TVGĐPT – Phần lược trích dưới đây của tác giả T.Q.D (qua lời thuật lại của Tướng Trần Văn Đôn) không nói về toàn bộ các cuộc tấn công vào Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo suốt quá trình cuộc cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam kể từ khi khởi đầu, tức là đêm lễ Phật Đản (PL.2507) 8/5/1963 thắm máu Phật Tử tại Đài Phát Thanh Huế đến khi kết thúc cuộc tranh đấu, ngày 21/8/1963 – sau đêm Tổng Tấn Công Chùa Chiến 20/8/1963, mà chỉ nói về nổi oan của quân đội trong cái đêm “Chiến Dịch Nước Lũ” ô nhục nhắm vào tất cả chùa chiền tại Miền Nam Việt Nam: đêm 20 rạng ngày 21 tháng 8 năm ấy.
———=oOo=———
Trung Tướng Trần Văn Đôn, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH dưới thời ông Diệm, qua hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng”, NXB Xuân Thu, USA, 1989, từ trang 171 đến 179, ông viết trong lúc mà hầu như mọi tướng lãnh, quân nhân QLVNCH đều còn sống và phần đông là có mặt tại Hoa Kỳ. (TQD).
oOo
“Đại Tướng Lê Văn Tỵ (Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – TQD) đi Mỹ chữa bệnh. Đến ngày 19 tháng 8 năm 1963, ông Diệm chỉ định tôi chức Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, rồi ông Nhu ra lịnh tấn công chùa để cho tôi và quân đội chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên sự việc đó làm cho dư luận trong và ngoài nước kết án quân đội mà người đứng mũi chịu sào là tôi”.Chiều ngày 20 tháng 8, ông Ngô Đình Nhu mời tôi – Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm – Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính – Quân Trấn Sài Gòn và Đại Tá Nguyễn Văn Y – Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát, đến Dinh Độc Lập ra lịnh: “Tối nay sẽ bắt các sư sãi Cộng Sản”. Đêm 20 tháng 8, lợi dụng lịnh giới nghiêm, Dinh Độc Lập ra lịnh riêng cho Đại Tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt cùng Cảnh Sát Đặc Biệt của Dương Văn Hiếu, Mật Vụ và Cảnh Sát Chiến Đấu của ông Trần Văn Tư, Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành bao vây, tấn công các chùa trong đô thành để bắt các Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và Phật Tử. Lực Lượng Đặc Biệt là một tổ chức của quân đội, được thành lập từ năm 1956 gồm gần 10 đại đội (mỗi đại đội 120 người), võ trang súng ống tối tân nhất, được huấn luyện kỹ như nhảy dù, bơi lội, đột kích sau lưng địch… Một số ít chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt này đã từng nhảy dù ra Bắc để hoạt động, vì vậy nên được lựa chọn rất kỹ, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn. Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy lực lượng này.
Nghe lịnh tấn công chùa như vậy, chúng tôi biết là việc này sẽ làm suy sụp thêm cho chế độ nhưng không thể can gián được. Đêm đó, tôi và Trần Thiện Khiêm theo dõi tại bộ Tổng Tham Mưu trên máy riêng Motorola của cảnh sát nên chúng tôi biết cuộc tấn công này do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy tổng quát.
Tôi và ông Khiêm lấy xe đến chùa Xá Lợi vào khoảng 1 giờ khuya. Đến nơi tôi thấy đèn còn bật sáng, cảnh sát còn đi qua lại. Bước vào chính điện, tôi giở mũ, ông Khiêm cũng dỡ theo. Lính cảnh sát thấy vậy cũng dỡ mũ và đứng im. Tôi hỏi:
– Quý Thầy đâu hết rồi?
Họ nói dẫn qua Phú Nhuận, còn Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết thì được đưa về cơ quan tình báo của Đại Tá Nguyễn Văn Y.
Tôi ra lịnh họ tắt đèn đóng cửa lại, đừng làm mất trang nghiêm nơi thờ phượng. Dặn xong chúng tôi ra về, đến cơ quan của Đại Tá Y. Ông Y cho biết Hòa Thượng rất mệt, mai sáng phải cho vô bịnh viện quân sự Cộng Hòa. Chúng tôi trở ra đi thẳng đến Dinh Gia Long. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng. Gặp ông Nhu, ông ta bảo ra lịnh thiết quân luật. Lịnh này ban ra là có ý đổ trách nhiệm tấn công chùa cho quân đội, tôi hiểu ý của ông Nhu nhưng im lặng thi hành.
Lúc 5 giờ sáng, ông Diệm tập hợp Nội Các chánh phủ để trình bày sự việc. Ngay trong phiên họp đó, Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức để phản đối sự đàn áp Phật Giáo của anh em ông Diệm. Sự từ chức nầy của ông Mẫu làm thế giới xôn xao, Phật Tử xúc động, dân chúng cảm phục một người đã thẳng thắn từ bỏ chức vụ để phản đối hành động bất công và tàn bạo.
Lúc đó ông Trần Văn Chương đang là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, bà Chương(*) là Quan Sát Viên cho Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc, nhận thấy anh em Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, con gái mình tiếp tay phát ngôn hỗn xược mà mình không thể can ngăn được nên cả hai ông bà đều từ chức.
Sự từ chức của ông Mẫu và ông bà Trần Văn Chương là những ngọn đòn đau đớn cho anh em nhà Ngô.
Giới nghiêm là hạn chế sự lưu thông về đêm, còn thiết quân luật là phải đem quân đội ra đường canh gác. Mỗi thứ phù hợp với một tình trạng, mà thiết quân luật chỉ áp dụng khi thật sự nguy hiểm cho nước nhà. Bởi vậy nghe lịnh Thiết Quân Luật, các tướng ngơ ngác.
Ngày 21 tháng 8, đài VOA loan tin quân đội nghe theo lịnh Tổng Thống đi tấn công chùa. Tôi không biết làm sao cải chính tin đó với đài VOA nên tôi cho Đại Úy Lê Văn Khấn, sĩ quan tùy viên của tôi đi mời ông Conein, sĩ quan CIA quen tôi từ năm 1946 ở Hà Nội hiện đang ở góc đường Công Lý và Nguyễn Đình Chiểu đến Bộ Tổng Tham Mưu gặp tôi đêm đó. Ông Conein sợ tôi gài bẫy nên mang theo súng tùy thân.
Chín giờ tối, ông Conein lại, chúng tôi cho biết quân đội không tham gia trong việc tấn công các chùa như đài VOA đã loan tin để ông Conein về trình lại Đại Sứ Mỹ. Ông Conein hỏi: “Các tướng lãnh Việt Nam có ý định đảo chánh không?” Tôi trả lời: “Chuyện này rất quan trọng sẽ nói sau.” Rồi ông Conein ra về.
Hai hôm sau đài VOA cải chính, nói rõ là quân đội Việt Nam không tấn công chùa. Ông Nhu nghe tin cải chính nầy rất tức giận, buộc mấy ông tướng phải họp lại (cái này thì quả nhiên là độc tài gia đình trị chứ còn gì nữa? – TQD), tuyên bố đứng sau lưng Tổng Thống và tôi phải ra ‘nhật lịnh’ nói rằng quân đội có tham gia việc đó. Tôi phải tuân lời. Tuân lời ra nhật lịnh kêu gọi quân đội xiết chặt hàng ngũ sau lưng Ngô Tổng Thống thì được, nhưng nói làm sao cho anh em quân nhân và đồng bào hiểu mình đang tìm cách hạ một chính quyền đang bị dân oán hận! Tôi ra lịnh cho Đại Úy Phạm Văn Túy, tín đồ Thiên Chúa Giáo đang làm việc ở văn phòng tôi thảo nhật lịnh. Cùng tâm trạng như tôi và hiểu ý tôi nên Đại Úy Túy viết đoạn chót mà tôi rất hài lòng:
Cuộc chiến đấu rất nhiều gian khổ, thử thách lòng hy sinh của chúng ta cho chính nghĩa và tổ quốc. Chúng ta phải cương quyết giữ vững ý chí, chủ động trên khắp các lãnh vực đấu tranh. Tôi (“Tôi” ở đây là Trung Tướng Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Trần Văn Đôn – TQD) luôn luôn ở bên cạnh các anh em. Hãy tuyệt đối tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng.
Báo chí lúc ấy bất bình hành động của ông Ngô Đình Diệm và vợ chồng Ngô Đình Nhu có mấy tờ in đậm câu chót trong nhật lịnh nên nhiều người đọc tinh ý sẽ hiểu câu: “Hãy tuyệt đối tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng.”
– oOo –
Việc một nữ sinh (Quách Thị Trang – TQD) bị bắn chết (sáng ngày 25.8.1963 trước chợ Bến Thành, Sài Gòn – TQD) làm cho chúng tôi thấy hổ thẹn với quần chúng khi khoác áo quân nhân ra đường. Việc Phật Tử bị giam cầm làm cho tôi có mặc cảm tội lỗi. Nói làm sao cho dân chúng hiểu được rằng chúng tôi không làm việc đàn áp đó, chúng tôi không chủ trương giết người biểu tình bất bạo động, chúng tôi không đồng ý bắt giam người như vậy? Nhưng chúng tôi cúi đầu nhẫn nhục chờ ngày không xa chúng tôi sẽ trả lời với mọi người bằng hành động.
Ngày 22 tháng 8, tôi đến thăm Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. Với giọng nói mệt nhọc, ngài hỏi:
– Tại sao lại đánh chúng tôi?
Nghe hỏi tôi xót xa quá, nhưng không biết trả lời sao!
Vì thiết quân luật, chúng tôi ở trong trại không về nhà, nhiều anh em cũng như tôi nhận những cú điện thoại trách móc của vợ, không những chỉ các gia đình theo đạo Phật mà người phụ nữ thuộc các tôn giáo khác cũng có người trách chồng sao lại tham gia vào việc đàn áp Phật Giáo… Đại Tá Trần Ngọc Huyến, một tín đồ Thiên Chúa Giáo, người ủng hộ ông Diệm hết tình cũng chống vấn đề đàn áp Phật Giáo đó của anh em ông Diệm.
Những gì chúng tôi nung nấu từ đầu năm 1960 đến nay đã đến lúc phải bộc phát. Những độc tài, bất công, đàn áp của chính quyền mà suốt mấy năm trời chúng tôi bất bình đến nay phải bùng nổ. Những chuẩn bị từ lâu nay đến lúc phải thi hành. (bằng vào 1 giờ 30 chiều ngày 1.11. 1963 – TQD).
T.Q.D
Trích hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng” – TRẦN VĂN ĐÔN
(*) Phu nhân Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ Trần Văn Chương là bà Thân Thị Nam Trân đương nhiệm Quan Sát Viên VNCH tại LHQ lúc bấy giờ. Ông Trần Văn Chương và bà Thân Thị Nam Trân là thân phụ – thân mẫu bà Trần Thị Lệ Xuân, vợ ông Cố Vấn Chính Trị Ngô Đình Nhu (Thư Viện GĐPT).
1221 lượt xem
Tin khác
Hôm nay, ngày mùng 7.8.Giáp Thìn (09.9.24), tại Chùa Vạn Đức, thành phố Nha Trang. BHD GĐPT Khánh Hòa tổ chức lễ Hiệp kỵ Chư Thánh tử đạo, Chư Tôn…
Nhân lễ Hiệp kỵ Chư tôn đức Tăng Ni, Quý tiền bối hữu công sáng lập viên, Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT Khánh Hòa quá cố. Đêm thắp nến…
Vào ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thìn (tức là ngày 12.6.2024), tại tu viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, Việt Nam, lễ Húy kỵ của Anh Nhật Thường…
LỄ TIỂU TƯỜNG NI SƯ THÍCH NỮ THUẦN TÁNH (Huynh Trưởng Diệu Dung – Phạm Thị Xuân Viên Nguyên Uỷ Viên Thiếu Nữ Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN) …
Như bản tin viên tịch Trang Nhà GĐPTVN Trên Thế Giới đã đăng tải, Đại Lão Hòa Thượng THÍCH CHƠN TRÍ, húy TÂM NGUYÊN, Tọa chủ chùa Phước Điền – Huế,…