Tự do tín ngưỡng, công bằng & bình đẵng trong xã hội

Bất cứ quốc gia nào trên hành tinh nầy kể cả các quốc gia cộng sản, tín ngưỡng (niềm tin tôn giáo) vẫn là chỗ y nương về tinh thần của tuyệt đại đa số quần chúng. Nói tóm lược, tôn giáo nào cũng có tôn chỉ, mục đích đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho tín hữu. Có khác nhau chăng là con đường hành hoạt như thế nào để đạt được sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại.

Riêng đối với Phật Giáo, thế giới ta đang sống được gọi là cỏi Ta Bà, có nghĩa chuyện gì cũng có thể xảy ra, từ tốt đến xấu, hạnh phúc và khổ đau, tất cả đều không ngoài nhân quả nghiệp báo mà hình thành. Quốc độ ta đang ở thuộc dạng UẾ ĐỘ chứ không phải TỊNH ĐỘ nên cảnh xốn xang bất như ý hiện hữu lan tràn chẳng nên phiền trách.

Tuy nhiên vạn vật chuyển biến trong vô thường đều có nhân duyên sinh khởi cả, các nhà chính trị, các nhà tôn giáo quán biết như vậỵ mới có thể vạch đường lối, chính sách, phương pháp tu trì đạt hiệu quả. Đạo Phật chủ trương: “TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU BÌNH ĐẴNG TRƯỚC GIÁO LÝ CỦA PHẬT”. Đạo Phật không đấu tranh cho sự tồn tại của chính mình mà là cho sự tồn tại của dân tộc và nhân loại.

Trong những năm Pháp Nạn và vài năm trước đó, ngày ấy chỉ có Thiên Chúa Giáo là được tự do truyền đạo và hành đạo như một tôn giáo, các tôn giáo khác sinh hoạt như các hội đoàn phụ nữ, nông dân, hội nuôi chim cá – cây cảnh như luật pháp thời bấy giờ quy định (Dụ số 10). Do đó quý ngài lãnh đạo Phật Giáo đã đưa ra 5 tiêu chí đấu tranh bất bạo động như sau:

1. Chủ trương hành động hòa bình, bất bạo động đi đến thắng lợi.

2. Không đánh đổ chánh phủ mà đòi hỏi cải thiện chánh sách. Không đặt bất cứ tôn giáo nào làm đối tượng, chỉ nhằm mục đích công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo.

3. Ý chí và nguyện vọng chính là:

a) Cờ Phật Giáo thế giới, Phật Tử được quyền treo lên tại tư gia vào các ngày lễ của Phật Giáo.

b) Sửa điều 44 của Đạo Dụ số 10. Sửa rằng: “Chế độ đặc biệt cho các tôn giáo trong đó có Phật Giáo. Đặt các tôn giáo và các hội tôn giáo trong đó có Phật Giáo ra ngoài sự hạn chế hiệp hội của Đạo Dụ số 10". Như vậy tín đồ Phật Giáo đòi hỏi công bình tôn giáo trong khuôn khổ công bình xã hội.

4. Chấm dứt thái độ và hành động khiêu khích, ngược đãi, trả thù, vu khống v.v…

5. Mục tiêu “công bình sâu rộng” được diễn giải ra cách nói: ’’Công bình xã hội, trong đó có công bình tôn giáo” là chủ trương sâu rộng, có tính cách tổng quát.

Ngày 10-5-1963, năm cấp trị sự toàn quốc đã triệu tập một cuộc metting đại quy mô. Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đã đưa ra một bản tuyên ngôn như sau:

BẢN TUYÊN NGÔN CỦA TĂNG, TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Đã nhiều ngàn năm, Tăng và Tín Đồ Phật Giáo thế giới cũng như trong nước đã trung thành với tôn chỉ: Từ bi, vị tha và chân thật của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Do đó, Phật Giáo đến đâu, đều đem lại một không khí an lành ở đó. Điều ấy lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng… Vì vậy, từ nhiều năm nay, Phật Giáo Đồ đã bị khủng bố, đàn áp khắp nơi, chúng tôi vẫn nhẫn nhục, đương nhiên không phải hèn yếu, mà vì ý thức được những nổi khổ đau, tang tóc của hoàn cảnh dân tộc ta hiện tại. Nhưng đau đớn thay, một số đã lợi dụng quyền hành gây ra không biết bao nhiêu tang tóc đối với Tăng và Tín Đồ Phật Giáo khắp trong nước, đối xử một cách bất công với một tôn giáo có hằng nghìn năm lịch sử của dân tộc từ hành động này đến manh tâm khác, thậm chí đã chà đạp lên quyền lợi thiêng liêng nhất của Phật Giáo Đồ: Cờ Phật Giáo quốc tế bị triệt hạ. Quyết định này đã trái với hiến pháp và ngang nhiên vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Trước những hành động bất công đó, Tăng và Tín Đồ khắp cả trong nước, chúng tôi bắt buộc phải đứng dậy tranh đấu cho lý tưởng của mình.

Sự kiện xảy ra 3 ngày nay chính phản ảnh tinh thần đó. Máu đã chảy, nhân mạng đã hy sinh. Một lần nữa, chúng tôi cương quyết đệ đạt nguyện vọng này lên Chính Phủ, yêu cầu thực thi các điểm:

1. YÊU CẦU CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA THU HỒI VĨNH VIỄN CÔNG ĐIỆN TRIỆT GIÁO KỲ CỦA PHẬT GIÁO.

2. YÊU CẦU PHẬT GIÁO PHẢI ĐƯỢC HƯỞNG MỘT CHẾ ĐỘ ĐẶC BIỆT NHƯ CÁC HỘI TRUYỀN GIÁO THIÊN CHÚA ĐÃ ĐƯỢC GHI TRONG ĐẠO DỤ SỐ 10.

3. YÊU CẦU CHÍNH PHỦ CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG BẮT BỚ, KHỦNG BỐ TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO.

4. YÊU CẦU CHO TĂNG, TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO ĐƯỢC TỰ DO TRUYỀN ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO.

5. YÊU CẦU CHÍNH PHỦ ĐỀN BỒI MỘT CÁCH XỨNG ĐÁNG CHO NHỮNG KẺ BỊ GIẾT OAN VÔ TỘI VÀ KẺ CHỦ MƯU GIẾT HẠI PHẢI ĐỀN BỒI ĐÚNG MỨC.

Những điểm trên đây là những nguyện vọng tối thiểu và thiết tha nhất của toàn thể Tăng và Tín Đồ Phật Giáo trong nước.

Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào nguyện vọng hợp lý trên được thực hiện. 

Phật lịch 2507. Huế ngày 10 tháng 5 năm 1963

HỘI CHỦ TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Hòa Thượng TƯỜNG VÂN

(Cùng 4 cấp Trị Sự Trung Phần và Thừa Thiên ký đồng ký tên)

Đến đây ta thấy xu hướng phẫn uất trong quần chúng dâng cao, các nhà lãnh đạo Phật Giáo thể hiện tinh thần trách nhiệm vãn hồi trật tự, an toàn xã hội, hạ nhiệt phẫn nộ chứ không nhằm kích động quần chúng. Chính vì thế mà phong trào bảo vệ chánh pháp song song với đòi hỏi cải thiện chánh sách là phù hợp với tinh thần tự do, dân chủ và công bằng, bình đẳng để xây dựng một xã hội tiến bộ. Đó là sở nguyện của toàn dân. Lịch sử đã chứng minh việc bạo hành tôn giáo luôn luôn dẫn đến những thất bại ê chề và luôn bị lịch sử nhân loại lên án.

Các nhà lãnh đạo chánh trị hãy tránh những bài học sai lầm mang dấu ấn khá sâu sắc về phương diện lịch sử nầy./.

THỊ NGUYÊN

772 lượt xem