NHẬT KÝ ĐẠI HỘI

Ngày… tháng… năm…

Ngày mai mình lên đường đi Đại hội.

Ngày … tháng… năm…

Biên giới Việt Nam – Campuchia, cửa khẩu Mộc Bài, tám giờ ba mươi sáng, gần chín giờ đã đứng trên đất Campuchia. Người Campuchia còn nghèo quá, những người bán hàng rong giống những người bán hàng rong trên những chuyến xe đò ở Việt Nam, cả trên phà nữa, đứng trên phà Nek-luơng, nhớ phà Rạch Miễu ngày xưa, những đứa trẻ đi theo khách xin tiền, những người cầm nước, cầm trái cây mời khách mua, …

Ngày … tháng … năm …

Mười hai giờ, cửa khẩu Poipet, biên giới Campuchia – Thái Lan. Bạn từ Việt Nam. Hộ chiếu Việt Nam. Xin mời đóng ba đô la. Trong khi những người Châu Á khác và người Châu Âu thì chẳng cần phải tốn một đồng đô-la nào. Thật là bất công! Các anh chị bảo là, tại người Việt Nam “dạy” đó! Và đó là chuyện xảy ra ở cửa khẩu Campuchia vào Thái.

Lu bu hành lý, quên cây đàn guitar trên xe. Hai anh trưởng nhanh trí, bắt xe ôm dí theo. Cả đoàn chấp nhận nhường các hành khách khác xếp hàng qua. Còn cả đoàn ở lại, chờ cây đàn. Ơn Phật, bắt kịp cái xe lúc nó đang ghé lại đổ xăng, nhờ cả đoàn có chụp hình chung với chiếc xe nên nhìn được bảng số xe và lấy lại được cây đàn. Lúc này đoàn người xếp hàng qua cửa khẩu đã dài thêm.

Qua được cửa khẩu từ Campuchia. Mọi người nghỉ uống nước chút xíu, tiếp tục nối đuôi đoàn người đang đứng trước văn phòng cửa khẩu, làm thủ tục nhập cảnh Thái Lan. Một tiếng trôi qua. Điền giấy nhập cảnh cũng đã xong. Huynh trưởng trẻ hỗ trợ huynh trưởng lớn tuổi điền vào tờ đơn. Cũng mất hết một lúc, sao cái hàng vẫn chưa nhích lên được chút nào? Kệ, Chắc nhiều người quá! Đợi thêm chút xíu! Gần hai tiếng trôi qua, cứu đói bằng bắp. Hơn ba tiếng trôi qua, cử hai huynh trưởng mua cơm hộp để ăn trưa. Khi hai anh về tới thì đoàn đã xếp được tới chỗ “thấp thoáng” thấy cái cửa văn phòng nhập cảnh Thái. Cơm hộp về, không anh chị nào ăn nổi. Vì đã đứng chờ từ lúc trời trưa nắng, cho đến lúc trời đứng bóng và hết nắng! Sự chờ đợi còn lâu hơn cái cảnh kẹt xe ở Sài Gòn! Mỗi người được dán một cái sticker màu đỏ để xe trung chuyển nhận biết khách mà đón về khu Khao San.

Đoàn khởi hành rất sớm từ Siem Riep. Tưởng gần trưa là sẽ được “tung tăng” ở Bangkok. Vậy mà gần chiều tối mới “lê thê lếch thếch” qua cửa khẩu… Hết nửa ngày. Thêm buổi chiều tối đi kiếm nhà trọ, không dám kiếm khách sạn, dù là khách sạn mini, vì “ngân sách” không cho phép. Gần mười hai giờ, đoàn mới “yên vị” trong một nhà khách ở khu phố Tây. Ai cũng mệt lử vì phải mang vác đồ đạc khá nhiều. Hành lý của cá nhân, hành lý cho Đại hội và “lương thực” cho mấy ngày “ở bụi”, “ ta ba lô” đúng nghĩa!

À, sáng, trời Siem Riep mưa, giống mưa Sài Gòn lắm, nhật ký à!

Ngày… tháng… năm…

Đại hội mấy ngày, bận bịu đủ thứ việc, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thức khuya để ra kịp Bản tin hàng ngày cho Đại hội. Có vậy mới thấy “đời làm báo”. Làm báo chu niên đâu có cực vậy. Ở đây thì bị áp lực về thời gian. Đọc bản mo-rát đầu tiên muốn “mờ” con mắt, vậy mà còn bị sót lỗi chính tả, bản thứ hai thì đỡ hơn. Do lúc đầu còn tranh luận, nói qua nói lại, sau đấy thì đã quen và biết phân chia việc để cùng nhau làm. Thì cũng như một chị huynh trưởng nói: “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng mà “gian nan”, đừng có “bắt đầu nản” 🙁

Ngày… tháng… năm…

Sáng nay hân hạnh ngồi ăn sáng và nói chuyện với thầy. Mình không rõ là thầy gì. Chị trưởng nói đó là thầy Nguyên Siêu. Một anh trưởng quá vui khi được trò chuyện cùng thầy đã buột miệng nói: “… Gặp thầy con “mê” thầy quá, nhưng mà con chưa biết quý danh của thầy!…”. Ý là muốn hỏi thầy tên gì. Thầy bảo ngay: “Tưởng gặp thầy mà “ngộ” thì thầy còn mừng chứ gặp thầy mà “mê” thì thầy không thèm nói chuyện với chú mày nữa!” Mọi người cười và thầy cũng nhân cái cớ đó mà rời bàn về phòng hội nghị. Anh trưởng đó cuối cùng cũng không biết danh tánh của thầy, nếu chị trưởng của mình không nói, mình cũng không biết đó là thầy nào. Vì thầy đi mà cũng chẳng màng cho biết “cao danh quý tánh”

Công án thiền chỉ diễn ra trong “tích tắc”, một câu nói ngắn gọn mà hàm nghĩa sâu xa. Con cũng mong là khi trở về trú xứ, sinh hoạt với đàn em, sẽ làm sao cho đàn em nhìn thấy con, cũng sẽ thấy “ngộ” như thế!

Lam Nhân

585 lượt xem