365 ngày xuân

Tuỳ bút của Lưu Ly

Cuối năm, Sài Gòn bỗng dưng hào phóng tặng cho ít ngày se lạnh. Sáng sớm, dắt xe ra đường, tôi rùng mình vì cái lạnh đang được khoác lên từng con phố vốn dĩ đã quen thuộc với náo nhiệt và sôi động này. Trông cũng ảm đạm đấy chứ? Không khí lạnh rủ mọi người chìm sâu vào giấc ngủ nhiều hơn.

Trời đang trở chứng hay đang trở mình? Sài Gòn làm gì có mùa đông! Tôi lẩm bẩm mà hàm răng cứ gõ đập nhau liên hồi. Hai hàng cây bên đường co ro. Những người đi làm sớm đã kịp vội choàng thêm vài lớp áo ấm. Còn tôi cứ phó mặc cho chiếc áo mỏng tang tung bay phần phật sau những trận gió lùa. Lạnh thấu xương.

Sài Gòn đang bước vào xuân. Tôi hiểu rõ lắm: hết đông thì xuân, cũng như hạ đi thu đến. Bốn mùa vận hành. Bốn mùa chạy vòng quanh. Bốn mùa chưa chịu ngừng lại. Dẫu Sài Gòn chỉ hai mùa nắng mưa, nhưng bây giờ tôi lại biết thế nào là dải lụa giá rét đang quấn lấy mình, không buông tha. Chợt thèm một manh áo ấm, chợt thèm một vòng tay êm. Tuổi thơ đã xa. Tháp ngà dần mất. Ba mẹ rời thật mau, sau từng ngày, để ngồi lại nhìn đàn con khôn lớn.

Xuân Canh Ngọ năm 1990, tôi được 11 tuổi. Đó là cái tuổi hồn nhiên vô tư bay nhảy. Mùa xuân đó đã đánh dấu một bước ngoặt cuộc đời. Chính ba chứ không ai khác, người đã dẫn tôi đến với Tổ chức Áo Lam – Gia Đình Phật Tử.

Để chuẩn bị đón Tết, ba tỉ mỉ dán cặp câu đối đỏ đường hoàng trên vách tường:

“Xuân Canh Ngọ / Quý Trì Tâm”

Tự tay ba làm lấy. Tôi không dám hỏi ý nghĩa những gì ba viết ra mà cứ đợi ba giải thích. Tính ba là vậy. Gương mặt luôn lộ vẻ nghiêm khắc. Không chỉ riêng tôi mà với tất cả. Ít khi nào được chiêm ngưỡng nụ cười của ba. Nhưng tôi tin chắc khi ba cười, ai cũng sẽ cảm nhận ngay sự thân thiện.

Ba lấy cái chén cơm úp xuống giấy, vẽ thành các hình tròn lên đó rồi dùng bút lông dầu viết vài chữ Việt theo đường cong của hình. Xong cắt ra, dán lên tường. Thế là có câu đối đỏ. Tôi luôn nhớ như in, vì sáu chữ ấy được bàn tay ba nắn nót thật đẹp. Nó từng là nỗi ám ảnh mãnh liệt trong tim óc tôi từ thuở xa xôi đó đến tận bây giờ.

Cậu tôi qua nhà chơi Tết. Ba mời cậu ngồi ngay ngắn rồi giới thiệu ngay hai câu đối đẹp với cặp mắt sáng rực. Ba nói chậm rãi, miệng khẽ cười:

– Anh à! “Quý” là tên bà xã em, còn “Xuân” là tên của em. Đối như vậy được chứ?

Cậu tôi gật gù, môi nhấp chén trà nhưng tia nhìn vẫn không chịu rời câu đối. Ba được dịp, hưng phấn hẳn ra:

– Năm nay “Canh Ngọ” tức là… “trông chừng con ngựa”. Vậy là cả năm này em cố gắng trông chừng con ngựa trong bản tính của em. Con ngựa háu đá, con ngựa bất kham mà tuổi trẻ nào cũng từng nếm trải. Bà xã “Quý” của em cũng tập tành “trì tâm” tức là “giữ cái lòng lành” mà người phụ nữ nào cũng cần cả. Em rất tâm đắc với câu đối này. Em treo nó giữa tấm hình chụp hai vợ chồng em để luôn nhắc nhở mỗi người trong nhà, ai cũng biết giữ gìn lấy mình để sống cho trọn tình trọn nghĩa.

Tôi ngồi bệt xuống đất, ngẩn ngơ. Đầu óc trẻ nhỏ ấy có hiểu chút xíu gì ba cái chuyện người lớn tâm tình với nhau. Khi cậu về, ba gọi tôi lại, ôn tồn giải thích:

– Hồi nãy, cậu con qua chơi. Ba nói như vậy cốt để cậu con hiểu tấm lòng của ba. Còn bây giờ, con hãy ngồi xuống đây để hai cha con mình nói chuyện về câu đối này nha!

Tôi chẳng nói được câu nào, khi ba có ý định dạy tôi một điều gì đó, tôi chỉ biết vâng theo răm rắp thôi. Ba đứng đó, tay chỉ vào câu đối, miệng nhoẻn cười:

– Nè, Tèo (tên ở nhà của tôi)! Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ. Khi còn trẻ, con người như một chú ngựa, từ sức khoẻ, thể chất cho tới ý chí, tâm hồn. Nhựa sống của lứa tuổi này khiến tay chân không lúc nào chịu yên cả. Phải làm, phải biết, phải hiểu và phải… “quậy” thì người ta mới gọi đó là tuổi trẻ. Điều này không sai. Song, nếu mình ý thức, nếu mình biết “canh ngọ” tức là “trông chừng chú ngựa” trong bản thân mình thì tự dưng việc làm của mình trở nên giá trị. Sự bồng bột giảm đi, hiệu quả từ việc làm tăng lên ào ạt.

Thấy ba thao thao bất tuyệt một vế đối, dù chưa hiểu gì lắm từng lời từng ý của ba, tôi cũng bạo dạn hỏi:

– Vậy còn câu “Quý Trì Tâm” là sao hả ba?

– À! Cái tâm mà được giữ (trì) thì chú ngựa đâu thể làm theo ý nghĩ ngông cuồng được, phải hông? Mỗi ngày, biết bao công việc, ai mà chẳng thế này thế kia. Và như vậy thì cái tâm mình phân tán tứ xứ. Mọi việc xuôi chèo mát mái thì nói làm gì, chứ cứ lộn tùng phèo lên, người ta có còn sáng suốt nữa không? Nếu biết “trì tâm” thì sẽ “quý” nhiều lắm, còn việc nào bằng? Mùa xuân, mùa thay da đổi thịt, mùa bắt đầu một lứa tuổi phụng sự cuộc đời. Nhiệt tình đấy, xông xáo đấy, tràn đầy hy vọng đấy, nhưng biết “canh ngọ”, biết “trì tâm” thì trên thế gian này còn cái chi quý hơn nữa nào? Câu đối ngắn nhưng chứa đựng những nghĩ suy từ rất lâu của ba. Con hiểu không con?

Tôi muốn té xỉu khi được ba hỏi câu này. Trời đất ơi! Thằng bé mới 11 tuổi, ăn chưa no lo chưa tới làm sao lãnh hội được những tư duy của người đã ngoài bốn mươi? Miệng tôi méo xẹo, mắt rơm rớm chực khóc. Ba tôi thấy thế chỉ cười rồi quay vào nhà sau, bỏ lại tôi ngồi thu lu một góc phòng với nhiều dấu chấm hỏi to tướng trong cái đầu mình. Tôi chỉ nhận thấy câu đối của ba được viết đẹp ơi là đẹp, thật đơn sơ và chân phương làm sao! Câu đối sáu chữ súc tích là thế, chứa biết bao ý nghĩa là thế (theo sự quảng cáo của ba!) rồi cũng được gỡ xuống, khi mùa xuân khác về. Tôi dần lớn theo thời gian. Rồi vẫn cứ trầm trồ mỗi khi ngồi chiêm ngưỡng ba viết câu đối Việt. Vẫn cứ khen hay, dù chẳng hiểu nó hay ra sao.

Trong trí nhớ loáng thoáng còn rơi rớt lại, ba tôi còn một câu đối nữa, đẹp và hay cũng không kém. Lần này thì câu cú dài hơn, nhưng độc đáo là ba chỉ sử dụng cho mỗi từ với bắt đầu bằng phụ âm “t”:

“Tâm Thiền Trần Thế Tẩy / Thanh Tịnh Thệ Thiên Thu”

Tôi vỗ tay khen hay. Ba cười, chỉ cho tôi thấy rằng lấy chữ cái đầu để chọn ý mà viết câu đối cũng có những ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Ba tiếp tục giảng giải:

– Tâm đi vào cõi thinh lặng, lắng đọng hết mọi rác rưởi, bụi bặm thì chính là lúc hết thảy đều thanh tịnh, mình sẽ khởi phát lời nguyện rộng lớn, theo bản hoài của chính mình. “Thiên thu” nó vẫn còn giới hạn, mình còn muốn vượt qua giới hạn nữa kìa. Nhưng biết làm sao được? Ngôn ngữ vốn dĩ hữu hạn. Có vậy thôi! Con đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, cố gắng học tập và rèn luyện. Biết tu học là giỏi, nhưng giúp ích cho người từ những gì tu học được mới chính là cái cần thiết hơn cả. Con hiểu chưa?

– Dạ, con hiểu.

Tôi đáp gọn ơ. Vậy là “qua phà” êm ả từ ba cái chuyện câu đối rắc rối, nhiều ý nghĩa của ba. Thuở nhỏ, tôi thích đến chùa với màu áo lam vì đơn giản ở đấy đã cho tôi những giờ phút vui vẻ, được sum họp anh chị em, được sống hoà đồng bên nhau, yêu thương quý mến nhau,… nên khi được ba nhắc tới việc đi sinh hoạt, tôi nhanh miệng đáp ngay. Tôi không hiểu, không biết hay nói đúng hơn là tôi chẳng để ý gì về ý nghĩa ba giảng ở những câu đối đỏ ba viết.

Giờ tạm gọi đã lớn, tôi vẫn thấy mình sống trong tình thương của ba. Mặc dù chưa lần nào ba nói thương tôi, nhưng nhìn trong cách sống của ba, tôi biết. Ba ít nói, cũng chẳng cười nhiều. Ba chỉ cặm cụi làm. Cái mặt bàn rách, cái chân ghế gãy, ba tự động mang ra hì hục ngồi làm. Mất điện, ba sửa lại cho đèn sáng, quạt quay. Nhà chỗ nào hư hoại, ba lẳng lặng mua xi măng, gạch, cát về tô trét. Ba lại càng chế ra nhiều món đồ chơi cho anh em chúng tôi chơi. Đặc biệt, ba có tài nấu bếp và pha nước rất khéo. Trong những ngày thất nghiệp, má thì tần tảo buôn bán ngoài chợ, ngày hai bận, ba lui cui sau bếp chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà. Mùa nóng, uống ly nước ba pha, tôi như bay bổng trên dãy Tuyết Sơn tận xứ Nam Á.

Khi rảnh rỗi, ba hay chở anh em tôi đi chơi khắp nơi. Nhưng lần nào cũng ghé ngang chùa. Vào đó, ba mua kinh sách, hay bình thường là chỉ ngồi chơi. Một lần nọ, anh em tôi được một chị huynh trưởng mời vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Vào với màu áo Lam tình cờ và đơn giản như thế.

Ba có sở thích là tự tay chép kinh để tụng, hay sáng tác vài câu thơ đạo nào đấy. Có cuốn sổ nào trong tay thì bỗng chốc một vài ngày, trong ấy sẽ dày lên những trang kinh được viết và kẻ rất tỉ mỉ, cẩn thận. Tôi lại hay có tính thích tìm hiểu cái mới lạ chung quanh mình. Khi ba đi đâu vắng, tôi lén nhìn trộm qua những quyển sổ của ba. Đôi lúc “chôm” vài quyển sách nào đó của ba, đem giấu đi, rồi đọc ngấu nghiến như thèm khát lâu ngày vậy. Ngày qua ngày, theo tự nhiên, những gì tôi khám phá từ ba tôi, nó xâm chiếm tim óc tôi hồi nào không hay. Tôi sống bình lặng trong môi trường đầy khí Đạo như thế. Có thể là do tính tò mò của tôi hay sự hấp dẫn trong cách sống của ba mà tự nhiên tôi có sẵn một con đường cho mình đi tới? Điều đó tôi không lý giải được. Song, tôi rất thích cách sống của ba, thích nghe ba nói, thích bắt chước theo những gì ba làm. Tôi còn nhớ mình quý nhất là cuốn “Triết học Tánh Không” của thầy Tuệ Sỹ do An Tiêm ấn hành. Mê đọc vì thấy văn viết hay quá, nhưng chẳng hiểu mô tê chi cả. Sách đã cũ, rách rồi mà tôi vẫn lén đọc trong góc nhà mỗi khi vắng ba.

Mùa xuân bắt đầu sau những ngày se lạnh của Sài Gòn. Rồi theo lẽ thường, xuân qua đi. Nhưng, tôi vẫn sống bên ba. Hằng ngày vẫn ôm lấy tình thương của ba như từ thuở ấu thơ đến tận bây giờ ba vẫn ôm lấy anh em chúng tôi. Tình thương của ba là một ngôn ngữ riêng biệt, một khoảng trời riêng biệt.

Thuở xưa, ham chơi về muộn, tôi thường phập phồng lo sợ, lật đật ù chạy về. Ở nhà, ba tôi chốc chốc lại mở cửa nhìn ra con hẻm nhỏ, trông chúng tôi về. Đặt chân vào thềm nhà, thế nào tôi cũng phải nằm xuống để ba răn dạy. Những lằn roi rất mạnh, rất đau hằn tím hai mông, nhưng chưa bao giờ tôi ghét ba. Ngược lại, tôi ân hận vì đã làm ba buồn. Chạy về kịp đến nhà, nếu bắt gặp ánh mắt âu lo mỗi lúc ba mở cửa, tôi lại rưng rưng nước mắt. Bị phạt như vậy, tôi thấy xứng đáng.

Hôm nay, Sài Gòn đã bớt lạnh. Vậy là xuân đang về trên từng con phố, trên từng gương mặt người. Bất giác tôi bật cười. Xuân có bao giờ đến và đi bao giờ đâu! Chợt nhớ lại lời của thi sĩ Bùi Giáng, khi ông được một luật gia mời vào nhà uống rượu thưởng xuân:

– Mà có ngày nào thiếu xuân?

Lời nói ngắn gọn nhưng có sinh khí mãnh liệt như một công án để hành giả khai phá. Dòng hồi tưởng lại ùa về. Năm đó, tôi được ba khai ngộ cho bài học đầu đời về mùa xuân.

Những tưởng, theo thời gian, ba má dần rời xa chúng tôi. Sự thật không phải vậy. Những khi tôi đi dạy về, lỡ có muộn, ba cũng vẫn mở cửa nhìn ra con hẻm tối om, trông chúng tôi về. Ánh mắt cũng tựa ngày nào, lộ vẻ lo lắng hệt như thuở xưa, dù bây giờ tôi đã đi qua cuộc đời hơn một phần tư thế kỷ.

Xuân là chính ba đó… (2006)

647 lượt xem