Anh chỉ là một huynh trưởng cấp Tấn, muộn màng bước chân vào tổ chức khi tuổi đời đã qua tuổi hai mươi. Nhưng kể từ ngày ấy, cho đến khi từ bỏ cõi đời anh vẫn luôn kiên trì tu học, bảo vệ Đạo Pháp, xây dựng và duy trì tổ chức. Dưới sự chăm sóc, un đúc của anh, từng thế hệ đàn em lớn lên và trưởng thành trở nên những con người con Phật sống với tinh thần vô ngã vị tha, hữu ích cho cuộc đời.
Bởi GĐPT là nơi qui tụ của tuổi trẻ, của quần chúng dưới mái chùa, nên với cái nhìn vong nô đầy tham vọng của các thể chế cầm quyền, thì mái chùa và tinh thần nhập thế của đạo Phật lại là một trở lực. Đó cũng là lý do anh phải rời bỏ quê cha đất tổ vùng núi Ấn sông Trà. Hai bàn tay trắng định cư nơi vùng đất hoang vu mà ngày nay người ta gọi là Kinh Tế mới, bám đất, bám ruộng để mưu sinh. Và cũng tại nơi này, người nông dân cần cù, lại vận động xây chùa, đắp tượng, hình thành các đơn vị GĐPT để màu áo Lam hòa nhịp nơi ruộng đồng thôn dã.
Người Huynh trưởng Áo lam chân lấm tay bùn ấy đã phải đối diện với bao khó khăn và đã chấp nhận cuộc sống trong lao tù để bảo tồn Đạo pháp và duy trì nguồn sinh lực của GĐPT.
Cuộc đời anh là thế! và giờ đây Anh đã mất. Tôi, một thế hệ huynh trưởng đàn em trở về thắp cho anh một nén nhang, lưu lại hình ảnh ngày tang lễ trong khoảng thời gian 420 phút ghi trên 3 đĩa DVD để tưởng nhớ đến anh:
Huynh trưởng cấp Tấn Bổn Đồng Phạm Lợi. Một người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho Lý tưởng GĐPTVN.
Và cũng để cho chúng tôi nhắc nhở với nhau rằng Lý tưởng là một con đường mà một đời người đi không hết. Mỗi một thế hệ huynh trưởng chỉ đi trên một đoạn đường lý tưởng của mình, và thế hệ sau sẽ nối tiếp…
PHẦN 1
Đời người ta có hai lần khóc: Một lần ta khóc cho đời và một lần đời khóc cho ta. Cái việc ta khóc cho đời thì ta đã khóc từ lâu, khi mới lọt lòng mẹ. Còn đời khóc cho ta còn tùy thuộc ta cống hiến gì cho cuộc đời.
Có những cuộc sống bên cạnh ta mà ta không hề hay biết. Trái lại có những cái chết khiến cho ta luôn nhắc nhở thương tiếc.
Ý tưởng đó, đặt ta vào câu hỏi:
Anh sống cho ai? Và sống vì cái gì?
Câu hỏi thật đơn giản, nhưng câu trả lời lại dựa trên nhân sinh quan và vũ trụ quan khác nhau mà lý tưởng đã trở thành mục đích cuối cùng của một đời người.
Anh đã chọn cho mình một mục đích sống, đó là lý tưởng Áo Lam, mục đích của tổ chức GĐPTVN.
Và anh đã sống. Sống trọn vẹn một đời Áo Lam
Cuộc đời anh, được chính anh ghi lại trong sách tịch, mà tôi đọc được khi về viếng tang anh. Anh viết đơn giản quá, đơn giản đến nỗi người bạn cùng chí hướng đã sống và làm việc với anh từ khi anh về định cư, từ đầu năm 60 của thế kỷ trước nơi vùng Tân sinh Bình Tuy này, được Ban Tang Lễ – cũng như Ban Hướng Dẫn GĐPT Bình Thuận trao nhiệm vụ chấp bút ghi lại dòng tiểu sử, đã phải khó khăn biết dường nào để nói lên những gì anh đã đóng góp cho cuộc đời.
Sách tịch của người Huynh Trưởng Cấp Tấn, hiện hữu trong cuộc đời 78 năm. Trong phần tu học và huấn luyện, anh đã không ghi lại bất cứ dòng chữ nào về các trại mà anh đã kinh qua, hay trong các bậc tu học của huynh trưởng. Anh chỉ đơn giản ghi lại những đơn vị Gia đình do chính anh thành lập từ khi anh biết đến tổ chức và sinh hoạt trong GĐPT. Con số đó tôi đếm được chỉ là 10 đơn vị, nhưng theo những người cùng tham gia ghi nhận tiểu sử cuộc đời anh, thì con số ấy đã vượt trên con số hai mươi.
54 năm sinh hoạt và phụng sự cho GĐPT, anh đã là tác nhân để hình thành nên trên hai mươi đơn vị Gia đình, đào tạo nên hàng ngàn đoàn sinh và Huynh trưởng GĐPT, đã đủ nói lên năng lực của một người lãnh đạo.
Người Huynh trưởng ấy, đã âm thầm làm việc cống hiến cho cuộc đời không màng danh lợi. Chân lấm tay bùn, bám đất, bám ruộng để mưu sinh, để duy trì mạch sống cho GĐPT dẫu cho thời cuộc đổi thay.
Vùng đất này có anh, và những người cộng sự cùng tâm huyết đã gìn giữ sắc áo lam liên tục, chỉ ngưng nghỉ môt vài tháng trước chiến sự tràn lan làm thay đổi cả một hệ thống chính trị xã hội. Đất nước thống nhất, người ta với tinh thần duy ý chí của chủ nghĩa duy vật đã không chất nhận bất kỳ một đoàn thể giáo dục nào ngoài các tổ chức của nhà nước, và tôn giáo được xem là những liều thuốc phiện ru ngủ quần chúng, thì sự tồn tại của màu cờ sắc áo nơi vùng đất hoang vu này chừng như là không tưởng,
Mái chùa bị chiếm dụng, sinh hoạt GĐPT gặp bao khó khăn trước sự đổi thay của cuộc đời và lòng người.
Trong bối cảnh lịch sử đó. Có một lần trong cuộc đời, người Huynh trưởng Bổn Đồng – Phạm Lợi, vì gánh vác trách nhiệm trước sự sống còn của đạo pháp và tổ chức, anh đã không vì danh, vì lợi, đã tham gia vào Ban đại diện của một Giáo Hội mới được nhà nước hình thành tại huyện nhà. Với chức danh Thư Ký, anh đã tác động để lấy lại những ngôi chùa đã bị chiếm dụng, tác động đến việc an trú cho hàng ngũ Tăng Ni trong việc phụng thờ Tam Bảo trước chính sách quản lý hộ khẩu khắc khe của nhà nước, và Anh là nơi cho đàn em nương tựa, sinh hoạt theo truyền thống GĐPTVN, từ bao lâu được xác lập qua các kỳ Đại hội đã hình thành nên Nội Quy, Quy Chế Huynh trưởng. Để rồi trước áp lực của chính quyền và Giáo Hội Tỉnh, anh rời khỏi chức danh này, trở về với lòng thanh thản, với tên gọi mà họ gán cho: “TẬP ĐOÀN PHẠM LỢI”.
Anh đã sống, sống cả một đời cho lý tưởng Áo Lam.
PHẦN 3
Khi mầm xanh đủ sức trồi lên, theo thời gian nó hiện hữu là một thân cây to lớn, lúc này người ta chiêm ngưỡng nó vì thân to chắc khỏe, hoa trái đầy cành. Người ta biết đến nó vì nó điểm tô vẻ đẹp và mang lại lợi ích cho cuộc đời, chứ mấy ai nghĩ đến sự sống này lại bắt đầu từ cái rễ cây, âm thầm, lặng lẽ trong lòng đất, chắt chiu dưỡng chất, nuôi sống vẻ đẹp này
Anh là thế! Người nông dân ít nói, ngôn ngữ chân quê một mạc, gương mặt khắc khổ sạm đen vì giãi dầu mưa nắng, nhưng đôi mắt to, nhìn cuộc đời qua cái nhìn đầy huệ trí và nụ cười thật tươi khi nhìn thấy sự trưởng thành của các thế hệ đàn em. Đôi chân bám chắc nơi ruộng đồng, chống chọi với bão giông để bảo vệ mạng mạch đạo pháp và mạch sống của GĐPTVN. Bao lần sống trong lao tù và biết bao lần phải chấp hành các lệnh triệu tập, đối diện với sự tra vấn của thế quyền mà tâm vẫn không giao động để Phật sự được hanh thông.
Anh là thế! Người huynh trưởng GĐPTVN. Không màng danh lợi, ngay cả cái chức danh trong tổ chức mà anh đảm nhận chịu trách nhiệm. Anh chỉ là người huynh trưởng âm thầm lặng lẽ với niềm tin sắt son nơi đạo pháp và tổ chức, những ngày tháng cuối cùng, dù thân bệnh anh vẫn không rời bỏ những người đồng sự. Anh đã đến với Đại hội GĐPT bình thuận để nói lên lời động viên sách tấn: “Nhiều năm qua, anh em ta luôn sát cánh bên nhau vừa lo cho GĐPT, vừa lo cho đạo pháp. Mặc dù, bị cản trở nhiều lần, nhưng Đại hội vẫn thực hiện được và các anh còn chuẩn bị tổ chức liên trại Huyền Trang. Tôi có chết cũng mãn nguyện. Các anh chị lo cho đàn em và lo cho đạo. Hãy xứng đáng làm người đi trước. Chúc anh chị em chân cứng đá mềm, vững bước tin vào đạo, vào sự nghiệp tổ chức của chúng ta nhất định thành công.”.
Đó cũng là di ngôn cuối cùng của một người mà cả một cuộc đời hiến dâng cho GĐPTVN.
562 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…