Vào “Rừng”

Tôi lớn lên trong mùa “Chiến Tranh ly loạn” của đất nước. Lúc sinh hoạt với đoàn thiếu nam, chúng tôi đã từng đạp xe đạp chở nhau xuống Long An, Mỹ Tho hay ra Bà Rịa, Vũng Tàu đổi gió. Thời của chúng tôi đi bộ vài chục cây số là chuyện thường ngày, lội ruộng băng đồng sình lầy lấm lem về nhà quên giặt bộ đồ lam làm vải ẩm mục, mau rách là chuyện hay xảy ra. Có một lần chiếc áo lam duy nhất bị mục không thể vá nổi làm tôi phải nghỉ sinh hoạt mấy tháng cho đến khi bà chị may cho chiếc áo Lam khác thì mới chịu đi sinh hoạt lại.

Thời đó là chiến tranh, đường vào rừng có khi là những bẫy thú, bẫy chông hay gài mìn nên có lúc tôi lên miền đông nhìn vào rừng mà thèm thuồng đến lạ. Từ chiều đến sáng tiếng đạn pháo xé ngang vùng trời quê yên ả ở một cứ điểm nào đó và tiếng nổ cuối cùng thường ở bìa rừng, lòng trẻ thơ tôi hoang mang không hiểu vì sao mà người lớn thích chuyện bắn giết nhau. Ông bà và hàng xóm thường khuyên đám trẻ chúng tôi đừng có mon men vào rừng mà không còn mạng trở ra. Lâu lâu thấy cái xác trôi trong rừng ra; lâu lâu có người giẫm phải mìn bị cưa chân thiệt tình làm tôi cũng sợ. Thời học sinh có bài hát “Kính thưa thầy” cũng nói rõ sự khó khăn nguy hiểm khi vào rừng:

“ Kính thưa thầy đây là bài toán của con. Những đường cong, đường thẳng đều có gài mìn… Đường vào rừng có chông gai, có hầm hố cá nhân – đường vào đời có đao kiếm có xương máu căm hờn. Con đã chứng minh nhiều lần: Đường qua Mỹ, qua Paris thật ngắn – nhưng không thể nối liền Sài Gòn Hà Nội; nhưng không thể nối liền thành phố với làng quê….”

Có lần mấy chị em tôi chung chiếc xe đò chạy trên tỉnh lộ về quê mà thấy giữa đường bị đấp mô – mô đất cao như cái đồi nhỏ là phải dừng xe lại chờ bên quân đội đến rà mìn, gở mìn rồi phá ụ… kẹt xe cả buổi, hơn nửa ngày mới lưu thông lại được; một chiếc xe tang bị cán phải mìn chống xe tăng nổ tung làm “người chết hai lần” cũng đã xảy ra… nên mỗi lần về quê chị em tôi đều rất ngại.

Ở hoàn cảnh thực tế hầu như giới trẻ thời đó đa số đều hiểu những ca từ lấp lửng này nói gì, có cái khác nhau là có thời hát và nói được và có thời không được hát, và muốn nói phải trông trước trông sau!

Năm 1975 thống nhất đất nước, có nhiều người từ trong rừng ra và cũng có rất nhiều người bị buộc đi vào rừng để lập những khu kinh tế mới. Gia đình tôi có một khu đất ở gần rừng miền Đông mà tôi lại là con trai trong các chị em gái nên được phân công “lên rừng” tự túc coi như có ủng hộ chính sách “giãn dân”, cũng là một hình thức đi kinh tế mới (KTM) Tuy nhiên trước khi lên rừng tôi đã được một anh trưởng Nguyễn Trí Dũng của Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo dạy cho nhiều cách sống trong rừng. Anh đã từng băng rừng Darlak mưu sinh thoát hiểm nhiều ngày để ra quốc lộ 13 trở về thành phố khi chiến sự Ban Mê Thuộc bùng nổ, có lẽ đây là bài học về mưu sinh thoát hiểm đầu tiên mà anh dạy cho đoàn thiếu nam chúng tôi lúc đó làm cho ý niệm về băng rừng trong tôi thức dậy.

Có lần anh dẫn chúng tôi lên Bà Rịa ghé vào thăm gia đình bác Giu (cựu gia trưởng Chánh Đạo) đã đi “Kinh tế mới” khoảng 6 tháng trước. Thật ngạc nhiên khi tất cả các đồ đạc trong nhà bác như bàn ghế, tủ, kệ…. đều được chế tác từ vật liệu của rừng. Như bộ sofa bằng mây vàng bóng uốn cong rất ấn tượng; bộ trà bằng quả dừa véc-ni vàng có hoa văn màu nâu; kệ tre đựng chén bát y như công trình trại mạc, kệ sách ghép gỗ sao lại càng trang nhã hơn…. Trang trí nội thất lại có ý tứ thâm sâu khiến tôi ngưỡng mộ quá chừng. Lòng tự nhủ hèn chi chuyên môn của GĐ Chánh Đạo rất công phu, mỹ thuật và có nhiều huynh trưởng giỏi! Sau này tôi định thiết trí căn nhà ở KTM của tôi y vậy nhưng mẹ tôi cho là vớ vẩn, mất thì giờ lại không thực tế nên chỉ làm được vài cái giàn mướp, giàn hoa thiên lý bằng các nạng gỗ chia nhánh chãng ba, cột dây hay xẻ mộng có hình dáng lạ mà thôi.

Mẹ tôi rất thực tế, phân tích rằng cái bàn gỗ có giá 5$, cái ghế cây giá 2,5$ ( đã đổi tiền lần 1) mà công phát hoang giá 10$/ngày, thôi thì đi làm một công 8 tiếng một ngày mà mua được cái bàn cái ghế còn hơn bỏ công mấy ngày cực nhọc trầy xước hai tay để làm ra nó. Thế là tôi được đi làm công cho hàng xóm mỗi ngày kiếm được 10$ thay vì phát hoang, lên giồng trên đất nhà mình.

Mỗi khi chống cuốc nghỉ ngơi tôi thường nhìn vô rừng mà tưởng tượng. Nghe tiếng chim cu gáy liên hồi, gà rừng bay lên nhành cây xa mà lòng đầy mơ mộng. Cho đến một hôm nhân lúc mẹ đi chùa nơi xa tôi quyết định vào rừng một chuyến.

Lần đi này tôi mang giày bata, quần kaki dày nhưng lại mặc 1 cái áo thun hở hết cánh tay, vác cái rựa chẻ củi, vai đeo cái bị đan bằng “lác” hăng hái như một chàng “ Thạch Sanh” thật sự. Đường từ nhà băng rẫy vào đến bìa rừng hơn ba tiếng, vừa đi vừa hát vang những bài ca sinh hoạt để đốt thời gian. Lúc đó nhìn lại hai ống quần bị bám đầy gai cỏ may như lông nhím cũng hơi sợ, vội tìm một nhành cây khua đường theo lời dạy để cho rắn rết nghe động mà tránh xa. Quả thật, lâu lâu cũng có con rắn trườn rất nhanh. Rừng thưa nhưng cỏ mọc cao hơn đầu và dây leo chằng chịt cành lá, phải dùng cây rựa chặt chém mở đường đến mỏi cả tay, có những dây leo rất dày chặt nhiều lần không đứt đành phải khom người mà chui qua. Chừng chui qua được thì bị những cái gai rất lớn cào xước tươm máu pha với mồ hôi mặn làm rát như bị kiến lửa cắn. Bên trên đàn sóc chuyền cành rất nhanh, gà rừng bay lên bay xuống tự nhiên như không hề sợ. Lâu lâu có con thỏ nâu chạy vụt qua tôi cũng mặc kệ… Sau này tôi mới biết cái ý niệm sát sanh đã được thuần hóa từ những ngày sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử, không biết là nếu gặp trường hợp phải lạc trong rừng để mưu sinh thoát hiểm tôi nghĩ rằng sẽ không nỡ nào giết hại chúng. Anh Dũng có nói bất cứ loại cây cỏ nào có vị chua thì ăn được. Tôi nếm thử cây cỏ tuy có lá giống khoai mì nhỏ mà trái lại đỏ có vị chua như giấm, rất đắc ý hái cả rể đem về nhà nghiên cứu. Mẹ tôi nói cây này dân rừng cũng gọi là gây giấm dùng để nấu canh chua hay trộn gỏi vị rất thanh. Tôi hái luôn một số cây cỏ lạ và nấm không màu bỏ vô bị (Trong quyển Cô Gái Đồ Long của Kim Dung lúc Trương Vô Kỵ hái nấm màu hạ độc quân Mông Cổ và khẳng định nấm nào càng có màu sắc đẹp thì loại đó càng có nhiều độc tính!). Đi hồi lâu mình mẫy tôi bị cào xước đau điếng, rắn trườn rất nhanh, khỉ chuyền từng bầy kêu rít chói tai. Đi tới một khu rừng cây không cao nhưng cành lá xum xuê trĩu từng chùm xoài xanh như trêu chọc, tôi nghĩ chắc đây là loại “xoài rừng” hoang sơ nên không ai hái. Thế là tôi ra tay leo thấp, dùng cây kéo móc được cả nửa bị xoài. Với bao nhiêu chiến lợi phẩm nặng vai rồi lòng tôi như mở cờ theo dấu vết cũ mà đi ra khỏi rừng.

Hai cánh tay trần trầy xước nhiều vệt đỏ dài, phải xuống dòng nước dưới khe rửa sạch vết thương mà tự nhủ lần sau có đi thì phải mặc áo kaki dài tay cho chắc ăn. Ra khỏi rừng gặp mấy anh nông dân lối xóm đi phát rẫy về lòng hân hoan khoe cái khám phá “mới lạ” của mình:

– Mấy anh ơi, trong rừng phía trước có cả vườn xoài hoang nhiều trái lắm, có rảnh ngày mai hay mốt vô mà hái!

Có ông lớn tuổi nói:
– Cháu ơi, chỗ cháu hái xoài là làng xóm cũ, hơn hai chục năm trước bị đạn pháo liên miên nên cả làng phải dời ra quốc lộ lập làng mới. Xoài đó là vườn xoài của ngôi chùa cũ, chỗ cháu vào chưa phải là rừng đâu! Bây giờ ai muốn hái quả tháng hai, tháng ba đều phải xin phép bà cụ chăm sóc trước ngôi chùa làng và cúng hương quả khi đem ra chợ bán hết. Cháu là ai, ở đâu mới tới mà dám hái xoài chùa vậy?

Tôi mắt cở đỏ mặt trả lời:
– Dạ cháu là cháu ngoại của bà Ba chùa.

Hoàng Phụng

524 lượt xem