CUỘC BIỂU TÌNH TRƯỚC TƯ DINH ĐẠI SỨ HOA KỲ

Thông bạch của Đại Lão Hòa Thượng Tịnh Khiết được ban hành ngày 15.7.1963, thì chiều ngày 16.7.1963, khoảng trên 150 vị Tăng Ni tổ chức biểu tình trước tư dinh Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam (ở thủ đô Sài Gòn) để yêu cầu ông Đại sứ ủng hộ cuộc đấu tranh bất bạo động đòi hỏi thực thi 5 nguyện vọng chính đáng của Phật Giáo Đồ Việt Nam đã kéo dài hơn 10 tuần lễ qua. Đoàn biểu tình đã trương cờ và biểu ngữ kêu gọi Hoa Kỳ và các nước bạn Việt Nam Cộng Hòa, các nước trong Thế giới Tự do thuyết phục Chính phủ Ngô Đình Diệm thi hành đúng đắn bản Thông Cáo Chung đã ký kết ngày 16.3.1963.

Trước cuộc biểu tình này, tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, ngày 15.7.1963 – tức là ngay trong ngày ban hành Thông bạch – chư Tăng Ni, Phật Tử, kể cả các vị lãnh đạo phong trào trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực đợt thứ 2.

Biểu tình trước tư dinh Đại sứ Hoa Kỳ.

CUỘC BIỂU TÌNH TỪ CHÙA GIÁC MINH:

Rạng sáng ngày 17.7.1963, từng đoàn Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo tại các vùng lân cận tập trung đến chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn để đi viếng thăm quý Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni đang tuyệt thực tại chùa Xá Lợi. Đoàn người kéo về mỗi lúc một đông; cùng lúc ấy từng đoàn xe chở các lực lượng võ trang gồm cảnh sát chiến đấu, công an, mật vụ đổ bộ xuống con đường Phan Thanh Giản.

Không khí trong chùa vẫn bình lặng. Đúng 8g30′, sau khi được sự thỏa thuận của vị Đại Đức đại diện Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo [tại chùa Giác Minh], đoàn Tăng Ni, Phật Tử bắt đầu xuất phát ôn hòa với biểu ngữ: “Chúng tôi đi thăm thầy chúng tôi đang tuyệt thực để đòi hỏi thực thi bản Thông Cáo Chung”.

Đoàn người lúc bắt đầu đi thì chỉ có hơn 1.000 người và chỉ trương một biểu ngữ duy nhất nói trên. Bị phong tỏa, họ đã vượt qua được sức cản trở của mấy lớp rào cảnh sát. Quần chúng Phật Tử hai bên đường bắt đầu vượt các trở ngại gia nhập vào đoàn người ngày càng đông. Cuộc viếng thăm đã biến thành cuộc biểu tình tuần hành. Những biểu ngữ liên tiếp được trương lên:

– Chúng tôi đã bị lường gạt quá nhiều.
– Cờ Phật Giáo phải là cờ của tất cả Phật Giáo Đồ.
– Yêu cầu Chính Phủ giữ đúng lời thành tín đã hứa.

Đoàn biểu tình bị cản lại bởi những lớp rào kẽm gai, lớp cảnh sát, công an, mật vụ võ trang, lớp xe cứu hỏa và xe cộ khác… Họ đã cố gắng mấy lần phá vỡ được những hàng rào dây kẽm gai để tiến tới, nhưng phần vì lớp kẽm gai quá kiên cố được thiết lập dàn ra phía sau những chiếc xe cứu hỏa với lực lượng cảnh sát, mật vụ được huy động đến quá đông đảo được trang bị đầy đủ, đằng đằng sát khí; phần nữa vì tôn trọng tinh thần “bất bạo động” của Thông bạch và các lãnh đạo Phật Giáo, nên họ đã dừng lại theo lời đề nghị của Đại Đức Thích Quảng Độ – người điều động cuộc tuần hành – yên tĩnh ngồi xuống mặt đường đồng thanh niệm Phật. Đoàn người lúc bấy giờ chỉ mới cách chùa Giác Minh 500m.

Trong lúc này các toán võ trang luôn lợi dụng sự hiền hòa của đoàn người, thừa cơ hoặc hành hung, hoặc dùng xe ủi một Tu sĩ, hoặc uy hiếp, cướp máy chụp hình, máy quay phim của các Tu sĩ, Phật Tử và Thông tín viên.

Sau nửa giờ niệm Phật, quần chúng Phật Tử lặng yên nghe Đại Đức Thích Quảng Độ, hướng dẫn tinh thần cuộc biểu tình, đứng lên giải thích rõ ràng về cuộc vận động của Phật Giáo. Dùng loa phóng thanh, Đại Đức chậm rãi nói về chính nghĩa của cuộc tranh đấu cũng như cuộc tuyệt thực đợt 2 của Tăng Ni và Tín đồ toàn quốc. Từ hai đầu đường Phan Thanh Giản và các đường phố lân cận như Nguyễn Thiện Thuật… quần chúng đều đứng lại lắng nghe. Cửa sổ trên những tầng lầu đều được mở ra, đồng bào xuất hiện trên sân thượng các nhà hai bên khu phố để nghe Đại Đức thuyết trình. Lực lượng cảnh sát dùng loa microphone hòng che lấp lời giải thích, nhưng chùa Giác Minh đã dùng máy khuyếch đại thanh khá mạnh đáp trả hữu hiệu, lời giải thích của Đại Đức Quảng Độ vẫn nghe rất rõ.

Đúng 10 giờ, hàng dây kẽm gai mở ra, Đại Đức Thích Quảng Liên được một xe chở tới yêu cầu giải tán. Song quần chúng Phật Tử kiên trì giữ vững lập trường, cam chịu mọi sự đàn áp nếu nguyện vọng của họ không thành tựu.

10g15′, tiếng niệm Phật vẫn đều đều, nhưng vào 10g30′, cuộc đàn áp thật sự bắt đầu…

Từng lớp người võ trang xô vào cướp giật biểu ngữ, xô đẩy, hành hung đoàn biểu tình yếu thế. Tăng Ni và những người điều động cuộc tuần hành bị tấn công bằng báng súng và gậy gộc trước sự chứng kiến của giới báo chí, Thông tín viên, Quan sát viên quốc nội và quốc tế cùng hằng ngàn Phật Tử, dân chúng bên đường. Tiếng la hét của phụ nữ và trẻ em vang dậy. Nhiều vị Tăng, Ni bị đánh ngã quỵ. Nhiều vị khác bị bắt liệng lên xe cảnh sát chở đi.

Bị đàn áp quá dữ dội, đoàn biểu tình mất bình tĩnh không chịu nổi đã từ từ rút lui về chùa Giác Minh và chùa Từ Quang sát cạnh không kháng cự. Cảnh sát đuổi theo sát họ đến cổng chùa Giác Minh. Và khi Phật Giáo Đồ vừa yên lặng trong chùa, một hàng rào kẽm gai lập tức được thiết lập chắn kín cổng chùa Giác Minh và Từ Quang, mở đầu cho cuộc phong tỏa trên 600 Tăng Ni, Phật Tử bị cô lập trong chùa 54 giờ đồng hồ với bao sự đe dọa và thiếu thốn nhu cầu sinh hoạt thử thách ý chí, tinh thần bảo vệ đạo pháp của họ.

CUỘC BIỂU TÌNH TUẦN HÀNH TỪ CHÙA XÁ LỢI:

Cũng vào sáng ngày 17.7.1963, đúng 8g15′, gần 400 Tăng Ni tập họp tại chánh điện chùa Xá Lợi. Sau khi lễ Phật và mặc niệm trước bảo điện, vị đại diện Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ngõ lời ngắn gọn rồi đoàn Tăng Ni sắp hàng tuần tự tiến ra đường Bà Huyện Thanh Quan, qua đường Lê Văn Thạch, rẽ lên đường Nguyễn Thông, Ngô Thời Nhiệm, Lê Văn Duyệt, và thẳng hướng về chợ Bến Thành.

Trên lộ trình, đoàn diễn hành gặp nhiều trở ngại như  hàng rào kẽm gai, các đội công lực tìm đủ mọi biện pháp đẩy lui, nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua trở ngại tiến được về tập hợp gần đông đủ tại vườn hoa trước cửa Nam chợ Bến Thành, chỉ trừ khoảng trên 10 vị chạy sau bị nhân viên công lực bắt lại.

Cuộc diễn hành này, nhờ yếu tố tốc hành bất ngờ, đã làm cho các lực lượng cảnh sát đối phó không kịp trong bước đầu. Đến khi các lực lượng võ trang được huy động đầy đủ, thì đa số chư Tăng Ni đã đến được địa điểm định trước là chợ Bến Thành. Tại đây, một biểu ngữ được quý Tăng Ni trương lên: “Yêu cầu Chánh Phủ thực thi bản Thông Cáo Chung”. Lập tức vòng đai cảnh sát chiến đấu xiết chặt, buộc chư Tăng Ni hạ cờ Phật Giáo và biểu ngữ xuống, nhưng Tăng Ni không ai tuân lệnh, họ cương quyết không hạ.

Lúc này các lực lượng cảnh sát chiến đấu đã bao vây quanh đám biểu tình dưới quyền chỉ huy của ông Trần Văn Tư – Giám đốc Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Vị đại diện Tăng Ni đứng lên yêu cầu được nói về mục đích của cuộc biểu tình diễn hành. Ông Trần Văn Tư ra lệnh cho vị đại diện chỉ được nói trong ba phút, ông nói: “Mau lên để chúng tôi còn thi hành nhiệm vụ”.

Vị đại diện Tăng Ni tuyên bố:

“Chúng tôi đến đây để tỏ cùng quốc dân đồng bào biết rằng: Bản Thông Cáo Chung đã ký kết hơn tháng nay nhưng Chính phủ đã không thực thi nghiêm chỉnh mà còn dùng đủ mọi cách để khủng bố, bao vây, bắt bớ, xuyên tạc Phật Giáo Đồ.”

Lúc này, đồng bào trong chợ đã đổ xô ra rất đông, và từ các ngả đường quần chúng cũng kéo tới chật ních. Tuyên bố xong, vị đại diện yêu cầu nhân viên công lực giải tỏa để cho Tăng Ni được tự do đi về chùa Xá Lợi trong trật tự, nhưng viên Giám đốc Cảnh Sát nhất quyết từ chối, và ra lệnh cho thuộc cấp thi hành cái gọi là “dùng biện pháp thích nghi” để ngăn chặn cuộc diễn hành trở về chùa Xá Lợi mà ông biết là sẽ vô cùng đông đảo.

Trong khi chờ đợi sự giải tỏa của cảnh sát, các vị Tăng Ni ngồi xuống đất bắt đầu niệm Phật. Do dự vài giây trước đoàn người tay không thản nhiên ngồi chắp tay tuyên Phật hiệu, cuộc đàn áp bắt đầu…

Nhân viên công lực võ trang xông ập vào đánh đập, đấm đá, và cứ 2, 3 người tóm 1 nhà tu liệng lên xe bịt bùng trong khi chư Tăng, Ni chống cự lại bằng cách quàng lấy tay nhau từng chuỗi dài để bảo vệ nhau. Tình thế trở nên hỗn loạn!

Sau những phút đầu bất lực và nhận thấy cuộc đàn áp xảy ra trước mặt quần chúng đông đảo như vậy là không hay, viên Giám đốc Cảnh sát thay đổi sách lược. Ông ra lệnh ngừng sự bắt ép, rồi đích thân tới bắt tay vị đại diện Tăng Ni điều đình: “Tôi lấy danh dự cá nhân và tư cách đại diện Chính phủ, xin thề với ông rằng: Chúng tôi sẽ đưa các ông về chùa Xá Lợi”.

Thấy cuộc biểu tình đã đạt được kết quả và chư Tăng Ni nhiều người đã bị mất sức; thêm nữa tuy sẵn lòng tin thì ít, nhưng thấy vị Giám đốc Nha Cảnh Sát, nhân viên cao cấp của Chính phủ, một người biểu hiện cho đức “thành tín” đối với quốc gia, đã lấy danh dự mà hứa sẽ chở chư Tăng Ni về chùa bằng xe cảnh sát, vị đại diện bằng lòng và Tăng Ni lần lượt lên xe.

Đoàn xe chuyển hướng chạy về đường Trần Hưng Đạo, Đồng Khánh trước hằng vạn con mắt của đồng bào ngơ ngác nhìn theo… Tăng Ni trên xe hoài nghi kêu cứu ầm ĩ, song vẫn hy vọng ngã đường này vẫn còn có thể về chùa Xá Lợi. Nhưng những chiếc xe này khi đến ngã tư Tổng Đốc Phương, thay vì chạy về chùa Xá Lợi, lại rẽ hướng về Lục Tỉnh. Đến đây Tăng Ni biết mình đã bị lừa gạt, tập trung đập cửa xe rầm rầm; các vị ngồi trước người lấy chân đạp thắng xe, người gạt tay lái cho xe đâm vào lề đường; nhiều vị mở cửa xe lao mình xuống đường khi xe đang chạy với tốc độ rất nhanh. Thấy vậy, các xe cây của cảnh sát buộc phải ngừng lại. Tất cả Tăng Ni nhào xuống xe tập hợp lại thành một khối giữa công lộ.

Bấy giờ, cảnh sát, kẽm gai, xe cây lại bao vây họ chặt chẽ hơn trước. Hai vị Cảnh sát trưởng đến gần chư Tăng Ni, tự xưng là đại diện ông Giám đốc Cảnh sát, hứa “lần này chúng tôi sẽ lấy xe công lực chở quý ông về chùa Xá Lợi”. Sợ sẽ bị lừa gạt lần nữa như vừa rồi, Tăng Ni nhất quyết từ chối, chỉ yêu cầu được tự do đi bộ về chùa. Họ ngồi xuống đất để đòi hỏi sự giải tỏa của lực lượng cảnh sát. Nhưng cảnh sát không giải tán. Vài lời giằng co qua lại giữa viên đại diện chính quyền và vị đại diện Tăng Ni chưa đi đến đâu thì bổng nhiên cảnh sát chiến đấu được lệnh xông vào đàn áp.

Cuộc đàn áp lần này xảy ra khốc liệt gấp mấy lần trước nhiều: Chư Tăng Ni bị đánh đập, đấm đá, bóp họng, thoi túi bụi vào chỗ hiểm… Quần chúng ở đây không đông đảo như ở chợ Bến Thành và giới báo chí không có mặt, vì vậy chư Tăng, Ni bị hành hung một cách tàn nhẫn và quăng ném lên xe như những con thú vật.

Trong lúc Tăng Ni đang bối rối thì đoàn xe đã phóng nhanh về hướng ngoại thành…

TĂNG NI BỊ GIAM GIỮ TẠI NGHĨA ĐỊA PHÚ LÂM:

Các xe cảnh sát chở đầy Tăng, Ni phóng nhanh khỏi thành phố đến chùa Hoa Nghiêm ở An Dưỡng Địa, một khu nghĩa địa lớn nằm giữa khoảng đồng trống miệt Phú Lâm. Tại đây cảnh sát, công an đã túc trực và dây kẽm gai đã được giăng sẵn thành hàng rào bốn phía không rõ từ lúc nào.

Tất cả Tăng, Ni đều bị cô lập tại đây. Sau 2 lần đàn áp, có trên 20 vị mình đầy máu me, quần áo tơi tả nằm vật vã khắp dưới hiên nhà, bãi cỏ, nhà mồ của khu nghĩa địa, trong đó có 3 người đang cơn hấp hối.

Chiều đến, lực lượng bố phòng càng được tăng cường hùng hậu và chặt chẽ hơn.

Vào khoảng nửa đêm hôm ấy (17.7.1963), nhân viên công lực võ trang, súng ống cầm tay đột nhập vào phòng chư Tăng Ni, bắt các Tăng sĩ Việt gốc Miên ra xe để xét hỏi, điều tra lý lịch và tra vấn ai là người xúi giục họ đi biểu tình. Cũng đêm ấy, họ sục sạo bao nhiêu lần khắp các phòng để tìm gặp các vị đại diện Tăng Ni, không biết để làm gì.

Chiều ngày hôm sau, 18.7.1963, nhân viên công quyền đến bắt Tăng Ni đi khai lý lịch, in dấu vân tay và chụp hình. Họ bảo đó là thủ tục thông thường phải làm trước khi trả tự do, và hứa là vào ngày mai họ sẽ mời Ủy Ban Liên Phái đến để trao trả chư Tăng Ni về chùa Xá Lợi.

Trưa ngày 19.7.1963, đột nhiên nhiều xe cảnh sát được đưa tới và cảnh sát đòi chở Tăng Ni về các chùa, nhưng vì không thấy có vị đại diện nào của Ủy Ban Liên Phái, chư Tăng, Ni theo lời yêu cầu của vị đại diện Tăng Ni không chịu lên xe, cương quyết ở lại chờ lệnh.

Thế rồi, ngoài đường thêm dây kẽm gai, trong vòng rào tăng cường nhân viên công quyền; cứ cách vài giờ ông Võ Văn Phi, một đại diện của chính quyền, lại vào hỏi vị đại diện Tăng Ni đã thay đổi lập trường chưa? Nhưng Tăng Ni vẫn trước sau không có gì thay đổi, họ vẫn cam chịu hy sinh, sống một cách kham khổ chờ đợi Ủy Ban Liên Phái.

Trong 4 ngày trời ở đây, họ được cấp chỉ 400kg gạo, vài lọ tương, chao, 10 hộp sữa đặc có đường, một ít rau muống, một gói trà nhỏ và 3 cái soong nấu cơm; còn chiếu là những mảnh giấy, vỏ bao ciment, giường là nền nhà, gối là viên gạch, mền là những tấm áo cà-sa đã rách rưới sau các đợt đàn áp… Trong suốt thời gian bị giam giữ, họ không được đọc báo, không được nghe tin tức trên đài phát thanh và tuyệt đối cấm thân nhân, Tín đồ thăm viếng.

Sáng 20.7.1963, tất cả những hàng rào giây kẽm gai và lực lượng phong tỏa khu An Dưỡng Địa đột nhiên biến mất. Liền đó, ông Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng Công Dân Vụ và ông Trần Văn Tư, Giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia xuất hiện với một đoàn báo chí Việt Nam và ngoại quốc. Trước mặt các ký giả và nhiếp ảnh viên, viên Giám đốc Cảnh Sát lớn tiếng giải thích tại sao đã có lời Hiệu triệu của Tổng thống rồi mà vẫn giam giữ Tăng Ni tại đây; tại sao bắt Tăng Ni phải khai lý lịch v.v… ông Trần Văn Tư viện lẽ rằng sở dĩ như vậy là vì họ biểu tình bạo động bất hợp pháp và đã hành hung các nhân viên công lực. Ông còn nói thêm, Tăng Ni không chịu về vì sợ “thượng cấp” khiển trách, đồng thời cũng cho biết chính quyền đã cung cấp đầy đủ thực phẩm cho các Tăng Ni. Cuối cùng, ông nói: “Đến đây chính quyền đã hết trách nhiệm và các Tăng Ni có thể tự ý về chùa”.

Lập tức Thầy Thích Chánh Lạc đại diện cho chư Tăng, Ni đứng ra minh định với báo chí về mục đích và lập trường đấu tranh bất bạo động của Phật Giáo, cải chính những điều vu khống của ông Giám đốc Cảnh Sát, rồi trả lời rành rẽ từng câu hỏi của các phóng viên đặt ra.

Sau cuộc họp báo, đoàn Tăng Ni quyết định nối gót phái đoàn ký giả đi bộ về Sài Gòn. Nhưng đoàn người vừa đến Phú Lâm thì sau khi để cho giới báo chí vừa đi qua khỏi, một toán cảnh sát chiến đấu lập thành hàng rào ngăn chặn tất cả Tăng Ni lại. Toàn thể Tăng Ni theo lệnh điều khiển của Thầy Chánh Lạc nhất loạt ngồi xuống mặt đường dưới ánh nắng gay gắt, tĩnh tâm niệm Phật. Trong khi các vị đại diện Tăng Ni đối thoại với cảnh sát thì Thượng Tọa Thích Thiện Minh cùng một phái đoàn của Ủy Ban Liên Phái vừa kịp đến. Kết cuộc là chư Tăng Ni được đưa về chùa Xá Lợi bằng xe đò, có đoàn xe mô-tô cảnh sát dẫn lộ.

Vào lúc 12g15′, đoàn xe vừa dừng lại trước cổng chùa, đông đảo Tăng Ni và Tín đồ ở đây đã sẵn sàng tiếp đón; sự vui mừng bộc lộ trên từng nét mặt, nhưng khi thấy chư Tăng Ni tiều tụy, mang thương tích thì tất cả không cầm được nước mắt. Những vị Tăng, Ni trọng thương được đưa ngay vào trong chăm sóc. Sau khi kiểm điểm, số Tăng Ni bị bắt và mất tích lên gần tới 50 vị.

Tại giảng đường, Tăng Ni Nam Tông, Bắc Tông và Thiện tín tập họp trước nét mắt hiền từ, thông cảm của Đức Hội Chủ Thích Tịnh Khiết cùng quý Thượng Tọa, Đại Đức. Sau lời ủy lạo ân cần của Hòa Thượng Hội Chủ, Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã cảm động đề cao đức hy sinh, chịu đựng của chư Tăng Ni trong 4 ngày đêm vừa qua và đã đứng dậy lạy tạ Đại chúng Tăng-già. Cử chỉ khiêm tốn đầy gương mẫu này của cấp lãnh đạo Phật Giáo khiến mọi người vô cùng xúc động.

Nhưng rồi sau những phút hội ngộ vui mừng, ai nấy lại cảm thấy đau buồn xâm chiếm, vì trước mặt họ, hình ảnh những Tăng Ni huynh đệ bị thương nằm la liệt trên giường bệnh tại các chùa Xá Lợi, Ấn Quang… cũng như các bệnh viện đô thành; một số Tăng Ni, Phật Tử khác còn bị giam giữ và mất tích hiện giờ chưa rõ ở đâu, số phận ra sao, và nhất là các anh chị em Tăng Ni, Phật Tử bị trọng thương không biết rồi đây mệnh hệ thế nào? Đó là tất cả nổi niềm chua xót của người con Phật trên đường phụng sự chánh pháp, giữ gìn nền đạo cổ truyền của quốc gia dân tộc trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này…

Báo chí và các đài truyền thanh, truyền hình quốc tế đã đăng tải đầy đủ về những cuộc biểu tình nói trên tại Sài Gòn. Đồng bào tại quốc nội theo dõi các đài BBC, VOA, biết rất rõ những gì đã xảy ra tại Sài Gòn và những dư luận xôn xao trên thế giới. Trong lúc đó, tất cả các cấp lãnh đạo trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo vẫn đang tiếp tục tuyệt thực tại chùa Xá Lợi…

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI
Đả tự và trình bày theo tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO  SỬ LUẬN (tập III) của tác giả Nguyễn Lang và VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của tác giả Tuệ Giác.

1603 lượt xem