Bắt đầu từ đâu!
Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.

Chương trình Tu học của Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử qua bốn bậc Kiên, Trì, Định, Lực tuy nhiều nhưng vẫn chưa thấm tháp gì so với chương trình tu học của ngành Cao Đẳng và Đại học Phật Giáo. Có nhiều mặt hạn chế như khả năng ngôn ngữ Hán – Phạn và nghĩa lý văn tự; giới phần của luật nghi; đời sống xuất gia…. Mà hàng Cư sĩ không biết và có những luật phần không được phép biết. Đó là tất cả những điều kiện đủ, những phương tiện tối thượng, những bí mật của ba đời mười phương Phật để những bậc Chúng Trung Tôn vượt lên trên tất cả để chứng thành quả Phật.

Tu là “sửa” nhưng phải bắt đầu từ đâu thì ít ai nghĩ tới. Có những vị siêng năng đến chùa nghe Pháp, tu Bát quan trai, tu Chánh Niệm, tu Phật Thất, lễ Phật tụng kinh, niệm Phật, trì chú, tọa thiền, đảnh lễ Vạn Phật…. rất tinh tấn – ít ra là có sự trau giồi, rèn luyện theo lễ nghi và các phương pháp tu hành như những vị Phật tử thuần thành mẫu mực, danh tiếng xưa nay.

Chúng ta ai cũng biết các Pháp là Vô Ngã; Thế gian vốn Vô Thường; các Thọ là khổ; Bình thường tâm là Đạo….Dù chỉ biết một câu để tu hành thôi cũng là nắm được yếu chỉ, bí quyết để thoát khỏi phiền não, khổ đau. Luyện một chữ Nhẫn cả đời mà có khi chỉ một lời khen chê là đêm về không ngủ được; tập mở rộng lòng từ bi bằng cách cúng dường, bố thí, làm việc từ thiện xã hội lâu ngày nhiều người biết tiếng mà anh chị em trong nhà không dung chứa nổi cho nhau; Thiền tọa lâu ngày nhưng vẫn không Định, cứ lao xao như thoi đưa, tìm đến những nơi nhiệt náo làm vui, ngồi một mình dễ sinh buồn chán…. Có thể chúng ta yên tâm vì đã có kinh điển của  chư Phật thuyết – lời nào cũng đúng không có gì sai; chúng ta yên tâm vì đã có chư Tăng Ni bên cạnh, muốn học Phật cầu Pháp có gì khó khăn! Rồi ngày tháng năm cứ sa đà không kiểm thúc trong đời sống, làm anh chị trưởng mà lại gây ra bao nhiêu chuyện đáng tiếc trong đời sống mang danh hiệu là “Lục Hòa”.Vấn đề hôm nay chúng ta nói với nhau từ những bức tranh chăn trâu đơn giản, tức là phải hướng vào trong thân tâm mỗi người mà điều chỉnh tự thân, sự tu hành cũng bắt đầu từ đây.

Trước khi vào đại diệt độ đức Thích Ca đã di huấn dặn các vị Tỳ Kheo phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, phải khéo hộ trì các căn như Mục tử chăn trâu….Nếu chúng ta buông lung để các căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tha hồ đắm say vào sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp thì không biết đến bao giờ mới tự thắp đuốc lên mà ra khỏi chốn não phiền này. Sự điều phục các căn sẽ diễn ra từng sát na, phút, giây, giờ khắc mỗi ngày đêm để đưa mình trở về trạng thái tỉnh thức, tỉnh thức giai đoạn đến tỉnh thức thường hằng. Như vấn đề ăn uống hằng ngày của mỗi người thường là ba bữa ăn, khác với Tăng đoàn ngày xưa, ngay cả chú tiểu La Hầu La cũng chỉ thọ thực có một Ngọ thời, rồi phải đi kinh hành cho mau tiêu hóa, sau Ngọ là không ăn nữa cho đến 24 giờ sau mới gặp bữa ăn mới, bữa ăn lúc đói lòng thường là những bữa ăn ngon. Vấn đề ăn uống rất cần nhưng không quan trọng, coi như là một lúc “quá đường”, cách thọ dụng của chư Tăng trong chánh niệm, chỉ cảm nhận có  một vị an nhiên là “thiền duyệt thực” có ngon, có dở gì thì qua miệng rồi không. Nếu chúng ta tự kiểm thúc mỗi ngày chỉ ăn một bữa trưa như vậy cũng đã rất khó khăn rồi, huống gì lên bàn ăn mà gặp những thức ăn không hợp khẩu vị là không buồn gắp đũa.

Đi làm về thấy trên bàn vỏn vẹn có một đĩa rau, chén nước tương thì lòng đã giận sôi như có ai bạc đãi mình. Lý do mình có đem tiền về đếu đặn mà ăn “khổ”thế này. Ngay tức khắc mình phải điều phục được cơn giận này tan biến không cần lý do, đó mới gọi là “Tu”.

Người ta tham danh thì không cần danh lớn mới tham; tham lợi thì dù là miếng mồi nhỏ xíu cá cũng tranh nhau đớp. Tập bình thản trong lời khen tức sẽ tạo sự cân bằng an nhiên trong những câu chê trách. Vì chỉ có mình khi tỉnh táo mới biết lời khen chê nào là đúng, nếu được người chê đúng ta sẽ mau chóng sửa chữa những khiếm khuyết của mình. Danh dự và thể diện rất cần trong giáo dục và đời sống nhưng không có một cái xấu nào có thể giữ kín mãi lâu. Hai thứ này làm cho nhân quần sống không chân thật với nhau, tránh né không chịu trực diện chấp nhận sự thật là nuôi lớn lòng sợ hãi bất an trên đường tu tập.

Đi trên đường, chân ta dẫm phải cái thứ gì “ghê ghê” dưới chân, dường như ngay lập tức chúng ta muốn giải quyết thứ đó không để vương bám lâu. Cái tâm trạng này có thể “điều chỉnh” đứng lại hay ngồi xuống từ từ “giải quyết” một cách an nhiên. Vấn đề là điều phục tâm trạng không phải  điều phục cái thứ dơ do mình dẫm phải.

Nên thấy giữ được sự “bình tâm” không hề đơn giản như chúng ta nói hay nghe – Có thể mình bị mắc kẹt vào ngữ nghĩa hơi nhiều, biết nhiều mà tu hoài vẫn không buông bỏ được những cá tánh đã bị tập nhiễm.

Nếu thật sự muốn thoát ra các khổ, xin bắt đầu lại từ bản thân bằng cách hộ trì sáu căn, từ trong cuộc sống hàng ngày.

Nguyên Hoàng

547 lượt xem