Hỏa Diệm hóa Hồng Liên!

Từ biển đảo Khánh Hòa, nơi đang tổ chức kết thúc Trại Huấn Luyện viên III nghe tin thầy Phổ Hòa viên tịch trong một sự phổ biến “dè dặt” vì sợ nản lòng gần trăm trại sinh già lão ngoài sân – Thầy tuổi cao sức yếu nhiều lần cấp cứu nên đã có chuẩn bị “hậu sự” cho thầy đâu đó xong rồi, khi tiếp nhận tin này chúng tôi chỉ bị hơi chút bất ngờ. Ban Hướng Dẫn Quốc Nội hiện diện trên đất trại khi đó đồng ý là khuya nay trong buổi lễ truyền đăng sẽ thông báo tin buồn và làm lễ cầu siêu – quy y linh luôn.

Trong thâm tâm tôi, anh là một trong những cội tùng, cây bách già đời mà tôi đang có bổn phận để “gieo vần soạn nhạc”. Tôi nghĩ là thuận lợi vì chí ít đã quen biết anh hơn cả 40 năm. Nhưng đêm nay anh dường như anh biến mất trong nguồn thơ cảm hứng của tôi. Chẳng bù lúc không nghĩ đến anh – thì anh đang mạnh bước vào cuộc gian nan trong chiến tranh với vóc dáng một quân nhân và biến hình chịu khổ từ sau ngày thống nhất đất nước, vinh quang – thành bại, khổ vui có ảnh hưởng nhiều đến đời sống và chí hướng của anh về con đường Gia Đình Phật Tử! Nhưng khi nghiêm chỉnh để đón nhận “sự kiện” thì tâm trí của tôi mới thực sự mỏi mê đến nổi không đủ sức “cân chỉnh” lại các ấn tượng trong ký ức nữa. Có thể chữ nghĩa lúc này không có chút giá trị nào so với những sự hy sinh tận hiến lớn lao mà anh đã miệt mài phục vụ Gia Đình Phật Tử. Lúc soạn tứ nhạc có khi tôi đặt Ngài ngồi bên Cali nhớ về Hương Giang hoặc có lúc ngồi bên Sông Hương, Núi Ngự nhớ về Cali! Không thể nào hạn hẹp và cục bộ như thế vì quê hương anh có thời mở rộng đến Tiền Giang (Định Tường, Mỹ Tho) sinh hoạt tại GĐPT Chánh Đạo, chùa Xá Lợi và làm Liên Đoàn trưởng thứ 5 GĐPT Chánh Thọ vào năm 1959; quê hương anh nằm cạnh biển Đông chạy dài thêm 12 năm gian khổ nhọc nhằn về phía Bắc trước khi lên đường ra Hải Ngoại để đúc kết nên quyển Kỷ Yếu Gia Đình Phật Tử 50 năm.

Những ngày tháng anh quay về lại sống tại Sài Gòn lúc đó nhìn quanh ai cũng thiếu khó cực nhọc nhưng những anh chị trưởng năm xưa cũng đang quần tụ và tìm mọi cách tiếp trợ đẩy mạnh sinh hoạt tại các tỉnh thành nào có thể được. Ngày đó anh đi gom góp những tấm hình, những tài liệu, ca khúc viết tay và tỏ ra rất trân trọng, điều đó không làm chúng tôi ngạc nhiên vì tất cả các phương tiện về kỹ thuật in ấn lúc đó rất khó khăn, đâu ngờ sau này tất cả những tài liệu thô sơ đó đã được anh sắp xếp vào quyển Kỷ Yếu 50 năm Gia Đình Phật Tử Việt Nam sau khi định cư tại Hoa Kỳ không lâu. Quyển Kỷ Yếu đó mang dấu ấn từ con tim của anh, Hồng Liên – Phan Cảnh Tuân, người huynh trưởng lớn của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Tháng 11 – 2004 gặp lại anh trong Lễ Hội Hành Hương Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới. Thật là hơi khó khăn cho chúng tôi trong cách xưng hô, bây giờ anh là Đại Đức Thích Phổ Hòa nhưng chúng tôi vẫn quen gọi bằng “Anh” luôn. Anh cứ mãi nhắc chị An và kể lúc anh làm Liên Đoàn Trưởng Chánh Thọ ra sao – Trong Đại Hội anh nhận lời làm Trưởng Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới. Quê hương Việt Nam trải dài khắp các quốc gia có Gia Đình Phật Tử Việt Nam đang sinh sống

Tháng 11 – 2009 bổng nhiên nhận được điện thoại đường dài của anh từ Trung Tâm Quảng Đức. Qua sự giới thiệu của chị TM anh muốn hỗ trợ chúng tôi tiếp tục công trình phối khí hòa âm, phục hồi và giới thiệu các tác phẩm các nhạc sĩ Phật Giáo xưa và phát động phong trào Karaoke Gia Đình Phật Tử khắp nơi. Còn gì cảm động bằng khi một người anh “gần đất xa trời” vẫn còn lo nghĩ cho tổ chức Gia Đình Phật Tử. Nhưng vấn đề thật không đơn giản khi phải đệ trình dự án, gửi tác phẩm mẫu sang cho anh duyệt mà cứ vài mươi ngày anh phải cấp cứu một lần – Thôi thì cứ để anh yên nghỉ, việc này để hậu thế chúng em tiếp tục làm cũng được.

Giờ này toàn trại đang yên giấc, gió biển rì rào lên hàng xoài cổ thụ không khí càng se lạnh. Tiếng máy phát điện nổ nhịp đều buồn tẻ, chỉ người huynh trưởng già đang hút thuốc xoa tay, canh máy nổ. Tôi đang mường tượng tiếng gió biển và lời ru đại ngàn đang đưa anh vào giấc ngủ triền miên; tôi đang mường tượng chính chúng ta là những cây trái đời sau được vun trồng tài bồi trên mảnh đất Gia Đình Phật Tử. Trước đã khó, bây giờ càng thật khó để đi tìm một nơi đúng nghĩa mà Gia Đình Phật Tử có thể vui chơi ca hát vô tư quanh đêm lửa trại. Tôi bất giác viết vào dòng nhạc: “Hỏa diệm hóa Hồng Liên” trong nơi lửa thiêu hủy diệt vẫn có nguồn tươi mát an nhiên tự tại thời lửa cháy biến thành Sen hồng.

Hai năm trước anh Tâm Huệ ra đi vào đầu Xuân, năm nay Hồng Liên cũng lựa thời khắc này cùng tụ hội – tuy nhục thể các anh sẽ tan biến vào tứ đại nhưng di chí hào hùng của các anh vẫn ở lại với chúng em.

Nguyên Hoàng

683 lượt xem