Ngày Lễ Phật Đản.
Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Có thể nói ngày Lễ Phật Đản là ngày Lễ vía trọng đại nhất của Phật Giáo, của chúng ta và hiện nay đã gây ảnh hưởng lớn lao, rộng khắp trên toàn thế giới, nhất là hiện nay đại lễ Vesak (Tam Hợp) do Liên Hiệp Quốc tổ chức hàng năm ở những quốc gia Phật giáo. Đối với các tôn giáo lớn khác, ngày giáng sinh các đấng giáo chủ của họ, nghỉ lễ và tham dự thánh lễ là bổn phận thiêng liêng, Phật Giáo cũng vậy, nhưng thường chỉ do lòng tự nguyện – tự giác chứ không có bắt buộc nhất là đối với giới trẻ thời nay. Riêng Phật Giáo Nam Truyền từ xưa đến nay đời sống văn hóa, đạo đức thường gắn liền với ngôi chùa và các vị sư Cả đã thành nề nếp, nhất là tại các thôn, xóm, phum, sóc…., đã thành một tập tục kiên cố trong đời sống Phật tử.
Ngày xưa, một gia đình Phật Tử thuần thành là đã có nhiều thế hệ quy y tam bảo, gìn giữ giới luật, cầu học tinh cần, hộ trì chánh Pháp, mỗi chùa đều có ban hộ tự tổ chức theo hình thức Khuôn hội, Đạo tràng, nhắc nhở, khuyến tấn nhau trong cương vị của những Cư sĩ mẫu mực làm gương cho con, cho cháu trong lễ nghi, tín ngưỡng và đối đãi nhau…. Ngày nay, nhất là ở các thành phố lớn rất xem trọng vấn đề học hành, thi cử, nghề nghiệp mưu sinh và các tự do cá nhân; các lễ lớn của các tôn giáo cũng không được nghỉ nên có khi đại lễ Phật Đản có nhiều Phật tử, đoàn sinh Gia Đình Phật Tử không về chùa được.
Vấn đề bây giờ lại thuộc về ý thức của một Phật tử hướng về ngày Đản Sinh của vị cha lành, của vị Giáo chủ Phật giáo chúng ta, dù bận rộn cách mấy cũng phải thu xếp để hội về, nhất là các huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT phải có mặt để cúng dường, để chia sẻ trách nhiệm với công cuộc hoằng dương chánh pháp cùng Giáo hội, với tổ chức Gia Đình Phật Tử về lễ nghi truyền thống của tôn giáo mình. Đã gọi là phát tâm cúng dường thì tấm lòng phải hoan hỷ, rộng mở; bỏ đi tánh chấp nhặt và luôn hoan hỷ tha thứ mới có công đức thật sự, các Phật sự khác cũng phát Bồ Đề tâm trong tinh thần ấy. Chúng ta thử nghĩ trong ngày sinh thần, chúc thọ của cha mẹ mà mình không có mặt thì không phải là hối tiếc lắm sao!
Điểm đặc biệt của Phật Giáo là tính Phật lịch từ năm đức Phật nhập Niết bàn, khác với các tôn giáo khác là tính từ ngày giáo chủ họ giáng sinh. Thí dụ như năm nay Phật lịch là 2555 năm, muốn biết năm đản sinh thì phải cộng thêm 80 tuổi nữa thành 2635; còn muốn biết năm chúa Jesus giáng sinh cách Phật lịch bao nhiêu thì lấy PL. 2555 – 2011 năm nay = 544 năm, cộng 80 năm trụ thế của Phật thành 624 năm trước Tây lịch.
Bắc tông chọn ngày 15.2 âm lịch là Phật nhập diệt; Nam tông chọn ngày 15.4 âm lịch kỷ niệm cho cả ba lễ Đản sinh, Thành Đạo, và Nhập Diệt (nên mới gọi là Tam Hợp, còn từ ngữ Vesak chỉ đơn thuần là tháng thứ 2 Ấn Độ mà thôi), cho nên phải đợi đến Rằm tháng Tư mới tính Phật lịch thống nhất theo các nghị quyết của Đại Hội Phật Giáo Thế Giới. Là huynh trưởng Gia Đình Phật Tử chúng ta càng phải rõ biết những chi tiết này.
Nếu ai đã từng có mặt trong các buổi lễ Phật đản tại Huế thì mới thấy ngày hội lớn của Phật Giáo trang nghiêm, trân trọng, thành kính và huy hoàng, hoan hỷ như thế nào: Dòng người chảy về các tổ đình như nước dâng, cờ hoa rợp trời, đèn treo khắp phố, hoa đăng thắp sáng như muôn ánh sao sa trên Hương giang êm đềm ra biển cả. Và cũng chính ở điểm này mà lá cờ Phật giáo thế giới bị triệt hạ trong mùa Phật Đản năm 1963 mở đầu cho một cuộc đại thử thách cam go quyết liệt tinh thần hộ Pháp vệ đạo của các hàng Phật tử. Những năm gần đây, vấn đề treo cờ Phật Giáo và đèn kính mừng Phật Đản mới được khuyến khích trở lại – có những Phật tử không xem là quan trọng bởi vì những năm tháng kỳ thị đã quá dài, bây giờ muốn vận động trở lại thì phải tạo thêm một ý sống, một nghi cách truyền thống tôn giáo không thể thiếu trong cộng đồng xã hội, sự kiện này cần phải có thời gian cùng với sự nhắc nhở nhau bền bỉ hằng năm, đồng thời cùng tiến đến sự thiết trí cảnh vườn Lâm Tỳ Ni ở mỗi tư gia trong mùa khánh đản.
Đản: theo hán tự có nghĩa là rõ ràng, xán-lạn, không bị bất cứ sự khuất lấp, che chắn nào; nó rất khác với từ Giáng sinh là từ trên cao giáng xuống. Đức Phật đã thị hiện tướng của Đản sinh như vậy là như vậy – Vị thầy của Trời người; là cha lành của 4 loài nên cảnh tượng đản sinh của bậc Thiên Nhân Sư cũng phải như vậy. Chúng ta hãy cùng chắp tay xưng tán sẽ thấy ý nghĩa Đản sinh thật là cao siêu và mầu nhiệm:
“Chín rồng phun nước
bảy bước xưng tôn.
Dưới cội Vô Ưu
Thị hiện Đản sanh
Thích Ca Mưu Ni Phật”
Nguyên Hoàng
570 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…