Ca múa cộng đồng và luân vũ

Trại Họp Bạn Huynh Trưởng Linh Sơn 4 kỳ này xoáy mạnh vào Sinh hoạt Đoàn để khơi dậy tiềm năng của các huynh trưởng cầm đoàn. Lâu nay chúng ta thường tập trung vào sự tu học, lễ lược, sân khấu, hội thảo… của “người lớn” khá nhiều mà bỏ bê việc sinh hoạt đoàn. “Bỏ bê” ở đây có nghĩa là các huynh trưởng lớn không có phát kiến mới lạ lại không phục hồi vốn liếng trong các “Ngân hàng” trò chơi nhỏ, ca múa tập thể, trò chơi Phật hóa… đã một thời luôn ở thế điều hòa, cân bằng gây sống động phong trào để cho các đàn em mình tự sinh tự diệt.

Sir. Baden Powell, Sáng tổ Hướng Đạo thế giới đã từng có nhận xét: “ Những người quản trò là những nhà giáo dục”, như vậy người ra trò chơi tợ như những vị tướng điều khiển binh sĩ, phải quan sát hoàn cảnh, sân chơi, số người chơi, hạng tuổi, khả năng… để ứng dụng trò chơi cho phù hợp. Thí dụ như trong một vòng tròn có nữ, có nam thì không thể ra trò chơi mạnh bạo và đụng chạm thân thiết được; hoặc giả có thêm ngành đồng thì trò chơi lại càng phải đơn giản. Điều quan trọng là tất cả mọi thành viên trong sân phải đều có thể chơi được, và nếu cùng quây quần một lúc thì không khí sống động sẽ dâng trào. Nếu là đoàn sinh và các huynh trưởng trẻ mà ra trò chơi thì chỉ có cái nhìn phiến diện là chơi vui mà thiếu quan sát, chơi chán thì bày trò khác và thường để vòng chơi tự chọn lựa trò chơi, như vậy là quản trò đã bị “tước quyền điều khiển” từ đầu. Từ đó cả hai, quản trò và người chơi đều bị “chán ngấy” như nhau.

Sắp tới đây Ban Văn Nghệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam sẽ tổ chức một kỳ Trại Tu Dưỡng Văn Nghệ GĐPT có tên là Kiều Thi Ca vào mùa thu 2014 để hướng dẫn thực hành các Trò chơi nhỏ, các điệu múa hát từ cử điệu chung cho đến những điệu Ca múa cộng đồng để phục hồi những hình thái sinh hoạt 70 năm mà thời gian, nhân sự đã làm mai một. Tôi nhớ những năm đầu thập niên 1970 Tổng vụ Văn hóa giáo dục đã từng tổ chức đào tạo Khóa sinh hoạt cộng đồng tại Tổng Vụ Thanh Niên với hơn trăm thành viên tham gia, trong đó có Thầy Minh Tâm, chị Vũ Lan…. và có cả linh mục Tiến Lộc người đang dẫn đầu về các trò chơi nhỏ, sáng tác nhiều bài ca cộng đồng mà chúng ta đang sử dụng đến ngày nay. Cái nhìn của các đoàn thể xã hội thời đó rất nghiêm túc về hướng dẫn các hoạt động tập thể, nhất là bản lãnh điều khiển trò chơi. Ngày nay, các em chỉ có khái niệm làm vui, thiếu những hướng dẫn nghiêm túc bài bản nên cho dù có nhiều sáng kiến, có sức khỏe năng động mà vẫn không vực dậy được phong trào là vậy.

Trại hôm nay sẽ trình bày 10 điệu múa cơ bản, trong đó các huynh trưởng đơn vị có thể sáng tác ra các cử điệu cho bài ca mới, những bài ca chưa có cử điệu và phải tôn trọng ca từ, nhạc điệu không được cắt xén hay thêm thắt để mai sau khi có dịp sinh hoạt với các đoàn khác không làm cho họ lạ lẫm vì một ca khúc mà hai bên ca hát khác nhau. Luân vũ (tour) là các điệu nhạc sẽ thay phiên nhau phát ra, ai thích điệu nào thì sẽ cùng múa điệu đó.

Nhảy múa là một trò chơi luyện tập hình thể, tăng thêm sức khỏe, trợ tiêu hóa…Khuynh hướng ca múa cộng đồng khác với khiêu vũ, xác định nam nữ ca múa tập thể chỉ chạm tay, chân không xúc chạm vào các nơi khác về hình thể. Sau này các trưởng có lẽ vì quá vui nên thiếu ý thức vấn đề này!

– Anh Đức Quảng mở đầu bằng ca khúc Nào cùng mời bước ra làm mẫu.

Sau đó các đơn vị tiếp tục điều khiển:

– Gia Đình Chánh Đạt điều khiển bài Xi –dy-ya với 4 điệu thức.
– Gia Đình Chánh Thọ điều khiển bài Mừng Ngày gặp nhau với 4 cử điệu.
– Gia Đình Chánh Định chế tác mới bài Bốn phương trời với các cử điệu bravo
– Gia Đình Từ Hiếu điều khiển bài Hát to hát nhỏ, chế tác thêm cử điệu theo bài.
– Gia Đình Chánh Giác điều khiển bài “Bam ba ra” cử điệu tay và hoán vị.
– Gia Đình Đại Bi đơn giản với bài Cùng nhau múa của Lưu Hữu Phước.
– Gia Đình Thiện Hoa 3 Đường Đi khó, thêm nhịp chân tới.
– Còn những điệu múa chân như Nào về đây nhịp 3/1 và Hồn lửa thiêng 6 bước chưa thực hiện vì đã hết giờ.

Hầu hết các trò chơi đều được anh Đức Quảng làm nhạc Mp3 phát liên tục phòng khi người hát trước kẻ hát sau sẽ không đồng bộ – Các đơn vị có thể liên lạc với anh Hữu Tài Phạm, chuyên gia âm thanh – ánh sáng để lấy nhạc này.

Gần 2 giờ quay quần với những điệu thức múa vòng tròn và luân phiên đã làm thư giãn tinh thần cùng tạo nên một sự giao lưu khích lệ nhau trong tình lam hiểu biết và gắn bó đằm thắm bên nhau. Mai sau về lại Gia Đình các huynh trưởng phải nhớ áp dụng các điệu ca múa cộng đồng này xen kẽ vào các trò chơi khác để tăng thêm sinh khí chan hòa trong nguồn sống sinh hoạt gia đình.

Đức Quảng

767 lượt xem