Câu Chuyện Đầu Năm
“ Đêm Qua Sân Trước Một Nhành Mai”


Hình minh họa

Kính thưa quý anh chị và các em.

Mùa Xuân đã đến và sẽ qua rất mau. Tuổi trẻ chúng ta vài mươi năm rồi cũng như chớp mắt. Cho nên những tháng ngày son trẻ ta phải cụ bị cho mình những món tư lương cần thiết để tiếp tục bước đi trên những đoạn gập ghềnh đời còn lại bằng chính niềm tin đã ổn cố của quãng đường hôm nay. Ngày vui nào rồi cũng qua mau, tiệc vui nào rồi cũng chóng tàn. Cái tâm trạng đợi chờ ngày tết thì chậm đến chừng ngày mồng 1 đến rồi thì xuân vụt qua mau, không ai có thể níu kéo lại thời gian cho nên đành chấp nhận vui buồn chất chồng theo năm tháng. Chính ở những hành trạng này mà các bậc chí nhân ưu tư khắc khoải đi tìm những cảnh giới thường hằng, bất biến cho vạn loại chúng sinh.

Định luật vô thường làm cho cánh mai kia đang nở bổng tàn như vạn loại luẩn quẩn trong vòng tử sinh, thành hoại. Đây là chân lý muôn đời, là thường hằng, bất biến.

Điều chư Phật dạy chúng ta thiền tập sống đời vô ngã là vì không một ai có thể làm chủ được dòng sinh mệnh tự mình. Như nhành mai kia không thể nở mãi mà không tàn, như vạn loại chúng sinh không ai có thể sống hoài mà không chết.

Khi mặt trời lên ai cũng biết đó là ban ngày, khi bóng đêm bao phủ ai cũng thấy đó là ban đêm. Một ngày đêm có 24 giờ và chúng ta được dạy bảo để dính kẹt vào những thời khắc đó. Có những người luôn luôn bận rộn và than rằng không đủ thời gian; cũng có những người rảnh rang nhưng cũng luôn luôn tìm kiếm các trò vui để bận rộn vì rất sợ những khoảng trống hư không dễ sinh buồn chán. Thế nên phải chạy đua với thời gian để đạt được mục đích hay là phung phí thời gian để quên đi sự buồn chán trong cuộc đời này. Còn chúng ta tu hành để đi tìm sự thường an lạc trong cái hư không mà con người cho là buồn chán đó. Cho dù thử thách nghiệt ngã đến đâu hành một chữ nhẫn để thành hư không; cho dù tri thức có đắc ý đến đâu học một chữ xả để thành hư không. Thế nên ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi!!!!” mới trở thành câu tâm đắc của nhiều hành giả.

Nếu vấn đề Vô thường-Vô ngã đã là quy luật bất biến thì chìa khóa để mở ra tâm cảnh thường hằng là tự tại và giải thoát. Tức là chúng ta phải chấp nhận chúng là một sự thật hoàn toàn để sống theo sự thật đó hoàn toàn mới tìm được bản thân và vạn loại có sự tự tại, giải thoát.

70 năm Gia Đình Phật Tử vừa đủ cho chúng ta khả năng lý giải các sự kiện phức hợp bằng ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu của Gia Đình Phật Tử để “liễu nghĩa” các hệ kinh điển Hán Tạng hay Pali – Sansrits thâm sâu. Nếu tự thân mỗi người không tu tập, thực hành thì dù thiên kinh, vạn điển cũng bằng không. Một huynh trưởng uyên bác có thể diễn giải kinh văn thông suốt nhưng chỉ cần một hành vi trái lại với những điều mình giảng dạy (Còn gọi là thân giáo) đã làm thất vọng các thế hệ đàn em đang nuôi ước vọng đi tìm sự hoàn thiện nhân cách do giới hạnh tu hành.

Do không bám víu vào thời gian nên Tổ Đạt Ma chín năm diện bích để chờ trao tâm ấn cho Ngài Huệ Khả là trong khoảnh khắc; do không bị kẹt vào thời gian nên 15 năm Tổ Huệ Năng sống chung với phường săn chờ thời cơ hoằng hóa là không có. Không bị dính kẹt vào thời gian, cũng không bám víu vào không gian, trú xứ. Trạng thái “Diệt Thọ Tưởng Định” của các bậc đại trí luôn thường hằng, bất biến. Mùa nào cũng là mùa xuân, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều tự tại, giải thoát.

Thế nên hai câu kết của bài thơ Cáo Tật Thị Chúng của thiền sư Mãn Giác mới bất diệt trong Pháp ngữ lưu truyền:
… “ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận – Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” – Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết – Đêm qua sân trước một nhành mai”

Đức Quảng

535 lượt xem