Như đã trình bày trong bài trước, kể từ sau ngày 20.8.1963, ngày Tổng Tấn Công Chùa Chiền của Phật Giáo trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, công cuộc vận động cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo Đồ để đòi hỏi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội đã không còn là cuộc vận động riêng của giới Phật Giáo. Đòn trí mạng tấn công toàn bộ chùa chiền, tự viện; bắt giam toàn bộ Tăng Ni, Cư Sĩ chủ chốt và liên can tới cuộc vận động đã đẩy cuộc vận động tín ngưỡng trở thành cuộc tranh đấu thực sự của mọi tôn giáo, mọi thành phần dân tộc, mọi giới đồng bào và anh chị em công chức, sĩ quan, binh sĩ, cảnh sát trong lực lượng Quân – Cán – Chính.

Bất chấp lệnh THIẾT QUÂN LUẬT được ban hành và áp dụng nghiêm ngặt trên toàn lãnh thổ. Các hoạt động tranh đấu vẫn diễn ra mạnh mẽ và ngày càng gia tăng cường độ…

SINH VIÊN VÀ HỌC SINH ĐỨNG DẬY

Sáng ngày 21.8.1963, sau khi đánh úp các chùa trong toàn quốc, Tổng Thống Ngô Đình Diệm triệu tập nội các và báo tin là quân luật đã được áp dụng trên toàn lãnh thổ vì Cộng quân đã xâm nhập vào các châu thành thủ đô Sài Gòn. Ông cũng cho các vị bộ trưởng hay về việc đánh chiếm các chùa và bắt giữ “bọn tăng ni làm loạn”.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Vũ Văn Mẫu đập bàn lên tiếng phản đối hành động dã man của chính quyền. Ông bỏ buổi họp ra về, cạo đầu để bày tỏ lập trường mình và gởi thư từ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao. Rồi ông bôn ba tìm các vị Khoa Trưởng và các vị Giáo Sư đại học đồng nghiệp cũ của ông, vận động thành lập Phong Trào Trí Thức Chống Độc Tài. Hành động quả cảm của ông Vũ Văn Mẫu đã châm ngòi cho sinh viên và học sinh bùng cháy trong toàn quốc. Sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ bãi khóa ngay trong buổi chiều 21.8.1963. Giáo Sư Lê Sĩ Ngạc của Trung Tâm đứng lên tán đồng lập trường của sinh viên và lên án chính sách tàn bạo của chính quyền.

Chiều ngày 22.8.1963, Khoa Trưởng Y Khoa Sài Gòn là Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm gởi đơn từ chức. Ông bị bắt giam và ngày hôm sau 23.8.1963, nghe tin ông bị bắt, tất cả sinh viên Y Khoa kéo nhau đến trường. Họ bàn định kế hoạch chia nhau từng nhóm nhỏ đi thuyết phục các vị Khoa Trưởng và Giáo Sư các Khoa từ chức. Đồng thời họ bàn luận kế hoạch vận động thành lập một Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa. Chiều hôm ấy Ủy Ban này được thành lập do Sinh Viên Tô Lai Chánh làm Chủ Tịch. Ủy Ban gồm có 18 sinh viên. Đại diện cho Dược Khoa có cô Lê Thị Hạnh; Y Khoa: Đường Thiệu Đồng; Văn Khoa: Lâm Tường Vũ; Kiến Trúc: Nguyễn Hữu Đồng; Công Chánh: Nguyễn Thanh; Sư Phạm: Nguyễn Văn Vinh; Luật Khoa: Tô Lai Chánh. Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa phát động phong trào bãi khóa: Sinh viên các trường Y Khoa, Luật Khoa, Dược Khoa, Mỹ Thuật v.v… theo gót sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ lần lượt bãi khóa. Trong thời gian vài tuần lễ, phong trào bãi khóa lan tới tất cả các cấp trung học toàn quốc.

Sáng ngày 24.8.1963 trên 3.000 sinh viên và học sinh tụ tập tại Trường Luật Khoa Sài Gòn để tiếp đón Giáo Sư Vũ Văn Mẫu. Họ vây quanh ông Mẫu, hoan hô ông vang dội. Đồng thời Ủy Ban Chỉ Đạo tung ra một bản Tuyên Ngôn mà họ đã biểu quyết ngày hôm qua 23.8.1963, yêu cầu chính quyền:

  1. Thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng.
  2. Trả tự do cho Tăng Ni và tín đồ Phật Giáo, sinh viên, học sinh và giáo sư hiện giam giữ.
  3. Chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ hành hạ tín đồ Phật Giáo.
  4. Giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.

Bản tuyên ngôn kết thúc bằng câu: “Sinh viên và học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu cho 4 nguyện vọng khẩn thiết trên. Đồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ Quốc!”.

Dưới bản tuyên ngôn, danh từ Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa được đổi thành Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Và Học Sinh.

Chỉ trong vòng 3 hôm sau ngày đánh úp các chùa, phong trào sinh viên và học sinh đã làm rúng động cả thủ đô Sài Gòn.

Ngày 25.8.1963, lại 300 sinh viên, học sinh tổ chức biểu tình tại Công Trường Diên Hồng, phía trước chợ Bến Thành. Cuộc biểu tình này được tổ chức một cách tài tình bởi vì trong tình trạng "giới nghiêm", khắp nơi trong thủ đô đều có các đơn vị võ trang canh gác, nhất là tại trung tâm Sài Gòn. Từng nhóm nhỏ sinh viên và học sinh do nhiều ngã đường đi tới: Vào khoảng 10 giờ sáng, đột nhiên biểu ngữ được tung ra trước chợ Bến Thành và cuộc biểu tình thành hình. Các trung đội Cảnh Sát Chiến Đấu gần đó được tin liền kéo tới đàn áp. Cảnh sát bắn cả vào đám biểu tình. Một em nữ sinh tên Quách Thị Trang bị trúng đạn tử thương. Một số sinh viên trốn thoát được; một số khác bị thương; khoảng 200 người bị bắt giữ. Thi hài Quách Thị Trang bị mang đi mất. Ngay chiều hôm đó chính quyền Đô Thành ra thông cáo rằng các lực lượng an ninh đã được lệnh nổ súng vào bất cứ đám đông nào tụ họp ngoài công lộ mà không xin phép trước.

Sau cuộc biểu tình ngày 24.8.1963, sinh viên và học sinh đã trở thành đối tượng khủng bố và đàn áp của nhà cầm quyền. Các Phân Khoa đại học và các trường trung học lớn tại Sài Gòn đều được dây thép gai bao bọc và những hàng rào cảnh sát canh gác. Để đáp lại biện pháp này, sinh viên và học sinh tổ chức bãi khóa. Họ còn vận động với các giáo sư của họ gởi thư từ chức.

Ngày 7.9.1963, học sinh các trường trung học công lập Gia Long, Trưng Vương và Võ Trường Toản tổ chức meeting bãi khóa ngay tại sân trường của họ. Họ không vào lớp mà kê bàn tại ngoài sân để đứng lên diễn thuyết, tố cáo tội ác của nhà cầm quyền. Biểu ngữ được họ viết lên trên các bức tường hoặc trên những tấm bìa lớn mà họ trương lên khắp nơi.

Học sinh các trường Trưng Vương và Võ Trường Toản định tổ chức biểu tình diễn hành, nhưng vừa ra khỏi cổng trường họ liền bị cảnh sát đàn áp. Cuộc xung đột tại cổng Trường Trung Học Chu Văn An là một trường nam sinh, nổi tiếng là tranh đấu ác liệt nhất với cảnh sát. Nên nhớ rằng 3 trường đi tiên phong cho phong trào bãi khóa và tranh đấu của học sinh có tới 2 trường nữ trung học: Đó là Trưng Vương và Gia Long.

Số học sinh các trường trung học tại Sài Gòn bị bắt giữ lên tới 2.000. Tại các tỉnh, học sinh các trường công lập và tư thục cũng đứng lên tranh đấu tương tự.

Trong lúc đó, trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, chính quyền kêu gọi phụ huynh học sinh kiểm soát con cái mình "đừng cho chúng mắc mưu Cộng Sản”. Ông Phan Văn Tạo, Tổng Giám Đốc Thông Tin mở cuộc họp báo, đưa 2 thiếu nhi 15 và 16 tuổi để 2 em này tự nhận là Cộng Sản xúi dục đồng bạn đi biểu tình. Cuộc họp báo này không chinh phục được ai, bởi vì trong thâm tâm các bậc phụ huynh đều biết vì lý do gì mà con cái mình tham dự vào cuộc tranh đấu. Dưới sự đàn áp của bạo quyền, đất nước mang một bộ mặt rách nát, tả tơi. Vấn đề không còn là vấn đề thành bại của cuộc tranh đấu Phật Giáo. Vấn đề là vấn đề sinh mệnh và thể diện của cả một dân tộc. Một bầu không khí u uất nặng trĩu đè nặng lên cả một đất nước. Không những dân chúng mà đến quân đội và nhiều thành phần trong lực lượng chính quyền và cảnh sát cũng cảm thấy áp lực nặng nề và u uất đó.

PHẬT GIÁO THUẦN TÚY

Liền ngay sau khi tấn công các chùa trong toàn quốc, nhà cầm quyền đưa ra một tổ chức là Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy. Người chủ chốt này là Thiền Sư N.M, ngày trước đã từng là học viên của một khóa tu nghiệp cho các vị trụ trì được Giáo Hội Tăng Già Việt Nam tổ chức tại chùa Tuyền Lâm ở Chợ Lớn. Mục đích của Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy là tạo ra một hình ảnh Phật Giáo không chống đối chính quyền và được sống an lành trong sự che chở của chính quyền. Do vì Thiền Sư N.M không là một khuôn mặt lớn nên chính quyền, qua trung gian của một vài Phật Tử thân chính như bà V.V.V và ông Đ.T.C, đã tìm cách thuyết phục được Thầy T.H đứng tên vào Ủy Ban với hứa hẹn rằng Ủy Ban sẽ có uy lực can thiệp để chính quyền thả tự do cho toàn thể Tăng Ni và Cư Sĩ đang bị bắt giam. Nóng lòng về việc “giải cứu chư Tăng”, Thầy TH nhận lời, và sau đó chính quyền đã phóng thích một số Tăng Ni và Phật Tử mà họ cho là vô hại và không có tính cách chủ chốt trong cuộc tranh đấu. Việc chấp thuận để tên mình trong Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy có lẽ là vết tì duy nhất trong cuộc đời hành đạo của Thầy TH. Chúng ta cũng nên biết là trong thời gian này tất cả những đạo lữ và cố vấn của Thầy TH đều đang bị chính quyền giam giữ. Tuy lúc này chính quyền đã để cho Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết về chùa Ấn Quang, nhưng tất cả chư Tăng phụ tá cho người đều vẫn còn bị giam cầm.

— — — oOo — — —

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam 1963-2013 – Tham khảo, đả tự & trình bày theo VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN của Nguyễn Lang.

Quang Mai

1093 lượt xem