Đài tưởng niệm Thánh Tử Đạo Thích Nữ Diệu Quang tại Khánh Hòa.

Ngày 15/8/1963, trong lúc tại Huế, khoảng 1.000 sinh viên và học sinh biểu tình tại thành phố để đòi hỏi chính quyền phải trả lại di thể Cố Đại Đức Thích Thanh Tuệ về chùa và để phản đối vụ đàn áp trước chùa Phước Duyên nhằm cướp nhục thân Đại Đức vừa tự thiêu ngày 13/8/1963 (24.6.ÂL Quý Mão) thì có tin một Ni Cô tẩm dầu xăng và châm lửa tại Ninh Hòa, gần thị xã Nha Trang.

Sư Cô Thích Nữ Diệu Quang, thế danh Ngô Thị Thu, sinh năm 1936 tại làng Phù Cát, tỉnh Thừa Thiên, xuất gia năm 21 tuổi, đang tu học tại Ni Viện Vạn Thạnh, Nha Trang. Sư Cô đã tự nguyện thiêu thân trước đó mấy lần nhưng đều bị cản ngăn; lần này, để cứu nguy cho đạo pháp trong cơn nguy ngập, Sư Cô ra Ninh Hòa, tẩm xăng châm lửa tự thiêu hồi 8g30′ ngày 15/8/1963 (26.6.ÂL Quý Mão) trên một khoảng đất trống cạnh trường Hòa Xuyên, gần ga xe lửa Ninh Hòa, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách thị xã Nha Trang 35km về hướng Bắc, cách chùa Chi Hội Phật Giáo Ninh Hòa chừng một cây số.

Di ảnh Sư Cô Thích Nữ Diệu Quang

Ngay sau khi Sư Cô tự thiêu, quý Thầy đang tập trung đứng canh giữ di thể Sư Cô thì nhà cầm quyền với phương tiện sẵn có, dùng áp lực cướp thi hài và tất cả những bức thư di bút của Sư Cô mang đi biệt tích, không ai biết được nội dung của những bức di thư Sư Cô để lại. Ông Quận Trưởng Ninh Hòa đã đánh lừa thầy Trị Sự Trưởng, thầy trụ trì chùa hội quán Chi Hội Ninh Hòa và quý thầy khác đó là thi hài của một người điên lâu nay ở tại quận.

Được tin Sư Cô đã tự thiêu và mất xác ở thị xã Nha Trang, Tăng Ni và Tín Đồ Phật Giáo Tỉnh Hội Khánh Hòa đã biểu tình trước Tòa Hành Chánh Khánh Hòa để đòi hỏi chính quyền trả lại thi hài Sư Cô ngỏ hầu an táng theo giáo lễ.

Ông Tỉnh Trưởng ra lệnh cho nhân viên công lực đưa dây kẽm gai ngăn chặn không cho Gia Đình Phật Tử và Hội Viên vào nơi Tăng Ni tập trung. Dần dà số đạo hữu Hội Viên càng lúc càng đông. Sau những lời la ó nhà cầm quyền ngoan cố, độc tài và sau những dằng co giữa quý thầy cùng Gia Đình Phật Tử với nhân viên công lực, vòng vây được mở ra, một số đông đồng bào đã vào được. Lúc này quý thầy luôn kêu gọi đồng bào bất bạo động.

Trước quang cảnh vô cùng náo loạn và không chịu nổi những lời mắng nhiếc cay đắng, chính quyền bưng bít sự thật, loan truyền đã trả xác lại cho song thân Sư Cô.

Sau 8 tiếng đồng hồ phơi nắng, chịu khát trước Tòa Hành Chánh Khánh Hòa, đoàn biểu tình tạm giải tán để về chùa.

Trong khi đó ở Ninh Hòa, ông Quận Trưởng sau khi cướp được nhục thân Sư Cô dời đi một chỗ khác, đã dùng áp lực bắt buộc Ban Trị Sự Chi Hội Phật Giáo Ninh Hòa để những đạo hữu thuộc công chức tại quận phải viết giấy từ chức tại Chi Hội, nếu không sẽ bị đổi đi xa…

Cả buổi chiều và tối hôm ấy, di thể Sư Cô cũng không được trả cho gia đình như lời tuyên bố của Tòa Hành Chánh đã loan.

Đứng trước những lời dối trá và hành đông xảo quyệt của Tòa Hành Chánh, đồng bào Phật Giáo quá uất ức hẹn nhau lại biểu tình sáng ngày 16.8.

Ngày 16.8.1963, song thân Sư Cô Diệu Quang trình bày cho biết chưa hề thấy xác con và ông bà không hề thỏa thuận cho ai lạm nhận, vì là đã xuất gia cửa Phật thì thể xác và tâm linh đều phải được Giáo Hội quyết định.

Sáng sớm tinh sương, toàn thể Tăng Ni và đồng bào Phật tử đều họp nhau trước cổng chùa để tiếp tục đòi xác Sư Cô Diệu Quang. Đoàn biểu tình vừa xuống tới đường Độc Lập thì bị nhân viên công lực dùng nhiều mánh khóe và phương tiện để giải tán như lựu đạn cay, lưỡi lê, súng cầm tay… Một cuộc ẩu đã đã xảy ra! Máu chảy, người bị thương, kẻ bị ngất. Thành phố Nha Trang biến thành một bãi chiến trường hổn độn và quái dị. Nhân viên công lực đã dùng mọi khí giới trong tay để đánh những kẻ tay không. Vì quá uất ức, tín đồ Phật Giáo vẫn tiến tới… những tiếng đả đảo, la ó vang lên một góc trời. Dù bị đàn áp mãnh liệt như vậy, nhưng cuộc biểu tình cũng có một kết quả tốt về tinh thần. Xác Sư Cô Diệu Quang vẫn chưa được trả. Chính quyền địa phương đã vội vã vùi dập ở một nơi nào không ai biết.

Tối hôm ấy, thì có lệnh "thiết quân luật" từ 20 giờ đến 6 giờ sáng. Công An, Mật Vụ đi khắp các nẻo đường trong suốt đêm để dò xét, kịp thời giải tán những bạo động có thể xảy ra.

Ngày 17.8.1963, Tỉnh Hội gởi thư phản kháng sự vu cáo của Tòa Hành Chánh trong cuộc biểu tình ngày hôm trước rằng các Tăng Ni và Phật Tử đã hành hung nhân viên công lực, trong khi đó trái lại, nhân viên công lực đã hành hung Phật Tử bằng đủ mọi thứ khí giới nên sau cuộc biểu tình, mấy chục Tăng Ni và Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử mình đầy thương tích và có 2 người chết ngất tại chỗ. Ngoài những lời tố cáo, Tỉnh Hội còn khẳng định: "Dù nhà cầm quyền địa phương có áp dụng những biện pháp cứng rắn đến đâu, Tỉnh Hội cũng cho đây là một ân huệ để có dịp góp phần xương máu cho đồng đạo của Tỉnh Hội".

Ngoài ra, Tỉnh Hội cũng viết thư cho Tòa Hành Chánh đòi trả tự do cho những người bị bắt giữa đường trong cuộc biểu tình ngày hôm trước và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng bắt bớ tương tự.

Ngày 18.8.1963, Tỉnh Hội lại viết thư đòi xác Sư Cô Diệu Quang và nhắc lại yêu cầu trả tự do cho các Phật Tử đã bị bắt trong 2 ngày 16 và 17.

Ngày 19.8.1963, Gia đình Sư Cô Diệu Quang vì không liên lạc chặt chẽ và bố trí không sít sao nên chỉ còn Đạo Hữu Ngô Đình Hòa, thân phụ của Sư Cô ký vào thư đòi xác, còn vợ và các con Đạo Hữu bị khủng bố, hăm dọa,  nên không thỏa thuận lời yêu cầu của Tỉnh Hội được. Cũng bắt đầu từ ngày 19.8, chùa Tỉnh Hội bị bao vây chặt chẽ, người không ra, vào được và bị cắt nước. Trong khi đó một số Tín Đồ, Gia Đình Phật Tử và học sinh bị bắt bớ, tra khảo, đánh đập rồi bắt đi rào "Ấp Chiến Lược". Tỉnh Hội lại tiếp tục viết thư yêu cầu giải tỏa chùa và rút nhân viên công lực bao vây chùa để được rước Giác Linh Sư Cô từ Ninh Hòa về chùa Tỉnh Hội.

Việc chưa kết quả thì xảy ra biến cố tấn công chùa chiền ngày 20.8.1963 và lệnh "giới nghiêm toàn quốc"…

Bia tưởng niệm tại đài tưởng niệm Sư Cô Diệu Quang tại Khánh Hòa.

— ooOooOooOoo —

Theo Bản Tường Thuật cuộc vận động cho 5 nguyện vọng Phật Giáo của tỉnh Khánh Hòa & Tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của Tuệ Giác. “Giấy cho phép xuất bản” số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ, Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – Tâm Kim (Khánh Hòa) bổ sung hình ảnh).

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam 1963-2013.

QUANG MAI

>>> Xem Tiểu sử Thánh Tử Đạo: Ni Cô Thích Nữ Diệu Quang

1283 lượt xem