Phóng viên Sen trắng
Qua khung cửa kính, tôi ghi nhận lại hình ảnh cuối cùng của Tòng lâm Lô Sơn với mái chùa cong vươn trên nền trời vừa nhạt nắng và nhất là tôn tượng Đức Phật Di Đà vươn cao trên ngọn đồi. Không những chỉ ghi nhận qua ống kính của máy camera, mà tôi còn ghi nhận bằng cả trái tim mình, vì nó là đích để tôi tìm đến trong chuyến hành trình Phật sự của người “Làm việc cùng Sen trắng”.
Mới chỉ sáng sớm hôm qua (08.06.2013), khi vừa đặt chân đến thành phố này, với sự hướng dẫn qua điện thoại của người bạn Áo Lam địa phương: “Dễ lắm! Anh cứ đi, theo hướng em chỉ, trại tại ngôi chùa có tượng Phật cao nhất Việt Nam mà…”. Tôi đã tìm về ngôi chùa mà vị Thầy trụ trì với đạo tâm hằng hóa đã mở rộng tấm lòng đón nhận đàn con áo Lam từ mười tám tỉnh thành trên đất nước về an trú.
Cùng với tôi là 113 trại sinh Vạn Hạnh VII đủ thiện duyên về hội tụ, Các anh chị từ vùng đất Thừa Thiên còn mang dấu nét cổ kính của hoàng thành xưa nơi phát sinh phong trào, đến vùng đất mũi Cà Mau nơi sinh hoạt của các anh chị gắn trên ngực áo bảng hiệu “Miền Tây Nam Phần” về dự Trại.
Có một cái gì đó dâng lên trong tôi, khi nhìn thấy các anh chị trưởng với mái tóc bạc phơ, hay chớm pha màu sương tuyết, tươi cười khi được gắn lên ngực áo mình huy hiệu Trại sinh trại huấn luyện Huynh trưởng cấp III của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, hay thấy những anh chị đã từng bất khuất trước bao chướng duyên để duy trì mạng mạch sinh hoạt GĐPT tại các địa phương, đã nhanh chân tập trung theo còi lệnh của người huynh trưởng mà tuổi đời chỉ đứng vào hàng con cháu mình. Và thật xúc động khi gặp lại người chị ở vùng đất cao nguyên Lâm Đồng, lại một lần nữa mang huy hiệu trại sinh Vạn Hạnh. Năm năm trước chị vì thân bệnh đã không dự được ngày trại kết khóa của Vạn Hạnh VI. Nay cơn hiểm nghèo đã qua, xin lại làm Trại sinh Vạn Hạnh với tâm nguyện: “Được đi hết cuộc trại của đời mình”.
Tâm nguyện “Được đi hết cuộc trại của đời mình” là mong ước của những người huynh trưởng cao niên, dẫu rằng khi kết khóa trại, một số quý anh chị với tuổi đời đã cao sẽ không còn đủ sức lực đứng ra nhận trọng trách của người trực tiếp lãnh đạo, nhưng người huynh trưởng đã qua trại huấn luyện Vạn Hạnh sẽ không bao giờ rời bỏ sứ mệnh mà mình đã thọ nhận, bởi những nhận xét, ý kiến của quý anh chị là tâm huyết của một đời người sống với lý tưởng, là kho tàng trân quý trong nguyên tắc điều hành gđpt “Tập thể chỉ Lãnh đạo, Cá nhân phụ trách”. Nhất là hình ảnh của những người huynh trưởng cao niên luôn kiên trì tu học là một bài học sống động cho các thế hệ đàn em noi theo.
Người Huynh trưởng GĐPTVN là thế, tổ chức GĐPTVN có những con người như thế, và cũng chính vì thế mà nó đã tồn tại suốt bảy mươi năm thăng trầm cùng lịch sử.
Sẽ là thiếu sót biết bao, nếu trong dòng quán niệm về sự tồn tại của gia đình phật tử mà không nhắc đến quý Chư tôn đức tăng, ni trụ trì các tự viện, nơi mà các đơn vị GĐPTVN đang trú xứ, phải vô úy biết bao, mái chùa ấy mới dung nhiếp được đàn con Lam sinh hoạt theo truyền thống của mình. Mái chùa trên đỉnh lô Sơn là một nơi như thế, vì đây đã là nơi an trú của hàng trăm chiếc áo lam từ khắp mọi miền của đất nước về đây tu học trong chương trình huấn luyện, đào tạo người lãnh đạo của tổ chức gđptvn.
Tôi đã tìm về ngôi chùa này, nơi kiến lập Trại trường Vạn Hạnh VII, cùng với cả trăm anh chị em huynh trưởng Áo LAM, và có lẽ, tôi là người duy nhất đi cùng suốt giai đoạn đầu của Trại huấn luyện mà không được cài chiếc phù hiệu của Trại trường trên ngực áo, nhưng tôi đã cùng hòa nhịp với nhịp đập trái tim của những người áo lam, trong lòng cũng dấy lên niềm tự hào khi có mặt trong lễ khai mạc trại huấn luyện đào tạo người huynh trưởng lãnh đạo qua diễn văn của anh Như Thật – trại trưởng. Hay chùn xuống trước lời huấn từ của anh Nguyên Tín Nguyễn Châu:
“Việc tổ chức tu học cho quý anh chị đã chu toàn. Nay khai lập trại trường Vạn Hạnh để khép kín quá trình thọ huấn của người Huynh trưởng thì BHD Trung ương đã tạo duyên, và môi trường thực hành Bồ Tát hạnh đã có sẵn, đó là lý tưởng và đàn em. Việc của quý anh chị là tu học có tinh cần không? Thọ huấn ra sao? Dấn thân trên lộ trình Bồ Tát đạo như thế nào? Tinh thần trung kiên đến đâu? Và sống như thế nào để không cô phụ tứ ân thâm trọng.
Tôi nay tuổi đã chín mươi, sức cùng lực kiệt, xin kỳ vọng nơi thế hệ kế thừa. Mong quý anh chị nghiệm suy, tín cẩn thực hành”.
Lòng người trại sinh nào mà không chùn lắng, vì đó không phải là huấn từ. Mà tôi cảm nhận như đó là lời phó chúc của người anh đứng đầu tổ chức muốn gởi gắm tin yêu nơi thế hệ huynh trưởng lãnh đạo kế thừa. Anh! Người thuyền trưởng đã đưa con thuyền Lam vượt sóng, trước cơn biến động của lịch sử, đón nhận những cay đắng của cuộc đời – Ta có thể cảm thông khi người ta đã lên án anh là kẻ duy trì một tổ chức thanh niên xưa cũ, không theo mô hình đường lối giáo dục chính trị chuyên chính, hay băn khoăn khi một giáo hội mới được thành lập bởi cơ cấu chính quyền đã nhanh chóng phủ nhận sự tồn tại của tổ chức này. Nhưng thật đớn đau, khi Giáo hội vừa phục hoạt lại chối từ và gọi nó là “Tiếm danh”? Tổ chức GĐPTVN có phải là tiếm danh khi nó luôn sinh hoạt theo đúng nội quy và quy chế với danh xưng đã từng được hàng chư tôn chấp nhận qua bao kỳ Giáo Hội đại hội?
Mười năm trước, với tuổi đời tám mươi anh đã chống gậy theo đàn em vào rừng Thác Mai kết khóa trại Vạn Hạnh V để sách tấn. Mười năm, sẽ thật tuyệt vời với khoảng thời gian này để trẻ thiếu niên vươn vai trưởng thành, thật ý nghĩa khi khoảng thời gian ấy dành cho kẻ trung niên hoàn thành sự nghiệp, và khó khăn biết bao để khoảng thời gian này tăng tuổi thọ cho một cụ già tuổi tám mươi. Thế mà anh vẫn đi, vẫn đến với đàn em bất cứ nơi nào, lúc nào mà không quản ngại tuổi cao sức yếu.
Đạo tràng trong buổi lễ khai mạc đã trở nên trang nghiêm hơn khi tất cả đều đứng dậy chắp tay trước ngực lắng nghe Đạo từ của Hòa thượng T. Trí Viên thay mặt cho chư tôn đức chứng minh ban đạo từ. Hòa thượng đã ghi nhận và hãnh diện về sự có mặt của tổ chức GĐPT suốt 70 năm qua, đã gắn kết với đạo pháp và dân tộc trong nỗi thăng trầm của dòng lịch sử. Nền tảng để xây dựng GĐPTVN thể hiện trên tinh thần Bi Trí Dũng, đó là tinh thần giáo dục Phật giáo được đức Phật xây dựng lúc còn hiện tiền khi hình thành ngôi Tam Bảo, và đức Phật đã dạy cho hai chúng xuất gia và tại gia. Người Phật tử sống với đạo, là sống với tất cả mọi người trên đất nước, trên quê hương này trong ý niệm giáo dục con người tốt cùng xây dựng quê hương đất nước ngày càng giầu đẹp phồn vinh. Ngày hôm nay, hoàn cảnh biến chuyển, biến đổi nhưng tâm chúng ta không biến đổi. Sự có mặt của chúng ta hôm nay trong tinh thần người huấn luyện, mang chất liệu giáo dục là trên hết. Trại huấn luyện nhằm cung cấp nhân tố tốt đẹp, đặc biệt đối với trại huấn luyện cao nhất của GĐPTVN. Hòa thượng mong muốn tất cả trại sinh chú ý: Tuy rằng thời gian hội trại có ít nhưng phải cố gắng tiếp thu, tiếp thu để thừa hành, chính điều đó mới làm cho giáo pháp càng ngày càng xương minh. Với bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt của các bậc tiền nhân, của chư tăng ni đã tạo nên chiếc áo đẹp này và đã phủ kín hầu như trên khắp quê hương, không ai có quyền phủ nhận, không ai có thể xé chiếc áo lam đó, người nào làm điều đó là phản bội với đất nước, với lý tưởng. Bởi vì, chiếc áo lam này đã đóng góp văn hóa, cho Phật giáo, cho đất nước Việt Nam không phải nhỏ.
Thầy kể lại câu chuyện tại thành phố này, vào mỗi tối thứ tư, mỗi tối chủ nhật những đoàn áo lam từ các ngã đường vân tập về Tỉnh hội Phật giáo tu học các khóa giảng cho người cư sĩ tại gia, đó là lớp học của cư sĩ áo lam thành phố Nha Trang. Và tất cả mọi người có thể cảm nhận được cái đẹp văn hóa Phật giáo thể hiện trong những giờ giấc đó. Vì vậy khi mở những trại huấn luyện, trong đó có hai điều chúng ta quan tâm đó là Kiên và Trì, để quyết tâm bằng mọi cách bảo vệ lý tưởng của mình, duy trì tinh thần lục hòa, tinh thần đem đạo vào đời và giữ màu áo Lam không để bị hoen ố. Hãy giữ vững lập trường dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Lời đạo từ của Hòa thượng đã tác động lớn đến toàn trại, niềm hân hoan được thể hiện qua những tràng pháo tay vang động khắp hội trường.
Hơn hai tiếng đồng hồ trong thời gian hội trại cũng là một bài pháp tuyệt vời để nung nấu tâm cang người trại sinh vạn hạnh VII. Không phải là một trại sinh, mà chỉ là người làm việc cùng sen trắng ghi nhận lại những dấu ấn trong dòng lam sử mà thế hệ tôi đang sống, nhưng tôi cũng hình dung được hình ảnh một Thiền sư Vạn Hạnh trong tâm trí, tay chống tích trượng đem đạo pháp xây dựng xã hội an bình thịnh trị, đó cũng là hành trang cần mang theo cho cuộc đời người huynh trưởng qua lời khai mạc của anh trại trưởng, Trong tôi cũng réo lên tiếng reo “Dũng” để đáp lại khẩu hiệu Trại mà Anh Trại Phó vừa xưng hô, và cất lên bài trại ca Vạn Hạnh như tôi đã hát năm nào tại rừng Thác Mai trong tiếng suối reo hòa nhịp. Lòng cũng chùn xuống thật sâu trong lời huấn từ của anh trưởng ban, thêm một chút xót xa khi nhận thấy sức khỏe sút kém của anh thể hiện qua dáng đi, trên khuôn mặt. Và cũng hân hoan dấy lên một chút tự hào trong Đạo từ của Hòa thượng chứng minh.
Nhìn xuống hàng ngũ trại sinh dưới hội trường. Thật thân thương biết bao, khi những người huynh trưởng trại sinh cao niên với tuổi đời tám mươi cùng đứng trong hàng ngũ với đứa em tuổi nhỏ nhất đang nghấp nghé bước vào thập niên bốn mươi của đời người. Tất cả đều sống trong tâm niệm của NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG Áo Lam “Tuân kỷ luật – chịu huấn luyện”.
Cao quý biết bao khi GĐPTVN có những vị ân sư từng xuất thân trong GĐPT, không quên được màu áo một thời mình đã mặc, nay với y áo của chư Phật mở lòng che chở, dạy dỗ đàn em. Bất chấp thế gian vọng tưởng bám víu vào danh xưng các giáo hội.
Nắng chiều nghiêng về hướng biển, đổ bóng tôn tượng Di Đà trải dài trên nền đất. Giai đoạn một của trại huấn luyện đã xong khi bài ca dây thân ái vừa kết thúc, nhưng đó cũng là phút giây khởi đầu của Hội đồng Trại sinh nhiệm kỳ hai.
36 tiếng đồng hồ đi cùng trại sinh Vạn Hạnh VII, tôi đã có dịp tu học cùng quý anh chị, đã cùng chơi vơi hụt hẫng khi đón nhận câu chuyện dưới cờ sáng nay từ anh Trại trưởng, vì tưởng rằng đó sẽ là câu chuyện thâm sâu đầy ý nhị được dành cho trại huấn luyện cao cấp nhất của GĐPTVN. Nói như tâm nguyện của người chị Lâm đồng: “Được đi hết cuộc trại của đời mình”. Trái lại, câu chuyện mà anh nói với thế hệ đàn em đang trang nghiêm, háo hức dưới ngọn cờ hôm nay chỉ là sự nhắc nhở những sai sót thông thường mà trại đã vướng. Thật đúng là Vạn Hạnh! Vì lời nhắc nhở ấy lại là những gì cần yếu nhất trong cuộc sống đời thường. phải chăng đó là một công án mà mỗi huynh trưởng trại sinh luôn tỉnh thức hành trì. Hai ngày trên đất trại, tôi đã thọ nhận những bữa cơm thật chu đáo do các anh chị trưởng tại địa phương hết lòng lo lắng, Khoác lên vai chiếc ba lô nặng trĩu vì chứa đựng những dụng cụ cần thiết, Tôi chắp tay vái chào mái chùa đã che chở chúng tôi trong suốt thời gian qua. Và bái vọng kính dâng lên quý chư Tôn Đức tại địa phương này, đã thể hiện hành trạng của Thiền sư Vạn Hạnh:
“người đã nhúng tay vào thế sự với một quan niệm mức độ, và mức độ đã vượt khỏi quan niệm của kẻ phàm phu. Ấy là quan niệm không vì lợi danh cho bản thân mình. Người thấy việc phải làm thì làm. Làm đúng lúc, đúng độ, làm không câu nệ thành kiến và ước lệ với xã hội về thiện hay ác, hay hay dở, xấu hay tốt…”.
Tôi lên xe rời khỏi mái chùa để trở về Saigon mà lòng còn đậm ghi tôn tượng đức Phật miệng mỉm cười hoan hỷ trên đỉnh Lô Sơn. Xin gởi nụ cười này đến người bạn cùng chí hướng sống ở thành phố này, nơi tôi đã đến, đã sống suốt hai ngày qua mà không có thời gian gặp mặt.
598 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…