BẢN PHỤ ĐÍNH
"BẢN TUYÊN NGÔN" CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Đã đọc trong cuộc hội họp của Phật Tử tại chùa Từ Đàm – Huế ngày 10-5-1963
— oOo —
Trước khi trình bày nguyện vọng của Phật Giáo Đồ Việt Nam qua Bản Tuyên Ngôn, chúng tôi thấy cần giải thích quan điểm của chúng tôi một cách rõ ràng:
I. QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM:
1) Đối với Chính Phủ: Chúng tôi không chủ trương lật đổ, chúng tôi chỉ có nguyện vọng "cải thiện chính sách". Chúng tôi không có nói đến vấn đề người. Người nào đứng ra phụ trách chính phủ mà chính sách không cải thiện thì nguyện vọng của chúng tôi cũng không thỏa mãn. Vì lẽ đó, quan niệm chúng tôi là ước mong chính quyền có thiện chí và khả năng cải thiện chính sách mà nguyện vọng Phật Giáo Việt Nam công khai bày tỏ.
Chúng tôi cũng tuyên ngôn minh bạch rằng chúng tôi không nhằm mục đích tranh thủ quyền hành. Nói thế, có nghĩa chúng tôi đã và mãi mãi tranh đấu cho Phật Giáo thuần túy, nhưng không phải vì vậy mà Phật Giáo Đồ không quan tâm đóng góp vào ích lợi quốc gia theo nghĩa vụ công dân của mình; trái lại, Phật Giáo Đồ đã và phải tích cực đóng góp những nghĩa vụ công dân vào lợi ích quốc gia để – về phương diện tín ngưỡng – làm cho Phật Giáo của mình phát triển và phát triển một cách thuần túy.
2) Không coi ai là kẻ thù: Dĩ nhiên sự động cập khó mà tránh khỏi, nhưng chúng tôi tuyên bố không coi ai là kẻ thù, nhất là đối với đạo Thiên Chúa. Lẽ thứ nhất, dẫu cho từ ngày đạo Dụ số 10 ra đời đến bây giờ, sự thiên vị đạo Thiên Chúa đã công khai, nhưng chúng tôi tranh đấu là tranh đấu cho lý tưởng công bình (và vì thế mà động cập đến đạo Thiên Chúa) chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống với một tôn giáo. Lẽ thứ hai, về mặt tín ngưỡng, tuy chúng tôi không thừa nhận tôn giáo khác, nhưng về quan niệm – nhất là quan niệm của con người sống gần hậu diệp thế kỷ 20 – chúng tôi cho rằng bất cứ ai, kể cả chúng tôi, nếu cho tôn giáo của mình có giá trị tuyệt đối và chỉ có tôn giáo của mình mới đáng tồn tại thì đây là quan niệm sai lầm nhất.
3) Chỉ tranh đấu cho lý tưởng "Tôn Giáo Bình Đẳng": Thế nào gọi là "tôn giáo bình đẳng" theo quan niệm của chúng tôi?
a) Các tôn giáo phải được xác định lại, quốc gia phải quy định thế nào là một tôn giáo xứng đáng được hưởng những chế độ đặc biệt. Như thế có nghĩa chúng tôi không thể chấp thuận đồng bóng, phù thủy v.v… là tôn giáo được quốc gia thừa nhận (cũng như danh từ "công giáo" không thể dùng để gọi đạo Thiên Chúa).
b) Các tôn giáo được xác định, sẽ cùng hưởng một chế độ "bình đẳng", có nghĩa cùng được quan niệm là có tư cách tôn giáo như nhau. Nhưng bình đẳng là "bình đẳng trong bình đẳng", vì lẽ đó, giá trị các tôn giáo khác nhau.
c) Tôn giáo bình đẳng là một điểm nổi nhất, thiêng liêng nhất trong lý tưởng công bình xã hội. Với quan niệm tôn giáo bình đẳng như vậy, đối chiếu với tình trạng hiện hữu, chúng tôi bất mãn sự thiên vị của đạo Dụ số 10, cùng lúc, cảm thấy "ngày trước những người Cộng Sản lợi dụng danh nghĩa chống ngoại xâm để tiêu diệt các phái quốc gia thì ngày nay cũng có cái vẻ người Thiên Chúa lũng đoạn công việc chống Cộng Sản để lấn áp các tôn giáo khác, nhất là Phật Giáo chúng tôi". Đó là nguy cơ cho quốc gia và làm chia rẽ tôn giáo. Vì lẽ đó Phật Giáo Đồ chúng tôi phải công khai bày tỏ rõ rệt nguyện vọng của mình và như thế, không những lý do mà phạm vi chúng tôi tranh đấu đó đã được ấn định rõ ràng: Với danh nghĩa Phật Giáo, chúng tôi đang làm một việc tranh đấu cho lý tưởng "tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ của lý tưởng công bình xã hội".
4) Phương pháp tranh đấu mà chúng tôi áp dụng: Phương pháp ấy là "bất bạo động". Chúng tôi ý thức chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh mà chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp. Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thể hiện tư tưởng của Phật Giáo ngay trong công cuộc tranh đấu của chúng tôi. Vì những lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải chỉ rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người Tăng Sĩ của Phật Giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi – vị Thánh của sức mạnh "bất bạo động" – và như vậy, chính phủ chỉ nên nghĩ đến điều ấy hơn là nhọc lòng nghĩ đến Phật Giáo Đồ được huy động.
Chúng tôi lại xác định thêm: Chúng tôi với phương pháp "bất bạo động" sẽ tranh đấu trong phạm vi hợp pháp được ngần nào tốt ngần đó. Nhưng tinh thần và phương pháp "bất bạo động" không phải chỉ có thế, nên chúng tôi sẵn sàng hy sinh đến cùng theo phương pháp này.
5) Không chấp nhận mọi sự lợi dụng: Như đã trình bày hết sức rõ ràng: Mục tiêu tranh đấu của Phật Giáo Đồ chỉ nhằm vào lý tưởng tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ lý tưởng công bình xã hội; vì lẽ đó, chúng tôi từ chối mọi sự lợi dụng không phù hợp với tôn chỉ chúng tôi, nhất là những người Cộng Sản và những kẻ mưu toan chức vị chính quyền.
II. NGUYỆN VỌNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM QUA BẢN TUYÊN NGÔN:
Nguyện vọng thứ nhất: "Yêu cầu Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật Giáo": Chúng tôi phải nói tiên quyết rằng: Nguyện vọng này không chứa đựng sự phủ nhận quốc kỳ. Chúng tôi tuyên bố thừa nhận và tôn trọng quốc kỳ. Nhưng chúng tôi chỉ phản đối sự hạn chế của Bộ Nội Vụ vừa qua và sự triệt hạ thực sự của Văn Phòng Tổng Thống vừa rồi đối với giáo kỳ của các tôn giáo mà Phật Giáo phải chịu đầu tiên nhân ngày Phật Đản.
Nguyện vọng của chúng tôi, dựa trên quan niệm quốc kỳ hết sức trọng đại, các cơ quan tôn giáo và mọi tư gia đều phải và chỉ treo lên trong những ngày trọng đại, lễ của quốc gia. Còn giáo kỳ dầu sao cũng chỉ là của một tôn giáo nên chỉ được treo lên tại cơ quan tôn giáo và tư gia tín đồ sở quan trong những ngày đại lễ của tôn giáo ấy. Dĩ nhiên, cái chỗ treo lên nói trên đây là cửa chính của các cơ quan tôn giáo và tư gia. Cùng một quan niệm đó, chúng tôi thiết nghĩ trong đoàn kiệu rước của tôn giáo, chỉ được mang giáo kỳ, cũng như xe nhân vật quan trọng trong các tôn giáo khi cần thượng cờ lên theo sự quan trọng mà các tôn giáo tự ấn định, thì cũng chỉ được mang giáo kỳ.
Nguyện vọng thứ hai: "Yêu cầu Phật Giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong đạo Dụ số 10": Điều này chúng tôi phải trình bày bằng 3 mục tiêu như sau, trước hết chúng tôi nói chi tiết, kế nói đại thể, sau hết là nguyện vọng sửa đổi của chúng tôi.
a) Nói về chi tiết, đạo Dụ số 10 có những nét chính mà chúng tôi phản đối, như sau:
– Qua điều thứ 1, đạo Dụ số 10 đó liệt các tôn giáo (trừ Thiên Chúa và Gia Tô) như tất cả hiệp hội thường của tất cả tầng lớp nhân dân: Tôn giáo được xem như (và có thể thua, bởi điều 14 và vì tính chất gọi là "lợi ích chung” của Dụ ấy) những hội tiêu khiển, thể thao, bất kể đến tính cách thiêng liêng của tôn giáo, bất kể đến nếp sống khác biệt cách nào của tôn giáo!
– Qua điều thứ 7, về giấy phép của các hiệp hội tôn giáo, nhà chức trách "có quyền bác khước đi không cho phép lập hội mà không phải nói lý do, phép cho rồi có thể bãi đi vì trái điều lệ, thay vì lẽ trị an". "Lẽ trị an" là từ ngữ không có giới hạn nào rõ rệt và đã bị lợi dụng quá đáng từ ngày người Pháp trở lại Việt Nam đến bây giờ. Ấy là chưa nói rằng, nếu thế gian này có cái gì được gọi là vĩnh viễn, thì cái đó là tôn giáo. Vậy mà tôn giáo lại bị ghép vào hiệp hội, với giấy phép cho và bãi một cách cực kỳ đơn giản như trên!
– Qua các điều 10, nhất là điều 12, tôn giáo bị kiểm soát một cách cực kỳ nghiêm khắc và bởi bất cứ nhân viên nào của hành chính và tư pháp. Cũng may mà sự kiện này, các tôn giáo đã không bị thi hành một cách quá đáng, nếu bị thì còn gì là tư cách tôn giáo và thể thống quốc gia!
– Qua các đoạn sau của điều 14 và điều 28, tài sản tôn giáo từ tính chất cố hữu của nó là "lạc cúng" để thực hiện việc truyền đạo linh thiêng và vô cùng, thì đã trái lại, chỉ được có số tiền đóng góp phải định trong điều lệ và chỉ có quyền có những bất động sản "thật cần thiết", mà "thật cần thiết" là xét theo Công Tố Viện! Rồi xét không "thật cần thiết" thì phải đem bán đấu giá! Gần đây thậm chí quyền tạo mãi bất động sản và nhận sự lạc cúng bất động sản, dầu bé nhỏ đến đâu cũng phải được sự cho phép của Tổng Thống, do công văn số 166-TTP/TTK/I ngày 23.9.1960 của Tòa Thư Ký Tổng Thống Phủ.
– Qua các điều 18, 19, nhất là 25, 26 và 27, đạo Dụ số 10 trái ngược với tính chất căn bản của tôn giáo. Căn bản của tôn giáo, dựa trên đức tin thuần chính và sự tiến bộ về đời sống tâm linh theo tôn giáo. Không phải và không thể do bầu cử mà người được bầu cử thành một tín đồ hay thành một tu sĩ. Nhưng đạo Dụ số 10 đặt các tôn giáo vào cái căn bản hiệp hội là Đại Hội Đồng bầu cử và quyết định mọi việc.
Với tính chất đặt các tôn giáo vào phạm vi hiệp hội, đạo Dụ số 10 triệt hạ hết thảy giá trị tôn giáo. "May mắn" còn điều 44 ghi "chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô". Nhưng cái "may mắn" ấy đã chứng tỏ một sự thiên vị cực kỳ vô lý kể cả mọi phương diện, nhất là về cái gọi là "giặc chia rẽ" mà chính phủ hiện tại đã và đang quyết liệt đả kích!
b) Bây giờ chúng tôi nói đến cái vô lý đại thể của đạo Dụ số 10:
– Trước tiên, đạo Dụ số 10 có từ năm 1950, dưới chế độ Quốc Trưởng. Nếu chế độ này chỉ được thay người mà không phải thay đổi bằng chế độ Tổng Thống thì đạo Dụ số 10 được áp dụng là điều chúng tôi không ngạc nhiên. Hoặc giả nó được công nhận còn hữu hiệu mà áp dụng thì còn ít ngạc nhiên! Đằng này, một chế độ đã bị đánh đổ, một đạo luật của chế độ đó không có minh thị công nhận, vậy mà vẫn còn chiếu chỉ áp dụng cho tất cả tôn giáo! Đó là căn bản pháp lý mà chúng tôi thấy cực kỳ mâu thuẫn.
– Theo điều 44 của đạo Dụ số 10, "chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô", nhưng từ năm 1950 đến bây giờ chế độ đó vẫn chưa thấy quy định và ban hành. Như vậy, một mặt chứng tỏ tính chất dung túng và thiên vị các hội truyền giáo này một cách vô lý; mặt khác, làm cho Thiên Chúa Giáo và Gia Tô Giáo ở mãi trong tình trạng nếu không phải là căn bản pháp lý không có, thì phải gọi là tồn tại trên căn bản pháp lý của thực dân Pháp!
c) Do đó, nguyện vọng của chúng tôi như sau:
– Hãy rút các tôn giáo, kể cả Thiên Chúa Giáo và Gia Tô ra khỏi phạm vi ràng buộc hay thiên vị của đạo Dụ số 10.
– Hãy ban hành một chế độ đặc biệt cho các tôn giáo, trong đó có Phật Giáo, Thiên Chúa và Gia Tô.
– Nếu ghi một "chế độ đặc biệt" với ý thức trọng thị, thì phải ghi "chế độ đặc biệt cho các tôn giáo trong đó có Phật Giáo, Thiên Chúa và Gia Tô".
Nguyện vọng thứ ba: "Yêu cầu Chính Phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật Giáo" và
Nguyện vọng thứ tư: "Yêu cầu cho Tăng, Tín Đồ Phật Giáo được tự do truyền đạo và hành đạo": Hai điểm này, nếu nói trên minh văn giấy tờ hay chủ trương công khai của Chính Phủ thì dĩ nhiên không có sự khủng bố Phật Giáo và trở ngại sự truyền đạo của Phật Giáo, nhưng tình trạng sau đây thì thực nặng nề: Ấy là sự thi hành lệch lạc chính sách của Chính Phủ! Tình trạng ấy tuy cục bộ nhưng đã xảy ra nhiều nơi, có nhiều lúc đã tạo thành một sự thực hiển nhiên là ngày nay ai cũng cảm thấy chứ không những chỉ nhận thấy mà thôi, rằng"Phật Giáo bị kỳ thị thật sự".
Vì vậy, nguyện vọng của chúng tôi là yêu cầu Tổng Thống chỉ thị bằng minh lệnh cho tất cả các cấp chính quyền hãy thi hành nghiêm chỉnh chính sách tự do tín ngưỡng và chính sách đoàn kết tôn giáo mà Chính Phủ chủ trương; nhất là Tổng Thống đặc biệt lưu tâm kiểm tra sự chấp hành minh lệnh của Tổng Thống, trừng trị xứng đáng những kẻ lợi dụng quyền hành để thỏa mãn kỳ thị, lấn áp kẻ khác, chấm dứt tình trạng tự động ở các địa phương núp sau chiêu bài chống Cộng để gây tang tóc cho quần chúng. Nếu không, sự lệch lạc chính sách vẫn được dung túng thì cái tình trạng lợi dụng danh nghĩa chống Cộng Sản để phát triển Thiên Chúa Giáo và lấn áp Phật Giáo, tạo ra một tình trạng chia rẽ ngày càng trầm trọng thì ngay bây giờ và mai hậu, chỉ người Cộng Sản có lợi mà thôi.
Ở điểm này chúng tôi yêu cầu Tổng Thống lập một hệ thống thanh tra chính xác, vô tư, để thả ra những Phật Tử đã bị bắt bớ chỉ vì lý do tín ngưỡng (điển hình như vụ Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định v.v… mà hồ sơ liên hệ chúng tôi đã gởi đến Tổng Thống và Quốc Hội đề ngày 20-2-1962), và chấm dứt tình trạng trả thù bắt cóc, thủ tiêu và trong trường hợp tội trạng nếu có, thì phải được xử theo luật lệ minh bạch của quốc gia.
Nguyện vọng thứ năm: "Yêu cầu Chính Phủ bồi thường một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức": Điều này là chúng tôi nói đến những người thiệt mạng tại Đài Phát Thanh Huế. Họ chết trong lòng cuộc tranh đấu công khai của Phật Giáo nên họ đã được Phật Giáo gọi là "Thánh Tử Vì Đạo" của mình. Nhưng như thế chưa đủ. Họ phải được đền bồi xứng đáng về phương diện vật chất và kẻ chủ mưu giết hại phải được truy tố (dầu cho chúng tôi đứng mặt nguyên cáo sẽ xin Chính Phủ tha tội cho họ), bởi vì chúng tôi quan niệm mọi việc xảy ra bất cứ ở đâu và dưới hình thức nào trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, trách nhiệm vẫn ở Chính Phủ: Trách nhiệm giữ gìn an ninh cho quốc gia và đồng bào.
Nói tổng quát, nguyện vọng của Phật Giáo Việt Nam, như đã nói là "cải thiện chính sách", như sau:
– Đối với nguyện vọng 1 và 2 thì yêu cầu cải thiện bằng cách sửa đổi giấy tờ và thực thi nghiêm chỉnh.
– Đối với nguyện vọng 3 và 4 thì yêu cầu cải thiện bằng cách ra minh lệnh và lập hệ thống thanh tra để kiểm soát chặt chẽ sự thi hành minh lệnh ấy: Minh lệnh cho các cấp chính quyền hạ tầng phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tự do tín ngưỡng và chính sách đoàn kết tôn giáo của Chính Phủ.
– Đối với nguyện vọng thứ 5 thì truy tố thủ phạm gây ra chết chóc tại Đài Phát Thanh Huế và làm thỏa mãn gia quyến các nạn nhân của vụ đó.
III. NHỮNG NGUYỆN VỌNG CẤP BÁCH CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM:
1) Yêu cầu Tổng Thống và Chính Phủ cứu xét BẢN TUYÊN NGÔN và BẢN PHỤ ĐÍNH của chúng tôi, và trong một thời gian càng sớm càng tốt, thỏa mãn nguyện vọng chính đáng của Phật Giáo Việt Nam. Sự thỏa mãn ấy là Chính Phủ có minh văn và công bố trên những cơ quan chính thức.
2) Yêu cầu Tổng Thống ra lệnh không bắt bớ, trả thù quần chúng Phật Giáo trong vụ công khai tranh đấu này bởi vì họ chỉ làm một việc đạo đạt nguyện vọng của họ theo phương thức tranh đấu thường lệ.
3) Những nguyện vọng ghi trong Bản Tuyên Ngôn và hai nguyện vọng cấp bách trên đây được thỏa mãn – từ lý thuyết, văn kiện cho đến thực thi – thì chính quần chúng Phật Giáo Việt Nam sẽ công khai hoan hô Tổng Thống và Chính Phủ như đã công khai tranh đấu cho nguyện vọng của họ vậy.
oOo
Chúng tôi quan niệm và tin tưởng Tổng Thống là chức vụ "do dân, vì dân và cho dân", cho nên chúng tôi không có ý nghĩ đạo đạt nguyện vọng của mình ra là yêu sách; đối lại, chúng tôi quan niệm Tổng Thống và Chính Phủ thỏa mãn nguyện vọng chúng tôi là "vì dân và cho dân" chứ không phải nhượng bộ.
Với tất cả ý niệm hợp lý và chân thành này, chúng tôi ước mong Tổng Thống giải quyết thích đáng nguyện vọng của Phật Giáo gồm có quảng đại quần chúng Việt Nam.
Huế, ngày 23 tháng 5 năm 1963
HỘI CHỦ TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Hòa Thượng THÍCH TỊNH KHIẾT (ký tên)
TRỊ SỰ TRƯỞNG TỔNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI TĂNG GIÀ TRUNG PHẦN
Thượng Tọa THÍCH MẬT NGUYỆN (ký tên)
HỘI TRƯỞNG TỔNG TRỊ SỰ
HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TRUNG PHẦN
Thượng Tọa THÍCH TRÍ QUANG (ký tên)
TRỊ SỰ TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ
GIÁO HỘI TĂNG GIÀ THỪA THIÊN
Thượng Tọa THÍCH MẬT HIỂN (ký tên)
HỘI TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ
TỈNH HỘI PHẬT GIÁO THỪA THIÊN
Thượng Tọa THÍCH THIỆN SIÊU (ký tên)
— — — oOo — — —
Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam 1963-2013 – Quang Mai đả tự và trình bày theo:
– Nguyên văn tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của tác giả Tuệ Giác. "Giấy cho phép xuất bản" số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ – Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Tu từ, hiệu chỉnh văn phạm, chính tả: Tham khảo di cảo của Cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận: CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM NĂM 1963.
612 lượt xem
Tin khác
Sáng ngày 7-6-2023, đại diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam vân tập về Tổ đình Quán Thế Âm (số 90, đường Thích Quảng Đức,…
– ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2567 – LỄ TƯỞNG NIỆM 60 NĂM PHÁP NẠN PHẬT GIÁO VIỆT NAM. – LỄ RƯỚC PHÁP TẠNG THANH VĂN Tổ chức ngày 14,4. L…
Trong Tuần Lễ Phật Đản PL.2567 và dịp Tưởng Niệm 60 Năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (Quý Mão-1963 – Quý Mão-2023), sáng ngày 28/5/2023 Chư Tôn Đức Hội…
Sáu mươi năm trôi qua, với những thăng trầm và những oan khiên lịch sử, cùng với những phân hóa sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội; ngọn đèn Chánh Pháp vẫn âm thầm soi sáng hướng đi cho những người con Phật trong những đêm tối của lịch sử…