Nhớ Ba …!
TIỂU SỬ

CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN

TÂM ĐẠO – PHẠM TRUNG KHÁNH
(1940 – 2002)

Nguyên Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn GĐPT Lâm Đồng
——— oOo ———

Huynh Trưởng Phạm Trung Khánh sinh ngày 12.4.1940 tại một làng quê nghèo miền Bắc: Thôn Đoài, Ngũ Phúc, An Thụy, Hải Phòng. Thân phụ anh là cụ ông Phạm Trung Tựu và thân mẫu là cụ bà Trịnh Thị Thắm.
Năm 1942 cha mẹ anh đưa tất cả các con di cư vào Nam. Ông bà là một trong những công nhân đầu tiên tham gia xây dựng đập Suối Vàng và thủy điện Đa Nhim thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay.
Được nuôi dưỡng và giáo dục trong một gia đình có truyền thống mộ đạo, lấy Phật pháp làm nền tảng căn bản, nên trong anh sớm được huân tập những hạt mầm hướng thiện,tự chọn cho mình một con đường mà sau này khi trưởng thành đó cũng chính là lý tưởng sống để anh rèn luyện bản thân và cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng, thõng tay rời bỏ thế gian: Đó chính là tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Tóm lược đời anh:

1948-1953: Anh tham gia sinh hoạt Gia Đình Phật Hóa Phổ thị trấn D’ran, lúc này anh vừa tròn 8 tuổi, là Oanh Vũ Nam của Gia Đình.
1953-1960: Sinh hoạt GĐPT Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng.
1958: Tham dự trại huấn luyện Huynh Trưởng sơ cấp Lộc Uyển tại Đà Lạt.
1960-1963: Sinh hoạt tại GĐPT Long Thơ, Đà Nẵng.
1962: Tham dự trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp I A Dục tại Đà Nẵng.
1963-1966: Sinh hoạt tại GĐPT Hương Từ, Thừa Thiên – Huế.
1964: Thọ phong cấp Tập.
– Tham dự trại huấn luyện HT cấp II Huyền Trang tại Huế.
1967: Thọ phong cấp Tín.
1967-1972: Sinh hoạt tại GĐPT Phước Duyên, quận 4, Sài Gòn.
1972-1975: Sinh hoạt tại GĐPT Phú Hội với cương vị Liên Đoàn Trưởng, đồng thời anh cũng đảm trách Phụ Tá Uỷ Viên Nội Vụ điều hành Ban Hướng Dẫn GĐPT Tuyên Đức – Đà Lạt.
1975-1996: Uỷ Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn GĐPT Lâm Đồng.
– Sinh hoạt với GĐPT An Lạc, Bảo Lâm, Lâm Đồng.
1995: Hoàn tất khóa tu học trường kỳ Huynh Trưởng bâc Lực.
1996: Hoàn thành khóa huấn luyện Huynh Trưởng cấp III Vạn Hạnh.
– Thọ phong cấp Tấn.
Năm 2002, đúng vào nhằm ngày mồng hai tết Nhâm Ngọ, anh qua đời do căn bệnh ung thư gan, (một điều khó hiểu là, trong suốt cuộc đời mình, anh không hề sử dụng các loại rượu, beer hay thuốc lá).
Ngày 15-2-2002: Anh được Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN truy thăng cấp Dũng GĐPTVN.

Thân thế của anh:

Khi trưởng thành, cũng như bao thanh niên khác cùng thời, năm 1961, Anh khoác lên mình bộ đồ lính ngành quân y, phục vụ tại Quân Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng. Năm 1964, anh được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa, Phú Bài – Huế. Đến tháng 1-1966: Anh theo học trường Sĩ Quan Trù Bị Thủ Đức. Tháng 11-1966, ra trường với quân hàm Chuẩn Úy, được điều động về Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 bộ binh, đóng quân tại Lâm Đồng.
Cũng chính tại nơi đây, anh gặp gỡ cô tiểu thư con một chủ đồn điền trà có tiếng tại An Lạc… Âu cũng là cơ duyên tiền định, nhân duyên định sẵn, anh chân ướt chân ráo về nhận đơn vị đồn trú tại An Lạc; chị Huỳnh Thị Thiên Lý, một tiểu thư khuê các từ Sài Gòn lên thăm đồn điền của ba mình và rồi đám cưới của anh chị diễn ra một thời gian ngắn sau đó.
Tháng 2-1967, nhận thấy sự tàn bạo của chiến tranh, anh quyết định giả điên và được đưa về điều trị tại Khoa Thần Kinh, Tổng Y Viện Cộng Hòa, Sài Gòn cho đến tháng 12 cùng năm ấy anh nhận quyết định giải ngũ vĩnh viễn.
Trở về là một dân thường, anh vào làm phiên dịch trong Thương Cảng Sài gòn cho đến năm 1972. Thời gian này, gia đình anh sống tại khu chợ Xóm Chiếu, quận 4.
Một hôm, sau giờ tan ca về đến nhà, anh bất chợt chứng kiến hai đứa con trai lớn của mình đang cùng chơi với một số bạn trong sân nhà. Trong một lúc tranh cải của trẻ con, đứa con trai đầu lòng của anh tuôn ra một câu chưởi thề. Anh điếng người đứng sững nhìn con. Đây là điều tuyệt đối cấm kỵ trong gia đình. Ngay lập tức anh chị có quyết định rời xa môi trường sống phức tạp của chốn Sài Thành hoa lệ, đưa các con về sống tại Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Anh là một con người của xã hội. Anh sở hữu một giọng ca mượt mà, nồng ấm, lay động lòng người và đã từng có thời gian góp giọng trong chương trình văn nghệ chiều thứ bảy của Đài Phát Thanh Sài Gòn chung với các văn nghệ sĩ thời bấy giờ với nghệ danh Đăng Khánh. Nhưng rồi để bảo vệ hạnh phúc gia đình, anh quyết định từ bỏ nghiệp cầm ca.
Anh thường nói với các con: “Là một Huynh Trưởng GĐPT không những phải gương mẫu trong gia đình mà còn phải gương mẫu và ảnh hưởng trong xã hội, không được lãng tránh mà phải đem cho được tinh thần giáo dục của GĐPT gây ảnh hưởng đến cộng đồng chung quanh, nơi mình cư ngụ, những nơi mình đến… Đó là một trong những đức tính của hoa sen các con đeo trên ngực”. Vì lẽ đó mà khi sống ở đâu anh cũng sẵn sàng tham gia vào công tác xã hộinơi địa phương đó.
Từ năm 1975 đến năm 1989, anh đảm trách nhiều vai trò khác nhau trong xã hội, phục vụ nhiều lợi ích cho cộng đồng dân cư khi gia đình chuyển về sống tại Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đồng.
Anh có 6 người con thì hiện nay có 3 người là Huynh Trưởng cấp Tín, 1 Huynh Trưởng cấp Tập, 1 Huynh Trưởng Tập Sự. Tất cả dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại của anh đều là Huynh Trưởng và là Đoàn Sinh trong tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

DŨNG VÀ ANH

‘Nhớ về người anh Lam của tôi Tâm Đạo – Phạm Trung Khánh’


Nhớ về anh em làm bài thơ nhỏ
Như thầm mong anh hiểu đứa em khờ
Mấy mùa xuân em chịu cảnh bơ vơ
Khi lặng lẽ anh đi vào miên viễn

Cỏi ta bà bao nhiêu điều thực tiễn
Chuyện buồn vui pha lẫn sự đắng cay
Khi vấp ngã, thật sự !em mới hay
Lời anh dạy em chưa làm trọn vẹn

Nhưng em hứa, không bao giờ lỗi hẹn!
Với màu lam, vẫn kiên định một lòng
Ngọn lữa dũng sưởi ấm trái tim hồng
Như bài pháp không lời anh gởi lại

Anh ung dung như không hề lo ngại
Trước hung tin bạo bệnh đến bên mình
Trên môi anh luôn nở nụ cười xinh
Dù phải chịu từng cơn đâu quặn thắt

Nhưng mắt anh vẫn một màu trong vắt
Của niềm tin, lý tưởng, một màu Lam
Dũng trong anh mạnh mẽ đến phi phàm
Em hãnh diện được làm người em nhỏ

Soi bóng anh như trăng rằm sáng tỏ
Và hiên ngang cao lớn đến lạ thường
Giữa trời đất bao nhiêu cảnh nhiễu nhương
Nghĩ về anh. Vẫn, thấy đời đẹp lạ!

543 lượt xem