Cuộc vận động tự do tín ngưỡng của Phật Giáo trong giai đoạn tái phát khởi vì những thỏa thuận song phương trong bản Thông Cáo Chung không được Chính phủ thực thi, Phật Giáo vẫn chỉ chủ trương yêu cầu Tổng thống và Chính phủ đáp ứng 5 nguyện vọng từ ban đầu và đòi hỏi thực thi đúng đắn bản Thông Cáo Chung. Các hình thức vận động vẫn không có gì thay đổi: Gởi văn thư, kiến nghị, tuyệt thực và biểu tình. Các hoạt động tập trung luôn tuyệt đối khâm tuân tinh thần bất bạo động của các cấp lãnh đạo Phật Giáo dưới sự hướng dẫn và điều hành của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Thế nhưng từ giữa tháng 7/1963, tức là sau những hoạt động “tích cực” của cả 2 phía – Phật Giáo và Tổng thống cùng Chính phủ – tình hình đã bắt đầu chuyển biến với mức độ dồn dập qua chiều hướng hết sức phức tạp.
Hãy điểm lại các diễn tiến từ khi cuộc vận động đụng đầu với sự ngoan cố và chèn ép, rơi vào thế bế tắc và bùng phát trở lại:
– Ngày 15.7.1963, Hòa Thượng Lãnh Đạo Tối Cao Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ban hành Thông bạch cho các Tập đoàn trong Ủy Ban Liên Phái, hướng dẫn hình thức và nội dung tiếp tục cuộc vận động.
– Ngay trong ngày ban hành Thông bạch (15.7.1963), các vị lãnh đạo và thành viên Ủy Ban Liên Phái cùng Tăng Ni, Phật Tử bắt đầu cuộc tuyệt thực đợt thứ 2 tại chùa Xá Lợi.
– Ngày 16.7.1963, Ủy Ban Liên Phái thi hành Thông bạch của Hòa Thượng Lãnh Đạo Tối Cao, ra Thông bạch gởi Tăng Ni và đồng bào Phật Tử các giới kêu gọi hưởng ứng cuộc vận động trong giai đoạn mới.
– Buổi chiều cùng ngày (16.7.1963), 150 Tăng Ni biểu tình ngồi trước tư dinh Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, yêu cầu ông Đại sứ ủng hộ cuộc vận động và kêu gọi Hoa Kỳ cùng các nước trong thế giới tự do thuyết phục Chính phủ Ngô Đình Diệm thực thi nghiêm chỉnh bản Thông Cáo Chung.
– Ngày 17.7.1963, hai cuộc biểu tình với quy mô lớn bị đàn áp khốc liệt: Một, xuất phát từ chùa Giác Minh (Sài Gòn), đoàn người kéo về chùa Xá Lợi thăm Chư Tăng Ni tuyệt thực biến thành cuộc tuần hành hơn 1.000 người, bị bao vây và đàn áp mạnh mẽ nhiều đợt, phải quay lại rồi hơn 600 Tăng Ni, Phật Tử bị phong tỏa trong chùa hơn 2 ngày đêm. Cuộc biểu tình thứ hai xuất phát từ chùa Xá Lợi, 400 Tăng Ni đến được chợ Bến Thành rồi cũng bị bao vây tại đây và diễn ra nhiều đợt đàn áp, sau đó bị lừa gạt chở về giam cầm tại An Dưỡng Địa (Phú Lâm, Sài Gòn) trong 4 ngày đêm với nhiều hình thức khủng bố, gạt gẫm.
– Ngày 18.7.1963, nhận rõ nguy cơ bất lợi, Tổng thống đọc lời hiệu triệu trên đài phát thanh Sài Gòn, chỉ thị các cấp Quân-Dân-Chính tích cực góp phần thực thi Thông Cáo Chung, kêu gọi quốc dân “ghi nhận ý chí hòa giải tột bực” của Tổng thống.
– Ngày 19.7.1963, sau lời hiệu triệu của Tổng thống hôm trước, các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Giác Minh được cơ quan công lực giải tỏa khoảng 30 phút rồi lại tiếp tục bị phong tỏa đồng loạt như cũ.
– Cùng ngày (19.7.1963), Thượng Tọa Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đệ trình văn thư cho Tổng thống, hoan nghênh “ý chí hòa giải tột bực” và yêu cầu Chính phủ cụ thể hóa bằng hành động: Phóng thích Tăng Ni, Phật Tử bị bắt; giải quyết các yêu cầu trước đây đã được giải quyết trong Thông Cáo Chung; trình báo việc chùa chiền vẫn bị phong tỏa…
– Từ ngày 17 đến ngày 20.7.1963, hầu hết các tỉnh Trung Phần và Nam Phần, các Tổng hội, Tỉnh hội và Khuôn hội Phật Giáo đều tổ chức lễ cầu siêu cho Cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức và các Phật Tử đã hy sinh vì đạo pháp trong tinh thần đề cao cảnh giác trước các mưu đồ chia rẽ, ly gián; đề phòng âm mưu chụp mũ, vu khống là bị Cộng Sản xúi giục.
Đến thời điểm này, trong guồng máy chính quyền, thậm chí trong các lực lượng an ninh, cảnh sát, mật vụ đã có nhiều người đứng về phía tranh đấu. Ủy Ban Liên Phái luôn được thông báo trước về những biện pháp đàn áp của nhà cầm quyền. Các hoạt động của Phật Giáo nói chung, Ủy Ban Liên Phái nói riêng nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ bí mật (vì e sợ trả thù, đàn áp) của nhiều thành phần, nhiều giới trong quần chúng không phải là Phật Tử và của anh em quân nhân, cảnh sát. Tuy vậy, tình thế Phật Giáo vẫn trong viễn cảnh hết sức đen tối, bi đát và nguy ngập!
Bắt đầu từ đây, trước tinh thần cương quyết tranh đấu bảo vệ Phật Giáo của toàn thể Tăng Ni, Tín đồ trong giai đoạn nguy khốn, tại các trường đại học, trung học, quý vị giáo chức tuy chưa dám công khai ủng hộ, nhưng không ngăn cấm nên sinh viên, học sinh (các lớp đệ nhị cấp) ngày càng tích cực góp phần đấu tranh quyết liệt hơn. Nhiều sinh viên, học sinh đã bị nhà đương cuộc khủng bố, đàn áp và bắt cóc. Các trường đại học, trung học liên tiếp “bãi khóa” hằng ngày. Hết trường này đến trường khác nổi lên phong trào hưởng ứng cuộc tranh đấu của Phật Giáo Đồ. Một nhóm Phật Tử tự động đứng ra tổ chức “Đoàn Thanh Niên Bảo Vệ Phật Giáo” được đa số sinh viên, học sinh và các giới tham gia, ủng hộ nhiệt liệt.
Khí thế đấu tranh lan rộng ngày càng mạnh mẽ không những trong nước mà còn vang động cả thế giới, khiến nhà đương cuộc vừa lo sợ, vừa gia tăng khủng bố và lừa bịp, xuyên tạc. Nhận thấy Ủy Ban Liên Bộ không đạt được kế hoạch xoa dịu, ve vãn Phật Giáo Đồ, nhà cầm quyền bèn tung ra một chiêu bài mới là “Ủy Ban Hỗn Hợp” và mời Ủy Ban Liên Phái tham gia. Lập trường của Ủy Ban Liên Phái là sẽ không chấp thuận việc cộng tác với Ủy Ban Hỗn Hợp chừng nào những điều căn bản nhất của Thông Cáo Chung vẫn còn chưa được thi hành. Văn thư trao đổi giữa Ủy Ban Liên Phái và Ủy Ban Liên Bộ trong thời gian từ ngày 19.7.1963 đến 30.7.1963 phần lớn là để đề cập tới vấn đề này.
Trước sự khước từ của Ủy Ban Liên Phái, Ủy Ban Liên Bộ đơn phương giải quyết tại chỗ những sự vụ xảy ra có sự tranh đấu đòi hỏi giải quyết của Phật Giáo Đồ tại các tỉnh miền Trung. Nhưng thực tế, trước sau như một, những vụ điều tra, giải quyết khiếu nại chỉ mang tính hình thức, che mắt thế gian… Về phía Phật Giáo, Ủy Ban Liên Phái tiếp tục công bố những tài liệu vi phạm Thông Cáo Chung: Những vụ mất tích Tăng sĩ; những vụ ám sát và đã thương Phật Tử; những vụ rãi truyền đơn ngụy tạo để chống phong trào đấu tranh cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo v.v…
Những cuộc khủng bố, bắt bớ, giam cầm Phật Giáo Đồ ngày càng ác liệt hơn; những thủ đoạn ác độc ngày càng gia tăng; những sự vu khống trắng trợn cho Phật Giáo, điển hình như mở những cuộc điều tra giả tạo để gán cho Phật Giáo Đồ là Việt Cộng rồi thẳng tay bắt cóc, thủ tiêu Tăng Ni, Phật Tử ngày càng ghê gớm hơn…
Ngoài ra, đài phát thanh Sài Gòn và các tỉnh còn mở chiến dịch bình luận xuyên tạc những tin tức để công khai phỉ báng Phật Giáo; ép buộc báo chí bằng biện pháp kiểm duyệt gắt gao; tung ra những tin thất thiệt để đánh lạc hướng dư luận quần chúng…
Trong khi đó, chính nhờ sự giúp đỡ tích cực của các viên chức chính quyền, quân đội như đã nói trên, mà cuộc biểu tình với danh nghĩa “Thương Phế Binh” do chính quyền dự trù tổ chức trước chùa Xá Lợi vào ngày 23.7.1963 để chống đối phong trào Phật Giáo đã được Ủy Ban Liên Phái biết trước.
– Ngày 22.7.1963, Thượng Tọa Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã gởi thư đến Chính phủ để thông báo và phản đối âm mưu tổ chức cuộc biểu tình lấy danh nghĩa “Thương Phế Binh”. Đồng thời, Ủy Ban Liên Phái đã in sẵn một bức thư (đề ngày 23.7.1963) để phát cho những người tự nhận là Thương Phế Binh sẽ đến biểu tình trước chùa. Thư được viết với lời lẽ ôn tồn, ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của anh em Thương Phế Binh trong sự nghiệp bảo vệ miền Nam và giải thích cặn kẽ về cuộc đấu tranh của Phật Giáo. (Chúng tôi sẽ đăng tải lại các thư này trong một bài riêng -TVGĐPT).
– Cũng trong một thư đề ngày 22.7.1963, Thượng Tọa Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái trình báo cho Chính phủ biết rằng ông Bộ trưởng Công Dân Vụ đang tổ chức cho 300 cán bộ cạo đầu giả làm Tăng sĩ đi quyên tiền và đặt may cờ cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam; một cuộc biểu tình khác cho Cô Nhi và Quả Phụ Tử Sĩ nhằm chống đối Phật Giáo; một cuộc biểu tình khác nữa cho những người hành khất và người bệnh hủi, xúi giục họ vào chùa Xá Lợi khiêu khích để cảnh sát có cớ vào chùa hành sự.
– Cùng ngày (22.7.1963), nhận thấy những vụ phong tỏa chùa chiền, đàn áp Phật Giáo và âm mưu vu khống, phá hoại không những không được chấm dứt mà ngày càng gia tăng, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tổ chức cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, tố cáo với quốc dân đồng bào và dư luận quốc tế sự trì hoãn và các vi phạm của nhà cầm quyền sau khi bản Thông Cáo Chung ra đời. Cùng ngày, Ni Sư Thích Nữ Diệu Huệ cũng tuyên bố với dư luận báo chí trong và ngoài nước về dự định noi gương Cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức, tự nguyện thiêu thân nếu Chính phủ không thực tâm thi hành bản Thông Cáo Chung.
– Ngày 23.7.1963, Ni Sư Diệu Huệ tổ chức họp báo công khai công bố khẳng định: Ni Sư nguyện tự thiêu thân để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo và ngược đãi Phật Tử của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Ni Sư Thích Nữ Diệu Huệ là thân mẫu của nhà bác học Bửu Hội, lúc bấy giờ làm Đại sứ cho Chính phủ Việt Nam Cọng Hòa tại các quốc gia miền tây Châu Phi. (Tưởng cũng cần chú thích ở đây, theo một số hồi ký ghi lại lịch sử đang công bố một cách thận trọng, thì trước cả ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, Ni Sư Thích Nữ Diệu Không – bào muội của Ni Sư Diệu Huệ – đã làm đơn xin tự thiêu để cứu nguy Phật Giáo nhưng Tổng Hội không chấp thuận vì xét chưa cần thiết).
– Cùng ngày 23.7.1963, trong khi Sư Bà Diệu Không họp báo công bố ý nguyện tự thiêu, thì chính quyền tổ chức và yểm trợ cho chừng 200 người tự xưng là “Thương Phế Binh” biểu tình trước chùa Xá Lợi để phản đối Phật Giáo vì cho rằng Phật Giáo bị Cộng Sản lợi dụng. Họ đã giăng biểu ngữ và la hét om sòm trước cổng, trong khi ấy bên trong chùa, tiếng tụng niệm của Chư Tăng vẫn sang sảng hòa nhịp với tiếng chuông ngân nga văng vẳng.
– Ngay trong ngày 23.7.1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tức tốc gởi văn thư cho Tổng thống trình bày sự vụ cuộc biểu tình của “Thương Phế Binh” trước chùa Xá Lợi và ngầm ý vạch mặt trò hề tổ chức, xúi dục, mua chuộc người tham gia biểu tình; đồng thời công bố rộng rãi bức thư – đã được chuẩn bị sẵn như đã nói trên – gởi đến anh em tự xưng “Thương Phế Binh”.
Để tỏ ra thành thật trong việc này, nhà đương cuộc lập tức ra lệnh cho điều tra và công bố ‘hạ tầng công tác’ người chỉ huy cuộc biểu tình. Chiều 23.7.1963, Tổng giám đốc Nha Thông Tin triệu tập một cuộc họp báo, cho biết rằng Trung tá Trần Thanh Chiêu, Thanh tra Trung ương Dân Vệ Đoàn, và là tác giả cuộc biểu tình của “Thương Phế Binh” hồi sáng nay tại chùa Xá Lợi, đã bị chính quyền cách chức và phạt kỷ luật 40 ngày trọng cấm. Nhưng ngay sau đó, Hòa Thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết gởi thư cho Tổng thống xin khoan hồng cho ông Trần Thanh Chiêu vì theo Hòa Thượng: “Không bao giờ vị sĩ quan ấy có ý tự mình làm một việc công khai chống lại mệnh lệnh của Tổng thống nếu không có một áp lực từ bên ngoài nào đó”. Nhưng thật ra đây cũng chỉ lại là thủ đoạn dối gạt Phật Giáo và dư luận. Thực tế thì viên Trung tá này không những không bị hạ tầng công tác mà trái lại, còn được thăng thưởng và thuyên chuyển về Tổng Thống Phủ nhận lãnh một trọng trách cao hơn.
– Chiều ngày 24.7.1963, Ủy Ban Liên Phái nhận được một lá thư từ các anh em Thương Phế Binh gởi tới chùa Xá Lợi. Lá thư này bày tỏ sự ủng hộ của Thương Phế Binh đối với cuộc tranh đấu của Phật Giáo Đồ, và phàn nàn về nhóm người đã lợi dụng danh nghĩa Thương Phế Binh để làm những điều phản lại nguyện vọng của Thương Phế Binh. Lá thư này mang chữ ký của mười anh em đại diện Thương Phế Binh. (Một thời gian sau, ngày 1.8.1963, khoảng 300 anh em Thương Phế Binh đã cùng tập họp tại chùa Xá Lợi làm lễ sám hối ở chánh điện. Đại diện anh em đến gặp Thượng Tọa Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái và phát nguyện ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo).
Cuộc tranh đấu gian khổ của Phật Giáo Đồ Việt Nam trong thời kỳ này không còn chỉ có Tăng Ni, Phật Tử hay những người theo Khổng Giáo và Lão giáo mà thôi; các vị Chức sắc và Giáo dân Thiên Chúa Giáo cũng đã đóng góp một phần rất lớn trong cuộc đấu tranh này. Trước đây, đã có lần Linh Mục Lê Quang Oánh cùng 8 thành phần Giáo dân Thiên Chúa, từ Hồ Than Thở Đà Lạt, gởi cho Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bức Huyết Lệ Thư viết ngày 12.5.1963, sau vụ thảm sát Phật Tử tại đài phát thanh Huế; thì ngày 24.7.1963, nhiều vị Linh Mục và Thanh Niên Công Giáo đã gởi thư lên Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Vatican tại Sài Gòn và Đức Giáo Hoàng Paul VI (Phao-lồ Đệ Lục) vạch trần những hành vi tàn ác, vô nhân đạo trong cuộc đàn áp Phật Giáo Đồ Việt Nam, và cầu xin Đức Giáo Hoàng dùng uy quyền tối cao can thiệp với Tổng thống Ngô Đình Diệm để sớm chấm dứt tình trạng bi thảm này tại Việt Nam.
oOo
Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI
Tài liệu tham khảo:
– Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang.
– Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử – Tuệ Giác.
664 lượt xem
Tin khác
Hàng năm, nhân ngày vía Đức Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, lam viên GĐPT Cam Ranh – Cam Lâm long trọng kiến lập đàn tràng Hiệp kỵ…
Vào ngày 12 tháng 10 năm Giáp Thìn, Phật lịch 2568 (tức là ngày 12/11/2024) lễ Húy nhật tưởng niệm Giác linh Cố Đại Lão Hòa Thượng Tôn Sư Thích…
Nhân sự tùng sự dịp lễ Tiểu tường Đức Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ – Đệ lục Tăng Thống Gíáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất…
Ngày mùng Sáu tháng Mười năm Giáp Thìn, Phật lịch 2568 (nhằm ngày 6/11/2024), vào lúc 19g00 tại chùa Viên Quang thuộc xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai,…