Lời Thưa…

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

– Kính thưa Quý anh chị Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Bà Rịa-Vũng Tàu.
– Kính thưa Quý anh chị Hội đồng Giám Khảo Bậc Trì khóa 10.

Với một trình độ học vấn không cao và một sở học Phật pháp nông cạn như bản thân em mà thực hiện một “Luận văn kết khóa” thật là một việc làm lực bất tòng tâm. Lại không may cho em, học nhằm vào khóa đầu tiên mà Ban Hướng Dẫn Bà Rịa – Vũng Tàu (em nghĩ là phải nói GĐPTVN mới đúng!) áp dụng việc thực hiện Luận văn kết khóa kể từ bậc KIÊN, TRì trong chương trình tu học Huynh Trưởng GĐPT.

Tuy vậy, trong cái rũi có cái may, nhờ được huân tập từ môi trường Gia Đình Phật Tử, được tiếp cận với giáo lý Phật Đà, được sự hướng dẫn, dắt dìu của lớp Huynh Trưởng đàn anh đàn chị, được khuyến khích bởi Ban Huynh Trưởng GĐPT Khánh Hỷ cũng như anh chị em đồng sự áo lam và nhất là vì thấu triệt tinh thần “Tuân kỷ luật, chịu huấn luyện” của hàng Huynh Trưởng GĐPT mà em mạnh dạn thực hiện nhiệm vụ nặng nề nầy của Khối Giảng Huấn và Ban Điều Hành khoá học giao phó mặc dù biết rằng Phật pháp thì thâm thâm vi diệu, không thể nghĩ bàn… trong khi sở học bản thân còn quá ư nông cạn, kiến giải còn hạn hẹp, văn chương thì kém cỏi vụng về.

Nguyện mong qúy anh chị hiểu và thương lớp đàn em đang chập chững bước những bước mới vào nghề Huynh Trưởng mà hoan hỷ cho những gì khiếm khuyết.

Phật lịch 2552, ngày 15 tháng 10 năm 2008
Trung Hiếu PHẠM THỊ HỒNG VÂN

ĐỀ TÀI LUẬN VĂN BẬC TRÌ KHÓA X/BRVT (2006-2008)

PHƯƠNG PHÁP TU DƯỠNG ĐỂ HOÀN THIỆN BẢN THÂN VÀ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH THEO KINH THIỆN SINH

D À N B À I

I/ DẪN NHẬP
II/ NỘI DUNG
A. Giới thiệu Kinh Thiện Sinh.
1) Xuất xứ Kinh Thiện Sinh.
2) Đại ý Kinh Thiện Sinh.
B. Hoàn thiện bản thân.
1) Quan điểm của Nhân thừa Phật Giáo.
2) Quan điểm của Kinh Thiện Sinh.
C. Xây dựng hạnh phúc gia đình.
1) Hạnh phúc gia đình theo quan niệm thế gian.
2) Hạnh phúc gia đình theo quan điểm Phật Giáo.
a) Những yếu tố xây dựng hạnh phúc gia đình.
b) Vai trò của người vợ trong gia đình.
3) Hạnh phúc gia đình theo quan điểm Kinh Thiện Sinh.
a) Tương quan cha mẹ, con cái.
b) Tương quan vợ chồng.
III/ KẾT LUẬN

 

I/ DẪN NHẬP:
Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên mà mục đích và lý tưởng đã được quy định rõ ràng trong chương I Nội Quy: “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật Tử chân chánh. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Nếu phân tích mục đích này ta thấy GĐPT có hai nhiệm vụ rõ ràng:

1) Nhiệm vụ thứ nhất được Nội Quy xác định là: “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật Tử chân chánh”. Đây là nhiệm vụ giáo dục các đối tượng là “Đoàn Sinh” mà thành phần có trách nhiệm hướng dẫn là hàng ngũ “Huynh Trưởng” các cấp của chúng ta. Muốn giáo dục các em thành Phật Tử chân chánh thì trước tiên và điều chính yếu là bản thân người Huynh Trưởng phải là Phật Tử chân chánh. Nghĩa là có một lối sống đúng theo chánh pháp, thực hành Phật pháp trong đời sống tự thân để chuyển hoá gia đình và xã hội. Thực hành Phật pháp tức là hoàn thiện bản thân mình theo những tiêu chí luân lý, đạo đức theo lời Phật dạy để đạt được một nhân cách hoàn thiện. Theo quan niệm giản đơn của tôi thì đó là một con người biết sống, khéo sống, sống thiện lành xứng đáng với danh xưng con Phật. Vậy, là người Phật Tử (con Phật) và là Huynh Trưởng (người anh, chị trưởng) chúng ta phải tư duy và hành động như thế nào để hoàn thiện bản than mình theo chiều hướng đó?

2) Nhiệm vụ thứ hai: “Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Đây là nhiệm vụ đối với tha nhân, đối với cộng đồng xã hội chung quanh hay nói rộng ra là đối với đồng bào trong quê hương, đất nước và cộng động nhân loại toàn cầu. Ta biết rằng cá nhân là nhân tố của gia đình, mà gia đình là nền tảng của xã hội, do đó xậy dựng một xã hội tốt đẹp theo tinh thần Phật Giáo thì không thể thiếu những gia đình sống đạo theo tiêu chuẩn Phật Giáo (tức là những gia đình được Phật hoá). Việc Phật hoá gia đình, làm thế nào cho gia đình có được hạnh phúc dưới ánh sáng của tinh thần Phật Giáo là việc làm của tất cả các Phật Tử thành viên trong gia đình đó, mà chủ chốt là những người đang nắm vai trò chính yếu về tinh thần và vật chất của gia đình, tức là người vợ hoặc người chồng trong gia đình.

Là Huynh Trưởng đang theo học bậc Trì (một bậc học trong chương trình tu học trường kỳ Huynh Trưởng GĐPTVN), chúng ta đang chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của cấp Đoàn GĐPT; Chúng ta cũng đang phải chịu trách nhiệm về sự thịnh suy, hưng phế của gia đình riêng trong cộng đồng xã hội; Chúng ta đang ở vào lứa tuổi chững chạc của những người đang gánh vác trách nhiệm đối với xã hội (độ tuổi học viên bậc Trì được quy định từ 22 tuổi trở lên); Chúng ta đã và đang làm chủ một gia đình, làm vợ, làm chồng hoặc đang làm cha, làm mẹ các con ở gia đình. Do đó, việc hoàn thiện gia đình riêng sao cho gia đình mình thực sự an lạc hạnh phúc, trên thuận dưới hoà phải được xem là một trách nhiệm của chúng ta, những người Phật Tử – Huynh Trưởng. Điều này đòi hỏi ở công phu tu trì, khả năng và tài nghệ áp dụng đạo Phật vào đời sống tự thân cũng như sinh hoạt gia đình. Nghệ thuật hành xử khéo léo trong gia đình để kiến lập một gia đình hạnh phúc nhằm góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo phải được bắt đầu từ mỗi một anh chị em Huynh Trưởng chúng ta.

Để tìm câu giải đáp cho hai vấn đề nêu trên (xuất xứ từ việc thực hiện mục đích GĐPT), làm thế nào để hoàn thiện bản thân và xây dựng hạnh phúc gia đình theo giáo lý Đức Phật, tôi nghĩ rằng kinh điển Phật Giáo đã đề cập đến rất nhiều trong những bộ kinh thuộc hệ Nhân Thừa như: Kinh NGỌC GIA NỮ, Kinh ƯU BÀ TẮC, Kinh HIỀN NHÂN, Kinh NHÂN VƯƠNG, Kinh THIỆN SINH… Ở đây, trong phạm vi bài luận khoá này, bản thân tôi không đủ kiến giải để khai triển hai vấn đề nầy một cách rộng rãi và chi tiết, chỉ xin được phép trình bày cái sở học nông cạn của mình trong phạm vi Kinh Thiện Sinh theo yêu cầu của đề tài: “Hoàn thiện bản thân và xây dựng hạnh phúc gia đình theo Kinh Thiện Sinh”.

II/ NỘI DUNG:

A. Giới thiệu Kinh Thiện Sinh:

1) Xuất xứ: Kinh Thiện Sinh thuộc hệ A hàm, được Phật thuyết trong khoảng 12 năm đầu, sau khi thành đạo, nằm trong hệ thống kinh điển Phật Giáo nguyên thủy, được trích từ Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch từ Phạn ngữ sang Việt ngữ dưới tiêu đề “Giáo Thọ Thi Ca La Việt”, kinh được chuyển qua hệ Đại Thừa, Hán dịch dưới hai tên: “Phật Thuyết Thiện Sanh Tử” (Phật dạy chàng Thiện sinh) và “Lễ Bái Lục Phương Kinh”.

2) Đại ý: Kinh được mở đầu từ một khung cảnh sôi động lạ mắt: Nhân một buổi sáng, Đức Thế Tôn cùng đại chúng đắp y, mang bát vào thành Vương Xá khất thực. Đức Phật thấy chàng thanh niên Thiện Sanh (Simgalo Vada) tắm gội, y phục sạch sẽ, chỉnh tề tay cầm lá câu xá còn tươi, hướng về phía cửa thành, đến bên bờ sông cung kính chap tay lễ bái 6 phương: đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ theo như lời cha trăn trối trước lúc lâm chung. Đức Phật thấy chàng thanh niên hành lễ trên đường lớn với nghi thức kỳ lạ như thế, bèn hỏi và được chàng trả lời như vậy. Sau đó thể theo lời thưa kính của Thiện Sanh, Đức Phật vì chàng mà dạy cách lễ lạy 6 phương đúng chánh pháp và khéo sống để có một đời sống hạnh phúc, an lạc, thanh cao trong đời hiện tại và mai sau. Bài dạy của Đức Phật gồm các nội dung chính sau:

@ Sống một đời sống thiện sanh: Là khéo thực hành đời sống đúng chanh pháp gồm những yếu tố:
• Xa lìa 4 nghiệp oán kết với chúng sanh: tham, sân, si, khủng bố.
• Không làm 4 điều ác: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ.
• Bỏ 6 tật xấu là nguyên nhân gây hậu quả tài sản khánh kiệt: nghiện rượu, cờ bạc, sống phóng đãng, say mê kỹ nhạc, giao du bạn xấu, lười biếng.
• Không thân cận với 4 hạng bạn bè xấu ác: hạng uý phục, hạng mỹ ngôn, hạng không kính thuận, hạng ác hữu.
• Kết giao với 4 loại nguời tốt: người ngăn mình làm điều quấy, người xót thương, người ích lợi, người đồng sự.

@ Ý nghĩa và cách lễ lạy 6 phương:
– Lễ lạy 6 phương là thực hành 6 pháp Ba-la-mật trong đời sống để đem lại an lạc, hạnh phúc cho chính mình và tha nhân:
• Bố thí là phương Đông.
• Trì giới là phương Nam.
• Nhẫn nhục là phương Tây.
• Tinh tấn là phương Bắc.
• Thiền định là phương Dưới.
• Trí huệ là phương Trên.

– Lễ lạy 6 phương là hoàn thành trách nhiệm và biết cách cư xử với người thân trong gia đình và xã hội để có những tương quan tốt, phát triển hạnh phúc trong đời sống hiện tại và mai sau:
• Thay vì lễ phương Đông là lễ trời Đế Thích thì phải hoàn thành trách nhiệm đối với cha mẹ, con cái.
• Thay vì lễ phương Nam là lễ vua Diêm La thì phải hoàn thành trách nhiệm đối với thầy trò.
• Thay vì lễ phương Tây là lễ trời Bà-la-môn Thiên thì phải hoàn thành trách nhiệm đối với vợ chồng.
• Thay vì lễ phương Bắc là lễ trời Câu-ty-la Thiên thì phải hoàn thành trách nhiệm đối với bạn hữu.
• Thay vì lễ phương Dưới là lễ trời Vu Hỏa Thiên thì phải hoàn thành trách nhiệm đối với chủ và người giúp việc.
• Thay vì lễ phương Trên là lễ trời Vu Phong Thiên thì phải hoàn thành trách nhiệm đối với các bậc trưởng thượng: Sa-môn, Bà-la-môn, chư Tăng Ni xuất gia ly tục.

B. Phương pháp hoàn thiện bản thân:

Đạo Phật đặt nền tảng ở con người, vì con người mà tồn tại. Phật dạy: “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Con người và tác nhân của nó là nguyên nhân gây đau khổ hay hạnh phúc, là con đường dẫn đến luân hồi sanh tử qua 6 trạng thái: tái sanh, địa ngục hay thiên đường, Thánh nhân hay kẻ bần cùng, ngạ quỹ súc sanh hay an lạc niết bàn. Tất cả đều bắt nguồn từ những hành vi của con người trong hiện tại, dẫn đến quả báo vị lai. Bởi vậy công phu hàm dưỡng tự thân để hoàn thiện một nhân cách tương đối khả dĩ xứng đáng làm người và mở đường bước lên thành đạo mai sau là vấn đề trọng yếu trong giáo lý đạo Phật. Bước đầu của người Phật tử tại gia, Phật dạy căn bản là phải hành trì pháp Tam Quy – Ngũ Giới, tức là thực hành các pháp Nhân Thừa trước khi đặt chân lên những bước cao hơn là Thiên Thừa và Thanh Văn, Duyên Giác Thừa.

1) Quan điểm của Nhân Thừa Phật Giáo:
Điều kiện bắt buộc của một người Phật Tử tại gia mở đầu cho một đời sống chân chánh là phải thọ trì Tam Quy – Ngũ Giới. Vậy, Tam Quy – Ngũ Giới là nền tảng đầu tiên để người Phật Tử hoàn thiện bản thân mình.

@ Tam Quy: là 3 nơi nương tựa vững chắc cho nếp sống tâm linh của người Phật Tử. Tam Quy là Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng.
• Quy y Phật: là nương tựa, y cứ vào người đã giác ngộ hoàn toàn bản thể vũ trụ vạn hữu, các phép hữu tình cũng như vô tình, các phép thế gian cũng như xuất thế gian, các phép hữu vi cũng như vô vi.
• Quy y Pháp: là nương tựa, y cứ vào những lời dạy của Đức Phật về phương pháp giác ngộ, các pháp trong vũ trụ đưa đến giải thoát khổ đau và đạt an vui tịch diệt Niết Bàn.
• Quy y Tăng: là nương tựa, y cứ vào một đoàn thể Tăng Già, hoà hợp thanh tịnh, là những người kế thừa hạt giống trí tuệ của chư Phật, đại diện cho chư Phật truyền giảng chánh pháp lại cho mọi người, khiến cho mọi người cùng giác ngộ như chư Phật.

@ Ngũ giới: là 5 nguyên tắc sống, 5 phạm trù đạo đức luân lý mà người Phật Tử phải luôn thực hiện trong nếp sống hàng ngày, vừa để phòng hộ 3 nghiệp thân, miệng, ý không gây tội ác, vừa thiết lập nền tảng cho một đời sống đạo đức thanh cao trong tương quan với tha nhân và môi trường xã hội xung quanh. Năm giới gồm có: không sát sanh, không trộm cắp, khong tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
• Không sát sanh: Không làm tổn thương người xung quanh, không giết hại những sinh vật có mạng sống.
• Không trộm cắp: Không lấy của người về làm của mình, mà phải sống chân thật, thanh bạch.
• Không tà dâm: Không làm những điều có lỗi với chồng, vợ, con cái. Phải sống một nếp sống trong sạch, không phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác.
• Không vọng ngữ: Không nói những lời không thật, nói láo, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi.
• Không uống rượu: Không say sưa rượu chè trác táng làm trí tuệ không còn minh mẫn, làm buồn lòng người thân thích, gây phiền nhiễu đến xóm giềng, khiến mọi người chê cười.

2) Quan điểm của Kinh Thiện Sinh:
Trong bài dạy Thiện Sinh về phương pháp tu dưỡng để hoàn thiện bản thân, Đức Phật đã mở rộng thêm pháp Tam Quy – Ngũ Giới của người Cư Sĩ tại gia và bổ sung thêm phần thân cận giao du. Ta có thể nêu lên những nét căn bản về sự thanh lọc tự thân mà Phật dạy trong Kinh Thiện Sinh:

a) Cần tránh 4 nghiệp oán kết: là 4 hành động gây oán với chúng sanh:
• Sát sanh.
• Trộm cắp.
• Tà dâm.
• Vọng ngữ.

b) Không làm 4 điều gây tội ác: Đạo Phật là đạo nhân quả rõ ràng. Nếu càng tạo nghiệp thì nghiệp báo sẽ theo ta từ đời nầy đến đời sau. Vì vậy, là người con Phật nên tránh làm và tránh xa những việc khiến mọi người phải chịu đau khổ như:
• Tham dục: Lòng tham vô tận bất chấp tất cả mọi thủ đoạn.
• Sân hận: Giận dữ, tức tối gây ra tội lỗi.
• Ngu si: Bị u minh che lấp không nhận ra đâu là chân lý, nhân quả.
• Khủng bố: Làm người khác phải lo sợ, kinh hãi.

c) Không gần 4 hạng xấu: là 4 hạng người nguy hiểm mà chúng ta cần phải kinh sợ và tránh xa:
• Hạng úy phục: là những người vì sợ ta mà làm bạn với ta (chứ không thực tâm thương yêu ta). Phật bảo Thiện Sinh: Hạng úy phục thì thường hay làm 4 việc: 1/Cho trước đoạt sau; 2/Cho ít mong trả nhiều; 3/Vì sợ gượng làm thân; 4/Vì lợi gượng làm thân.
• Hạng mỹ ngôn: là hạng người thường làm 4 việc: 1/Lành dữ đều chiều theo; 2/Gặp hoạn nạn thì xa lánh; 3/Ngăn cản những điều hay; 4/Thấy gặp nguy tìm cách đùn đẩy.
• Hạng không thuận: là hạng người thường làm 4 việc: 1/Việc trước dối trá; 2/Việc sau dối trá; 3/Việc hiện tại dối trá; 4/Thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt.
• Hạng bạn ác: là hạng bạn bè giao du kết thân trong 4 trường hợp: 1/Bạn lúc uống rượu; 2/Bạn lúc đánh bạc; 3/Bạn lúc dâm dật; 4/Bạn lúc ca vũ.

d) Không làm 6 nghề xấu: Đây là 6 thói hư tật xấu trong lối sống của người thế gian, là nguyên nhân làm cho gia tài khánh kiệt; gia đình tan nát; sự nghiệp tiêu vong. 6 thói hư đó là: nghiện rượu, cờ bạc, phóng đãng, say mê kỹ nhạc, lười biếng và giao du bạn xấu.
• Nghiện rượu: Có 6 điều tội lỗi, tai hại: 1/Hao tài; 2/Sanh bệnh; 3/Tranh tụng; 4/Tiếng xấu đồn khắp; 5/Bộc phát nóng giận; 6/Trí tuệ giãm dần. Phật dạy Thiện Sinh: “Này Thiện Sinh! Nếu Trưởng Giả hay con trai Trưởng Giả ấy uống rượu mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.
• Cờ bạc:
Có 6 điều tội lỗi, tai hại: 1/Tài sản ngày càng hao hụt; 2/Thắng thì gây oán; 3/Bị kẻ trí chê; 4/Mọi người không kính mến, tin cậy; 5/Bị xa lánh; 6/Sanh tâm trộm cắp. Phật dạy Thiện Sinh: “Này Thiện Sinh! Nếu Trưởng Giả hay con trai Trưởng Giả ấy đam mê cờ bạc mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.
• Phóng đãng:
Có 6 điều tội lỗi, tai hại: 1/Không tự phòng hộ được thân mình; 2/Không tự phòng hộ được tài sản và hàng hóa; 3/Không phòng hộ được con cháu; 4/Thường hay bị sợ hãi; 5/Bị những điều khốn khổ ràng buộc xác thân; 6/Ưa sinh điều dối trá. Phật dạy Thiện Sinh: “Này Thiện Sinh! Nếu Trưởng Giả hay con trai Trưởng Giả ấy phóng đãng mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.
• Say mê kỹ nhạc:
Có 6 điều tội lỗi, tai hại: 1/Tìm đến chổ ca hát; 2/Tìm đến chổ múa nhảy; 3/Tìm đến chổ đàn địch; 4/Tìm đến chổ tấu linh; 5/Tìm đến chổ có âm thanh vi diệu; 6/Tìm đến chổ đánh trống. Phật dạy Thiện Sinh: “Này Thiện Sinh! Nếu Trưởng Giả hay con trai Trưởng Giả ấy say mê kỹ nhạc mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.
• Lười biếng:
Có 6 điều tội lỗi, tai hại: 1/Khi giàu sang không chịu làm việc; 2/Khi nghèo khó thì giải đải, không chịu siêng năng; 3/Khi lạnh không chịu siêng năng; 4/Khi nóng không chịu siêng năng; 5/Lúc sáng trời không chịu siêng năng; 6/Lúc tối trời không chịu siêng năng. Phật dạy Thiện Sinh: “Này Thiện Sinh! Nếu Trưởng Giả hay con trai Trưởng Giả ấy lười biếng mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.
• Giao du bạn xấu:
Có 6 điều tội lỗi, tai hại: 1/Tìm cách lừa dối; 2/Ưa chổ thầm kín; 3/Dụ dỗ người khác; 4/Mưu đồ chiếm đoạt tài sản người khác; 5/ Xoay tài lợi về mình; 6/Ưa phanh phui lỗi người. Phật dạy Thiện Sinh: “Này Thiện Sinh! Nếu Trưởng Giả hay con trai Trưởng Giả ấy làm bạn với kẻ ác mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.

e) Kết giao thân cận: Theo đức Phật, có 4 hạng người tốt nên thân cận: người ngăn ta làm điều quấy, thường khuyên ta làm điều lợi ích; người giàu lòng từ bi, thương yêu người và vật; người biết giúp đở kẻ khác; người đồng sự với mình. Đó là 4 hạng người thường có các hành động :
• Hạng ngăn quấy: thường làm 4 việc: 1/Đem lại nhiều lợi ích và hay che chở bạn mình; 2/Thấy bạn làm ác thì hay ngăn cản; 3/Chỉ bày điều chánh trực cho bạn; 4/Có lòng thương tưởng bạn, chỉ đường sinh Thiên.
• Hạng thương yêu: thường làm 4 việc: 1/Mừng khi bạn mình được lợi; 2/Lo khi bạn mình gặp hại; 3/Ngợi khen đức tốt của bạn; 4/Khi bạn nói và làm điều ác thì tìm cách ngăn cản.
• Hạng giúp đở: thường làm 4 việc: 1/Che chở cho bạn mình khỏi buông lung; 2/Che chở bạn khỏi hao tài vì buông lung; 3/Che chở bạn khỏi sợ hãi; 4/Khuyên bảo bạn một cách kín đáo ở chổ vắng người.
• Hạng đồng sự: thường làm 4 việc: 1/Không tiếc thân mạng với bạn; 2/Không tiếc của cải với bạn; 3/Cứu giúp bạn khỏi sợ hãi; 4/Khuyên bảo bạn một cách kín đáo ở chổ vắng người.

5 yếu tố trên là những điều Phật dạy Thiện Sinh, nếu muốn hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người Phật Tử chơn chánh, có một đời sống đạo đức thanh cao, có sự phát triển tâm linh thì phải thực hành hằng ngày trong chính cuộc sống tự thân, có nghĩa là mọi người trước hết phải hoàn thiện chính mình rồi sau mới hướng dẫn cho người khác cùng thực hành để đạt được kết quả an lạc như chính mình.

Đây cũng chính là điều mà tổ chức GĐPT đòi hỏi ở chúng ta, những người Huynh Trưởng đang thực hiện sứ mệnh giáo dục đàn em.

C. Xây dựng hạnh phúc gia đình:

1) Hạnh phúc gia đình theo quan niệm thế gian:
Trong khi Phật Giáo đánh giá hạnh phúc là sự an lạc tự tâm thì người thế gian lại quan niệm hạnh phúc gia đình theo những tiêu chuẩn sai lạc, đó là tiền tài và địa vị. Phong dao, tục ngữ Việt Nam có những câu “có tiền mua Tiên cũng được” hay “vai mang túi bạc kè kè, nói hươu nói vượn người nghe rầm rầm” hoặc “chồng sang vợ đặng đi giày…” v…v… Như vậy, mọi biểu lộ của hạnh phúc đều bắt nguồn từ 2 yếu tố: GIÀU (phú) và SANG (quý). Người giàu có thì nắm trong tay chìa khóa của hạnh phúc, người có địa vị là người có hạnh phúc. Trong khi đó trên thực tế thì dù tiền bạc hay địa vị cũng chỉ là những vật ngoại thân, như bẹ chuối; như bóng nước; như hạt sương trên cỏ, có đó rồi mất đó, hợp đó rồi tan đó, không có giá trị trường cửu với thời gian và không gian vì không được xây dựng trên những nền tảng tinh thần căn bản: đạo đức, tình yêu và sự cảm thông. Chúng ta hãy thử phân tích:

@ Giàu (PHÚ): Mọi người thường cho rằng tiền của, danh vọng sẽ mang lại cho ta hạnh phúc. Vì vậy ai cũng lao vào làm giàu như con thiêu thân, quyết làm cho được nhiều tiền, có nhà lầu, xe hơi; thậm chí làm giàu bằng xương máu, trên xương máu người khác; bán rẻ đạo đức, lương tâm của chính mình; vợ chồng không còn biết quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho nhau; con cái thì bỏ bê, tha hồ ăn chơi trác táng… để rồi hạnh phúc gia đình tan nát, đổ vỡ lúc nào không biết. Vì vậy chúng ta phải hiểu rõ rằng, giàu sang phú quý không hẳn đã mang lại cho ta một gia đình hạnh phúc mà hạnh phúc là chúng ta có một tập thể nhỏ một gia đình mà trong đó cha, mẹ, vợ, chồng, con cái biết thương yêu, chăm sóc, lo lắng lẫn nhau.

@ Sang (QUÝ): Một người khi đã có quyền cao chức trọng thì lòng ham muốn (tham vọng) càng trổi dậy. Đảm nhiệm chức vị nầy lại mơ tưởng đến một chức vị cao hơn, ngồi ở ghế nào cũng thấy còn thấp hơn người khác, chỉ cứ lăm le, ngấp nghé để leo lên những chiếc ghế cao hơn, cao hơn nữa… Vì vậy mục tiêu sống của họ là thăng quan tiến chức, để rồi sau đó tha hồ hà lạm công quỹ, tha hồ nhũng nhiễu, hạch sách người dưới quyền và các tầng lớp dân chúng để tham nhũng, hối lộ, sống sung sướng phè phởn trên sự đau khổ, trên mồ hôi, nước mắt của mọi người. Quan niệm hạnh phúc như vậy thật đáng sợ và vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng.

2) Hạnh phúc gia đình theo quan điểm Phật Giáo:

a) Những yếu tố xây dựng hạnh phúc gia đình theo quan điểm Phật Giáo:

@ Thiểu dục – Tri túc: Theo đạo Phật, một gia đình hạnh phúc không hẵn là một gia đình phải phú quý vinh hoa, vì giàu sang chưa chắc đã mang lại cho ta sự sung sướng hoàn toàn. Một gia đình hạnh phúc phải là một gia đình mà mọi thành viên biết thương yêu, thông cảm, vui vẽ, chia sẽ cho nhau mọi niềm vui, nỗi buồn, lúc khó khăn cũng như khi hoan lạc… Về vật chất, tiền tài thì không thể tính đếm biết bao nhiêu cho đủ, cho vừa với lòng ham muốn, cho nên hãy xem tất cả chỉ là phương tiện, phải tự bằng lòng với những gì mình đang có trong hiện tại. Đừng quan niệm sống là để hưởng thụ, cũng đừng “đứng núi nầy trông núi nọ” vì ham muốn càng nhiều thì khi thất bại sự đau khổ vì thất vọng càng lớn. Kết cuộc là chúng ta mãi trôi lăn trong vòng đau khổ và thất vọng không bao giờ dứt được.

@ Diệt trừ Tham – Sân – Si: Sống làm người đừng quá tham lam mà phải biết hạn chế sự ham muốn vật chất; phải biết tự kềm chế, đè nén cơn giận dữ của mình để tránh gây đau lòng cho người khác. Con người thường vì quá si mê nên không nhận ra được đâu là chân lý, không tìm thấy con đường giác ngộ. Cũng vì quá si mê mà tạo ra khổ đau cho mình và cho người để rồi khổ đau cứ chồng chất lên nhau. Vì vậy theo đạo Phật, chúng ta phải từ bỏ mọi tham lam, sân hận, si mê thì tâm ta sẽ an lạc. Hạnh phúc sẽ mãi trong vòng tay của mình, Hạnh phúc sẽ đến với ai biết sống an phận, sống vì mọi người. Phải biết thông cảm chia sẽ mọi ngọt bùi, khó khăn, gian khổ với đồng loại, với mọi chúng sanh. Hạnh phúc sẽ không bao giờ đến với những ai hẹp hòi, ích kỷ và có lòng ham muốn vô tận.

@ Tinh thần hòa hợp: Trong cùng một gia đình, mọi thành viên phải có những ý kiến hay suy nghĩ như nhau, phải nói ra những suy nghĩ của mình để mọi người cùng hiểu. Trước khi đưa ra một quyết định gì thì mọi thành viên trong gia đình cùng tham khảo, bàn bạc thỏa thuận để tránh những việc đáng tiếc xãy ra về sau. Muốn có một tinh thần hòa hợp trong gia đình, cần nhất là mọi người phải sống chân thật, không che giấu, không ngụy trang và không biện minh cho những sai lầm của bản thân mình. Phải lấy lợi ích chung của gia đình làm tiêu chí cho mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm.

@ Sức khoẻ và Kinh tế: Muốn có một nền kinh tế dồi dào, phát triển, trước hết phải quan tâm giữ gìn sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình. Ngạn ngữ Tây phương có câu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Khi có một sức khỏe tốt thì cho dù gặp hoàn cảnh kinh tế gia đình có khó khăn đến đâu chúng ta cũng có thể bình tỉnh và sáng suốt để xoay chuyển, cải thiện tình thế. Trong một gia đình, kinh tế có một vai trò quan trọng và có sự liên quan rất mật thiết giữa kinh tế và sức khỏe. Thiếu sức khỏe hay thường xuyên bệnh tật sẽ không thể làm kinh tế gia đình tăng trưởng, nhưng ngược lại nếu chỉ chú trọng đến làm kinh tế, quần quật làm tôi mọi cho mục tiêu kinh tế đến đổi mệt mỏi rã rời, ốm đau bệnh tật tiều tụy, sức cùng lực kiệt thì tiền của làm ra cũng chỉ phục vụ cho việc điều trị bệnh tật, và quan trọng hơn nữa là đã bệnh tật thì không còn có sức lực, trí tuệ để làm kinh tế nữa. Rốt cuộc, chúng ta cứ rơi vào vòng lẩn quẩn: nghèo khó – ốm đau – trì trệ… Vậy hãy nhớ, sức khỏe và kinh tế gia đình luôn đi đôi với nhau, luôn liên kết nhau, luôn hổ tương nhau.

@ Cần kiệm – Tháo vát: Bản thân người chủ một gia đình (chồng hay vợ) phải biết quản lý tiền bạc, chi tiêu vừa phải hợp lý. Mọi thành viên trong gia đình phải biết trau dồi nghề nghiệp và cần cù trong công việc làm ăn, cùng chung sức, hết lòng làm việc và tiết kiệm đúng mực. Phải chọn cho mình một công việc phù hợp với khả năng, sức khỏe và quan trọng nhất là nghề nghiệp phải chính đáng, lương thiện.

@ Chi tiêu hợp lý: là phải biết sử dụng nguồn thu nhập một cách hiệu quả, chính đáng và phù hợp với khả năng, hoàn cảnh gia đình; không nên keo kiệt, bủn xỉn nhưng cũng đừng phí phạm. Chi tiêu trong gia đình nên chia thành 6 phần xử dụng:
• Cúng dường Tam Bảo.
• Phụng dưỡng cha mẹ khi mạnh khỏe và lúc ốm đau.
• Chi tiêu hằng tháng có chừng mực.
• Tích lũy nguồn vốn tái sản xuất hoặc tái kinh doanh.
• Tiết kiệm để phòng khi sự biến bất ngờ cần đến.
• Phòng bị tiền bạc dành khi bệnh hoạn, ốm đau hay khi tiếp đón bà con, khách khứa.

@ Bảo hộ tài sản: Bảo hộ tài sản không có nghĩa là tham đắm, cố thủ vào tiền của vật chất mà là thực hiện một sinh hoạt gia đình được nuôi sống bằng những thu nhập trong sạch; không làm các việc phi pháp (giáo pháp và luật pháp) tổn hại đến sinh mạng và tài lợi người khác; tự mình bằng lòng với những thành quả do lao lực bằng trí óc hay chân tay mà có; gìn giữ thành quả đó để nuôi sống thân mạng và kiến lập hạnh phúc gia đình một cách chơn chánh.

@ Làm bạn với người hiền thiện: Người hiền thiện là người sống thật với lòng mình, người ngay thẳng, không lừa dối, không lợi dụng kẻ khác; sẳn lòng giúp đở tha nhân khi gặp cơn cơ nhở, hoạn nạn… Gần người hiền thiện giúp ta học hỏi được điều hay lẽ phải, tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm quý trong sinh hoạt thường nhật, trong ứng xử, trong tu tập.

@ Tâm hồn thư thái, an lạc: Hạnh phúc gia đình quan trọng nhất là tinh thần. Cho dù ta có sống trên nhung gấm lụa là mà tinh thần không thư thái thì cũng không thể hạnh phúc. Muốn có được sự lạc quan, yêu đời, có tâm hồn thư thái cần phải thực hành 4 pháp: Tín, Thí, Giới, Tuệ.

– TÍN: làm người sống trên đời thì phải có “đức tin” mà trước hết là phải tin vào chính bản thân: tin vào năng lực mình sẽ làm được tất cả; tin rằng hạnh phúc là do mình tạo dựng. Nếu sống mà không có niềm tin thì đời nầy, kiếp nầy không làm được điều gì lợi ích cho mình, cho người để rồi mãi mãi sống trong đau khổ, dằn vặt và tuyệt vọng. Thứ nữa, là đệ tử Phật nên ta phải tin vào Tam Bảo, tin vào Đạo. Vì ý thức được đạo Phật là đạo luân hồi, nhân quả nên ta sống làm sao phải tạo được nhân thiện kiếp nầy để có quả thiện kiếp sau. Cũng phải tin rằng làm điều lành trong kiếp nầy tức là ta sẽ chuyển hóa được nghiệp ác trong kiếp trước. Có như vậy ta sẽ không bi quan vì cuộc sống hiện tại nầy chỉ toàn khổ đau và lo sợ kiếp sống tương lai gặp toàn quả báo xấu ác. Tuy nhiên, đạo Phật cũng là đạo của trí huệ nên khi tạo dựng niềm tin chúng ta phải vận dụng lý trí suy xét chứ không tin một cách mù quáng. Hãy nhớ lời đức Bổn Sư đã dạy: “Tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta vậy”.

– GIỚI: Đã là một Phật Tử tại gia, là con của Phật, trước hết phải giữ cho được 5 giới. Thực hành 5 giới thì hạnh phúc sẽ đến với mình. Nếu chúng ta đừng giết hại chúng sanh thì sẽ không ai sát hại ta. Nếu ta không trộm cắp của người thì nhân quả là sẽ không ai trộm cắp của ta. Nếu ai cũng nói lời chân thật, không dối trá, không thêu dệt, không xúc xiểm thì có ai còn phiền hà, hờn trách, khinh bỉ, giận hờn… Nếu mọi người ai cũng giữ giới tà dâm thì sẽ không có cảnh gia đình tan tác vì những mối quan hệ không lành mạnh, vợ bỏ chồng; chồng bỏ vợ; con mất cha, mẹ; cha mẹ xa lìa con cái… Nếu không ai say sưa, nghiện ngập thì xã hội bớt đi biết bao khổ đau do hậu quả của bia rượu, ma túy, cần sa… và gia đình không có cảnh phiền muộn, âu lo; cha mẹ u buồn; vợ chồng giận dỗi; hàng xóm chê cười…

– THÍ: Đã là người Phật Tử thì phải có lòng từ bi. Mà thực hiện lòng từ bi thì không gì bằng hạnh bố thí. Chính nhờ sự bố thí mà chúng ta sẽ cảm hóa được bản thân, gia đình và xã hội. Hãy biết chia xẽ vật chất và sự an vui cho người khác. Bố thí không những gieo rắc an vui cho tha nhân mà chính nó là niềm hạnh phúc, là cơ hội cải hóa ác nghiệp của chính bản thân mình. Mỗi một lần giúp đở được một người, một cộng đồng qua cơn khó khăn, hoạn nạn, ta sẽ thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc, tâm tư thanh thản, nhẹ nhàng… Không chỉ bố thí vật chất, là Phật Tử chúng ta còn phải biết tùy theo tri kiến của mình mà dùng giáo pháp Phật Đà bố thí cho chúng sanh, khiến người nghe được lời chơn chánh sanh tâm hoan hỷ, thực hành theo Phật Pháp mà thoát khổ được vui hay chí ít cũng bớt đi nỗi âu lo, sợ sệt mà lạc quan vui sống.

– TUỆ: Chỉ một khi dục vọng vơi đi, sân hận lắng chìm và bức màn vô minh được vén đi thì tâm chúng ta mới thật sự an lạc, hạnh phuc. Chỉ có trí tuệ mới làm tiêu trừ được vô minh, sân hận và dục vọng. Chỉ có ánh sáng trí tuệ phát chiếu mới đẩy lùi bóng đen tam độc Tham – Sân – Si. Theo Phật Giáo, người có trí tuệ không hẳn là một “con mọt sách” ngay đêm gối đầu trên chử nghĩa; một “thư sinh” mãi mê liên tục mài đũng quần trên ghế nhà trường hết năm nầy sang năm khác; một “bác học” muôn đời giam mình trong 4 bức tường của các phòng thí nghiệm. Người có trí tuệ trong đạo Phật la người hiểu được chánh lý, hiểu được vạn pháp là duyên sanh, vô ngã, biến dịch vô thường. Vì vậy, muốn có trí tuệ chúng ta phải luôn luôn tìm hiểu, học hỏi giáo lý chân thật, đưa giáo lý vào cuộc sống đời thường.

b) Vai trò của người vợ trong gia đình.
Là luận văn kết khóa của một nữ Huynh Trưởng và với các câu hỏi của đề tài nầy, nên tôi xin được phép chỉ đề cập đến phạm trù người vợ trong gia đình mà không phân tích thêm những trách nhiệm khác của người chồng.
Vai trò của người vợ trong gia đình có một tầm quan trọng rất lớn.

Chúng ta phải biết rằng ngoài trách nhiệm của một người vợ biết chăm lo cho chồng thì chúng ta còn mang nặng vai trò một người mẹ chăm lo cho các con mình. Thế nhưng muốn hoàn thành 2 thiên chức cao quý trên, bạn còn phải nên có lúc, có khi đặt mình vào những vị trí của một người chị biết hy sinh, nhường nhịn; một người em gái biết tuân phục,vâng lời; một người bạn để chia xẻ tâm sự vui buồn; thậm chí có khi là một người giúp việc đãm đang chu toàn mọi việc…

Một vấn đề tuy đơn giản nhưng người vợ cần phải quan tâm vì người Phật Tử chúng ta thường không xem trọng việc nầy, đó là việc tự chăm sóc bản thân, làm đẹp cho bản thân để người chồng không cảm thấy xấu hổ với mọi người, mà theo tôi cái đẹp của người phụ nữ, người vợ không phải từ phấn son loè loẹt, châu ngọc vòng vàng, quần nhung áo gấm… mà cái đẹp của người phụ nữ, người vợ là phải có một tình thương bao dung; có đầy đủ đức hạnh; có đức hy sinh kham nhẫn; biết tôn trọng các bậc trưởng thượng; biết thương yêu chồng con như thương yêu chính bản thân mình… Vì vậy, đối với chồng, với con, người vợ như ly nước mát, như chiếc khăn lạnh thấm giọt mồ hôi khi nóng nảy, là chiếc chăn sưởi ấm lúc lạnh lùng, là bát cơm nóng, tô canh ngọt ngon lành trong lúc đói lòng… Vì vậy, trong cung cách cư xử của người Cư Sĩ, đức Phật rất chú trọng và đề cao vai trò của người vợ trong gia đình. Tất cả những yếu tố thành công hay thất bại của người chồng nói riêng và của gia đình nói chung phần lớn đều bắt nguồn từ cách sống của người vợ.

Không phải đến thời đại bây giờ chúng ta mới chứng minh được sự nghiệp của người chồng dựng nên do sự góp phần rất quan trọng của người vợ, mà thời Phật tại thế Ngài đã xác nhận điều đó. Một lần có người khen đức hạnh nàng Da-du-đà-la khi Phật tu khổ hạnh, Ngài đã nói: “Không phải từ bây giờ mà đã từ vô lượng kiếp, nàng Da-du-đà-la luôn là người bạn đạo, là người đã giúp đỡ ta, khuyến tấn ta rất nhiều trong suốt quá trình ta tu Bồ Tát đạo”. Đọc những truyện tiền thân như truyện “Thái tử Tu-đại-noa”, truyện “Cặp mắt Thái tử Câu-na-la” chúng ta dễ dàng nhận ra lời khen ngợi này của Đức Phật dành cho Da-du-đà-la. Một lần dạy Visakha Ngài nhắc nhở như lời mẹ dạy con gái trước khi về nhà chồng: “Hãy tôn thờ cha mẹ chồng như những vị Trời trong nhà; hãy thận trọng cư xử với cha mẹ chồng như khi gần lửa; không được đem lửa nhà mình sang nhà khác”. Đoạn kinh này khuyên người vợ phải có bổn phận thờ kính cha mẹ chồng và không được đem chuyện nhà chồng ngồi lê đôi mách kể cho người khác nghe… Một lần khác, trong lần giảng cho nàng Sujalla (nàng Thiện Sinh) người dâu trưởng của ông Cấp-cô-độc, Ngài đã nói người vợ đối với chồng đôi lúc như là người mẹ, người chị, người bạn, người em gái và cũng là một người hầu. Có như vậy người vợ mới hoàn thành bổn phận giúp đỡ chồng trong việc hoàn thành sự nghiệp. Ngài phân tích 7 hạng vợ qua đoạn kệ sau:

Người thiếu nhân từ, tâm xấu xa.
Chồng mình ghét bỏ, yêu người ta.
Phá nát gia tài chồng kiếm được.
Nhận lấy danh xưng vợ phá nhà.
Những gì chồng có nhờ kinh doanh.
Hoặc bằng nghề nông hoặc nghề lanh.
Cô ta cố trộm cắp một ít.
Người vợ trộm cắp thật xứng danh.
Lơ là bổn phận, đầy dục vọng.
Phẫn nộ, ác ngôn, thích sống nhàn.
Bạo ngược đối với hàng tôi tớ.
Danh xưng kiêu ngạo người này mang.
Người nhiều thương cảm, lắm lòng nhân.
Chăm chồng bằng tình của mẫu thân.
Giữ gìn gia sản chồng kiếm được.
Người vợ từ mẫu được xưng danh.
Người kính trọng chồng bằng tình nhân.
Như cô em gái kinh người anh.
Nhún nhường vâng theo ý chồng muốn.
Người vợ em gái được xưng danh.
Người luôn mừng vui khi gặp chồng.
Như gặp bạn cũ bấy lâu trông.
Đức hạnh, nghiêm từ và dâng hiến.
Người vợ bạn hữu được tặng phong.
Lẳng lặng, cãi tranh sợ bạo hành.
Kiên trì nhẫn nhịn không dục sân.
Chiều chồng giữ tâm luôn trong sạch.
Người vợ nàng hầu được xưng danh.

3) Hạnh phúc gia đình theo quan điểm Kinh Thiện Sinh:

a) Tương quan cha mẹ, con cái: Với cha mẹ chồng cũng phải thương yêu, phụng dưỡng như cha mẹ ruột của mình; với con cái phải làm tròn bổn phận của người cha, người mẹ, thương yêu đùm bọc, che chở, dạy dỗ con nên người.

@ Đối với cha mẹ, người con có 5 điều phải gìn giữ, thực hiện:
• Con cái phải hết lòng hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ. Khi tuổi già sức yếu đừng để cha mẹ phải sống trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc.
• Gánh vác những công việc nhọc nhằn giúp cha mẹ; đảm đương mọi công việc cho cha mẹ khi về già.
• Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình; nhớ ơn công sanh dưỡng, mong lo đền đáp cho kịp trong lúc sinh thời.
• Chăm lo cho cha mẹ khi ốm đau; lo liệu tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời, không được phân biệt là cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ.
• Hướng dẫn cha mẹ tu tập, noi theo đường chánh kiến.

@ Với con cái, cha mẹ cũng có 5 điều dạy bảo con:
• Khuyên răn, ngăn chặn con làm điều ác; tránh xa bạn xấu; tránh làm những điều phi pháp.
• Dạy con làm những việc thiện; cho con ăn học đến nơi đến chốn; tạo dựng cho con có một nghề nghiệp thích hợp.
• Thương yêu che chở cho con trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chăm sóc, nuôi dạy và lo lắng cho con nên người hửu dụng.
• Khi con cái khôn lớn trưởng thành, phải lo dựng vợ, gả chồng cho con, chọn cho con nơi thích hợp để lập thành gia thất.
• Đem tiền của thừa tự cung cấp cho con cái đúng thời, đúng lúc.

Với con cái, lúc nào cũng thương yêu, lo cho con từng miếng cơm, manh áo từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến khi khôn lớn trưởng thành. “Con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Nói đến nói đến tình yêu thương con vô bờ bến của mẹ thì bút viết nào tả xiết?

Cũng vậy, chúng ta là những ngừơi con thì phải biết thương yêu, phụng dưỡng cha mẹ, nhất là lúc tuổi già bóng xế, khi đau ốm bệnh tật. Là một Phật tử, chúng ta phải noi theo hạnh nguyện của mười phương các Đức Phật vì đây là tiêu chí căn bản của luân thường đạo lý, là nền tảng cốt lõi và cũng là tinh hoa của mọi nền văn hoá nhân loại.

b) Tương quan vợ chồng:

@ Người chồng đối với vợ có 5 điều cần gìn giữ:
• Phải kính trọng, biết chiều thuận vợ, theo lời khuyên hợp lý, không nên có thái độ xem thường vợ.
• Để ý chăm sóc vợ trong việc ăn mặc.
• Tuỳ thuận sắm sửa đồ tư trang cho vợ.
• Tín cẩn giao phó quyền hành, nhà cửa, đồ đạc cho vợ.
• Chung tình với vợ, không được ngoại tình làm tổn thuơng vợ.

@ Ngược lại, người vợ đối với chồng cũng có 5 điều cần giữ:
• Chồng đi làm về phải niềm nở đón chào.
• Làm tròn bổn phận người vợ, phải dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp gọn gàng, lo sẵn cơm nước đợi chồng về cùng ăn.
• Khéo léo giữ gìn tài sản của chồng làm ra, không được cất giấu riêng tư hay ăn xài hoang phí.
• Sáng phải dậy trước chồng, đêm đợi chồng đi ngủ, kiểm soát đồ đạc, nhà cửa rồi mới đi ngủ.
• Trung thành với chồng, không được ngoại tình, ăn nói phải nhỏ nhẹ, lúc chồng gặp khó khăn, trở ngại phải cùng nhau chia sẻ tháo gỡ, lúc chồng giận phải nhẹ nhàng giải thích, không nên to tiếng.

Đã là vợ chồng phải đồng cam cộng khổ với nhau, cùng nhau chia sẻ cay đắng, ngọt bùi, cùng nhau chung sức xây dựng mái ấm gia đình. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Một khi vợ chồng hoà thuận thì dù khó khăn, chúng ta cũng sẽ dễ dàng vượt qua tất cả, sẽ nghe vang vang tiếng nói, tiếng cuời trong căn nhà nhỏ bé mà tràn đầy hạnh phúc, và nhất định thành công sẽ tìm đến trong cuộc sống gia đình.

(Còn tiếp)

1234 lượt xem