Sự hy sinh thầm lặng

Kính thưa quí anh chị,
cùng các em thân mến.

Đêm nay ta ngồi bên nhau trong tình thân gia đình mà tâm sự cùng các em về nỗi lòng của những huynh trưởng đàn anh, đàn chị đi trước đang hướng dẫn các thế hệ đàn em đến chùa sinh hoạt cùng tu học. Ngày xưa Tổng Vụ Thanh Niên có 6 Vụ Thanh, Thiếu, Nhi Phật Tử như Học sinh Phật Tử, Sinh Viên Phật Tử, Hướng Đạo Phật Tử, Phật Tử Thiện Chí… mỗi danh xưng đều biểu thị thành phần, lớp tuổi và ý hướng của tập thể đó. Thí dụ như các em là sinh viên thì nên sinh hoạt với sinh viên Phật Tử hay lứa tuổi học sinh thì gia nhập Học sinh Phật Tử; muốn giỏi nghề như các Hướng Đạo sinh thì tham gia Hướng Đạo Phật Tử; các anh chị lớn thì có thể gia nhập Phật Tử Thiện Chí để hộ Pháp vệ Đạo…

Riêng danh xưng Gia Đình Phật Tử là phổ biến, bao quát, rộng rãi hơn cả: Em có là học sinh hay không phải là học sinh; là sinh viên hay không phải là sinh viên, tuổi tác các em từ 6 tuổi trở lên là có thể gia nhập Gia Đình Phật Tử rồi. Khởi đi từ Ban Đồng Ấu Phật Tử được hình thành tại Huế và lan ra Hà Nội – Với hàm ý Phật Hóa gia đình, xã hội mà Gia Đình Phật Hóa Phổ ra đời. Đến năm 1951, chính thức sử dụng danh xưng "Gia đình Phật tử" với sự canh tân về cơ cấu tổ chức Đoàn ngũ hóa, điều hành và các hình thức sinh hoạt toàn Trung – Nam – Bắc.. Từ đó đến nay có nhiều đề nghị nên đổi sửa danh xưng cho phù hợp với “thời thế, thời cơ, hoạt dụng…” Nhưng chưa có một từ ngữ nào đơn giản, thân thiết, đoàn kết, tương trợ, yêu thương, hy sinh….. vô điều kiện như Gia Đình, danh xưng Gia Đình Phật Tử từ đó đã nghiễm nhiên đứng vững chãi trong lòng Đạo Pháp – Giáo Hội và Quê hương. Gia Đình Phật Tử thật thân thiết một nhà, rất đơn giản với những chiếc áo Lam, rất bình đẳng giữa các bác thợ cày, thợ rèn cùng các anh chị thương gia hoặc có học vị, địa vị xã hội; cùng chung Tín – Hạnh – Nguyện là góp phần xây dựng Xã Hội.

Gia Đình – một đơn vị gồm 2, 3 thành viên trở lên là nền tảng trong một quốc gia Đông Phương theo tinh thần “Tu thân – Tề Gia – Trị Quốc – Bình Thiên Hạ” của Nho Giáo mà trong đó sự yêu thương, nhẫn chịu và hy sinh cho nhau để được an lạc hạnh phúc trong cuộc sống là chính yếu, đòi hỏi mỗi bản thân phải nhận chịu sự giáo dục thành nhân – Tu thân nghiêm chỉnh mới gìn giữ được gia phong lễ nghĩa, nếp nhà có vững thì mới góp phần kiến tạo chung một quốc gia có ý thức, trách nhiệm… Thời cổ và cận đại trường hợp “Tam đại đồng đường” 3 thế hệ chung nhà là thường, ngày nay tuy không còn thế nữa nhưng vẫn lấy tình thương, nhân nghĩa, hiếu thảo làm đầu – gia đình nào không có sự hiện diện của các tố chất này thì sớm hay muộn gì cũng “gia môn bất hạnh”.

Gia Đình Phật Tử, có thể nói đây là “Gia đình” thứ hai của những người áo Lam chúng ta – Mỗi người khi phát nguyện đeo hoa sen được công nhận chính thức, từ lúc đó chúng ta trở thành anh chị em một nhà. Tuy nhiên, mỗi thành viên áo Lam đều có mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh riêng mà ở trong vai trò huynh trưởng chúng ta cần phải tôn trọng và tạo tình thân thiết với các gia đình ấy – Ở trong một Khuôn hội thì thật dễ dàng vì các Đạo Hữu Phụ huynh cũng là các Cư Sĩ thuần thành, Ban Hộ Tự, Tịnh Nghiệp Đạo tràng… Nhưng ở các Thành Phố lớn như chúng ta phần nhiều đều ở các trường hợp “Đèn nhà ai nấy sáng”

Trong mỗi người chúng ta đều hàm tàng hạnh từ bi và lòng trắc ẩn vô hạn nhưng vì bản ngã của chúng ta đã từng bị tổn thương vì nhiều sự kiện làm méo mó sự thật hay cần phải che dấu không tiện bày tỏ, làm huynh trưởng chúng ta cần phải quan tâm đến từng cá thể đoàn sinh, huynh trưởng trực thuộc để kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ, bảo ban, có khi phải vận động các anh chị em để chung lòng giúp đỡ những người áo Lam trong GĐPT của mình khi cần thiết, nhất là khi có những biến cố xảy ra như những trường hợp tang chế, đoàn sinh bỏ học vì không có học phí, bệnh tật, thiên tai, không đi trại vì không đóng nỗi trại phí….. Nếu huynh trưởng mà không ý tứ, thông hiểu những sự kiện này thì cái hệ thống mà ta gọi là “Gia Đình” là không có thật, đã bị tan rã từ lâu.

Có niềm thương cảm nào hơn khi những lần nhìn thấy các em khó khăn trong học vấn vì học phí nặng nề, muốn tham gia trại mà không đủ tiền ăn cơm – thất nghiệp không dám nói nên viện lý do xin nghỉ ở nhà; không dám nhận công tác vì không có tiền đổ xăng…. Đơn vị mình nghèo nên quỹ chẳng có bao nhiêu; Thầy không thương nên rất khó vận động; Ban Bảo Trợ không ai dám nhận vì thời cuộc khó khăn. Có khi anh chị giúp đỡ các em thì cũng phải nói làm sao để các em có thể nhận, thí dụ như gọi là Học Bổng đối với những em còn đi học; gọi là hỗ trợ cấp thời của một vị ân nhân nào đó ẩn danh – Của cho không bằng cách cho, nghèo mà giúp nhau mới quí – Chúng ta tuy nghèo nhưng không nghèo tình thương, sẵn sàng sống hết mình phục vụ – Không đủ cơm ăn áo mặc là do nghiệp báo, các huynh trưởng lớn đều tự hiểu mà kham nhẫn chịu đựng ít nói cùng ai.

Chúng ta không ngạc nhiên lắm trong những trường hợp các nhà tỷ phú bỏ nhiều tiền của ra bố thí, nhưng chúng ta lại mũi lòng khi một bà lão nghèo hy sinh miếng cơm hẩm cuối cùng để cứu người đói khát hơn mình. Chừng đó mới biết ngọn đèn của bà lão ăn mày tỏa sáng không có một thế lực nào dập tắt được. Có những huynh trưởng áo Lam đã im lặng và đi trong đêm dài như thế cho đến hết cuộc đời. Sự hy sinh đã thầm lặng không thể nói ra thì đâu ai biết được, hỡi quý anh chị, em.

Nguyên Hoàng

510 lượt xem