“Tổng Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn” hay “Hội Phật Giáo Lục Hòa Tăng”; “Hội Phật Học Lục Hòa Tăng Saigon”… là tên gọi một “Giáo Phái” được hình thành trong những ngày tháng 6, tháng 7 năm 1963 dưới sự “đạo diễn”, cổ súy và “tài trợ” hào phóng của nhà cầm quyền lúc bấy giờ nhằm mục đích đối đầu, bôi nhọ, vu cáo Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và đáp trả cuộc vận động cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo Đồ toàn quốc.

Việc làm “tích cực” đầu tiên của những vị cư sĩ nữa mùa bị lợi dụng, mua chuộc cùng nhóm thành viên Tăng Sĩ trá hình mới vội vã kết nạp từ những thành phần bất hảo xã hội này là gởi điện tín cho Hội Phật Giáo Tích Lan, vu cáo Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam cũng như Ủy Ban Liên Phái làm chính trị và có những hành động phản Phật Giáo, yêu cầu Hội Phật Giáo Tích Lan can thiệp (việc này phải có người giúp đằng sau, vì hồi ấy những bản điện tín của Phật Giáo gởi đi bất kỳ đâu đều bị hoặc bưu điện từ chối, hoặc nhận nhưng sau đó không gởi cho nơi đến mà gởi về… Công Dân Vụ!).

Tuy nhiên việc làm của họ đã bị Phật Giáo Tích Lan vạch trần bằng một phúc thư. Không những thế, Trung Tâm Điểm Phật Giáo Tích Lan còn khẳng định lập trường cương quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa đòi hỏi tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, đồng thời công bố thừa nhận rằng tại Việt Nam chỉ có một Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam là đầy đủ uy tín và tư cách đại diện cho Phật Giáo Đồ Việt Nam.

Điều trớ trêu buồn cười ở đây là nhóm “Hội Phật Giáo” này lại mù tịt và không kịp tìm hiểu để biết rằng Hội Phật Giáo Tích Lan không phải là Hội Phật Giáo Thế Giới, mà là một Trung Tâm Điểm Phật Giáo tại Tích Lan; cũng như Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam là Trung Tâm Điểm Phật Giáo tại Việt Nam của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (tức Hội Phật Giáo Thế Giới) theo hệ thống tổ chức được Đại Hội Phật Giáo Thế Giới ấn định.

Mặc dầu vậy, một điều nữa cần biết thêm là để thể hiện tinh thần hòa hợp và giáo lý lục hòa của đạo Phật, sau khi Pháp Nạn được giải trừ, vào ngày 11.5.1964, Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã có buổi tiếp kiến phái đoàn Giáo Phái Cổ Sơn Môn tại chùa Ấn Quang – thủ đô Sài Gòn – và sau đó ký kết một bản Thông Cáo Chung ghi nhận hoạt động của Giáo Phái Cổ Sơn Môn “y theo thiền lâm quy củ thể hiện trong bản Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để hành đạo, không y theo điều lệ bằng Nghị Định của Bộ Nội Vụ”.

Dưới đây xin đăng tải nguyên văn cả 2 văn kiện của 2 thời kỳ khác biệt để Chư Tôn Thiền Đức và quý bạn đọc cùng tham khảo:

1/ Phúc thư của Trung Tâm Điểm Phật Giáo Tích Lan gởi Hội Phật Giáo Lục Hòa Tăng Sài Gòn:

 

TRUNG TÂM ĐIỂM PHẬT GIÁO THẾ GIỚI TẠI TÍCH LAN
Số 10, đại lộ Lilian Mount Lavinia, Tích Lan

Ngày 18 tháng 6 năm 1963

Kính gởi: HỘI PHẬT GIÁO LỤC HÒA TĂNG SÀI GÒN

Thưa quý Ngài.

Chúng tôi vừa nhận được điện tín của quý ngài cho chúng tôi hay rằng một Chi Nhánh của Hội chúng tôi tại Việt Nam đã lợi dụng danh nghĩa của Hội, hoạt động chính trị và quý ngài yêu cầu chúng tôi phản đối những hành vi phản lại Phật Giáo ấy.

Chúng tôi vội phúc đáp quý ngài rõ: Hội chúng tôi không có Chi Nhánh nào ở Việt Nam cũng như ở nơi khác. Chính Hội chúng tôi là một Chi Nhánh của Hội Phật Giáo Thế Giới mà trụ sở trung ương hiện đóng tại Ngưỡng Quang (Rangoon). Mặt khác, chúng tôi cũng biết rằng tại Việt Nam có một Tổng Hội Phật Giáo và theo như chỗ chúng tôi biết, Tổng Hội này có đủ uy tín để đại diện và thay lời cho Phật Tử ở Việt Nam. Chúng tôi tin chắc rằng Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam này không bao giờ làm những điều gì, hoặc thái độ nào có thể gọi là phản Phật Giáo.

Chúng tôi muốn thêm rằng, không có một Hội Phật Giáo Tích Lan nào có Chi Nhánh ở Việt Nam cả. Hơn nữa, Phật Tử Tích Lan đã tỏ thái độ rõ rệt của họ về những biến cố vừa rồi ở Việt Nam và họ đã phản đối mạnh mẽ những hành động kỳ thị tôn giáo và những đối xử có tính cách lăng nhục. Chúng tôi đã yêu cầu Chính Phủ chúng tôi và Hội Phật Giáo Thế Giới dùng mọi biện pháp khả dĩ xoa dịu và cải thiện những lỗi lầm đã xẩy ra. Chúng tôi đang tiếp tục công việc này, quý ngài có thể phổ biến bức thư này theo ý muốn của quý ngài.

Tin tưởng rằng công lý sẽ được thể hiện cho toàn thể Phật Tử Việt Nam, chúng tôi thành tâm cộng tác với quý ngài trong công việc này.

TỔNG THƠ KÝ

W. P. DALUWATTE

— — — oOo — — —

2/ Thông Cáo Chung của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Phật Giáo Cổ Sơn Môn:

 

 

BẢN THÔNG CÁO CHUNG

 

— oOo —

Để thực hiện tinh thần thống nhất Phật Giáo, hồi 9g20′ ngày 11-5-1964, Phật Giáo Cổ Sơn Môn đã tới thăm Viện Hóa Đạo và trao đổi một vài Phật sự với Thượng Tọa Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Ấn Quang, số 243 đường Sư Vạn Hạnh, Chợ Lớn.

Sau một hồi hội thảo hết sức cởi mở và thân mật đã có những quyết định như sau:

1) Phật Giáo Cổ Sơn Môn hòa mình trong tinh thần thống nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bằng cách:

– Cùng treo cờ Phật Giáo Thế Giới.

– Cùng kỷ niệm lễ Phật Đản từ ngày 8 đến 15 tháng 4 âm lịch.

– Cùng tỏ tình tương thân tương trợ trên bước đường tu học và hành đạo.

2) Phật Giáo Cổ Sơn Môn y theo thiền lâm quy củ thể hiện trong bản Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để hành đạo, không y theo điều lệ bằng Nghị Định của Bộ Nội Vụ.

3) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hoan hỷ tiếp đón chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và Phật Tử trong Phật Giáo Cổ Sơn Môn tham gia vào nến thống nhất Phật Giáo.

 

PHÁI ĐOÀN PHẬT GIÁO CỔ SƠN MÔN

Hòa Thượng THÍCH MINH ĐỨC

Hòa Thượng THÍCH TRÍ HƯNG

Hòa Thượng THÍCH BÍCH LÂM

(Đồng ký tên và đóng dấu)

 Làm tại Saigon, ngày 11 tháng 5 năm 1964
Phật lịch 2507

VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Thượng Tọa THÍCH TÂM CHÂU

(Ký tên và đóng dấu)

QUANG MAI

 

1890 lượt xem