Đại Lượng
Tuổi trẻ các em đối với vấn đề học Phật đã đưa ra nhiều ý kiến thắc mắc, điều này rất tốt vì học thì phải hỏi cho vỡ lẽ ra cũng như trong Luận Bảo Vương Tam Muội có câu: “Nếu không có khúc mắc thì sự học không thấu triệt”. Tuy nhiên, cái hiểu biết của chúng ta thường bị hạn hẹp trong nếp quen, phong tục, tri thức mà mỗi người được thấm nhuần, un đúc từ nhỏ đến lớn mỗi cách khác nhau nên sự suy tư, ứng phó, hành xử thường có khác nhau. Nhờ tu học, nhờ thấm nhuần Phật Pháp trong quán niệm chúng ta sẽ lý giải mỗi vấn đề theo cách của một Phật tử chân chánh, đó chẳng phải là điều các em đều mong muốn sao!
Ví như có một đoàn người trên con tàu lênh đênh giữa đại dương lâu ngày không còn nước ngọt để uống bổng gặp một chiếc thuyền khác cứu giúp, tiếp tế cho những bình nước ngọt. Người chủ thuyền buôn hỏi người bị nạn nước ở đại dương nhiều hay nước trong bình nhiều? Người bị nạn khẳng khái trả lời nước trong bình nhiều. Câu trả lời trong hoàn cảnh này thật đúng theo tâm trạng và rất thật lòng mặc dù về ngôn ngữ nó có vẻ trái ngược, làm sao mà nước chứa trong cái bình nho nhỏ mà lại nhiều hơn nước ở đại dương được!
Đức Phật Thích Ca đưa một nắm lá trong tay hỏi A Nan lá trong tay Thế tôn nhiều hay lá trong rừng nhiều hơn, Ngài A Nan trả lời lá trong rừng nhiều hơn. Đức Phật đáp rằng đúng vậy, tri kiến của Như Lai nhiều như lá trong rừng, còn sự hiểu biết của chúng sinh ví như lá trong tay thôi – Đây là một ảnh dụ cho thấy cái biết của chúng ta chỉ hữu hạn còn cái ta không biết thật vô cùng.
Như câu chuyện về Thiền Sư Triệu Châu, có một vị Tăng đến thăm nói nghe tiếng Cầu đá Triệu Châu đã lâu, đến nơi chỉ thấy cầu khỉ. Triệu Châu bảo: Ông chỉ thấy cầu khỉ, nên chẳng thấy cầu đá. Tăng hỏi: Thế nào là cầu đá? Triệu Châu đáp: Độ lừa độ ngựa.
Nếu chỉ là cầu khỉ thì làm sao lừa và ngựa qua được, nhìn thấy cầu đá mà nói là cầu khỉ có phải trong lòng vị tăng này nhỏ hẹp không?
Khái niệm về nhỏ-to, rộng-hẹp cũng thuộc về đại lượng của tâm. Căn nhà nhỏ của cư sĩ Duy Ma Cật có thể chứa 84.000 tòa sư tử cao ngàn trượng là đại lượng của Bồ tát, tâm phải dung chứa được tức ngôi nhà sẽ chứa được. Như xưa kia cha mẹ có 10 người con sống thuận hòa trong 1 ngôi nhà nhỏ ban ngày đi học đi làm tối về ngủ nằm xếp lớp mỗi người được 4, 5 tấc bề rộng mà vẫn không thấy chật, sau này cha mẹ mất rồi những người con cũng di chuyển bớt vì lập gia đình, đi làm ăn xa. Còn có 2 người con lập gia đình ở lại ngôi nhà đó nhưng tối ngày đụng mặt cứ so đo hơn thiệt ganh ghét nhau, ngôi nhà bây giờ tuy ít người hơn nhưng rõ ràng chật chội hơn xưa rất nhiều. Ai chia ngăn làm ngôi nhà chật chội! Không, ngôi nhà vẫn vậy nhưng tâm con người bị ràng rịt nhỏ hẹp nên không dung chứa nổi nhau. Ngày xưa lúc ngôi chùa chưa xây dựng dư sức chứa vài trăm đoàn sinh Gia Đình Phật Tử sinh hoạt đến nay chùa được xây dựng khang trang sạch đẹp thì nhiều vị lo sợ đủ thứ: Sợ mấy em nhỏ làm dơ sàn gạch mất công lau chùi; sợ đoàn sinh đông quá làm chật sân chùa, mất nhiều chỗ giữ xe trong các ngày lễ lớn, sợ mấy bé Oanh Vũ nô giỡn ồn ào làm mất trang nghiêm nhất là trong mùa An Cư Kiết Hạ…. Thế là từ đó các huynh trưởng phải dẫn các bé ra công viên nhưng công viên rơi vãi đầy kim tiêm ma túy, qua đình thần thì hay gặp cúng tế xôi gà, heo quay, vào trường học thì trường dạy học cả ngày lẫn đêm luôn cả chủ nhật…. Ngôi chùa của chúng ta bây giờ lại không chứa nổi các em thơ.
May thay, trong thời mạt Pháp nhưng vẫn có những ngôi chùa tuy nhỏ nhưng tâm lượng chứa bao nhiêu cũng được, nhà cầm quyền có chất vấn thì các thầy điềm nhiên trả lời chùa mở rộng cửa cho Phật Tử đến, Phật tử đến để tu học đạo đức lễ nghĩa – Nếu không cho Phật tử đến thì lập chùa làm gì!
Cổ đức có câu: “Quân tử tánh như thủy” quân tử tánh như nước, ở bầu thì tròn – ở ống thì dài – vào sông lạch thì chịu nhỏ hẹp – ra biển cả thì rộng mênh mông nên khi tâm mình rộng mở thì không đâu là nhỏ hẹp; tâm mình bao dung thì không vương lầm lỗi của người – hằng thuận tu tập ở mọi hoàn cảnh theo hạnh Phổ Hiền hạnh nguyện thì Pháp Luân mới thường chuyển, chư Phật lại trụ thế, chánh Pháp mới trường tồn.
Đức Quảng
677 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…