉ hút đúng 15 Ký thôi cho nên nhẹ nhàng khi leo lên 53 bậc thang không biết mệt, đồng tử đã không bị ràng buộc gì lại càng không mang nặng trách nhiệm trên vai nên dễ an nhiên trên đường giải thoát. Còn chúng ta, tuy có thể chỉ nặng 40,50,60 ký nhưng sức nặng thật sự sẽ gấp nhiều lần hơn, này hãy nhìn bước chân của những người ưu tư, lo buồn, nghĩ ngợi… những dấu chân hằn sâu trên đất hơn những người bình thường: Nào là gánh nặng gia đình, mưu sinh nuôi dạy con cái; gánh nặng trách nhiệm nơi công việc, lo sao cho được mái nhà, xe cộ phương tiện; người thân bị đau yếu, bệnh tật, tai nạn… nhất là mùa lũ năm nay liên tiếp dìm tan cơ nghiệp dưới nước rất nặng buồn,lo, khổ não…. Với bao sức nặng như thế cộng lại thì rất khó khăn để leo lên được 53 cấp như đồng tử đã leo; đồng tử vốn không bị ràng buộc gì nên không cần tìm cầu giải thoát, còn chúng ta muốn nhẹ nhàng giải thoát trước tiên phải cởi bỏ được những ràng buộc trong tâm hồn, chừng nào dứt sạch phiền trược thì mới tiến lên đường giải thoát được. Như vậy chúng ta thấy được tu học từ thuở nhỏ quả thật là thuận lợi và diễm phúc hơn là về lớn tuổi mới tu, mới học cách giải thoát biết bao.
Một hôm tại chùa Già Lam, Y chỉ sư kể cho chúng tôi chuyện một ông già đạp xe rao bán bánh chưng, bánh tét trong đêm hay bị trời mưa gió, bán ế ẩm nhiều lần làm mất vốn không có cơm ăn, con cái la rầy. Ông nhiều lần nhìn đời sống chư tăng trong thiền tự mà tỏ ý thòm thèm mong ước được sống đời vô lo như vậy. Thầy chấp nhận cho ông lão vào chùa công quả tu hành để được rau cháo qua ngày khỏi phải cực thân nữa. Ông lão vào chùa làm việc rất siêng năng nhưng đến lúc tụng kinh, ngồi thiền là cứ ngủ mê man không cưỡng lại được, cuối cùng ông lão xin ra và từ đó lại nghe tiếng rao bánh chưng, bánh tét trong đêm tiếp tục cuộc đời khốn khổ – Phật tánh thời không có tuổi, không có già chết nhưng con người khi say sưa xao lãng đắm mình trong dòng đời đến chừng nhìn lại thì tuổi già đã đến – Có lẽ nào Thân và Tâm đều bị già lão! Bị lão hoá mà không có cách trở mình thì sẽ buông tay cho bụi hồng định đoạt, cõi chết gần kề mà vẫn không biết đường đi. Vậy tại sao chúng ta không chịu lo tu khi còn rất trẻ!
Nguyên Hoàng
522 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…