Cầu Thanh Tuệ do GĐPT Quảng Trị thực hiện sau khi Pháp Nạn giải trừ (Phật Đản PL.2508 – 1964).
Xa xa bên kia sông là khu đất cắm trại họp bạn Tất Đạt Đa 2507 năm 1963.

Trước khi đi vào chương(1) này, cần phải minh xác rằng, công cuộc đấu tranh cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo là công trình chung của toàn thể Phật Giáo Đồ trong tỉnh, mà chương này là sự tổ thuật công cuộc tranh đấu của Phật Giáo Quảng Trị thì không thể xem như lịch sử riêng của Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Quảng Trị. Tuy nhiên, diễn biến đấu tranh – nhất là trong phạm vi tổ chức và hoạt động – vai trò của GĐPT là vai trò chính yếu mà nhìn một cách khách quan, hình ảnh GĐPT nổi bật lên, chiếm phần tổng quát, vì vậy mà công cuộc đấu tranh của Phật Giáo Đồ trong tỉnh cũng chính là lịch sử đấu tranh riêng của GĐPT, và tổ thuật công cuộc đấu tranh của GĐPT lại chính là sự tổ thuật công cuộc đấu tranh của Phật Giáo Đồ toàn tỉnh vậy.

Đối với GĐPT, một tổ chức kết hợp những phần tử thanh niên, tuổi trẻ, những phần tử này khi đã thấm nhuần đạo lý từ bi, hỷ xả, không còn sợ sệt, không còn mặc cảm, sẳn sàng hiến thân cho đạo pháp và sẳn sàng chịu đựng. Đi sâu vào tính chất điều khiển và lãnh đạo phong trào đấu tranh của Phật Giáo Quảng Trị, vai trò của GĐPT đã thể hiện bản sắc thanh niên tính này. Chính vì vậy mà mở đầu cho công cuộc đấu tranh của Phật Giáo Đồ Quảng Trị, phải kể đến tinh thần TRẠI HỌP BẠN TẤT ĐẠT ĐA PL.2507 của GĐPT.

TINH THẦN ĐẤU TRANH ƯƠM MẦM

Sáng ngày 14 tháng tư Quý Mão, khu trại Tất Đạt Đa đã rộn rịp Đoàn Sinh… Cờ Phật Giáo rộng lớn, lá cờ cỡ 6mX4m ngạo nghễ trên kỳ đài cao chót vót 36m.

Trong lúc đó, tại chùa Tỉnh Hội đã xôn xao vì công điện cấm treo cờ Phật Giáo. Công điện này, bản chính của Tòa Tỉnh Trưởng được chuyển qua cho đạo hữu Trưởng Ban Hướng Dẫn đọc. Tuy nhiên công điện này chưa được thi hành, ngoại trừ các cơ sở chính quyền tại Quảng Trị. Cờ Phật Giáo tại chùa và tư gia vẫn để nguyên và chưa triệt hạ. Tại đây, chính quyền sợ những phản ứng của dân chúng, nhất là khi gần 6.000 Trại Sinh đang cắm trại bên kia thị xã.

Một chính sách mềm dẻo và cực kỳ khôn ngoan của ông Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Trị: Ông này bỏ đi nghĩ mát tại biển Mỹ Thủy và trao quyền giải quyết lại cho 2 ông Phó Tỉnh Trưởng, người Phật Tử, để hai ông này thương lượng với Ban Trị Sự Tỉnh Hội. Sự tránh mặt này cốt để dò xem thái độ và phản ứng của Ban Trị Sự Tỉnh Hội và các Phật Tử trong tỉnh.

Mãi đến sáng hôm sau, ông Tỉnh Trưởng mới có một quyết định: Ông chỉ yêu cầu hạ cờ Phật Giáo tại kỳ đài khu Trại Họp Bạn xuống thay thế vào cờ Quốc Gia (đối với việc treo cờ của Tỉnh Hội và các tư gia ở thị xã ông không đả động đến). Đối với thị xã thì vậy, nhưng tại thôn quê, công điện đánh đi thì được các chính quyền địa phương thi hành. Một số các Khuôn Hội lại không dám thượng giáo kỳ tại trụ sở chính.

Hạ cờ Phật Giáo tại khu trại, ông nêu lý do: Bất kỳ ở những Trại Họp Bạn của một tổ chức thanh niên nào, tại trụ cờ chính vẫn phải thượng cờ Quốc Gia. Hơn nữa, công điện của Tổng Thống phải được tuân hành và áp dụng trong trường hợp Họp Bạn của GĐPT, ngoài lễ đài chính của địa điểm hành lễ của Tỉnh Hội.

Trước quyết định đó, Tỉnh Hội phải phái đạo hữu Phan Văn Phố qua gặp đạo hữu Trưởng Ban Hướng Dẫn để truyền đạt ý kiến của Tỉnh Hội: "Nếu cờ Phật Giáo không được thay thế bằng cờ Quốc Gia, thì Ban Trị Sự Tỉnh Hội sẽ không qua tham dự Lễ Khai Mạc Trại".

Một cuộc hội ý chớp nhoáng với Trại Trưởng, và sau đó Ban Trại Trưởng quyết định hạ cờ.

Giờ phút hồi hộp chờ đợi, vì mãi đến phút chót của Lễ Khai Mạc, cờ Phật Giáo mới được hạ xuống và quốc kỳ mới được thượng lên. Lá cờ cỡ 1m20X2m không cân đối với kỳ đài gây một cảm giác khó chịu. Một lần nữa, ông Tỉnh Trưởng yêu cầu thay thế bằng một lá cờ khác lớn hơn, nhưng đạo hữu Trưởng Ban Hướng Dẫn xác nhận đó là lá cờ to nhất, mượn tại Ty Công Chánh Quảng Trị.

Mặc dù những phản ứng ngấm ngầm, Lễ Khai Mạc Trại vẫn khai diễn trong không khí bình thường. Bài diễn văn khai mạc cũng nêu lên tinh thần và quan điểm đấu tranh:

"… Gần đây, Ngô Tổng Thống chủ trương một nền giáo dục đấu tranh, thì trong GĐPT, tinh thần đấu tranh đã là một sự thể hiện hoàn toàn.

Con người luôn luôn phải đặt trong một tình trạng đấu tranh thường trực:

– Đấu tranh với nội tâm, với tự bản thân mình giữa hai nếp "thiện" – "ác", đặc biệt là trong thời đại chúng ta, tất cả các giá trị bị đảo lộn trên căn bản và những tiêu chuẩn tuyệt đối chưa được xác định.

– Đấu tranh giữa con người nội tâm với hoàn cảnh ngoại giới, với sức lực bé bỏng của con người muốn chiến thắng thiên nhiên, đoạt quyền tạo hóa.

Quan niệm đấu tranh mà biểu tượng duy nhất là cuộc đấu tranh của Phật Thích Ca khi thành đạo dưới gốc cây bồ đề và thực hiện qua cuộc chuyển pháp luân của Ngài.

Chính trong quan niệm của tinh thần giáo dục đấu tranh mà Trại Họp Bạn này đã được tổ chức: Các Trại Sinh phải đương đầu với nắng cháy mưa sa, với núi sông, gò bãi, phải "tự chiến thắng mình để chiến thắng thiên nhiên", phải biết tự khắc phục mình để sống theo "nguyên tắc Lục Hòa", một nguyên tắc xã hội biểu hiện tinh thần lý thuyết Phật Giáo trên phương diện áp dụng.

Nếu trên lý thuyết: Phật Giáo với giáo lý Từ Bi, Hỷ Xã khởi điểm từ nhận thức "vô ngã" để kiến tạo một đời sống tinh thần hòa hợp, thì trong phạm vi thực hiện xã hội, nguyên tắc Lục Hòa mà chúng tôi nêu trên là thể hiện lý thuyết đó.

Trại Họp Bạn này, ngoài tính cách cúng dường ngày trọng đại của Phật Giáo Đồ, còn là sự biểu dương của ý chí thực hiện từ phạm vi lý thuyết sang cương lĩnh thực hành của giáo lý Phật Đà trong thực tiễn xã hội chúng ta ngày nay. Đó chính là mục đích tinh thần của Trại Họp Bạn Tất Đạt Đa mà chúng tôi hân hạnh được giới thiệu cùng toàn thể liệt quý vị hôm nay…".

Đặt lại tinh thần và ý niệm đấu tranh, thật ra Ban Hướng Dẫn cũng không tiên liệu được sự chuyển biến tình hình và công cuộc đấu tranh thực sự ngày sau.

Chiều ngày rằm, lúc 3 giờ, Thượng Tọa Thiện Minh – Phái Đoàn Ban Hướng Dẫn Trung Phần cùng Sinh Viên Phật Tử Huế ra thăm Trại Họp Bạn. Trong cuộc viếng thăm, Thượng Tọa Thiện Minh, đạo hữu Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Phần, đại diện Sinh Viên Phật Tử vẫn chưa trình bày rõ rệt những ý kiến của mình với vấn đề triệt hạ đạo kỳ Phật Giáo và chưa minh xác hẳn tinh thần đấu tranh của Phật Giáo Đồ.

Vào khoảng 12 giờ trưa hôm 16, một Huynh Trưởng GĐPT ở Thừa Thiên – anh Lương – ra báo tin cho Ban Trại Trưởng biết, 8 Phật Tử đã bị giết chết tại Đài Phát Thanh Huế. Trước tin đó, Ban Hướng Dẫn phái anh Lư Thượng Công vào thỉnh thị ý kiến của Thượng Tọa Thích Trí Quang. Anh Trại Trưởng đã chấp thuận đề nghị của anh Nguyễn Đức Cự tổ chức ngay tại đất trại Lễ Truy Niệm các Phật Tử đã hy sinh. Một khẩu hiệu rất lớn và các băng tang được chuẩn bị sẵn sàng.

Tại thị xã Quảng Trị, một số dư luận ước đoán được tung ra: "GĐPT Quảng Trị sẽ tổ chức cuộc biểu tình với 6.000 Trại Sinh để phản đối sự đàn áp ở Huế". Thị xã Quảng Trị rục rịch chuẩn bị.

Chính quyền Quảng Trị cũng lo đối phó. Một số thiết giáp xa được điều động về án ngự tại Cầu Ga Quảng Trị. Hàng trăm nhân viên cảnh sát chiến đấu được sai phái qua khu trại để đề phòng các hoạt động của Trại Sinh…

LỄ TRUY NIỆM

Trước khi cử hành Lễ Truy Niệm, trại vẫn sinh hoạt bình thường. Cuộc vui xổ số vẫn hào hứng. Tuy nhiên, không khí nặng nề đã chen lẫn vào tinh thần Trại Sinh.

Hệ thống phòng vệ khu trại đã được tăng cường. Quanh khu trại, cứ 10 thước có 1 Trại Sinh cầm gậy đứng gác. Chỉ trừ đại lộ chính là nơi được tự do lưu thông, các nẻo khác đều bị cấm di chuyển. Người ta tưởng chừng như bất hạnh có một kẻ nào âm mưu quấy rối, kẻ ấy sẽ không tài nào thoát khỏi!

Thiên hạ hiếu kỳ càng đổ xô nhau qua khu trại. Có từ hàng vạn đồng bào tại khu công cộng của Trại Họp Bạn.

10 giờ đêm. Cuộc vui xổ số chấm dứt. Một sự im lặng nặng nề chờ đợi…

Bổng nhiên ở khán đài, các Huynh Trưởng trong Ban Trại Trưởng chăng lên một biểu ngữ dài 20m với hàng chữ rất lớn:

"THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM ANH LINH CÁC PHẬT TỬ ĐÃ BỎ MÌNH TẠI ĐÀI PHÁT THANH HUẾ".

Lệnh tập trung Trại Sinh.

Tiếp đó anh Trại Trưởng lên nhắc lại câu khẩu hiệu, giải thích sự kiện xảy ra tại Huế và nhường lời lại cho anh Trưởng Ban Hướng Dẫn khai mạc Lễ Truy Điệu.

Với giọng nói nghẹn ngào cảm xúc, anh tuyên bố: "Tôi hết sức đau đớn khi phải báo tin cho tất cả Trại Sinh thân mến của chúng ta rằng 8 Phật Tử đã bỏ mình tại Đài Phát Thanh Huế để bảo vệ cho Phật Giáo. 8 Phật Tử thân thích, ruột thịt trong hàng ngũ áo lam của chúng ta đã hy sinh! Máu chảy ruột mềm. Máu của chúng ta đã chảy và chúng ta đã phải chịu đau đớn trong niềm đau thương chung. Trong niềm thương yêu lý tưởng, hôm nay chúng ta làm Lễ Truy Điệu và để tang cho anh em đồng đạo của chúng ta, cái tang chung của toàn thể Phật Tử Việt Nam!…".

Anh trình bày rất nhiều, nhưng vẫn dè dặt, nhất là trong phạm vi lập trường và đối tượng đấu tranh.

Sau khóa lễ cầu siêu bằng nghi thức đơn giản, Trại Sinh nhận băng tang và nhận được lệnh "IM LẶNG TUYỆT ĐỐI" khi trở về trại. Giải thích về thái độ im lặng này, anh nói: "Im lặng không phải là bỏ qua mọi vấn đề! Im lặng là một phương thức rèn luyện ý chí, là đưa những cảm niệm uất hận lắng sâu vào tận đáy tâm can, để gợi lên xác thực những cảnh tượng của đầu rơi máu chảy, thịt nát xương tan, những hình ảnh đau thương của đồng đạo chúng ta, và để cảm thông những xót xa mà anh em chúng ta đã phải chịu…".

Không khí trại trở nên ghê sợ, vì trong sự im lặng đã chất chứa một sự gì bí mật chưa phát hiện. Hàng vạn người đến xem cũng bị ảnh hưởng của tinh thần Trại Sinh, im lặng giải tán.

MỘT CUỘC TIẾP XÚC

Khi các Trại Sinh im lặng trở về trại, một cuộc tiếp xúc giữa ông Phó Ty Trưởng Cảnh Sát Đặc Biệt và anh Trưởng Ban Hướng Dẫn được diễn ra tại bãi cát phía trước khu trại. Một cuộc tiếp xúc bất ngờ, bán chính thức giữa một nhân vật nắm giữ lực lượng Cảnh Sát Đặc Biệt với vị lãnh đạo tinh thần của GĐPT làm cho Trại Sinh lo sợ đề phòng…

Thật ra đây chỉ là câu chuyện giải thích về thái độ của chính quyền (về phía ông Phó Ty Trưởng Cảnh Sát) và minh xác lập trường, thái độ của Phật Tử (về phía anh Trưởng Ban Hướng Dẫn) để dò hỏi thái độ của nhau mà thôi, không có gì gay cấn. Tuy nhiên, ấn tượng vụ đàn áp tại Huế làm cho Trại Sinh tăng cường sự phòng vệ cho anh Trưởng Ban Hướng Dẫn. Công tác bố phòng và thanh soát nội bộ được thực hiện chu đáo hơn.

Nửa giờ sau khi viên Phó Ty Trưởng ra về, giữa sự im lặng nặng nề, bổng một hồi còi cấp cứu vang lên! Bổng nhiên toàn khu trại vùng dậy! Trại Sinh nam nữ, dùi gậy sẵn sàng, xô nhau chạy. Cát bụi trong đêm tung lên mù mịt!

Người ta tưởng chừng như một cuộc khởi loạn bắt đầu!…

— oOo —

CÒN TIẾP…

—————-
Chú thích:

(1) Một chương trong sách Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử của Tuệ Giác. Ở đây, trong chuyên mục này thể hiện cho phần bài viết về Pháp Nạn 1963 tại Quảng Trị.

— — — oOo — — —

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam 1963-2013.

Theo tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của Tuệ Giác. “Giấy cho phép xuất bản” số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ, Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. [QM]

1287 lượt xem