"TÀI LIỆU GIẢI THÍCH" dưới đây của Văn Phòng 5 Cấp Trị Sự Phật Giáo: Toàn Quốc – Trung Phần và Thừa Thiên (Huế) về những sự việc xảy ra trong ngày lễ Phật Đản năm 2507 nhằm minh định lập trường cuộc vận động đòi bình đẳng tín ngưỡng và tự do tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam đồng thời để ngăn ngừa những sự vụ có tính cách vu khống, xuyên tạc với dụng ý ngăn cản cuộc tranh đấu chính nghĩa của Phật Giáo Việt Nam.

— oOo —

Nhân các sự việc đã xảy ra trong ngày Phật Đản tại Huế, một số đồng bào đã hoang mang trước sự xuyên tạc, vu khống của một số người thiếu thiện chí. Chúng tôi nhận thấy cần phân tích rõ ràng, để tránh sự xuyên tạc có hại.

I/ Động cơ của sự việc:

Như mọi Phật Tử đều rõ, từ nhiều năm nay, Phật Giáo Đồ nằm trong tình trạng bị đàn áp, bị đối xử bất công và bị ngược đãi. Sự thật trăm phần trăm ấy, dầu có che dấu đến đâu, ai cũng hiểu! Nào cảnh đàn áp các Phật Tử ở Dinh Điền cao nguyên; nào những vụ khủng bố, bắt bớ quy mô ở Phú Yên; nào sự bạo hành ở Quảng Ngãi, Bình Định v.v…

II/ Sự việc xảy ra:

Trước sự kiện như vậy, Phật Giáo đã bị đặt trong tình trạng bắt buộc phải tranh đấu cho lý tưởng tín ngưỡng của mình – đã được minh định trong hiến pháp – bằng một cách ôn hòa, kỷ luật. Trong sự tranh đấu hợp lý, hợp tình đó chưa được giải quyết, thì máu đã chảy, nhân mạng đã bị hy sinh: 8 người đã bỏ mình vì Chính Pháp và nhiều người bị thương trong khi đi nghe một buổi truyền thanh Phật Giáo tại Đài Phát Thanh Huế. Ai đã giết những người vô tội đó? Quá rõ ràng. Dầu có quanh co bưng bít đến đâu, cũng không thể che dấu được sự thật của hàng vạn người chứng kiến một cách đau lòng cảnh tượng dã man ấy! Và chính vì thái độ bưng bít không quân tử chút nào đó, là nguyên nhân của mọi sự xấu xa khác: Những kế hoạch vu khống; những hành động dã man, vô kỷ luật có tổ chức được tung ra. Những đoàn thanh niên đi khắp thành phố đánh đập tàn nhẫn kẻ đi đường bất kể già trẻ trước cặp mắt thờ ơ vô trách nhiệm của các cơ quan công lực, gây thương tích cho một số đồng bào! Hành động này là một tố cáo rõ rệt nhất, dầu có quanh co chối cãi đến đâu! Trong khi ấy, dầu phẫn uất đến cực độ, Phật Giáo Đồ đã tuân thủ kỷ luật, giữ một thái độ ôn hòa, bất bạo động.

III/ Những kế hoạch xuyên tạc:

1. Một thông cáo được tung ra sau vụ tàn sát ở Đài Phát Thanh, nhắm mục đích đánh lạc vấn đề, trốn tránh trách nhiệm: Nào đồng bào Phật Giáo bạo động – Việt Cộng lợi dụng đặt chất nổ!

Nhưng họ chối cãi sao được trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người kể cả những người ngoại quốc theo dõi sự việc… Một giáo sư đại học Huế, bác sĩ Erich Wulff, người Tây Đức đã than: "Theo dõi công cuộc xảy ra ở Đài Phát Thanh, tôi có cảm tưởng như đang sống trong thời kỳ Trung Cổ, một thời kỳ dã man nhất của những kỳ thị ở Âu Châu".

2. Những tài liệu học tập của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia liên tục vu khống cho Phật Giáo, họ gây sự hoang mang cho dân chúng Phật Tử:

– Đổ lỗi cho Phật Tử bạo hành, đả kích Chính Phủ.

– Lợi dụng Phật Tử để biểu tình v.v… và tiếp theo là những giải pháp khủng bố dân chúng như:

a) Tổ chức đánh đập, hăm dọa, biểu tình v.v… mục đích lái dân chúng phản đối lại Phật Tử.

b) Đặt chúng ta trước một tình trạng bất hợp pháp, để chính quyền ra tay trừng trị.

c) Tạo cơ hội để phủ nhận những nguyện vọng chính đáng và hợp lý nhất của Phật Giáo Đồ đã được ghi nhận trong Bản Tuyên Ngôn ngày 10-5-1963.

IV/ Thái độ của chúng ta:

Như mọi người đều hiểu là Phật Tử chúng ta luôn luôn trung thành với tôn chỉ từ bi của đạo Phật, lấy sự tu thân hành đạo làm nghĩa vụ chính yếu của mình – điều đó không ai không rõ. Nhưng không phải vì vậy, mà Phật Giáo Đồ chúng ta thản nhiên tạo cơ hội cho một số người lợi dụng quyền hành để gây mãi tang tóc cho Phật Tử, phá hoại nền đạo giáo nghìn xưa của ông bà, dân tộc ta. Từ nhiều năm nay chúng ta đã liên tục chịu đựng không biết bao nhiêu đau đớn, thiệt thòi (những tài liệu, bằng cớ về những vụ bất công này đã được gửi đến Quốc Hội và Chính Phủ từ trước). Mặc dầu vậy, chúng ta không được sự trả lời nào và tình hình vẫn không được cải thiện. Trong khi chúng ta vẫn ẩn nhẫn chờ đợi, thì một công điện số 9195 ngày 6-5-63 của Văn Phòng Tổng Thống, bắt buộc đồng bào Phật Tử phải hạ Phật kỳ trong ngày cúng dường Phật Đản.

Công điện ấy đã phản ảnh những gì? Chúng ta treo cờ để kỷ niệm ngày đản sinh của đức Thế Tôn có lợi cho Việt Cộng chăng? Có phương hại đến uy tín quốc gia chăng? Tại sao lại triệt hạ nhân ngày Phật Đản? Hành động này có lợi cho ai? Và do động cơ nào thúc đẩy? Tại sao trong lúc quốc gia lâm vào cảnh huống khó khăn; tại sao trong khi đề cao quốc sách đánh giặc chia rẽ lại hành động mâu thuẫn? Tại sao quyền lợi tinh thần của hằng chục triệu người lại đặt vào sự quyết định bằng công điện? Hằng mấy chục vạn anh em binh sĩ Phật Tử đã hy sinh cho quốc gia để bảo vệ tín ngưỡng của mình đã đi đến đâu? Anh em thanh niên, sinh viên và công chức Phật Tử, đã đóng góp mồ hôi và xương máu, mà kể cả quyền lợi về tinh thần lý tưởng cũng bị chà đạp một cách quá đáng như vậy? Do những sự kiện trên, người Phật Tử không phân biệt Tăng hay Tín Đồ, Quân hay Dân, bị bắt buộc đứng lên đòi hỏi một chính sách chính đáng, mà trong đó, có công bình tín ngưỡng và công bình xã hội. Sự tranh đấu của chúng ta hoàn toàn nằm trên địa vực lý tưởng tôn giáo và công bình xã hội, không nhắm đánh đổ hay chống đối bất cứ một cá nhân, tôn giáo hay tổ chức nào. Chúng ta lại càng không thiết nghĩ đến vấn đề quyền lợi, một nguyên nhân gây ra tranh giành tang tóc hiện nay!

V/ Những nguyện vọng của chúng ta đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn ngày 10-5-1963:

1. Cờ Phật Giáo phản ánh và tượng trưng cho tinh thần của đức Phật, cho lý tưởng cao cả của Phật Giáo Đồ nằm hoàn toàn trong địa vực tín ngưỡng. Vì lẽ ấy, không thể nói rằng tự do tín ngưỡng mà lại triệt hạ những điều quan trọng của tín ngưỡng được. Treo cờ Phật Giáo trong những ngày lễ Phật, không thể cho đó là xâm phạm đến uy tín của quốc gia. Một quốc gia mạnh mẽ là khi nào phản ánh và trung thành với quyền lợi của dân tộc, mà trong đó có quyền lợi của tín ngưỡng! Cờ Phật Giáo đã được treo khắp trong các nước có Phật Giáo, nhất là các nước Á Đông. Vì lẽ đó nguyện vọng duy nhất và cương quyết của Phật Giáo Đồ là cờ Phật Giáo không thể bị triệt hạ.

2. Phật Giáo, một nền tín ngưỡng cổ truyền có hàng ngàn năm lịch sử, thế mà chúng ta phải hoạt động coi như một hiệp hội, được quy định bởi đạo Dụ số 10 lập ngày 6-8-1950, đặt ngang hàng với các hiệp hội khác, như hiệp hội thương mãi, thể thao v.v… do đó, đã hạn chế, gò bó một cách quá đáng đối với sự truyền bá Chính Pháp của chúng ta, trong khi đó thì điều 44 của đạo Dụ này lại có chế độ đặc cách cho Thiên Chúa Giáo, Gia Tô Giáo. Do đó, chúng ta đòi hỏi cho kỳ được vị trí của một tôn giáo xứng đáng của dân tộc, không thể bị ràng buộc bởi những nguyên tắc pháp lý thời đại dành riêng cho một hiệp hội!

Điều thứ 3 và thứ 4 của Bản Tuyên Ngôn nêu rõ nguyện vọng của chúng ta đòi hỏi một sự đối xử công bình, chấm dứt sự bất công, bắt bớ và cản trở sự truyền đạo của chúng ta như từ trước đến nay. Nhà cầm quyền có thể viện cớ rằng đó là hành động cục bộ, cá nhân! Song tại sao hành động cục bộ và cá nhân ấy được tiếp diễn và dung dưỡng nhiều năm? Tại sao nhà cầm quyền không trừng trị những kẻ lợi dụng quyền hành đó, mặc dầu chúng ta đã nhiều lần gởi lên sự khiếu nại? Ai chịu trách nhiệm về an ninh, sinh mệnh và quyền tự do tín ngưỡng của dân, nếu không phải Chính Phủ hiện đương? Nhiều tài liệu đã được học tập, cho rằng Chính Phủ không chủ trương mà kẻ cán bộ thừa hành của Chính Phủ gây nên mà thôi, thì thật là một điều khó hiểu! Người ta có thể xóa đi một câu văn, bôi nhem một đoạn chữ, song người ta làm sao chối cãi được những thực trạng phũ phàng tiếp diễn trong nhiều năm, đã in quá đậm trong thâm tâm mọi người! Vì lẽ đó, chúng ta cương quyết đòi nhà cầm quyền phải chấm dứt ngay tình trạng bất công, tội lỗi đó.

3. Và cuối cùng nguyện vọng của chúng ta, là chính quyền sở tại phải đền bồi xứng đáng cho những người đã bị giết oan, và kẻ đã giết và ra lệnh giết những người vô tội phải thú nhận, nghiêng mình trước những anh hồn đau khổ, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cứu vãn cho họ.

VI/ Tổng kết:

Qua những điều kiện trên chúng ta xác nhận lại lần nữa là mục đích tranh đấu của Phật Giáo Đồ hoàn toàn được quy định trong Hiến Pháp, nằm trong địa vực tôn giáo với những phương tiện ôn hòa, kỷ luật, bất bạo động. Một sự tranh đấu hợp pháp, hợp lý và thích nghi với những mục tiêu chính đáng đó chúng ta nguyện thực hiện cho kỳ được dẫu cho cần phải hy sinh lao khổ.

Phật Giáo Đồ chúng ta hãy xiết chặt nhất trí triệu người như một để sẵn sàng tranh đấu cho quyền lợi của Chính Pháp, kể cả quyền lợi của dân tộc. Sáng suốt đề phòng sự khiêu khích, xuyên tạc và không nói gì, làm gì, nghĩ gì có phương hại cho nền đạo đức dân tộc và làm sứt mẻ sự tranh đấu hữu lý hiện nay của chúng ta.

Trích dịch báo "LE MONDE" ngày 16/5/1963.

— oOo —

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam 1963-2013 – Quang Mai đả tự và trình bày theo di cảo của Cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận: CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM NĂM 1963.

807 lượt xem