Anh chị em thân mến !

Phật dạy, nguyên nhân căn bản của mọi đau khổ là do Vô minh. Vô minh tức là thiếu hiểu biết về Ngã, bởi lẽ Ngã là trung tâm dẫn dắt tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống của chúng ta, Ngã quyết định cách thức chúng ta nhìn sự vật và hiện tượng của thế giới xảy ra, nó dẫn dắt hành động của chúng ta vì sự dễ dàng và lợi ích của riêng mình… khi tất cả điều này chỉ là một ảo tưởng, nếu chúng ta không nhận thức về Ngã là bắt đầu nguyên nhân của tất cả mọi sự đau khổ.

Ngã là cái “ta”, là “mình”. Người chấp ngã cho rằng cái ta là thật, là hiện hữu, là trường tồn, bất biến của con người. Sự chấp ngã đó liên hệ tới quan điểm cho rằng: “Con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, mỗi người đều có một linh hồn, linh hồn này làm chủ ý nghĩ và hành động. Không thay đổi, là duy nhất, là trường tồn…” Đây là quan điểm đưa đến việc chấp ngã, coi bản thân mình là thật có, quan trọng nhất, cần phải nâng niu chiều chuộng, không ai được quyền đụng chạm hay xỉ nhục. Vì sự chấp ngã mà mỗi người đều tìm đủ cách để giữ gìn củng cố bảo vệ bản thân một cách triệt để, bất chấp tốt xấu hay phải trái, không từ nan một hành động nào mà không làm, hay thậm chí hạ thấp người khác và tâng bốc bản thân. Cũng vì chấp ngã quá đáng mà trở thành người ngạo mạn điên đảo, cho cái ta của mình là hay, là tốt đẹp hơn cái ta của người, sẵn sàng bằng mọi giá chống lại những cái ta khác làm trái ý với cái ta của mình…. Điều đó đã gây không ít buồn phiền, xương máu, nước mắt, khổ đau cho mình, cho người và cho cả chúng sanh !

Ta luôn xét đoán lời nói, hành động, việc làm, cử chỉ và lối sống của mọi người để rồi luôn tự thấy chúng ta giỏi giang hơn, ưu việt hơn tất cả. Từ bên trong, bản ngã của chúng ta xúi giục ý nghĩ lên tiếng: “Tôi giỏi nhất. Tôi thông minh, mọi người phải cần tôi. Nếu không có Tôi, mọi người không làm được gì cả !” Vì tâm thức luôn ngập tràn quan kiến vị kỷ, nhìn mọi người bằng đôi mắt phiến diện, chấp ngã nên đã không thể nhìn nhận tích cực về bất cứ ai, bất cứ điều gì ngoài Cái Tôi chật hẹp của bản thân. Từ đó, tất cả mọi cảm xúc, phiền não của chúng ta đều phát sinh và ngày càng trở nên mạnh mẽ, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính mình. Có thể hiểu đơn thuần là tâm đã bị điên đảo, mê mờ, bị thiêu đốt bởi những xúc tình tiêu cực ….. Rốt cuộc, chúng sẽ khiến ba nghiệp Thân – Khẩu – Ý của mình trở nên si mê, mù quáng. Đó, được gọi là bệnh “kiêu mạn tự hào” !

Thưa quý Anh chị em !

Chúng ta, đến với tổ chức GĐPT Việt Nam tức là đến với đạo Phật. Đến với đạo Phật là đến với ánh sáng của Trí tuệ và Từ bi! Phải biết mở cánh cửa chấp ngã của mình để luồng ánh sáng ấy chiếu rọi và xua tan màn đêm hắc ám, vô minh. Mở cánh cửa đó là những hành động thực tiễn thông qua việc học hỏi, tiếp thu kiến thức, biết lắng nghe, góp ý xây dựng, vun bồi tình yêu thương, đoàn kết mọi người… Đạo Phật lấy giác ngộ làm gốc rễ – lấy giải thoát làm hoa trái – lấy từ bi làm cứu cánh – lấy bình đẳng làm nhựa sống, bốn chất liệu này rất thân thiết với nền nhân loại đang phát triển và văn minh của bất cứ xã hội nào, tổ chức nào. Bất cứ nền văn minh chân chính nào cũng đòi hỏi con người phải có đủ trí tuệ sáng suốt, thong dong và tự do để quán chiếu.

Không ai trong chúng ta và hết thảy chúng sanh trong thế giới ta bà uế độ này đủ can đảm để khẳng định : “ Bản thân không cần Đạo, không cần xã hội, gia đình, bạn bè hay tổ chức. Không cần bất cứ ai, hay điều gì !….”. Chúng ta chỉ là một nhân tố, một tế bào để tạo dựng nên một thế giới rộng lớn, một sa mạc bao la mà trong đó, bản thân ta chỉ là một hạt cát rất nhỏ.

Chúng ta đến với nhau, hành hoạt trong tổ chức vì lý tưởng và mục đích phụng sự Đạo pháp – Dân tộc, nguyện một đời hy hiến bản thân xây dựng xã hội và làm nở hoa cho cuộc sống. Lẽ dĩ nhiên, trong phương cách điều hành và hoạt động của tổ chức, sẽ không tránh khỏi những điều “ Bất như ý” đối với bản thân. Cần phải biết vận dụng Trí tuệ tu tập của người Phật tử, phá chấp Tâm ngã mạn, dẹp bỏ cái Tôi chật hẹp của chính mình – Có cái nhìn chánh kiến đối với bản thân và đồng sự – Biết yêu thương, chia sẻ, học hỏi cả những điều hay lẫn điều dở của mọi người – Biết đóng góp ý kiến, xây dựng, vun bồi cho tổ chức – Phải đặt danh dự, quyền lợi, sinh mệnh của tổ chức lên trên cá nhân mình…… Nếu không thực tập và hành hoạt được như vậy, đối với tổ chức, với mọi người, hay toàn xã hội này, Ta chỉ có thể có kiếp đời : “ cuộc sống như một con Chó ghẻ – Chết là kẻ cô độc !”

Thân ái !
Nguyên Linh

529 lượt xem