Thân hòa đồng trú

Kính thưa quí anh chị,
Cùng các em thân mến.

Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn Pháp môn (84.000). Chỉ trong 49 năm hoằng hóa đức Phật Thích ca Mưu Ni đã thuyết nói vô số, vô lượng Pháp môn được các đời sau tụng đọc, ghi chép lưu bố rộng rãi nhằm mục đích cứu độ chúng sinh. Đa số chúng ta thường hay thắc mắc không biết kinh điển Phật Giáo nhiều như vậy làm sao một đời người có thể đọc tụng hay hiểu biết lý giải cho hết được. Nói như thế tức cho rằng chúng ta phải đọc tụng hết “thiên kinh vạn điển” đó mới thành Phật hay sao! Bởi chúng sinh chịu bao thống khổ dằn vật ngàn kiếp vạn đời trôi lăn trong dòng sinh diệt bao nhiêu chướng nghiệp đọa đày do 84.000 trần lao ưu não, nên mới có 84 vạn Pháp môn đối trị để đưa chúng sinh lên đường giải thoát diệu mầu.

Thiền sư Phước Hậu có bài kệ:

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ."

Bước đầu học Phật quan trọng nhất là thiết lập được nền tảng đạo học chân chánh qua phương pháp Văn – Tư – Tu, học và hiểu là cách tốt nhất để mở mang Tri thức, đem tri thức ấy để tu hành ứng dụng vào đời sống chuyển hóa bản thân và hoàn cảnh mới thực sự là đi trên đường Đạo. Không thể mang nặng các tạng kinh điển thành sự hiểu biết của tri thức mà không tự điều chỉnh lại bản thân mà gọi là tinh tấn được. Học để nhớ nhưng tu phải biết quên, không vương, không chấp. Vì nếu không liễu tri được nghĩa nhiệm mầu của kinh điển thì cũng không vượt qua được chính mình để tinh tấn, không hỷ xả thì cũng không tinh tấn, những cái hiểu biết kia không khác gì những tủ kinh hay đãy sách – tri và hành đi nghịch chiều nhau.

Thí dụ như huynh trưởng hướng dẫn các em bài Lục Hòa Kỉnh Pháp mà bản thân cứ tranh nhau từng lời ăn tiếng nói, còn phân biệt Gia đình Phật Tử của anh thế này, Gia đình Phật Tử của tôi thế kia hơn thua nhau từng chút, làm phản tác dụng của bài Lục Hòa. Bản thân không hòa hợp mà đi dạy bài Lục Hòa liệu có ổn không! Cho nên trong mọi trường hợp huynh trưởng phải dành ra những phút giây riêng tư yên tịnh để tự soi rọi bản thân, chiêm nghiệm những lời giáo huấn về Phật Pháp của thầy tổ thành sự trải nghiệm bản thân trên đường Đạo thì ý kinh lời Pháp mới thực sự được liễu tri. Liễu tri là cứu cánh, là mục đích cuối cùng của chánh Pháp.

Trong một gia đình nề nếp ắt hẳn không thể thiếu sự kính trên, nhường dưới; đi thưa, về trình. Trong một tổ chức tập thể đông người càng không thể thiếu phép tắc, nội quy; trong một quốc gia thời có Hiến pháp cùng nhiều luật định. Vấn đề không phải ở chỗ Hiến Pháp có thông lưu hay không; nội quy có chặt chẽ; phép nhà có nghiêm hay không mà cốt yếu là ý thức mỗi người tôn trọng nhau ra sao, tôn trọng luật định như thế nào. Người lớn không làm gương cho trẻ nhỏ; người có chức vị cao lại hay phá luật lệ – miệng đi rao giảng về tình thương nhưng lời nói thì hay xúc phạm đồng sự; lời thì bảo người ta chân thật nhưng hành động thì hay ganh ghét bươi móc lỗi người… cái Ta mỗi ngày mỗi cao lớn như núi Tu Di mà không tự biết. Những điều ấy chỉ gây nguy hại cho tổ chức, tạo tiền lệ cho đàn em bước theo vết xe đổ của mình. Thiếu tình thương tức là thiếu keo sơn gắn bó; thiếu chân thật nên chỉ sống qua hình thức, bề mặt tính toán lợi hại để đến hoặc đi; thiếu bao dung nên độ lượng nhỏ hẹp không che chở, dung chứa được cho nhau… may mà còn những người anh chị vô danh chịu thương, chịu khó kham nhẫn hy sinh nên các Gia Đình mới tồn tại đây; tổ chức mới tồn tại đây, nhưng muốn phát triển sâu rộng hơn thì biết bao gian nan chướng ngại – chướng ngại bên ngoài tuy mạnh nhưng vẫn không hại bằng nội nghịch bên trong.

Muốn “Thân hòa đồng trú” cơ thể phải được giữ gìn mạnh khỏe, ngôi nhà Lam phải do mỗi người ý thức gìn giữ lúc nguy an – một cái lo phải được chung vai gánh vác, một việc lành thường được tùy hỷ ủng hộ bằng những tấm chân tình. Không lý nào nhà dột, cột xiêu mà cứ để cho nó đổ xập xuống; không lý nào khi nhà đồng sự có chuyện mà mình lại thờ ơ. Thiếu những nguyên tố bền vững thì mạnh ai nấy sống, gặp nhau không vui, hay sinh trái ý làm cơ thể bạc nhược, làm gia đình sớm muộn gì rồi cũng ly tán mà thôi.

Đêm nay chúng ta còn ngồi bên nhau là còn cơ hội để sửa chữa những nhận định sai lầm phát xuất từ cái Tôi “vĩ đại” của mỗi người; sửa chữa những sai lầm vì những lời nói tuy không cố ý nhưng hay chê trách, phán xét lẫn nhau. Hãy khiêm cung và làm thế nào cho cái Tôi của chúng ta biến mất vào trong đại thể, để lời phát nguyện trong những đêm truyền đăng năm nào còn rực sáng với trăng sao.

Nguyên Hoàng

483 lượt xem