Nói với huynh trưởng ngành Đồng.

Quý anh chị huynh trưởng ngành Đồng thân mến.

Chương trình đào tạo huấn luyện huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử theo Nội quy và Quy chế huynh trưởng không có trại khóa nào hướng dẫn cho chúng ta chuyên biệt về giáo dục ngành Đồng. Bất quá chỉ trình bày các luận điểm khái quát vài tiết học về các ngành; tâm lý ngành; tâm lý trẻ chứ không hề đi sâu vào bộ môn này – muốn hiểu biết thêm huynh trưởng trẻ cần phải từ mình tìm tòi học hỏi để tăng trưởng khả năng về điều khiển ngành Đồng hay ngành Thiếu, ngành Thanh. Hiểu biết và ham thích lại là hai việc khác nhau. Như quý anh chị thích trẻ, cảm thấy mình phù hợp với các em ngành Đồng thì sẽ tìm tòi học hỏi qua kinh nghiệm của các huynh trưởng đi trước, qua tài liệu giáo dục, và qua quá trình trải nghiệm ta sẽ tạm thời đúc kết nên những thực tiễn tứng dụng từ bản thân – cách này gọi là tính chất Khai phóng (Liberty) trong giáo dục, tùy theo sở trường của mỗi người mà tự rèn luyện thành nhân.

Tốt nhất là ta nên áp dụng pháp Quán tưởng, phản tỉnh tự thân, liên hệ quá khứ tuổi thơ của mình, của người đã được sinh dưỡng, tăng trưởng trong quá khứ và xem xét các hành trạng của tuổi thơ ngày nay để thông hiểu mà ứng dụng trong các phương pháp cầm đoàn, bỏ qua phương pháp này chúng ta sẽ mất đi sự cảm thông và dễ rơi vào thế cực đoan, xung động khi hướng dẫn và đối đãi với trẻ. Giáo dục phát xuất từ tình thương thật sự thì phải chế ngự được những cơn giận, những sự chê bai, căm ghét tạo ra sự đối đãi bất công đối với trẻ. Tuy trẻ con hiếu động do nhu lực phát triển cơ thể nhưng rất muốn người lớn quan tâm, và phải quan tâm thiên vị cá thể riêng chúng do đặc tính của bản Ngã nhưng huynh trưởng bình tâm sáng suốt thấy rõ trách nhiệm và hậu quả xấu tốt trong hành vi, ngôn ngữ của người cầm đoàn. Trong gia đình mình là anh chị của đàn em thơ tuy lấy tình thân ái quan tâm làm keo sơn gắn kết nhưng rất cần sự tôn nghiêm trên dưới kính nhường, khó đúng chỗ, dễ dãi có thời thì mới xây dựng được tình thân và duy trì được sự phát triển đoàn trong tình tương thân, tôn trọng lẫn nhau.

Quý anh chị phải là người được đàn em tin tưởng nương cậy, được quý phụ huynh xem trọng vì đã chăm sóc tốt về mặt tinh thần cho con em họ – sự thưởng phạt nhẹ nhàng nằm trong tay các anh chị đối với một em là giáo dục cả đoàn, nên suy nghĩ chính chắn trước khi làm, đó cũng là gương cho các huynh trưởng đi sau. Hãy luôn biết hậu quả bằng phương pháp lắng nghe thị phi, dị nghị – có khi mình chủ quan, quá đáng mà không tự biết!

Tuy đa số hệ thống triết thuyết, tâm lý xã hội đều cho rằng tuổi thơ như những trang giấy trắng tinh khôi, do hoàn cảnh, môi trường sống, bạn bè tốt xấu mà trang giấy ấy sẽ được vẽ gì, viết gì lên trên đó nhưng đạo Phật cũng trình bày thêm định luật Duyên khởi và cấu trúc phức hợp của Nghiệp báo, nhân quả quần tụ trong Chánh báo của mỗi chúng sinh, mỗi hoàn cảnh (y báo) biến hành trong mỗi biệt nghiệp và cộng nghiệp để trả lời những phương pháp giáo dục bất toàn của xã hội. Mình dạy các em chánh Pháp là để tự bản thân các em thức tỉnh biết chuyển hóa các thức hữu tình giảm khổ được vui chứ mình khó có thể can thiệp vào dòng nhân quả đã thuần thục bao đời kiếp ấy để cứu độ họ – Trừ chư Phật hay các vị Bồ tát phải hy sinh bản thân mong thức tỉnh nhân loại.

Chúng ta đang góp phần xây dựng xã hội cho bớt xấu đi thì chúng ta phải siêng cần tham gia và học hỏi, nghiên cứu giáo dục. Muốn giáo dục đàn em nên người thì phải giáo dục từ bản thân – đùng để mai sau đàn em phát giác ra mình là người chỉ biết dạy người khác tu mà bản thân không tu; Miệng giảng về Phật Pháp mà không có đức ôn hòa và kham nhẫn; dạy các em ăn chay, kiêng sát giới mà mình lại đắm chìm vì mưu sinh hay giao tiếp.

Đừng dừng mãi ở điểm khởi hành, hãy lấy chướng ngại, ma quân làm đạo bạn để xem mình tinh tấn đến đâu.

Và, mai này chúng ta sẽ chân thành cảm ơn Gia Đình Phật Tử vì đã mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta tự tu sửa và rèn luyện thân tâm, mặc dù suốt cuộc đời ta đã phục vụ trong Gia Đình Phật Tử. Ngày nào chúng ta an nhiên vô ngại bước đi trước nội ma, ngoại chướng chính là lúc các vị Bồ tát từ đất dũng mãnh xuất hiện như kinh Pháp Hoa đã thuyết.

Đức Quảng

507 lượt xem