Mùa trăng Trung Thu đang trở về cùng thiếu nhi Việt Nam với niềm hân hoan được vui đùa, múa ca thỏa thích dưới ánh trăng tròn với chú Cuội, chị Hằng; với cổ trông trăng; với ông Lân, ông Địa; với tiếng trống thì thùng; với lồng đèn xanh đỏ tím vàng lung linh muôn hồng ngàn tía, đủ màu, đủ kiểu (trước đây còn có tiếng pháo đì đùng vui tai nhưng giờ đã mất hẳn).

Trung Thu thì chỉ có một đêm, nhưng sự háo hức của các em – mà không chỉ các em, của cả các bậc phụ huynh các em nữa chứ – thì có từ rất sớm, bắt đầu trước đêm trăng tròn hằng nữa tháng và dư âm cố kéo dài thêm sau đêm đó cũng bằng ngần ấy. Ngày hội 1 đêm của các em sở dĩ bắt đầu sớm, kết thúc muộn không phải vì bánh dẻo, bánh nướng, mứt gừng, mứt bí, hay múa lân, múa rồng mà chính là nhờ những chiếc lồng đèn Trung Thu xinh xắn, đáng yêu nhiều sắc màu sặc sở…

Những ngày xa xưa củ, cứ vào khoảng thượng tuần tháng tám âm lịch, phụ huynh chúng ta có một thói quen là làm lồng đèn Trung Thu cho con, cho em, cho cháu mình có món quà riêng tung tăng trong xóm làng, khóm phố rước đèn, ca hát lừng vang với chúng bạn cùng trang lứa.

Tất nhiên chúng ta phải sắp xếp công việc để có thời gian rảnh rỗi; tìm chọn vật liệu; nghĩ ra một kiểu cách lồng đèn mới lạ nào đó, hoặc không "có hoa tay" thì cứ chế tác theo những lồng đèn kiểu cổ-lổ-sỉ nhất là lồng đèn "bánh ú" và lồng đèn "ông sao" rồi trang trí theo sáng kiến. Về sau này, không biết ai nghĩ ta "mẫu" lồng đèn làm bằng 2 loong sửa bò đã dùng hết, kết cấu với một cái que dài làm cán để đẩy, khi thắp đèn vào cái loong phía trên, đẩy chạy tới thì đèn bên trong quay theo cái loong khá vui mắt… Đây là kiểu lồng đèn "tự động" đầu tiên, rẽ tiền, ít công phu mà phụ huynh nào cũng làm được(1). Lúc bấy giờ, cho dù gia đình có khá giả, ít ai chịu để đến khi ngoài "chợ" bắt đầu bán lồng đèn rồi chỉ việc bỏ tiền ra mua.

Thời bấy giờ, có người thương con, thương em, biết lo xa và tiết kiệm, còn gom góp những mẫu sáp (đèn cầy, nến) vụn từ những cây đèn thắp cúng, thường là trong những dịp cúng kiến trong nhà, đã chảy ra và đông lại, để dành đến dịp này sẽ ra tay "chế tạo" ra một kiểu khuôn ống tròn tròn, nho nhỏ rồi lấy sợi tim (bấc) hộp quẹt – loại quẹt dùng tim bông gòn với đá lửa và dầu hỏa thời ấy – cột ngang một cái que thả vào "khuôn", kế đó đổ sáp vụn đã được "luyện" lại bằng cách nấu chảy trong một cái loong nhỏ. Sau mấy phút để nguội, thế là có một cây đèn sáp mới toanh ra lò! Càng nhiều sáp vụn – và làm nhiều khuôn cho nhanh – thì bọn trẻ lại càng có nhiều đèn để thắp sáng trong những ngày Trung Thu với chúng bạn. Tuy vậy, hoặc do không chú ý "lưu kho" sáp củ, khi cần thì không có "nguyên, vật liệu"; hoặc việc "sản xuất" loại hàng "tái chế" này hơi mất công, vả lại chi phí mua cho bọn trẻ ít đèn chơi tết Trung Thu chẳng đáng là bao, nên phần nhiều phụ huynh ra tiệm tạp hóa mua sẵn để trong nhà cho bọn trẻ đủ dùng trong cả mùa Trung Thu của chúng.

Việc tự tay làm cho con cháu, em út một chiếc lồng đèn hồi ấy là một niềm vui, một hạnh phúc nho nhỏ, âm thầm của chúng ta, những người lớn vui theo Tết Nhi Đồng. Hạnh phúc hơn nữa khi con cháu hay em út hí hững mừng rơn nhận được chiếc lồng đèn mà chính chúng cũng luôn đeo dính bên chúng ta trong khi chúng ta chăm chút làm cho chúng, đứa lớn hơn thì còn biết tìm cách thể hiện sự trìu mến với chúng ta bằng cách phụ lấy, đưa dụng cụ hay pha nước uống, lấy khăn lau mặt… Và ôi! nhìn mà xem gương mặt hãnh diện của chúng khi nối đuôi cùng chúng bạn tung tăng với chiếc lồng đèn tự làm mà bao giờ chúng cũng tự cho của mình là… đẹp nhất xóm!

Bây giờ, khi mọi dịch vụ phục vụ tiện nghi sinh hoạt con người đã phát triển theo sự tiến bộ công nghệ, không mấy ai còn chịu cặm cụi ngồi làm lồng đèn Trung Thu như xưa nữa. Cứ đợi ngoài phố chợ rộ lên cao trào bánh Trung Thu từ cao cấp tới bình dân và lồng đèn Trung Thu tràn ngập muôn màu muôn vẽ, tùy theo túi tiền ra đó chọn mua một hay vài cái, xách về giao cho tụi nhỏ là xong chuyện. Thương con cháu hay em út hơn chút nữa thì chở chúng theo cho chúng tự lựa chọn. Bận bịu quá (và sẵn tiền, và chiều con…) thì móc ví giao cho chúng vài chục hay vài trăm ngàn, tự ra phố tha hồ chọn mua tùy thích! Lồng đèn nhựa; lồng đèn film; lồng đèn hợp kim; lồng đèn chạy pile, điện tử, đèn led chớp nháy hào nhoáng và cả nhạc trẻ em, nhạc người lớn ì đùng khi khởi động; lồng đèn made in China thì là… vô thiên lũng! Các thiếu nhi tiểu đại gia chỉ việc trả tiền và trở thành sở hữu chủ món quà!

Không nói đến sự vô cảm vì không chăm chút món quà của con em, hay hậu quả tai hại như thế nào trong việc cho các em tự do chọn lựa, mua sắm món quà theo cảm tính, không được chỉ dẫn, răn dạy, vì đó không phải là mục tiêu bài viết. Kẻ viết bài này thấy Trung Thu về, tự nhiên chợt nhơ nhớ những kỷ niệm của một thời làm trẻ con được người lớn làm lồng đèn cho chơi, và một thời người lớn làm lồng đèn cho trẻ con chơi, chợt xao xuyến bâng quơ tiếc rẻ những chuyện tản mạn hiện nay không còn nữa nên cao hứng vung bút viết mấy dòng hý luận, thế thôi…

Giữa mùa Trung Thu 2012.
QUANG MAI

(1) Kiểu lồng đèn "loong sửa bò tự động" này hiện nay thấy còn nhiều đơn vị Gia Đình Phật Tử "hoài cổ" và… nghèo, không chỉ vùng thôn dã mà ngay cả nơi phố thị phồn hoa, vẫn còn tổ chức cho Đoàn Sinh làm – nhưng trang trí đẹp hơn trước rất nhiều – dành tặng cho số các em thiếu nhi nghèo trong địa dư sinh hoạt, không có tiền mua được lồng đèn chơi tết Trung Thu. Một nghĩa cử thật đẹp và thật đáng trân trọng. Hoan hô Gia Đình Phật Tử!

640 lượt xem